Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 30, 2019

CÁI HOẠ CỦA “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN” (Bài 2) – Lê Nghị


                   Tác giả Lê Nghị


Bài 2:

CÁI HOẠ CỦA “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN”

(Tiếp theo của bài: MỘT CÁCH NHÌN VỀ HỌC THUẬT CỦA MỘT “TÍN ĐỒ THANH TÂM TÀI NHÂN CHỦ NGHĨA”)

Phần 1:
Tiếp chuyện Kim Vân Kiều truyện ở Nhật của Đoàn Lê Giang.

Trong bài 1, nói về nguồn gốc Truyện Kiều tôi chỉ phê phán những “tín đồ của Thanh Tâm Tài Nhân giáo chủ” mà thôi. Những người vô tình tin theo “học thuật tay dọc” hoặc họ đã từng tin mà đang lắng nghe thì không thuộc diện tay dọc đó.

Giáo sư Đoàn Lê Giang đã viện dẫn lại trong 2 bài của giáo sư rằng tôi cho giáo sư giả mạo tài liệu là điều không đúng sự thật. Sau khi trình bày tôi chỉ viết: Tóm lại Benoit không nói gì đến cuốn Tú Tượng Thông Tục Kim Kiều truyện, Benoit chỉ nói không có cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân dịch ra tiếng Nhật năm 1763 (trước Nguyễn Du sinh ra 2 năm). Theo thẩm định của Benoit Năm 1763 tiểu thuyết Tàu được dịch sang tiếng Nhật là cuốn Song Kỳ Mộng truyện. Rất mong giáo sư đính chính hoặc phản biện nếu không người khác trong đó có tôi nghĩ rằng giáo sư uốn cong ngòi bút và bẻ lái học thuật.

      
                             Nội dung Song Kỳ Mộng truyện 
   (dẫn theo Tôn Khải Đệ năm 1930, Trung quốc Thông sử)

Không nhắc đến không có nghĩa là không có. Dù lời bình luận ban đầu, và bài viết sau đó của ĐLG không được hay, nhưng rồi giáo sư cũng trưng ra bằng chứng ảnh chụp tư liệu Thông Tục Kim Kiều truyện bằng tiếng Nhật và cuốn A953 lưu tại Viện Hán Nôm. Xem như so sánh 2 văn bản đó giống nhau!?
Câu hỏi chính của tôi là có cuốn Kim Vân Kiều truyện bằng Hán Văn qua Nhật năm 1763 hay không? Vì sao Benoit lại nói đó là cuốn Song Kỳ Mộng truyện, thì giáo sư lại đưa ảnh các cuốn đó để tạo một suy luận trung gian thôi. Bài hôm nay tôi xin phân tích giáo sư trả lời chúng tôi trong phần bình luận. Chúng tôi vẫn xem đó là ý kiến bổ sung giải đáp thắc mắc:

“Đoàn Lê Giang:
Gửi thêm cho nhóm bác Lạc Nguyên mục từ "Kim Vân Kiều truyện" trong "Trung Quốc văn học đại từ điển", tập 5, xuất bản ở Đài Loan, 1991, trong đó có nói rõ: Kim Vân Kiều truyện là tiểu thuyết bạch thoại của Thanh Tâm Tài Nhân đời Thanh (chỉ biết hiệu như vậy mà không biết tên thật là ai), có 20 hồi. Bản cổ hiện lưu ở Thư viện Đại Liên (Đổng Văn Thành đã đọc được bản này) và Thư viện Nội các Nhật Bản. Hai bản này đều được Benoit và Nguyễn Nam nhắc đến. Tác phẩm này còn có tên "Song kỳ mộng" (bản ở Harvard Yenching có tên này). Sau đó từ điển thuật lại toàn bộ nội dung tiểu thuyết đúng như Kim Vân Kiều truyện mà ta đã biết..."
(Những nội dung Khuyên bảo khác chúng tôi không quan tâm)”

Ở bài viết năm 1995 nói trên, bài viết năm 2015 so sánh Phong tục Kim Ngư nữ với Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện. Trong đó lai lịch của Kim Ngư nữ là phóng tác từ Thông tục Kim Kiều truyện. Truyện này giáo sư cho là được dịch từ cuốn Kim Vân Kiều của TTTN năm 1763. Trong 2 bài viết 1995 và 2015 Giáo sư không hề nói Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân còn gọi là Song Kỳ Mộng truyện. Chi tiết này giáo sư mới trả lời tôi sau khi tôi hỏi lại một ngày. Vậy giáo sư thừa nhận cuốn được dịch đầu tiên ở Nhật năm 1763 tên là Song Kỳ Mộng. Benoit nói và tôi thuật lại không sai.

