Truyện ngắn
Một năm nay, sư thầy về quê thường xuyên hơn, ít nhất mỗi tháng một lần. Ông cụ thân sinh của thầy đã già yếu lắm rồi. Trước ngày rời chùa, bao giờ thầy cũng thu xếp mọi việc, căn dặn đệ tử rồi mới an tâm xách túi vải màu lam thong dong bước ra cửa.
Những chuyến về quê thầy thường cho điệu Sanh đi cùng. Có lẽ tại điệu Sanh là chú tiểu nhỏ tuổi nhất trong các đệ tử nên được thầy cưng chiều hơn cả. Với lại thầy biết điệu Sanh vốn tính hiếu động, ở chùa mà vắng thầy thì thể nào điệu cũng bày trò quấy rầy các sư huynh hoặc khách hữu đến thăm viếng. Về quê, thầy nói cho điệu Sanh đi cùng vừa để chùa “yên”, cũng là để điệu ấy được tu. Điệu Sanh thắc mắc: “Tu là phải ở trong chùa, có Phật mới tu được chứ?” Thầy mỉm cười nhẹ, bao giờ điệu Sanh thắc mắc những điều như thế, thầy cũng chỉ cười mà không trả lời.
Ra đến cổng chùa, điệu Sanh lại hỏi: “Thầy ơi! Hôm qua con nghe các sư huynh nói đi tu là quên hết chuyện gia đình. Sao giờ thầy lại về quê?” Sư thầy dừng chân, yên lặng một lúc rồi lại mỉm cười hiền dịu và quay sang phía điệu: “Vậy điệu Sanh ở lại chùa, để thầy về quê một mình, nghe”. Nói xong thầy rảo bước đi. Điệu Sanh chạy theo cầm lấy vạt áo nâu. Thầy đưa tay lên xoa đầu điệu Sanh: “Thôi nhanh lên con, sắp tới giờ xe chạy rồi”.
Mất gần ba tiếng đồng hồ ngồi xe, sau đó hai thầy trò thả bộ chừng ba mươi phút mới tới được quê nhà của thầy. Con đường làng hai bên cỏ rợp lên, những bông cỏ dại nở màu vàng trắng tím khiến điệu Sanh thích thú. Đi một chặng, điệu Sanh cúi xuống hái hoa hoặc đuổi chụp cánh bướm vờn, rồi lại lon ton chạy theo thầy. Mỗi lần như thế, thầy lại mắng yêu: “Trên đường cứ mải hái hoa nghịch bướm thì chừng nào mới tới được”. Rồi như để điệu Sanh bớt nghịch, thầy kể chuyện cho điệu Sanh nghe. Mà điệu Sanh lại hay tò mò. Điệu Sanh hỏi: “Thầy ơi! Sao thầy lại đi tu? Có phải thầy cũng ghét cha mẹ như con không?”.
Sư thầy không trả lời. Nhưng câu hỏi đã khiến thầy như chạnh nhớ. Ký ức tưởng đã xa xăm chìm vào lãng quên.
*
Hồi mười tám tuổi, sư thầy lúc đó là chàng trai làng tên Khôi sức vóc, siêng năng.
Khôi thương cô Nguyệt cùng làng. Cô Nguyệt hiền lành, xinh xắn. Cả làng ai cũng khen hai người đẹp đôi. Đi làm đồng, lúc nghỉ giữa buổi thể nào Khôi cũng kéo Nguyệt lên trên triền cỏ ngồi tâm tình. Khôi khéo ăn nói, cả làng bảo thằng này đi cưa gái lắm đứa chết mê. Nhưng Khôi chỉ để ý đến Nguyệt. Biết tin hai người có tình cảm với nhau, ông giáo Tuệ, cha của Khôi, liền ngăn cấm.
Ông Tuệ chê nhà cô Nguyệt nghèo. Cha Nguyệt mất sớm. Song thân đằng ấy không đầy đủ. Không môn đăng hộ đối. Nguyệt còn có một chị gái, một em gái; nòi nhà toàn… cái. Mà Khôi là con trai duy nhất của ông giáo Tuệ, phải đẻ cháu đích tôn. Ông dõng dạc nói như phán: thằng Khôi nhà này không thể lấy con Nguyệt. Cấm!
Ông giáo Tuệ vốn là người nhất nhất nghi lễ. Biết cha mình “phong kiến” và nghiêm chỉnh, cộng với chút nông nổi tuổi trẻ, Khôi quyết chí bỏ làng đi vào Nam. Đi suốt một ngày chàng vẫn chưa hết buồn lòng, nhưng lại đói lòng, thế là Khôi tìm vào một ngôi chùa. Chàng ở lại chùa rồi xin xuống tóc. Tu luôn!
Ừ! Thầy đi tu có phải cũng vì ghét cha mẹ như điệu Sanh không?
*
Đến nhà rồi. Điệu Sanh ném mấy bông hoa dại mới ngắt lúc nãy, cùng thầy bước chậm vào ngõ. Cụ giáo Tuệ nằm trên giường ngó ra như thể ngóng đợi. Sư thầy mới bước qua cửa thì ông cụ Tuệ đã bật lời rền rĩ như mắng: “Về đi! Tu chi cho khổ”. Rồi cụ cố nghiêng người quay mặt vào tường. Sư thầy nhìn mọi người trong nhà và mỉm cười. Nụ cười thanh thoát của vị sư hai nhăm tuổi đạo.
Hai tháng sau, điệu Sanh lại theo sư thầy về quê. Thấy sư thầy gấp gáp chuẩn bị túi vải, điệu Sanh bớt hoang, dọc đường không nghịch hoa hay hỏi han nữa. Ông cụ Tuệ yếu hẳn đi, gầy rộc, nằm yên ắng. Cụ vẫy vẫy sư thầy tới, đưa tay kéo đầu thầy xuống và nói nhỏ vào tai, lần này không mắng. Cụ không còn sức mắng, hay là cụ đang năn nỉ? “Về đi! Lấy vợ. Cháu đích tôn”. Và sư thầy cũng không cười như lần trước nữa, dù chỉ là một nụ cười mỉm thật nhẹ.
Tu là để đạt đạo. Mà hiếu cũng là đạo. Hiếu đạo. Ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa đã từng có vợ, sinh cháu cho phụ vương rồi mới đi tu để thành Phật. Vậy là Ngài trọn hiếu đạo.
Tu là đi. Về cũng là đi. Về đi! Tu, đi hoài liệu có tới cõi Phật? Nhưng về, ít nhất đối với sư thầy lúc này, về là sẽ tới... cõi người.
Sư thầy trầm ngâm nghĩ suy từ lúc ấy cho đến khi quay lại chùa. Trong thầy hai chữ về đi cứ thổn thức. Thầy như chìm vào cơn mê kiểu giấc mơ Trang Tử. “Không biết ta là sư thầy giữa cõi người? Hay ta là người thường lạc giữa cõi đạo?”
Đám tang cụ Tuệ tổ chức trọng thể. Đám làm cơm chay và theo nghi thức nhà Phật. Lễ nhập liệm, lễ cầu siêu… đều có các thầy trong giáo hội và đoàn sinh Phật tử tụng kinh. Đêm trước ngày di quan, mọi người đã đi nghỉ cả rồi, chỉ còn sư thầy ngồi trước bàn vong niệm kinh Sám Hối.
*
Thuở ấy tôi là điệu Sanh, nghịch ngợm bướng bỉnh, không yêu thương cha mẹ nên được gửi vào chùa tu để cải nghiệp. Tôi là con trai duy nhất của cha mẹ.
Đêm tôi ngồi trước thềm chùa, lá si rơi từng chiếc tán xuống sân.
Về đi!
Về đi!
Về đi!
No comments:
Post a Comment