Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Mai Nguyên giảng viên ĐHKH Huế Chủ biên Tập san HQN - Nguyễn Hoàng, TP.HCM |
Đã nhiều lần tôi về thăm Quảng Trị nhưng
chưa lần nào tôi thấy hạnh phúc và vui như lần này. Trở lại Sài Gòn gần hơn nửa
tháng rồi mà lòng vẫn nao nao nhớ những hình ảnh bạn bè ngày họp mặt, những
giây phút đi cùng nhau trên chuyến xe 12
chỗ tham quan những địa danh lịch sử, những
sáng chiều chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe cộc cạch đi khắp những con đường phủ
đầy bóng cây xanh xuyên qua các làng mạc thân thương của quê hương. Lần về quê
này tôi quyết tâm tìm hiểu và thưởng ngoạn hết tất cả những gì của mảnh đất
mình được sinh ra và lớn lên, để cùng thương cùng nhớ cùng chia vui sẻ buồn khi
có ai nhắc đến những khắc khổ cũng như những lớn mạnh của quê nhà. Thời thơ ấu tôi sống hơi khép kín, nên vốn
mang tiếng là dân xứ gió Lào cát bụi mà tôi chưa hề biết chợ Sãi có món nem lụi
thơm lừng, chưa một lần dừng chân ở chợ Diên Sanh để ăn cháo bột đậm mùi ném ruốc,
chưa hề ngắm được bãi cát trắng với hàng dương xanh của Cửa Tùng, Mỹ Thủy... Lần
này tôi đã đi hết và bây giờ ngồi đây, giữa đất Sài Gòn xa vạn dặm tôi có thể vẽ
bản đồ quê hương Quảng Trị trong tầm tay. Ôi! Hạnh phúc làm sao khi có những
ngày tôi đã tắm mình trong không khí dịu ngọt của quê nhà, nơi đó bây giờ không
còn nghe tiếng đạn pháo rì rầm ngày đêm mà ngập tràn một màu xanh vui tươi của đất
nước hòa bình . Đẹp và quyến rũ lắm bạn ơi. Các bạn hãy cùng tôi đi qua những lối
cũ ngày xưa nhé!
* * *
Qua 20 tiếng đồng hồ nằm nghe tiếng con
tàu SE6 chạy băng qua bao nhiêu tỉnh
thành cuối cùng tôi cũng đến được Đông Hà vào lúc 6 giờ chiều ngày 3 tháng 8 . Tôi tưởng sau những
ngày bị bệnh mình không khỏe kịp để ra dự ngày hội trường, lòng nôn nao quá vì
cứ nghe bạn bè réo gọi nên tôi cứ thúc dục cơ thể mình mau mau bình thường bằng
những vĩ thuốc kháng sinh kèm với những viên thuốc bổ, những miếng nhung do bạn
bè gửi tặng. Cuối cùng tôi cũng kịp dậy đồng hành với ông Phái bằng chuyến tàu
trễ nhất trong đêm. Đông Hà hiện ra đã vào tối, không khí mát dịu làm tôi quên
hết mệt nhọc của chuyến đi. Có tiếng điện thoại reo khi vừa bước chân đến nhà
cô em. Nhà thơ Phan Văn Quang, anh Trần Tích, Y Thi và cậu chú em Nguyễn Đức
Tiên mời ra quán Gió Lào ở bờ sông uống cà phê tâm sự, tôi không dám đi vì phải
lo chuẩn bị cho ngày mai. Anh Phái không khước từ được nên theo bạn lai rai mãi
cả gần hơn tiếng đồng hồ mới về. Nghe đâu
nhóm Trị, Mừng, Liên Hưng, Quang Tuyết cũng đang xôn xao ở một góc nào đó còn
nhóm anh Bảo, Thăng, Hạt, Loan . . . thì
đang ở Hương Biển thị xã xưa.