Mấu chốt vấn đề là chỗ đó. Nhưng còn bước thứ hai vì sao tự động giáo sư gọi tên Song Kỳ Mộng khuyết danh thành Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân?
Nếu giáo sư chứng minh được hai cuốn đó có cùng tên và cùng một nội dung thì không có gì tôi phải thắc mắc. Đương nhiên giáo sư không chứng minh được thì tôi nói giáo sư đã cố ý áp đặt để bảo vệ quan điểm của mình.

Đây là việc đối chiếu 2 tư liệu giữa Benoit và giáo sư. Giáo sư đã trình bày chuỗi suy luận trên.

Riêng đối với tay ngang thì những bằng chứng đó cho phép giáo sư suy diễn thôi, không thể xem là sự thật đã chứng minh xong. Bởi vì Thông tin Benoit vẫn khác, (có ảnh kèm). Vì vậy bổ sung của giáo sư chưa thuyết phục. Giáo sư đã có cuốn của Benoit không tin thì giáo sư so lại. Ở đây xin nhắc nhanh cho bạn đọc dễ hiểu khi đọc ảnh:

 - Một là, Song Kỳ Mộng truyện lưu tại thư viện Đại Liên khuyết danh. Nội dung Song Kỳ mộng là lược bản của Tiểu thuyết Câu Trần. Chúng tôi không biết Tiểu Thuyết Câu Trần viết gì nhưng không thể tin nội dung nó giống Kim Vân Kiều A953. Lý do Tả Đông năm 1962 miêu tả trong : “Quan vu Vương Thuý Kiều cố sự nhất điểm bổ sung” thì Song Kỳ Mộng chỉ là một bổ sung cho câu truyện Vương Thuý Kiều. Trong khi truyện ngắn Vương Thuý Kiều của Dư Hoài chỉ 3 trang giấy in. Vậy thì một điểm bổ sung, chứ không phải nhiều điểm bổ sung, cho ta biết có thêm một tình tiết nào đó, chứ không phải là toàn bộ tình tiết biến một truyện ngắn trở thành một cuốn tiểu thuyết dài hơi giống A953.

- Hai là: Song Kỳ Mộng, chính học giả người Hoa Tôn Thất Đệ đã ghi trong cuốn Trung Quốc Thông Sử năm 1930, ông còn nói Kim Vân Kiều biệt tích ở Trung Hoa. Nếu hai cuốn là một thì sao ông nói vậy? Và sao mãi đến 1981 Đổng Văn Thành mới tìm thấy? Nếu ngày nay ai đó trưng ra bức ảnh bìa rất cũ ghi Song Kỳ Mộng truyện tức KVKT của TTTN là tin được sao?

Như vậy, từ bằng chứng lịch sử thư mục người Hoa, không có lý do gì gọi Song Kỳ Mộng khuyết danh thành Kim Vân Kiều truyện tác giả là TTTN được. Cho nên cuốn Song Kỳ Mộng Truyện lưu tại Nhật không phải là Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân như giáo sư trả lời.

         
                              Thẩm tra các bản Kiều tại Nhật

Cuốn Kim Vân Kiều lưu ở Tokyo là cuốn khác với Song Kỳ Mộng truyện. Giáo sư có bị nhầm không? Các bản Kim Vân Kiều lưu tại Tokyo tiêu đề đầy đủ gần giống như A953 quyển 2: Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện (không nhắc tới Kim Thánh Thán Ngoại Thư). Đây mới là bản đáng nói, vì nó giống với A953 chứ không phải cuốn Song Kỳ Mộng truyện dịch năm 1763 mà giáo sư nghĩ là Kim Vân Kiều truyện của TTTN, do Đại Từ điển Tàu 1991 ghi ào. Họ muốn ghi sao chả được. Họ có thiệt gì đâu mà lợi là cái chắc.

Cần nói tại Nhật có 2 bản Kim Vân Kiều. Một lưu tại Đông Dương nghiên cứu Sở thuộc Đại học Tokyo, một lưu tại Nội các văn khố. Một quyển gọi là in thời nhà Thanh nhưng cả Tôn Thất Đệ lẫn Benoit không xác định được niên đại. (Nhà Thanh tồn tại đến 1914, sau Nguyễn Du mất 94 năm), do đó chưa đủ căn cứ nói “nhà Thanh” là phải trước Nguyễn Du. Theo Kin Un Gyo Ko học giả Nhật (Kim Vân Kiều khảo), mặt sau quyển 4 tức quyển cuối cùng lưu tại Đông Dương Nghiên cứu Sở có in: niên đại Văn Uyên 32 tức 1938. Nghĩa là nó được in sau A953 Việt Nam đến 54 năm. Đây mới là bằng chứng quan trọng, vừa giống A953, vừa xa niên đại 1884, cho thấy nó có thể là truyền bản của A953 Việt Nam chứ không nhất thiết từ Tàu. Vì sau 1925 thì bản A953 của Việt Nam đã được dịch và tái bản liên tục, nghĩa là các dịch giả đã có bản sao.
Giáo sư có chụp ảnh cuốn Kim Ngư nữ lẫn Thông Tục Kim Kiều truyện là 2 cuốn truyện tiếng Nhật. Cuốn trước là phóng tác cuốn sau. Nhưng cuốn Hán Văn để dịch ra Thông tục Kim Kiều truyện tiếng Nhật lại không có (vì thực sự nó không còn)

       
                                  Văn Uyên 32: năm 1938

Ảnh cuốn Kim Vân Kiều ở Nhật có ghi Thanh Tâm Tài Nhân là nguồn tin cậy nhưng như nói trên không có niên đại, và một cuốn thứ 4 niên đại 1938. Ảnh giáo sư nêu không phải là cuốn qua Nhật năm 1763, thời điểm mà chúng tôi cần chứng minh. Như chúng tôi đã nói trong nhiều bài khác, cái tên Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện ở Việt Nam năm 1925 và năm 1926 Cổ Thực đã ghi vào thư mục trong một cuốn văn học sử Trung Hoa rồi. Cho nên cái tên Thanh Tâm Tài Nhân 1938 không còn giá trị đối chứng với Thanh Tâm Tài Tử 1830 của Minh Mạng, xuất hiện trước 100 năm.

Tiếp thêm điểm nữa, giáo sư trả lời tôi trong phần bình luận:  
“truyện Vương Thuý Kiều được phát hiện ở nhà bác ruột của Nguyễn Du chứng tỏ Kim Vân Kiều truyện của TTTN đã từng lưu truyền qua Việt Nam”.

Xin thưa, Truyện Vương Thuý Kiều đâu phải là truyện Kim Vân Kiều? Nhận định này cho thấy giáo sư sao sao ấy! Chẳng lẽ giáo sư không biết sự khác nhau giữa một truyện ngắn và một tiểu thuyết trường thiên. Còn nếu đã biết thì vô tình giáo sư ủng hộ chúng tôi, vì chúng tôi đã khẳng định điều này.

Truyện Vương Thuý Kiều là truyện ngắn 3 trang giấy của Dư Hoài. Chính là truyện Nguyễn Du đọc trong Lục Phong Tình và đã mượn tên 3 nhân vật: Kiều - Từ Hải- Hồ Tôn Hiến cộng với các nhân vật hư cấu làm nên tập thơ Kiều. Có thể Nguyễn Du còn kết hợp thêm phần cuối truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, vai cháu rể nhưng lớn tuổi hơn Nguyễn Du, là cuốn truyện thơ Nôm hay nhất trước Truyện Kiều. Lời thơ Nguyễn Du ảnh hưởng ngôn từ Hoa Tiên khá nhiều. Ai đọc Hoa Tiên thì thấy rõ.
Nguyễn Du còn kết hợp với kiến thức uyên bác sử sách nên mới gọi đích danh: Hồ Tôn Hiến, trong khi Thanh Tâm Tài Tử chỉ gọi theo Vương Thuý Kiều của Dư Hoài là: Đốc phủ. Đương nhiên ông còn kết hợp với cuộc đời từng trải, kết cấu nên Đoạn Trường Tân Thanh.
Đồng thời truyện Vương Thuý Kiều, truyện Hoa Tiên cũng là chất liệu cho các Thanh Tâm Tài Tử đi sát bình giảng thơ Kiều hình thành nên cuốn văn xuôi A953.

Tóm lại:
Giáo sư đã đưa thông tin tại Nhật mà giáo sư biết chứ chưa phải là đầy đủ chứng cứ xác định sự thật. Sự suy diễn Song Kỳ Mộng khuyết danh là Kim Vân Kiều có tên tác giả Thanh Tâm Tài Nhân là chỗ gãy của chuỗi suy luận, nếu không muốn nói là suy luận buồn cười.

Tin vào tự điển của Tàu năm 1991 hay tin vào công trình tiến sĩ Mỹ từ 1981, là quyền của giáo sư. Nhưng những chứng cứ giáo sư đưa ra tự nó chống lại quan điểm hiện có của giáo sư.
Còn chúng tôi đã trình bày xong sự kết luận Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu qua Nhật năm 1763 là vô căn cứ.

Phần 2:
Hiện tình “kinh” Kim Vân Kiều Truyện của Ông Giáo chủ vô hình Thanh Tâm Tài Nhân tồn tại ở đâu?

Nhân việc giáo sư dẫn nguồn của tiến sĩ Nguyễn Nam trả lời thay cho giáo sư: Những thẫm định mới về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Chúng tôi nhắc lại rằng cùng một hiện tượng, một hồ sơ thì mỗi người nhìn nhận lại khác nhau, vận dụng khác nhau. Chúng tôi cũng có chỗ chưa đồng thuận với tiến sĩ Nguyễn Nam, cũng có chỗ đồng thuận.
Nhưng qua thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Nam đã đưa ra hai góc nhìn cơ bản về thái độ của Tàu và của Tây phương, giúp cho ta một cái nhìn tổng quát, không những liên quan đến nguồn gốc truyện Kiều mà còn cho thấy nguy cơ ta đánh mất di sản văn hoá dân tộc.

- Với Tây thì thái độ học giả vô tư, trúng trật gì cũng nói xong rồi đi.

- Học giả người Hoa thì khác, về nguồn gốc truyện Kiều, đến nay họ nói là Kim Vân Kiều truyện, tác giả tên Thanh Tâm Tài Nhân. Xem ra chỉ là một bút hiệu áp đặt mơ hồ, vì Tàu đã cố tình gán cho nhiều truyện từ 1556 - 1707 từ giữa Minh đến đầu đời Thanh nếu khuyết danh đều là của TTTN, nghĩa là ông này sống (132- 151 tuổi). Họ cũng thừa nhận như giáo sư ĐLG đã nói trong trả lời viện dẫn của Đại từ điển 1991: không biết Thanh Tâm Tài Nhân là ai.
Chính học giả họ còn cãi nhau có vị tặng cho Kim Thánh Thán, vị khác tặng cho Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân. Nhưng nhất định không tặng cho Thanh Tâm Tài Tử Việt Nam. Vì giới học thuật tay dọc Việt Nam tự nguyện từ chối cái danh tính ấy rồi! Hội trưởng hội hữu nghị Việt - Trung Bùi Kỷ khi già đãng trí chính thức từ chối chứ ai! (Tường thuật của Hoàng Dật Cầu trong cuốn dịch Kiều ra thơ Hán- Phạm Tú Châu dịch). Tóm lại tay ngang này nghe họ nói Thanh Tâm Tài Nhân là ai họ không biết, nhưng dựa vào bút danh đó thì phải là người Hoa. Hình như họ giải thích Thanh Tâm hợp lại là tình. Tài nhân là người hầu. Tóm lại đó là một người vì tình hữu nghị lâu đời mà cung phụng!

- Từ 1957 đến nay thái độ của học giả người Hoa đánh giá truyện Kiều của Nguyễn Du khác dần. Bắt đầu là Hoàng Dật Cầu khen nức nở Nguyễn Du là thiên tài sáng tạo. Giới học thuật nở mũi vì cái tình hữu nghị ngàn đời bền vững mà Hoàng Dật Cầu nhắc lại. Sau đó về nước tặng lại cho viện Hán Nôm 3 quyển 2,3,4 của nhà xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ in năm 1957 có in Quán Hoa Đường. Tiếp đến là Đổng Văn Thành khóc thảm thiết vì tổ quốc vĩ đại đã bỏ rơi một tác phẩm vô giá. Giới học thuật tay dọc cũng muốn tét mũi. Sau đó là Lý Chí Trung tuyên bố tìm ra cuốn Kim Vân Kiều ở thư viện Đại Liên năm 1981. Viết bằng chữ giản thể, văn phong hay hơn cuốn A953 nhiều, đến nỗi át cả Hồng Lâu Mộng. Mừng thay cho nước bạn!
Nhưng năm 1983, Đổng văn Thành bất ngờ nổ pháo vào tượng đài văn hoá Nguyễn Du: xét toàn diện thì Nguyễn Du đã làm mất vẻ đẹp của Nguyên tác. (nguyên văn bôi bác khủng khiếp chúng tôi sẽ đăng sau). Giới tay dọc Việt Nam ngơ ngác. Chú người Việt gốc Hoa An Chi viết bài phân tích thừa nhận Nguyễn Du dịch chuyện Tàu mà dịch hay, Đổng chẳng hiểu thơ lục bát. Trần Ích Nguyễn Đài Loan phản đối Đổng tựu trung cũng như An Chi. Để chắc ăn ông xin vào viện Hán Nôm tham khảo. Được tiếp đón trân trọng. Để trả ơn, Trần giúp Viện Hán Nôm sắp xếp cổ thư. Rốt cuộc tất các vị bạn bè hữu hảo đó đều xâm nhập được tài liệu viện Hán Nôm. Có tác động thế nào không rõ, nhưng Trần Ích Nguyễn nghe nói chưa vào thư viện quốc gia, nhưng thống kê trên mạng tất cả các tác phẩm nào liên quan tới Kiều đều chú thích: nguyên tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân! (bảng này chúng tôi đăng trong bài : Suy nghĩ về số phận của Truyện Kiều)
Và từ 1983 đến nay người Hoa đang ra sức trau chuốt lại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (bản Lý Chí Trung). Những bài viết sau này của họ nếu không chê Nguyễn Du thì cũng khen Thanh Tâm Tài Nhân tót vời. Ngày nào đó tác phẩm Kim Vân Kiều truyện sẽ lên phim, người ta sẽ yêu nàng Kiều Trung Hoa, thế giới sẽ chỉ biết đến TTTN Trung Quốc. Không thấy diễn biến đó có gì giống như quan hệ hữu hảo để gặm dần Hoàng Sa, Trường Sa, rồi lưỡi bò, Tư Chính đó sao? Vì bản đồ biển Đông của Tàu có từ thời Đường. Theo họ là thuộc chủ quyền của Tàu không thể tranh cãi!

- Thái độ “học thuật tay dọc” Kiều học làm gì cho dân tộc trước thái độ của học giả Tàu? Họ đi từ không biến thành có, từ cái có cuốn bình giảng dỡ hơi của người Việt biến thành tuyệt tác Trung Hoa.
Khởi đầu âm mưu khó thấy, vài bậc đàn anh ngây thơ, họ đã khuất không trách. Còn tay dọc hôm nay họ làm gì? Hoá ra họ chỉ giỏi gà nhà đá nhau. Tiếp cái loa cho Tàu. Đôi người vờ phản đối trên cơ sở khẳng định Nguyễn Du đã dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng như An Chi thôi, chẳng có gì lạ. Họ bỏ qua tính dân tộc, họ nhân danh điều gì? Khoa học, sự thật chăng?

Cho dù bằng chứng giáo sư nêu ra chắc ăn như bắp (huống chi bằng chứng đến nay cũng mơ hồ đã trình bày trên) thì cũng chỉ từ 1995. Thế thì sao giáo sư lại khẳng định điều này Nguyễn Du dịch Kim Vân Kiều Truyện từ 40- 50 năm trước? Có phải rằng từ thời đó “Kinh Kim Vân Kiều Truyện của ông thánh Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu” đã và đang tồn tại trong đầu các vị tay dọc, rồi truyền trong sách giáo khoa cho thế hệ sau, trong đó có giáo sư, một niềm tin vong thân không?

                                                                           Lê  Nghị

(còn tiếp bài 3: CÁC VẤN ĐỀ VĂN BẢN Ở VIỆT)

No comments: