Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 10, 2012

Văn Quang - GIẾNG CÔI


Theo lịch sử của làng An Cư thì Ngài khai khẩn của làng vốn là một vị tướng của chúa Nguyễn Hoàng, quê gốc ở Thanh Hóa, phụng mệnh vào đánh dẹp quân Chiêm Thành ở vùng Cửa Việt. Khi dẹp xong thì Cửa biển này mang tên là Cửa Việt Yên. Ngài chọn vùng đất gần cửa biển để định cư và đặt tên làng là An Cư để cầu mong sự yên bình, con cháu muôn đời lạc nghiệp. Dinh của Ngài nằm cạnh bờ sông và quay ra hướng Bắc, ý muốn bày tỏ tình cảm với tiền nhân ở quê cũ - với tâm nguyện: ly hương bất ly tổ!

Làng chỉ cách biển Cửa Việt chưa đầy hai cây số đường chim bay nên dòng sông quê bốn mùa nước mặn, càng về mùa hè nước càng mặn, độ mặn không kém nước biển là bao. Mỗi năm chỉ đôi lần có thể nếm thấy nước ngọt nhưng không uống được, đó là lúc dòng sông trướng bụng uống hết nước lụt từ đầu nguồn Thạch Hãn và Hiếu Giang đổ về, nước đục ngàu nên dân gọi là nước bạc!

      Lẽ thường tình, dân định cư nơi nào thì nơi ấy phải có đất để làm ăn và có nước để uống và sinh hoạt, nhưng nước mặn sông quê tôi chẳng những không giúp được gì mà còn mang tai họa đến cho làng. Đó là những năm hạn hán, nước biển vào sâu trong lòng sông, tràn vào ruộng và mùa màng mất trắng, đói là không tránh khỏi!

      Để có thể tồn tại, dân đã đào giếng. Đầu tiên là giếng Làng, cái giếng to nhất, sâu nhất để cung cấp nước cho cả làng. Giếng nằm cạnh đình làng nên cũng gọi là Giếng Đình. Về sau các nhà có sức đã đào giếng trong vườn nhà mình. Có mấy nhà giàu xây giếng bằng gạch. Những gia đình nghèo khó trong làng đành đến xin lấy nước nhờ, thậm chí cả lúc đêm khuya, mà chủ nhà cũng thông cảm, không làm khó dễ. Điều này thể hiện rõ nét cái gọi là tình làng nghĩa xóm.

Khổ một nỗi, cả làng có đến gần mười cái giếng, nhưng không giếng nào có được nước ngọt có thể uống được! Nước giếng có độ phèn quá lớn nên thường nổi màng trên mặt, nước đục ngàu như nước canh cua đồng và đưa lên mũi ngửi đã thấy mùi hôi không chịu nổi!



May thay, có sự bù trừ cho những con người bất hạnh! Đầu mút kia của làng lại có sẵn một cái giếng cổ, đường kính chừng hai mét rưởi, sâu chừng năm mét, tên gọi là Giếng Côi. Đây là cái giếng tròn được xây dựng bằng cách xếp từng hòn đá lớn chồng lên nhau thẳng đứng thành hình trụ từ đáy đến miệng, chỉ thành giếng là có trát thêm một ít vôi vữa. Thành giếng không cao, chỉ vừa tầm cái ghế đẩu để người ta có thể ghé ngồi lên nó. Không ai biết vì sao giếng có tên này – có lẽ nó ở côi cút đầu mút làng nên có tên gọi như thế chăng? Một điều được nhiều đời xác nhận là giếng này có từ thời Chiêm Thành, trước khi làng được lập nên. Rất có thể vùng đất này trước kia là làng mạc của người Chiêm; khi thua chạy họ không mang giếng đi theo được, đành để lại cho dân làng chúng tôi!

Thừa hưởng chiến lợi phẩm này là phước đức mười đời để lại, bởi vì cả làng chỉ có nguồn nước này là trong lành nhất, ngọt nhất, múc lên uống một ngụm là thấy sảng khoái cả người, không hề bị đau bụng! Ngặt một nỗi giếng chỉ có nhiều nước về mùa mưa, xem như là cái bể chứa giữa trời, còn mùa hè thì khô cạn; trời càng nắng to, gió Lào càng thổi mạnh thì giếng chỉ còn trơ đáy! Mùa hè là lúc dân cần nước uống hơn bao giờ hết, vì vậy đã hơn bốn thế kỷ qua dân làng vẫn bám vào giọt nước trong lành chắt từ Giếng Côi, như đứa trẻ đói lòng cố sức mút cho được giọt sữa cuối cùng của bầu vú đã xép ve của Mẹ!

          Cả làng đang đói nước! Để có nước uống, người ta đã phải tính toán đủ điều: Mỗi nhà dù có bận bịu công việc bao nhiêu cũng phải cử một người lo đi chắt nước Giếng Côi. Đáy giếng có cát trắng, xen lẫn một ít đá sỏi kích cỡ khác nhau. Người ta phải trụt xuống sắp đá sỏi qua một bên, chừa một khoảng nhỏ bằng cái sàng rồi khoét sâu thành hình lòng chảo để chắt nước. Một mạch nước nhỏ chậm rãi rỉ ra đều đều từng ngụm, từng ngụm, …để duy trì nguồn sống cho những con người khốn khổ đang kiên trì chờ đợi!

Dân chắt nước dùng mo cau chằm theo hình gàu dai thả xuống, thả thật khéo mới rơi được vào lòng chảo ấy. Người đi sớm thì thả được theo ý mình, nghĩa là được thả nhiều lần cho đến lúc nào trúng đích, vì chưa có người tranh giành. Người đi sau thì thả chồng lên trên hay sát bên cạnh, chờ người trước kéo gàu lên thì mình được phần, chẳng khác chi cảnh chen lấn mua tem phiếu thời bao cấp! Khi thấy trong gàu mo người ấy có được một ít nước thì các bạn sắp đến phiên liền giục người ấy kéo gàu lên để họ dịch gàu mình vào chỗ có nước. Gàu nước múc lên có khi được nửa gàu, có khi chỉ được góc gàu có lẫn nhiều cát trắng. Nếu ai khát quá, nghiêng gàu uống liền thì cát chạy theo vào miệng đành phải nhổ ngụm nước ra! Hôm nào may mắn, một buổi chắt được một thùng. Chia đôi ra mà gánh về; hôm nào đông quá thì chỉ được góc thùng. Có hôm rủi ro,  gặp nhiều người múc quá không có chỗ bỏ gàu thì đành về không! Nước chắt gánh về thì phải để vài ba giờ cho cát lắng xuống đáy thùng rồi cẩn thận gạn nước qua thùng khác mới khỏi bị cát lẫn vào. Dân làng tôi đã bao đời uống nước Giếng Côi bằng cách ấy! Người ta kháo nhau nhờ uống mạch nguồn nước Giếng Côi mà làng có nhiều người làm quan to. Không có nước uống, người ta đã nghĩ ra nhiều cách, nhiều mẹo vặt: chắt nước buổi sáng, buổi chiều không được thì đi vào lúc giữa trưa là lúc nắng như đỏ lửa, vì họ nghĩ rằng người khác ngại nắng nóng mà ở nhà. Kế này thất bại, vì khi đến giếng thì thấy còn có nhiều người tranh hơn là lúc thường. Thôi đành đi chắt nước vào ban đêm. Khổ nỗi ban đêm trời mát, công việc đồng áng đã xong thì ai cũng tranh thủ đi chắt nước. Trong đêm tối trốn nhau, lặng lẽ ra đi, nhưng khi đến nơi thì đã thấy đầy người ở giếng. Người ta đành về ngủ một giấc, đợi đến nửa đêm, lúc hai, ba giờ sáng sẽ đi. Lúc này chắc người khác đang ngon giấc! Ngờ đâu mọi toan tính cũng đều thất bại, mình biết đi lúc gà gáy sang canh thì người ta cũng làm được như mình. Thôi đành gánh thùng không mà về!

Nghĩ đã hết cách mà không chắt được nước, người ta đành xuất chiêu cuối cùng: Tung tin đồn ở giếng có con ma Hời từ thời Chiêm Thành ở lại, ban đêm thường trêu chọc đàn bà, con gái, hù dọa cả đàn ông. Một số phụ nữ nghe vậy cũng nhát gan, không dám đi đêm. Nhưng khi đến giếng, kẻ chủ mưu vẫn gặp người; bây giờ không phải là đàn bà, con gái mà là đàn ông đi chắt nước! Mới hiểu ra vợ sợ ma thì trao việc nước nôi cho chồng! Và rồi, lúc túng thì phải dùng hạ sách: Anh chồng nhà chủ mưu đành đi sớm, leo xuống đáy giếng ngồi chờ. Đêm trời tối đen như mực. Ai thả gàu xuống anh ta đều níu lại. Một hồi lâu người ta kéo gàu lên thì thấy nặng trĩu, Kéo mãi chẳng lên! Không ai dám trụt xuống giếng tìm hiểu lý do nên họ kháo nhau là ma không cho múc nước giếng Hời nên giữ gàu lại. Họ đành bỏ gàu ở đáy giếng mà về. Hôm ấy người bày mưu đã thành công: Chắt cho đến gần sáng thì được hai thùng đầy tràn miệng, lặng lẽ gánh nước về mà lòng vừa reo vui, vừa hổ thẹn – hổ thẹn vì đã do lòng ích kỷ mà lừa đảo người khác, cũng chẳng ai xa lạ, toàn những người hàng ngày chôống cựa chộ chắc!

      Ba làng ở bên kia sông còn bất hạnh hơn làng tôi. Họ cũng là dân nước mặn, đồng chua mà lại sống giữa ốc đảo, đào khắp làng không có giọt nước ngọt lành như nước giếng Côi, nên họ phân bì rằng làng An Cư có phúc! Uống nước phèn không chịu nổi, một số họ đã vất vả chèo ghe qua chắt nước giếng Côi của làng tôi với những lời cầu xin sự thông cảm! Nói vậy để thấy được rằng nước Giếng Côi quý như là thuốc bổ cần dùng lúc ốm đau!

      Đi chắt nước đã trở thành những buổi giao lưu gặp gỡ của các đôi trai gái trong làng. Ngồi chờ chắt nước chẳng khác chờ cá cắn câu, nghĩa là thời gian nhàn rỗi rất dài, biết làm gì cho đỡ trống trải. Họ lại ngồi trò chuyện, đùa giỡn hay hát giao duyên. Những cô thôn nữ nước da bồ quân, má lúm đồng tiền, xỏa mái tóc dài bên thành giếng, miệng cười tươi như hoa đã làm xiêu lòng những chàng trai làng có mặt ở giếng để làm nhiệm vụ “chắt nước uống” cho gia đình. Từ chỗ trốn nhau mà đi thì lại sinh ra chuyện hẹn nhau cùng đi, hẹn thời điểm nào đoán rằng có ít người đến chắt nước để họ dễ tỏ bày chuyện riêng tư cho nhau. Và đã có nhiều cặp trai gái se duyên nhờ những buổi chắt nước Giếng Côi trong đêm khuya vắng vẻ. Họ đã thề non hẹn biển, đại để như: Nếu anh bỏ em thì em nguyện rằng con ma Hời của Giếng Côi sẽ nhốt anh xuống đáy giếng suốt đời, không cho anh về với gia đình! - Còn nếu em mà bỏ anh thì anh nguyện với thần Giếng Côi rằng em sẽ phải suốt đời làm vợ người Chiêm Thành, không bao giờ được về lại quê hương!

      Trong nhiều cặp tình nhân chắt nước giếng Côi, có cặp đã thành vợ, thành chồng và sống trọn đời hạnh phúc. Nhưng cũng có cặp do cha mẹ can ngăn, cấm đoán nên không lấy được nhau, khiến họ phải xót xa, sầu hận trong lòng. Chẳng hạn như đôi trai gái làng sau đây đã có mối tình “Giếng Côi” gặp cảnh oái oăm. Họ đã yêu nhau và thề thốt hết lời với thần Giếng, với ma Hời rằng trọn đời không thay lòng, đổi dạ. Tin nhau đến nỗi cô gái vượt quá lễ giáo gia đình! Kết quả của mối tình Giếng Côi là làng xóm tiếng ong tiếng ve, cha mẹ hai bên không chấp nhận nên cả hai anh chị đã rủ nhau trốn đi biệt xứ. Đêm đi trốn, họ đã chờ lúc giếng không có người để thả gàu xuống, đợi lúc có nước thì múc lên, hai người uống hai ngụm dòng sữa ngọt của quê hương rồi dắt tay nhau lên đường, hẹn có ngày ăn nên làm ra sẽ đàng hoàng trở lại với làng nước, với Giếng Côi muôn đời yêu quý!
*
Chiến tranh nào cũng tàn phá, hủy diệt, kể cả làm băng hoại đạo lý con người. Cái Giếng Côi đã từng bao đời cung cấp nguồn nước trong lành, nuôi sống dân làng, nay đã trở thành một kẻ khuyết tật, dị hình thật tội nghiệp! Bom đạn đã đánh bay thành giếng, lòng giếng bị mảnh đạn khoét sâu vào nhiều chỗ, đất đá, vôi vữa đổ xuống thành một đống ngổn ngang!

