1.
Thế đấy, những hồn thơ cứ như hạt bụi, lẫn khuất, chìm khuất
đâu đó, bỗng một ngày kia lại dội vào tâm hồn mình. Muốn né tránh cũng không
được. Muốn ngoảnh mặt chối từ cũng không xong. Hồn mở ra thì thơ lại đến. Hồn
khép lại thì thơ cũng đến. Thế đấy! Như một lẽ tự nhiên, ngày nọ tháng kia tôi
nhận được tập thơ của Võ Thị Như Mai từ Tây Úc qua email. Cái cảm giác hồi hộp
này cũng tựa lúc đọc những vần thơ, nhạc của những người bạn nữ xa xứ đã gửi về
chia sẻ. Họ bảo, anh đọc đi và anh cảm nhận thế nào?
Thế nào ư? Thơ là tiếng nói riêng tư, riêng biệt, riêng lẻ
và cũng rất đỗi lẻ loi của một người. Đọc thơ của Mai, hình ảnh đầu tiên hiện
lên trong tôi là cái cảm giác non nớt, ngây thơ, trong trẻo và vô tội của cậu
bé học trò lần đầu tiên đến trường trong truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh?
Cái gì lạ vậy? Chẳng lạ gì. Cậu học trò của làng Mỹ Chánh mà nhiều thế hệ đã
gặp “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những
đám mây bàng bạc...” là “đồng hương" của Mai đấy. Nơi ấy, Mai đã sống
những ngày:
Mỗi năm đến mùa bão cứ nhìn lên lịch
Vái ông trời, cho Mỹ Chánh lặng yên
Nghe thương thương, tồi tội thế nào. Cũng tồi tội, thương
thương thế nào ấy khi Mai viết đôi dòng về đêm khuya của cái làng nổi tiếng
này:
Dăm người đàn bà xua tay đuổi chó:
“Mấy thằng khỉ gió
Chúng nó lại đi gò”
Đợi hoài thành âu lo
Các cô xuống đò
Ngậm ngùi về làm dâu làng khác
Cứ ngỡ Mai viết về một làng quê chung nào đó. Những câu trên
cà rởn, có dăm từ địa phương, nhưng câu cuối lại mở ra một nỗi ngậm ngùi xa xăm
quá đỗi. Thơ? Nếu không khái quát, không cho người đọc tìm thấy bóng dáng của
họ, tâm tư của họ thì liệu mạch cảm xúc của nhà thơ có lan truyền đến người
đọc?
2.
Xa quê và đau đáu nhớ quê cũng là lẽ thường tình. Nhưng đôi
khi đang sống với tình mà vẫn nhớ đến
tình. Bởi đó là thơ. Thơ của Mai là những bài thơ tình, tôi ngờ rằng ấy là tình
có thật trong cuộc đời hoa mộng, lặng lẽ của Mai. Ở đó, có rất nhiều sương đêm
mưa mù “Trên con đường Đà Lạt ngàn thông
vi vu hát”. Lúc ấy, Mai bảo:
Hạt mưa gầy như tình đã phai phôi
Em ôm ấp chút dư hương thuở ấy
Lạ chưa! “Mưa gầy”? Phải Đà Lạt. Phải máu thịt với Đà Lạt
trong từng chân tơ kẽ tóc, mới có thể cảm nhận vậy chăng? Sự tinh tế ấy, nếu
đọc thoáng qua thì ta sẽ không dễ dàng bắt gặp. Đọc chậm thôi. Có như thế, ta
mới thấy đàng sau của chữ là một tấm lòng. Đàng sau một tấm lòng là những con
chữ đang thở trên trang giấy. Thử hỏi, “Trên đường Sài Gòn người qua hối hả”, Mai
thấy gì? Chưa rõ, nhưng nếu cũng hối hả như mọi người thì làm sao nàng có thể
viết được đôi câu bâng quơ khiến ta giật mình:
Giọt mưa nào
Buồn
Thả xuống bờ vai...
Mà cái giọt mưa ấy, với Mai, cũng là nhiều kỷ niệm. Ngay cả
lúc sống xa xứ, đã có lần Mai tự nhủ:
Chỉ sợ cuối thu gom mưa về nhiều quá
Mỗi giọt rơi là một giọt nhớ người
Nhớ mênh mông, Nhớ tràn đầy. Nhiều đến thế là cùng. Có những
câu thơ “dụng công” rất nghề nghiệp nhưng lại hóa ra vô tích sự. Ngược lại có
những câu thơ viết như chơi nhưng lại bám chặt vào trí nhớ:
Tình yêu đơn phương
Đau trong từng ngón tay, ngón chân
Đau trong từng giấc ngủ
Đọc mà thương. Có những lúc Mai viết như giỡn chơi, nhưng
lại tạo ra một bất ngờ:
Chiều hôm qua cầm cây cọ đỏ như son môi
Vẽ tháng tư lên núi
Cô học trò làng Mỹ Chánh đang nghịch đó chăng? Mà này, làm
thơ là gì nhỉ? Là nghịch với những con chữ như đứa trẻ nghịch với giấc mơ của
mình đấy thôi.
3.
Có những câu thơ hay. Có những bài thơ dàn trải. Nếu kiệm
chữ hơn. Nén cảm xúc lại. Nếu chỉnh chu hơn nữa. Và, và gì nữa? Chẳng gì cả.
Thử hỏi, có ai chuẩn bị... để nhớ, để yêu một cách tỉnh táo? Không rõ nữa. Mai
thì không. Nàng phơi bày cảm xúc trên trang giấy và gọi là Tản mạn. Tản mạn
thơ. Tản mạn một phần đời. Có người đến ngắm nhìn và sẽ bỏ ra đi, nhưng cũng có
người ngồi xuống thủ thỉ tâm tình và chia sẻ. Tôi đọc những bài thơ của Mai vào
những ngày mưa trút, chợt nhớ về ngày tháng học trò xa xăm đang thất lạc từng
ngày trong trí nhớ... Tôi lại tự nhủ, đọc chậm thôi. Có như thế, ta mới thấy
đàng sau của chữ là một tấm lòng. Đàng sau một tấm lòng là những con chữ đang
thở trên trang giấy...
LÊ MINH QUỐC
(Nguồn: tập Tản Mạn
Thơ- Võ Thị Như Mai - NXB Văn Nghệ - 2010)
No comments:
Post a Comment