Sáng sớm hôm sau, ngày 4 tháng 8, tôi vinh dự được
cậu chú em cho quá giang xe vào Quảng Trị
tham dự ngày họp mặt. Cậu chú em mời ra mắt bà chị một chầu ăn sáng thật ấn tượng:
Cháo đầu heo. Đúng là ấn tượng vì khi ra đi thì ai cũng đồn đãi QT đang có dịch
heo tai xanh mà về đây người ta vẫn bình thản ăn và sống, có sao đâu. Và thế là
từ đó vợ chồng tôi cứ ăn thịt heo thoải
mái không kiêng cử gì ráo. Ăn sáng xong tôi được xe đưa đến trước cổng trường
trung học thị xã Quảng Trị, dè dặt bước
chân vào đất của trường Nguyễn Hoàng xưa, tôi thấy một chút vừa thân quen vừa
xa lạ, xa xa lác đác vài người tìm bạn.
Không lẽ mình đi sớm quá, tôi vừa đi vừa cố tìm xem hội trường tổ chức nằm ở đâu,
té ra sau ngôi nhà lớn và đang đông nghịt người . Vui quá là vui. Bạn bè thấy
tôi reo lên rồi cứ thế kéo nhau ghi hình. Lớp mình đâu, chụp hình. Tiếng Ngọc
Lan vừa nói vừa kéo từng người để chụp hình mà có ai chịu đứng yên đâu. Máy đang
nháy, chưa nháy thì đã có người ôm, người la … Trời ơi Thủy rồi trời ơi Thảo,
Nhụy, Vinh, Thúy, Liễn, Tĩnh và cứ như thế mãi nên bây giờ tấm hình nào rọi ra
cũng lộn xa lộn xộn . Tôi vừa là phó nhòm vừa là người trong ảnh nên chạy ra chạy
vào lăng xăng hơn. Ai cũng hỏi ông Phái đâu . Trời, ông theo bạn ông, bạn làng,
bạn thơ, bạn văn nghệ, bạn học trò của ông, tôi đâu có thì giờ tìm ông trong đám
người đông gần cả ngàn thế này. Giờ xem ảnh thấy không có mình, anh cứ bảo sao
không thấy anh đâu cả. Cho anh rút kinh nghiệm một lần không sao. Chung quanh
mình ai cũng quen quen lạ lạ nhìn nhau cười cười và phải tự giới thiệu tên mới
hy vọng ký ức cho nhớ lại. Tội nghiệp
anh Thái Tăng Trai, Ngọc Lan kéo tới giới thiệu với tôi, anh Trai học cùng lớp
nhị A với tụi mình đây này. Ôi! Anh Trai lạ hoắc và cái tên tôi nghe cũng lạ
luôn. Không nhớ nỗi. Thế mà trong suốt buổi họp mặt anh cứ luẩn quẩn bên chúng
tôi và chụp hình với chúng tôi, chắc anh xúc động lắm. Về tới Sài Gòn tôi vội
vàng đem tấm hình lớp nhị A đã phóng lớn tìm anh Trai và nhận ra nét mặt ngày xưa
của anh rồi. Xin lỗi anh Trai nghe, ngày xưa đẹp trai trắng trẻo vậy mà bây giờ
anh ốm đi, răng đã rụng bớt vài cái và
thật thà làm sao. Hồ Viết Cần cũng vậy, bạn cứ khép nép bên chúng tôi như con
gái nhà lành. Gặp ai trong lớp tôi cũng nói Hồ Viết Cần đây nè, có người biết,
người không . Nhưng vui nhất là anh Nguyễn Khắc Am, lớp trưởng lớp nhị A chúng
tôi. Người mà tôi nghe đồn đã chết trận lâu rồi và ai hỏi thăm về anh tôi đều
nói như vậy. Té ra anh vẫn còn trên đời này, chững chạc, đẹp trai nhưng chẳng
giống anh Am ngày nào. Nghe đâu anh Am là cậu của Tú, phu nhân thầy Đỗ Tư Nhơn
và có bà con với hai ca sĩ nổi tiếng Nhã Phương- Bảo Yến. Cũng vui và hay hay.
Về phía bạn gái người làm cho chúng tôi ngạc nhiên là Trợ. Nhìn không ra. Trợ
bây giờ mập và trắng, không còn điệu bộ của Trợ ngày xưa. Tôi chụp cho Trợ một
tấm ảnh riêng vì có người bên đất Mỹ muốn thấy lại dung nhan của người xưa thế
nào. Còn Lê Thị Chi, con bác Phúng thì
không thay đổi lắm mà còn thấy xinh hơn
nữa cơ. Kể ra gặp lại bạn cũ như Trợ, như Chi lòng đỡ xốn xang hơn như Lộc, như Em ...
Trương Xuân Cương thì như một nghệ sĩ thực thụ với đầu tóc lấm tấm nhiều sương
xõa dài ngang vai, mà nghe đâu Cương bây giờ sáng tác nhiều thơ nhiều nhạc lắm.
Đoàn Sài Gòn ra không theo một tổ chức
nào cả, nghĩa là tự rủ nhau đi theo lớp, theo nhóm và hẹn gặp nhau tại Quảng Trị, tôi cố dòm dòm để xem thử có được bao nhiêu
người chịu khó ra đây. Thấp thoáng đây đó thấy thầy Liệu, anh chị Bảo- Mai, anh
chị Hoàng- Thuần, anh chị Hạt- Mai, Kim Loan, Ngọc Lan, Thu Thủy, anh chị Thăng-
Liên, anh Võ Cẩm, chú Nguyễn Xiển, anh Kỳ, Mừng, Trị, Liên Hưng, Quang Tuyết,
Ai Đông, Diệu Hoà, anh Hồ Thế Vĩnh, vợ chồng Lê Quang Ngân, Mỹ Liên và hai
chúng tôi, Mai Phái, thêm hai cô Việt kiều dễ thương nữa là Vinh Tân Mỹ và Vân
Hương... Đoàn Huế và đoàn Đà Nẵng thì tổ chức chu đáo hơn. Các thầy cô học
trò thuê xe ra về trong ngày. Đón đoàn
Huế tôi thật mừng khi gặp lại thầy Tuấn, thầy Sét, thầy Duyên, cô Tường Vy, thầy
Lý Văn Nghiên với một số bạn tôi biết mặt vì đã có thời gian 26 năm tôi ở Huế
nên không xa lạ lắm như chị Liễn, chị Tĩnh, Lê Thị Hoa, Lê Thị Chi, Võ Thị
Thúy, Phú, Ninh, Nhụy, Võ Quê, bác sĩ Thắng, bác sĩ Hải Thủy, bác sĩ Thuyết,
anh chị Tám- Ngộ ( Ngộ ngày xưa học sau tôi một lớp tại Đại học sư phạm Huế và
hai vợ chồng đều ra dạy NH), anh chị
Kim-Hòa, anh Nguyễn Đăng Am, anh Tạo, anh Yến và Võ Thị Quỳnh đều là những người đang giảng
dạy tại Huế ... còn nhiều thầy cô và bạn bè nữa tôi không biết tên.
Đã quá giờ
khai mạc mà đoàn Đà Nẵng không thấy đâu cả, thầy Trác lo lắng hỏi tôi có ai điện
thoại nói chi không. Tôi nói thầy bảo anh Phái hỏi thầy Thanh xem sao. Nhưng
hình như phải khai mạc thôi, thầy Nguyễn Viết Trác, trưởng ban tổ chức, trước đó
vài ngày nghe bị xe đụng nên chân còn đau người còn mệt mà vẫn phải làm tròn
nhiệm vụ. Tội nghiệp, vì thầy là linh hồn của buổi họp mặt, không có sự nhiệt
tình của thầy, từ việc làm đơn xin phép đến đứng ra tổ chức họp hành kêu gọi bạn
bè xa gần thì khó có ngày hôm nay, thầy rất mệt nhưng vẫn cười tươi như hoa.
Anh Đỗ Tư Nhơn không dám bỏ vị trí để ra đón bạn năm phương, tay anh cứ cầm mãi
loa kêu gọi, sắp xếp. Những người khác
như anh Văn Mạnh, Nguyễn Văn Nuôi, Lê Viết Lào, Hoàng Đằng, Đoàn Hoàng Thạch,
Nguyễn Lớn và Trần Thiện Ngữ vân vân và vân vân cũng rất bận rộn. Họ ngồi ở bàn
tiếp tân và làm việc không ngơi nghỉ. Trang trọng và dễ thương quá . Buổi lể đang tiến hành thì nghe lao xao và chững
lại . Ồ đoàn Đà Nẵng đang tiến vào hội trường. Thầy Thanh tổ chức thật chu đáo
và đẹp mắt. Tất cả các chị đều mặc áo dài và các anh thì thắt cravate. Một lẵng
hoa được mang lên chúc mừng ngày hội trường. Tôi liếc thấy có Bạch Thảo, Minh
Tâm, Phạm Thị Hồng, Nguyễn Thị Thương ( vợ anh Trần Toàn), Nguyễn Thị Lý ( vợ
anh Võ Lượng ), chị Lê Thị Em, thầy Thanh, thầy Lữ, anh Thạnh, anh Lê Văn Thái,
bác sĩ Khàn, anh Thái Tăng Phương, Bích
Hường, Nguyễn Khắc Phước và nhiều nhiều
lắm, có đến 40 người lận tôi không biết hết. Đặc biệt có hai người con trai của thầy cố hiệu trưởng
Thái Mộng Hùng, Thái Hoàng Nam và Thái Hoàng Phong đi theo đoàn. Nhìn hai em lòng ai cũng nao nao buồn nhớ thầy
và thương tiếc vì sự thiếu vắng của vị thầy khả kính trong ngày hội trọng đại
này. Không biết thầy Thanh dặn dò sao mà
tôi rủ ai trong đoàn ra sân chụp hình
hay nói chuyện đều bị từ chối, các bạn nói sợ
lạc đoàn, trễ xe. Đúng giống như
trẻ con quá đi thôi . Cũng vì thế nên tôi không ghi được một tấm hình đầy đủ cả
đoàn để làm tư liệu nữa... Nghe đâu đoàn Đà nẵng đã tập sẵn một bản nhạc và dự định
sẽ lên đồng ca trên sân khấu mà không thực hiện được vì khi tới nơi thì như đàn
ong vở tổ. Anh Thạnh, trưởng ban văn nghệ đoàn đành chịu thua sự cuốn hút của bạn
bè xưa cũ .
Gần một phần ba người tham dự không ở trong hội trường vì thích ngồi ngoài
tâm sự và hội trường cũng đã chật kín. Khi tổ chức không ai ngờ đông như vậy, gần
800 người đến tham dự, một con số kỷ lục chưa thấy ở buổi họp mặt nào. Mới thấy
được những con chim lạc bầy đã gần và hơn 40 năm quay về tổ mẹ sao mà xúc động
lắm thế. Bao nhiêu giọt nước mắt, bao nhiêu nụ cười như hòa và tan loãng trong
niềm vui của ngày quay về tổ ấm. Tôi thấy lòng mình như quặn lại khi thấy thầy
Sét khóc lúc gặp Thu Thủy, thầy thương thầy Thiện đang lâm trọng bệnh ở nhà
không về được. Các bạn cùng lớp ngày nào bây giờ đang nằm dưới lòng đất lạnh có
về đây vui với bạn bè không, sao thấy nhớ thấy thương các bạn lắm thế. Tôi chợt
nhớ anh Đáng, Trần Văn Sơn, Võ Lượng, Trần Toàn, Mai Đức Đá ... và nghĩ rằng
các anh đang lãng vãng đâu trong không gian này. Một nén nhang lòng dành cho
các anh đây. . .
Buổi lễ chấm dứt bằng một bữa cơm thân mật và
nỗi luyến tiếc vì chưa ai thấy đủ cả, gặp bạn chưa bưa, tâm sự chưa hết, chào
và nhận ra nhau chưa được bao nhiêu nên mãi đến 2, 3 giờ chiều vẫn còn bịn rịn chưa muốn chia tay...
Thôi hẹn dịp
khác vậy. Làm sao bây giờ, cuộc đời có khi nào đầy đủ đâu bạn ơi. Cứ hẹn cứ thiếu
cứ vấn vương và cứ đợi chờ, mãi mãi như thế, như thế thôi.
Lịch của tôi đã
kín hết rồi, ngày 5 về làng chồng, ngày 6 lên đường đi Lào với nhóm bạn Sài
Gòn. Có đến Lào mới thấy thương nước bạn. Tôi nghĩ sao bạn nghèo thế, nghèo
ngoài sức tưởng tượng của tôi. Các bạn tôi không có thời gian đi 5 ngày nên
không thể đi xa hơn mà chỉ dừng lại ở Savanakhet. Một thành phố có tên tuổi mà
không lớn hơn thị xã Đông Hà của ta. Ngồi trên xe chạy xuyên qua hơn 200 cây số
mới tới được đây, tôi thấy hai bên đường toàn rừng núi và nhà sàn, mái lá vách
rất sơ sài, những con người Lào bình dị và yên thân trong cuộc sống của họ,
không biết bon chen và vượt khó . Có một điều làm tôi suy nghĩ, thế giới năm
châu có ai nghĩ đến Lào là đất nước cần
giúp đở nhiều lắm không, chúng ta không thể sống ích kỷ khi có người bên ta như
Lào. Tôi đúng là loại người hay nghĩ vẩn vơ nếu ai đọc những dòng này đừng cười
tôi nhé. Cũng vì thế mà chúng tôi thay đổi
chương trình không ở Lào nữa mà về tham quan Việt Nam. Xin tạm biệt đất nước hiền
hoà 4 không “Không biển, không đường sắt, không thủy lợi và không nghĩa trang”
Đêm 7 tháng 8 vì thế chúng tôi được ngủ tại
khách sạn Sepon ở cửa khẩu Lao Bảo. Về đêm ngồi trên khách sạn ngắm vẻ đẹp
thành phố lạnh trong hoang sơ của núi rừng, tôi thấy nhớ những ngày ở cao
nguyên Genting của Malaysia rồi tự hỏi, tại sao chúng ta không làm được như họ. Cảnh đẹp, hàng hóa rẻ, khí hậu dễ thương đủ
làm nao lòng khách du lịch đến và đi, thế
mà tôi thấy lượng người ở đây quá ít so với người ta. Một địa danh như vậy mà nằm
gần Sài Gòn thì tha hồ hốt bạc rồi. Đúng là thiên nhiên đâu có chiều hết lòng
người, người Quảng Trị mình nghèo khiến không ai dám đầu tư vào đây cả. Tại đây
tám đứa chúng tôi được dịp mua sắm ở Trung tâm thương mại với giá rẽ hơn Sài
Gòn nhiều, có lẽ toàn bộ việc tốn kém
trong chuyến đi chúng tôi đã mất tại đây, mỗi đứa cũng gần cả 2 triệu đồng. Về
nhà con tôi ngạc nhiên nói rằng ba me đi Quảng Trị mà quà nhiều hơn nước ngoài
nữa.
Sáng ngày 8
chúng tôi lên đường thăm nghĩa trang Trường Sơn, cầu Hiền Lương lịch sử, địa đạo
Vịnh Mốc và Cửa Tùng. Một ngày nắng ấm sau những cơn mưa dai dẳng mà được xe chở
chạy bon bon trên các con đường xuyên núi rừng Trường Sơn mới toanh màu nhựa đen
láng, tôi thấy Quảng Trị mình đẹp làm sao.Tôi bị cuốn hút vào phong cảnh hai
bên đường tràn ngập màu xanh của núi rừng mà không hoang vắng, trái lại một cuộc
vui sống đang hình thành tại nơi đây. Tiếng chuông chùa ngân lên cùng với tiếng
cầu kinh của các thầy làm ấm thêm vùng đất ngày xưa toàn bom đạn và rờn rợn xác
người. Không còn nhiều thời gian để tôi mải mê theo sở thích thiên nhiên của
mình và chúng tôi lại lên đường về Vịnh Mốc. Thêm một địa danh lạ lùng về ý chí
con người chỉ có trên đất nước Việt Nam giàu nghị lực, những người Mỹ hình như
không bao giờ bỏ qua những chỗ như thế này khi đặt chân đến đây vì tôi thấy họ
tham quan rất nhiều, cô hướng dẫn viên nói một tháng cô đón đến 7000 lượt
khách. Nhưng chúng tôi cũng xin chia tay Vịnh Mốc vì chúng tôi phải về Đông Hà
tối nay.
Để chiêm ngưỡng được Cửa Tùng như dự kiến, người
tài xế cho xe chạy qua một hướng khác để cả đoàn tới được chiếc cầu bắc qua
sông Hiền Lương tại nơi sông gặp biển. Đứng trên cầu chúng tôi ngắm bãi biển Cửa
Tùng vào trưa, nhiều chiếc tàu đánh cá nằm san sát trên bờ, có lẽ mấy ngày nay
nghe mưa lũ lớn nên họ không ra biển. Cầu thì
mới xây xong nhưng chưa thông xe vì hai đầu cầu vẫn còn dang dở, có lẽ năm
sau về lại thì con đường này đã nối liền
Cửa Tùng với Cửa Việt và xe cộ
tha hồ mà chạy dọc bờ biển đẹp như mơ của
xứ Quảng nắng gió quê mình . Xe chúng
tôi hôm nay phải quay lại quốc lộ I về cầu Hiền Lương , chiếc cầu mà ngày nay
chỉ giử lại làm kỷ niệm một thời. Với các bạn có thể xa lạ còn với tôi thì quá
quen thuộc, tám chiếc loa phóng thanh ngày xưa tôi vẫn thường nghe rõ mồn một
trong những đêm hè nay vẫn còn đó, cũng được giữ lại làm chứng tích cho một thời
đã qua. Qua khỏi cầu Đông Hà trời vừa tối, chúng tôi chia tay các bạn cùng đi
và trở về nhà em tôi ở xóm chợ.
Ngày 9 tháng 8,
tôi và Ngọc Lan thực hiện lời hẹn với Phan Lăng nên cố thuyết phục anh Phái đi
Diên Sanh . Đâu ngờ tới Diên Sanh tôi lại thích ở lại để Ngọc Lan bớt buồn và để
có thời gian ngồi chơi với các nhà thơ Võ Văn Hoa, Hoàng Tấn Trung và Thái Đào.
Một buổi tối khá vui và ấn tượng, Phan Lăng
vốn hiền lành nhưng đêm nay cũng phát biểu nói nên lời hạnh phúc, các bạn trong
bàn hầu hết đồng nghiệp với nhau nên dễ cảm thông. Dấu ấn trong tôi là khi Thái
Đào và Tấn Trung xuất hiện, các bạn đã từ Quảng Trị vượt đêm tối về đây để
chung vui, một vài chuyện xẩy ra không đáng trách mà đáng nhớ lắm đó nghe. Dân lãng tử là vậy đó,
có thế làm thơ mới hay phải không các bạn . Rất tiếc là chưa có dịp gặp
nhau lần nữa để cho các bạn thỏa mãn hơn và hiểu thêm tấm lòng mê bạn của chúng
tôi. Sáng hôm sau tôi mới thưởng thức được
món cháo bột cá lóc Diên Sanh đã đi vào huyền thoại, do lời mời của ông chú trẻ Lê Lô, đang là giáo viên dạy Toán
tại trường Phổ thông Trung học Hải Lăng, phải nói nó ngon nhờ mùi ném ruốc quê
nhà . Như vậy thì quyết định ở lại Diên Sanh của tôi quá sáng suốt, nhưng rồi chúng tôi cũng phải chia tay Phan Lăng và Ngọc
Lan, tiếp tục cuộc hành trình trên con
ngựa sắt.
Tôi nghe Mỹ Thủy
đẹp lắm và anh Phái sẵn sàng đưa tôi tới đó. Trên con đường này anh Phái giới
thiệu với tôi một số làng mạc đã băng qua thật quen thuộc như làng Cu Hoan,
Trung Đơn, Hội An. Qua Trung Đơn chợt nhớ đến Thư viện của gia đình cô Hoàng Thị
Chanh mà báo Tuổi Trẻ đã một lần nhắc đến nhưng sợ không kịp nên đành hẹn lại lần
khác sẽ ghé thăm. Chúng tôi cũng định vào thăm Nguyễn Đắc Trí nhưng khi hỏi ra nhà thì đã đi xa lắm rồi.
Trí bị bệnh và tôi có gửi về 1.200.000 đồng theo lời kêu gọi của thầy Tuấn,
trong đó 1.000.000 đồng của hai bạn Phương Mai và Ngọc Thụy ở Mỹ, tôi chỉ đóng
phần nhỏ nhoi của mình thôi. Chúc Trí mau khoẻ để có dịp về lại Quảng Trị được
gặp nhau. Con đường về Mỹ Thủy hơi vắng vẻ nhưng đẹp vô cùng, bóng của những
hàng cây nối tiếp nhau rủ xuống đường
dâm mát và gió vi vu thổi khiến lòng người
mê mẩn. Hai đứa chúng tôi không dừng lại và chạy thẳng, dựng xe trên bãi cát biển
Mỹ Thủy. Một vài chiếc ghe đánh cá nằm
nghiêng ngửa phơi mình trong nắng, xa xa
là xóm chài có đông người sinh sống, tôi ghi vội vài tấm hình làm kỷ niệm rồi
chào biển ra về mong rằng lần sau chúng tôi mới có dịp tắm được nước mặn quê hương.
Tiếp tục đi trên những con đường làng đã tráng nhựa của làng Cổ Lũy, Phương
Lang ngập trong màu xanh của những cánh đồng lúa bao la, tôi quá mải mê mà quên
rằng đã đến chợ Phương Lang, nơi nổi tiếng
món bánh ướt thịt heo ngon đúng vào lúc cái bụng đói meo của hai chúng tôi .
Tôi mua về nhà ông chú ở La Duy ngồi ăn rồi ra khu lăng mộ thắp nhang cho ông
bà nội các cháu. Trưa nay chúng tôi hẹn với vợ chồng Hạt Mai sẽ ghé nhà dự đám
giỗ ông thân Hạt. Để có
thêm bạn, chúng tôi rủ anh Nguyễn Văn Nuôi ở Ngô Xá Đông và anh Đổ Tư Nhơn ở thị
xã Quảng Trị đi cùng và cũng nhờ thế anh Phái thoát khỏi cầm lái. Anh Nhơn chở
anh Phái, anh Nuôi chở tôi bắt đầu một chặng đường mới, hai anh đưa chúng tôi đi trên con đường mới
làm dọc bờ sông Thạch Hãn, ghé xem khu
di tích Lê Duẩn ở Hậu Kiên trước khi kịp về Nại Cửu 11 giờ trưa. Tại đây
bạn của hai anh chị Hoàng-Thuần và Hạt-Mai ở Quảng Trị không thiếu ai, tôi thấy
hai anh thật hạnh phúc vì được về tận quê
nơi có mộ của ông cụ thực hiện đám giỗ. Cũng nhờ vậy mà tôi biết được Nại
Cửu và thấm hiểu thêm những dòng thơ trữ
tình ca tụng quê hương của anh Hạt lâu nay.
Chia tay với Nại Cửu, hai anh lại chở chúng tôi vào khu du lịch sinh
thái Tích Tường uống cà phê, ngược lên La Vang thăm khu Thánh Mẫu nhiệm mầu, nơi
đâu với tôi cũng lạ lạ quen quen cảnh cũ người xưa một thời xa vắng. Định về
luôn Đông Hà nhưng nghe nói ngôi nhà bánh ú của nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung đẹp
lắm nên không vào sẽ hối tiếc, Trung không có nhà nhưng cậu con trai đón các cô
chú bằng món nước lá rất thích hợp phong cách nhà cổ của Trung. Một CHSNH mà chúng tôi muốn thăm nữa là anh Nguyễn
Văn Quang, hiện anh đang là thầy giáo trường Thị xã Quảng Trị, nhà anh Quang khá lớn nằm ở gần Góc Bầu xưa
và phù hợp với người viết văn của anh , anh Quang tặng chúng tôi một đĩa sứ khắc
hình Thành Cổ rất đẹp hợp với sở thích tôi lắm.
Anh Phái đang ghé tiệm sách mua tập
gồm 5 quyển Đại Nam Thống nhất Chí thì
Hoàng Tấn Trung tới mời đi ăn nem lụi chợ Sãi, tại cái quán ăn của cháu
bà bán nem lụi ngày xưa, tại đây chúng tôi được Trung cho nghe thơ và tài nói tếu
thông thái làm ai cũng cười vỡ bụng, món nước chấm và vị ngọt của nem lụi nhờ
thế ngon thêm . Anh Phái hình như còn mê món nem này nên hôm sau trở lại với bạn
và thầy Trần Đức Thành dạy anh lớp nhì thưởng thức một lần nữa.
Ngày 11 tháng 8
tưởng rằng hết việc, chúng tôi lại nghe điện thoại gọi vào thị xã Quảng Trị dự
buổi tổng kết của ban tổ chức... Vẫn còn chưa muốn chấm dứt tuần lễ Nguyễn
Hoàng xôn xao hai thị xã cả tuần nay, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đi thăm
mộ thầy Phan Phụng Thạch theo lời đề nghị của thầy Thị. Lần này ngoài 4 đứa
chúng tôi, Nhơn, Nuôi, Phái, Mai còn tăng thêm các bạn Hạt, Cẩm, Lào, Đạc cùng
với thầy Thị đến Đạo Đầu tìm em thầy Phan Phụng Thạch dẫn ra thắp một nén nhang
cho người thầy có nhiều vần thơ làm nao lòng bao thế hệ học trò Nguyễn Hoàng.
Như một đàn chim sau cơn bão
hạ
Các em trở về sau nắng thu xưa
Sân trường cũ áo dài em trắng
quá
Cỏ cũng mềm lòng theo bước
chân đưa
. . .. . .. . . .. . . . .
. . . . . . . . . . . ….. . . . ..
Sau lần này chúng tôi chia tay nhóm bạn Nguyễn Hoàng
Quảng Trị thân yêu tuy lòng còn lắm vấn vương , biết bao bạn nữa chúng tôi chưa
có thì giờ đến thăm nhà được . Cho tôi để lại một lời hẹn hò lần sau. . . . .
Tuyết Mai
No comments:
Post a Comment