Dân tản cư trở về làng. Họ tìm đến với giếng thì vô cùng thất vọng vì nguồn nước đã bị vùi lấp. Không ai có tầm nhìn xa rộng nên họ không chịu hợp lực, quyết tâm đưa đất đá dưới đáy giếng lên để tìm lại mạch nguồn quý hiếm ngày xưa. Họ lại cam chịu uống nước phèn và nhờ lượng nước mưa hứng được giữa trời.

Từ đây Giếng Côi ngày càng tồi tệ, thê thảm, và trở thành một kẻ mồ côi!. Các gia đình ở gần giếng xem nó là cái hố rác của nhà họ. Lúc nào có rác là đem đến giếng đổ; trẻ con chơi đùa, chúng ném bất cứ thứ gì chúng thích xuống lòng giếng. Chẳng bao lâu đống rác đã ngập lên gần đến miệng giếng. Về mùa mưa, giếng dâng lên một màu nước đen ngòm, mùi thối tha đến lợm giọng. Ai đi ngang qua nhìn vào cũng bịt mũi, bỏ đi. Thế là hết một thời được yêu thương, quý trọng, thế là hết mơ ước có những cặp trai gái làng đến ngồi bên thành giếng thỏ thẻ những lời tình tự yêu đương trong đêm khua!

Cuộc đời của Giếng Côi tưởng chừng như đã kết thúc buồn thảm và oái oăm như thế! Hỡi hồn ma Hời, hỡi thần Giếng! Có thiêng thì hãy quở trách những kẻ bội bạc, thử bắt họ đau phình bụng, trướng gan vì đi ngang qua giếng mà vô tình, vô cảm, vô ơn! Sao xưa kia quý trọng, gần gụi đến thế mà bây giờ hờ hững, ngoảnh mặt, bịt mũi bỏ đi? Sao họ không hiểu rằng chính kẻ thù và họ đang tâm hủy hoại nguồn nước quý hiếm đã bao đời chắt chiu và cung cấp những giọt nước ngọt lành cho họ hưởng? Giếng Côi đã chua xót mùi đời vì sự bội bạc, tàn nhẫn của con người!

*

Một buổi sáng mùa xuân, người ta thấy có chiếc xe hơi màu xanh da trời chạy vào làng. Họ nghĩ có lẽ là mấy ông làm chức to về thắp hương cho tổ tiên của gia đình họ. Mọi đôi mắt đổ dồn về chiếc xe đang đến gần. Lúc xe dừng lại, một bà già trạc tuổi ngoài bảy mươi, ăn mặc giản dị, bước xuống xe, niềm nỡ chào hỏi mọi người. Bọn trẻ không biết bà là ai, số người trung niên cũng thấy bà xa lạ. Chỉ những người xấp xỉ tuổi bà ngờ ngợ nhận ra bà là con dân của làng! Bà đến gặp ông Hội chủ làng, xin vào thắp hương cho ngài Khai khẩn, qua chùa lễ Phật và rồi trò chuyện, làm quen với dân làng. Bây giờ người ta mới tò mò hỏi bà về chuyện riêng tư. Càng đi ngược lại thời gian, bà con mới biết được rằng bà là người con gái đã chịu tai tiếng do mối tình “chắt nước giếng Côi”, mà phải bỏ làng ra đi cùng người yêu trong buồn tủi!

Ngồi trò chuyện với bạn làng thuộc trang lứa cũ, bà kể nỗi gian nan vất vả từ lúc xa làng, quyết chí lập nghiệp ở xứ người để có cơ ngơi khấm khá; vì danh dự của làng, vì sự chung thủy của mối tình bên giếng mà vợ chồng bà đã nuôi dạy các con nên người,… Bà bỏ ra một ngày để đi thăm dân làng, thăm các di tích đình, chùa, đền , miếu, đặc biệt là cái Giếng Côi. Bà thấy những cảnh tang thương của thời khói lửa phần lớn đã được sửa sang cho đỡ vẻ hoang tàn. Nhưng khi tìm đến với Giếng Côi thì, than ôi, bà đã sửng sốt và xót xa đến se thắt lòng! Trước đây bà không hề tưởng tượng rằng cái giếng ơn nghĩa và mang nhiều kỷ niệm thời son trẻ lại có thể trở nên tồi tệ như những gì bà đang tận mắt nhìn thấy! Chốc lát hai giọt nước mắt lăn dài trên đôi má người phụ nữ đã qua tuổi bảy mươi!

      Tối hôm đó bà già ở lại với làng. Bà tìm đến ông trưởng thôn và trình bày những tâm nguyện của bà. Bà nêu ý định, với số tiền dành dụm bấy lâu, bà muốn giúp hết cho làng để tôn tạo đình chùa, đền miếu mà có thời người ta cho là mê tín, dị đoan nên đã đập phá đi. Bây giờ dân làng đã có trình độ văn hóa, họ nhận thức đấy là nơi lưu giữ hồn thiêng của các bậc tổ tiên đã có công lớn với làng,  nên mọi người hoan nghêng hảo tâm của bà. Còn một điều không ai ngờ tới là bà thiết tha đề nghị làng cho phục chế Giếng Côi. Lúc đầu người ta bảo bà là e không làm nổi vì có cả hàng tấn đất đá, vôi vữa, rác rưởi đủ loại đã đổ xuống giếng, không cách nào lấy lên được. Nhưng với ý nguyện và quyết tâm, bà đã thuyết phục được trưởng làng chấp thuận, và bà nhận lãnh toàn bộ việc trông coi việc phục chế giếng Côi. Ba ngày trục vớt hết đất đá lên khỏi lòng giếng, bà cho vét cạn nước, bỏ thuốc khử trùng và bắt đầu việc sửa chữa, tôn tạo giếng. Ngày nào bà cũng ra ngồi cạnh giếng, chỉ dẫn, yêu cầu thợ sắp lại từng viên đá sao cho giống hình dạng ngày xưa, số đá đã bị vỡ bà cho đi chở đá lành nơi khác về thay thế. Thành giếng được xây mới, nhưng vẫn giữ chiều cao như trước đây để có thể ghé ngồi lên như bà và bạn bè đã từng ngồi thuở trước. Mười hai ngày làm xong giếng, bà đãi thợ một bữa ăn khá thịnh soạn, với một lời cảm ơn chân thành vì họ đã chịu khó làm theo ý bà để bây giờ bà nhìn thấy một công trình như ý. Bà rót rượu và rưới it nước hoa xuống giếng để khử mùi hồ vữa còn mới, bà cũng không quên đốt 3 nén nhang thơm ra đứng bên thành giếng mà khấn. Người ta tưởng bà dị đoan bày chuyện khấn vái thần giếng hoặc ma Hời. Không, họ đã nhầm! Bà đang lâm râm khấn vái để tỏ lòng biết ơn những vị tiền nhân nào đó đã có công xây dựng giếng quý này để bao đời nay dân làng chắt được những giọt nước ngọt lành quý hiếm; về riêng tư, bà còn cảm ơn giếng đã tạo cơ duyên cho bà lấy được người mình yêu và hôm nay lại có cơ duyên quay về với Giếng.

      Mọi chuyện đều có lý do, việc bà muốn trở lại cố hương một phần là do cơn ác mộng vào tháng trước của bà. Một hôm bà nằm mơ thấy mình bị một kẻ hình thù như đười ươi giết chết và kéo xác đem chôn vào một nghĩa địa rộng mênh mông. Bà nhìn quanh toàn là người lạ: nào da trắng, da đen, da đỏ, nhưng tuyệt nhiên không có một bóng da vàng! Bà kêu cứu họ thì họ xổ ra những tràng âm thanh quái dị, bà chẳng hiểu tí nào. Bà gọi cha, gọi mẹ, gọi bà con, láng giếng thì chẳng thấy ai đến cứu! Hoảng sợ quá, bà choàng tỉnh dậy mới hay mình vừa trải qua một giấc mộng hãi hùng! Ngay lúc ấy bà đã nghĩ đến chuyện hồi hương.

Ba năm sau bà lại về thăm làng và thăm giếng Côi thân yêu của bà. Lần về này, bà đã mang theo một quyết định lớn. Hơn hai phần đời bà lưu lạc nhiều nơi, khấm khá lên khi ở xứ người tận bên đất trời Âu, Mỹ. Khi trẻ trung, đó là miền đất hứa, nhưng bây giờ bà chợt nhận ra tất cả vinh hoa, phú quý đó là vô nghĩa, là của xứ người. “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, bà tự nhủ: Ta hãy về đi thôi, không nơi nào đẹp bằng quê hương, không nơi nào thân thương bằng nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đầy ắp những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ. Ta phải trở về!

Hôm nay bà làm một mâm cau, hai chai rượu nếp, kính trọng đến trình làng xin 28 mét vuông đất. Bà nêu rõ: Xin làng cấp cho 24 mét cạnh Giếng Côi để làm túp lều nhỏ sống tạm tuổi già, 4 mét vuông còn lại xin làng cấp ở phần đất nghĩa trang của làng để làm nơi an nghỉ muôn đời của vợ chồng bà. Chồng bà đã qua đời và đang gởi tạm nắm xương ở xứ người. Bà chỉ xin 4 mét vuông đất đủ nằm cho hai vợ chồng, còn con cháu bà thì đang dần dần trở thành kẻ mất gốc, không mong chúng trở lại quê hương. Nhưng bà vẫn còn hy vọng: nếu thân xác vợ chồng bà yên nghỉ tại quê nhà thì bọn con cháu còn có cơ hội trở về với nơi cội nguồn tiên tổ. Chẳng lẽ chúng bất hiếu, bất nghĩa đến nỗi không nhớ đến những người sinh ra và hy sinh suốt đời vì hạnh phúc của chúng?! Làng hẹp, dân đông, nên việc cấp đất ngày càng khó. Tuy nhiên, làng vẫn hoan hỷ chấp thuận nguyện vọng của bà, vì bà là người phụ nữ có lòng với tổ tiên, có tình với làng xóm; còn hơn nhiều ông chức to, quyền trọng, lầu năm bảy cái, tiền gởi ngân hàng ngoại quốc mà không hề đoái hoài đến làng nước, tổ tiên!

Rồi một đêm trăng rằm vằng vặc, người ta thấy một bà lão tay cầm nắm hương và bó hoa tươi từ túp lều nhỏ tiến ra cái giếng ở đầu làng. Bà lầm rầm khấn vái rồi cắm hương vào phía tây của bờ giếng, và từ từ ngắt từng cánh hoa thả vào lòng giếng. Bà ghé người ngồi xuống thành giếng bên đông và nhìn lên mặt trăng. Trăng hôm nay đẹp quá, tròn trịa như mối tình thủy chung son sắt của bà! Bà lại nhìn xuống đáy giếng. Mặt nước tràn ngập ánh trăng, lấp lánh hình bóng bà. Bà tưởng tượng đó là hình ảnh mình hồi con gái, đang xỏa mái tóc thề, cùng trò chuyện, tỏ tình với chàng trai bên kia thành giếng. Bao kỷ niệm đầy mộng mơ ùa về trong ký ức , bà thấy lòng hân hoan, lâng lâng khó tả. Lâu nay bà ít khi nghĩ đến chuyện viết văn, làm thơ; nhưng hôm nay những cảm xúc đang dâng ngập  lòng bà, bà buột miệng thốt lên khúc tâm tình mộc mạc của một người gần hết đời lưu lạc xứ người, nay mừng được về sum vầy bên tiên tổ, được sống những ngày cuối đời giữa quê hương yêu dấu và Giếng Côi trọn nghĩa, vẹn tình!

      Bà sảng khoái cất giọng ngâm nga như một thi sĩ đang ngâm bài thơ tình tuyệt tác:

Giếng Côi ơi!
Từ nay ta sẽ ở bên người.
Còn sợ gì cảnh lẻ loi, đơn độc!
Thế sự có lúc muốn cười, nhiều khi muốn khóc,
Bởi nhân tình hay tráo trở, ranh ma.
Gần sáu  mươi năm trời xuôi ngược bôn ba,
Ta mệt mỏi vì miếng cơm, manh áo!
Nhưng ta quyết không sai lòng, lỗi đạo;
Nguyền trọn niềm chung thủy với quê hương.
Nay ta về tìm lại yêu thương
Của tổ tiên bao đời tiếp nối,
Cho tuổi thơ ta tung tăng nơi đồng nội,
Cho tâm hồn ta bay bổng tuyệt vời!
Cho nghĩa tình trang trải tới muôn nơi,
Cho người với ta được làm đôi tri kỷ!
Giếng Côi ơi!
Tình hai ta chân thành mà giản dị,
Lai láng giữa quê hương
Vằng vặc ánh trăng rằm!



Quê nhà, một đêm trăng sáng
Văn Quang
0984 509122
vanquangqtri@yahoo.com.vn


***

No comments: