Ở quê hương Quảng Trị [QT] chúng tôi có chuyện các bà mẹ đi tìm đầu
con trai mình bị giặc Pháp giết chết rồi chặt đầu. Đó là bà Nguyễn Thị Đệ (tức
bà Nghè Lượng) làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng và bà Diêu Cháu, bà
Hoàng Thị Sáng làng Mai Xá, huyện Gio Linh. Các bà mẹ này đều có con trai bị
giặc Pháp tra tấn dã man rồi chặt đầu đem cắm lên cọc tre bêu diếu ngoài cổng
chợ.
Bà Đệ có con
trai đầu là Trần Tuân (cựu học trò Quốc học Huế), cán bộ tuyên truyền huyện Hải
Lăng), do bọn Việt gian chỉ điểm nên bị giặc Pháp bắt vào đêm 24-4-1948 cùng
với 6 cán bộ khác của xã tại thôn Phường Sắn (gần nhà thờ La Vang). Những người
bị bắt hôm đó gồm có: Trần Tuân (người Long Hưng), Đào
Nhượng, Lê Thanh, Lê Mão (người An Thái), Nguyễn Phàn, Bùi Phước Sanh (người Ba
Khê) và Văn Ngọc Cẩn (người Phường Sắn). Sau đó giặc đưa vào thị trấn
Diên Sanh giam một tuần để tra tấn rồi bọn giặc đem chặt đầu cả 6 người và cắm
trên cọc tre dọc đường đến gần chợ Diên Sanh. Riêng anh Văn Ngọc Cẩn (con ông
lý Văn Ngọc Hồng) thì bị thủ tiêu mà không đem chặt đầu bêu như 6 người nói
trên.
Bà Đệ nghe tin
giặc đã chặt đầu con mình, bà vô cùng đau thương khóc cạn nước mắt rồi lặng lẽ
đi vào Diên Sanh nhìn đầu con và xin lấy đầu về mai táng cho con, nhưng bọn
giặc không cho. Chúng nói bảo để cả ngày mai nữa. Nhưng đêm đến, bà Đệ đã nhờ
người quen tìm cách lấy đầu anh Trần Tuân và các anh khác về cho gia đình chôn
cất.
Còn bà Lê thị
Cháu (tức Diêu Cháu) có con trai là Nguyễn Đức Kỳ(Xã đội trưởng) và bà Hoàng
Thị Sáng có con trai là Nguyễn Phi (cán bộ bình dân học vụ xã) đã hy sinh vào
ngày 16-8-1948 cùng cảnh ngộ bị giặc Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được và giết chết
rồi chặt đầu đem bêu ngoài cổng chợ vùng Gio Mai, huyện Gio Linh. Sau đó bà
Diêu Cháu và bà Sáng nghe tin con bị giặc chặt đầu đau xót vô cùng và đi lấy
đầu con về chôn cất.
Chủ trương của
giặc là cắm các đầu của những người chúng giết để bêu diếu ở nơi đông người qua
lại như chợ địa phương cho nhiều người trông thấy để về loan tin cho nhau biết rộng
rãi nhằm mục đích làm cho đồng bào sợ hãi không giám cho con em đi theo Việt
Minh.
Sự kiện dã man,
tàn bạo ấy của giặc hòng đe dọa đồng bào ta lo sợ không dám theo cách mạng. Nhưng chúng đã nhầm
to, sau những vụ giết người dã man chưa từng thấy như vậy của giặc thì ngọn lửa
căm thù giặc của dân chúng khắp nơi lại càng bốc cao hơn và họ quyết tâm theo
cách mạng để diệt loài xâm lăng tàn bạo.
Nghe câu chuyện
cảm động về bà mẹ có con đã hy sinh như vậy, nhạc sĩ Phạm Duy trong chuyến đi
thực tế vào QT đã đến Gio Linh và sáng tác bài hát; “Bà mẹ Gio Linh” (năm 1948).
Bài hát này đã vang lên một thời ở Bình, Trị, Thiên trong vài năm đầu chiến
tranh chống giặc Pháp. Lời bài hát như một bài thơ đi cùng giai điệu nhạc buồn giản
dị dễ nghe nhưng rất tình cảm, rất chân thực và đầy lòng nhân ái, sâu sắc ý
nghĩa nhân văn. Chính giá trị lịch sử của bài ca “Bà mẹ Gio Linh” này đã được
tái bản trong tuyển tập nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy gần đây và được đông đảo
người dân Việt trân trọng và ngưỡng mộ hết lòng.
Bài ca “Bà mẹ
Gio Linh” đã được nhiều người ưa thích và hát ca trong thời kháng chiến. Còn
các ca sĩ đã từng hát bài này đầu tiên là chị Tân Nhân (người làng Mai Xá, Gio
Linh); ca sĩ Hương Loan (làng Nại Cửu, Hải Lăng). Về sau này có nhiều ca sĩ đã
hát bài này và có thu băng, ghi đĩa như: Khánh Ly, Duy Quang, Duy Khánh, Hương
Lan, Thái Thanh, Thu Hiền, v.v… Trong đó hát hay nhất là các ca sĩ Khanh Ly,
Duy Quang, Duy Khánh. Giọng hát và lời ca của các ca sĩ này rất ấm áp, tình cảm
yêu thương mà không rên rỉ tiều tụy.
Phần ca từ trong
bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy đặt rất hay như ba đoạn thơ miêu tả hoàn cảnh và sự
biến chuyển tình cảm qua từng thời khắc cuộc đời của một bà mẹ nghèo ở miền quê
QT nhưng rất giàu lòng yêu nước Việt Nam. Chẳng hạn trong các câu hát:
“Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi, bát đầy...”
….
“…Con đi dân quân sớm tôi vác súng về,
mẹ mừng một con yêu nước có kém chi…”
….
“…Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu…”
….
“Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu…”
…
“Khi trông con nuôi, xum xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con, thương nhớ đứa con xưa
Con ơi, con ơi, uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây…”
Đoạn cuối lời
bài ca đã nói lên tấm lòng của người mẹ đã coi các chiến sĩ bộ đội ta như con nuôi.
Càng nhớ thương con mình bao nhiêu thì càng quý những đứa con nuôi bấy nhiêu.
Tuy lời bài hát:
“Bà mẹ Gio Linh” sau này có thay đổi chút ít so với bản gốc năm 1948. Có phải
do nhạc sĩ Phạm Duy sửa lại hay do các ca sĩ tự cải biên cho thích hợp với thời
thế hay không? Nhưng dù sao thì linh hồn của bài ca “Bà mẹ Gio Linh” vẫn được
sống mãi với thời gian.
Chúng tôi rất
cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho quê hương QT chúng tôi một ca khúc đầy
tình nghĩa như thế! Đồng thời chúng tôi cũng xin cám ơn các ca sĩ đã đem giọng
ca của mình làm rung động bao trái tim người dân Việt khắp nơi hình dung lại
một thời tổn thất lớn lao của người dân Việt trong khói lửa chiến tranh.
Giờ đây, hằng
năm cứ mỗi lần đến ngày Thương binh -Liệt sĩ, chúng tôi lại nhớ những sự kiện
đau thương của các mẹ có con hy sinh cho quê hương đất nước tồn tại muôn đời…
Phước Vĩnh Huế, tháng
7 năm 2012.
NHT
No comments:
Post a Comment