Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, February 16, 2011

LINH ĐÀN - Vài nét về HỘI CỔ HỌC QUẢNG TRỊ và HỘI THƠ HÃN MAI



Hồi tôi mới lớn, tôi thường thấy quý cụ gọi nhau đi dự hội Cổ Học, mỗi lần đi dự hội, quý cụ chuẩn bị mấy ngày trước khăn đóng áo dài cho vào gói đeo vai sẵn sàng, đến ngày đi từ mờ sáng quý cụ quảy gói lên đường rồi đến 3 -4… ngày sau mới về lại nhà, từ làng tôi vào thị xã Quảng Trị tính theo đường QL1 là 24km, sau ngày chia đôi đất nước 1954, việc lưu thông, từ Gio Linh, hoặc Trung Lương vào Quảng Trị phải đi bộ đến Đông Hà, cũng mất gần một buổi sáng, đến chợ Đông Hà mới có xe khách đi Quảng Trị, xe nào xe nấy chật như nêm, phần nhiều là khách đứng, nếu đi đường sông thì phải đi trước 3 ngày, thế nhưng năm nào quý cụ cũng tham gia đông đủ. (Cuối năm 1958 mới có xe đò chạy từ Đông Hà ra Gio Linh, Trung Lương và ngược lại)

Đến năm 1962 tôi được đề cử vào ranh giới Trị Thiên, để đón phái đoàn Cổ Học Trung Ương từ Huế ra, tôi là người trẻ nhất của phân hội Cổ Học Gio Linh, rồi từ đó tôi được ghi danh vào Hội Cổ Học Quảng Trị. Sau nầy tôi vào Hội mới biết tôn chỉ của hội Cổ Học và ngày tế Đức Khổng Tử. tuy tôi được nhập hội nhưng chỉ được nghe ngóng và chấp hành, vì còn quá trẻ, và phải còn “giữ lễ”

Nói về tôn chỉ là phải biết về quan điểm của hội Cổ Học, biết về phần học thuyết NHÂN SINH QUAN, theo quan niệm luân lý Á Đông, và sự suy tôn VẠN THẾ SƯ BIỂU, cùng hiểu qua tiểu sử của Đức Khổng Phu Tử và các môn đệ tiêu biểu của Ngài, như Thầy Nhan Hồi, Thầy Tử Cống, Thầy Mạnh Tử chẳng hạn…

Còn phần tế lễ thì cứ đến giờ Dần ngày 27 tháng 8 âm lịch hằng năm là cử hành tại Khổng Miếu, trên chính điện là di ảnh đức Khổng Tử, phía ngoài là lư trầm bát nhang, kế đến là 3 ly nước trong, hai bình bông vàng, và cặp đèn bạch lạp, (không có lễ tế sát sanh) vị chủ tế đội mũ văn, áo rộng xanh, và thầy cúng đọc bài văn tế bằng chữ Hán, không có chiêng trống kèn nhạc, phần nghi thức hết sức long trọng, nhưng chỉ diễn ra trước lúc mặt trời mọc là xong, sau đó là lễ cúng ngoài trời. Khoảng 8 giờ sáng (7giờ sáng hiện nay) vị tỉnh trưởng, nhân viên tỉnh tòa, và các ty sở ban ngành trong tỉnh cùng mặc quốc phục long trọng đến Khổng Miếu niệm hương, dâng hương, đến năm 1963 bắt đầu có mấy vị nữ tham dự, không phân biệt người theo tôn giáo nào, trong Nam thì không biết sao, còn riêng Quảng Trị, chỉ có Phật Giáo, Công Giáo và người thờ Ông Bà gọi là Lương, nên việc tế Đức Khổng Tử diễn ra năm nào cũng có các thầy tu, các linh mục và các cụ đến chiêm bái hết sức long trọng. Có một điều không thể nào quên, là cứ đến ngày 27 tháng 8 hằng năm, đoạn đường Trần Hưng Đạo - Quảng Trị từ phía sau tòa tỉnh, qua ty tiểu học vụ đến cổng Khổng Miếu là toàn bộ khăn đóng áo dài, không thấy bóng dáng một bộ âu phục nào đi qua đó, giống như một quốc gia dưới thời vua chúa xa xưa.

Nói về sinh hoạt của Hội Cổ Học Quảng Trị, tôi thấy sự cung kính chào thưa ngày thường thật sự là nề nếp nho phong, đúng là phép tắc của cổ học, người xưa trọng chữ tín và tuân thủ lễ nghĩa, trọng phẩm cách nhưng không ươn hèn mà họ gọi là “đạo quân tử”. Đạo Quân Tử lấy sự “lập ngôn” (lời nói phải cách) làm đầu gọi là “lễ”, chữ lễ chia ra nhiều cách, như “lễ phép” = phép tắc xưng hô, “lễ nghi” = nghi thức ứng lễ, và “lễ nghĩa” = sự cư xử ở đời cho phải đạo ; thứ 2 là “lập đức” = “đạo đức trong việc ứng xử”, “đạo hạnh trong việc cư xử”, “đạo lý trong việc luân lý”; thứ 3 là “lập chí” = “kiên định lập trường, quyết đoán chính chắn trong việc làm”, và cuối cùng là “lập thân” = “làm tròn 3 nhiệm vụ trên”, đó là “tiêu chí của mỗi hội viên Hội Cổ Học Quảng Trị” ngày xưa. Tôi cũng xin nhắc lại ở đây “Hội Cổ Học” được danh xưng là Đạo Quân Tử nhưng không phải là một tôn giáo.

Song song với Hội Cổ Học là Hội Thơ Hãn Mai còn gọi là Hãn Mai Thi Xã, song hành nhưng rất khiêm tốn với Hội Hương Bình Thi Xã ở Huế. xướng họa thơ Đường Luật, và sáng tác thơ Song Thất Lục Bát, thơ Lục Bát, thơ Phá Thể, Văn Ai, Văn Tế, Phú, Hoành Phi và Câu Đối.

Thường thường Hội Trưởng Cổ Học kiêm luôn chức hội trưởng hội thơ Hãn Mai, hồi tôi mới vào hội, hội trưởng là cụ Tú Tài Nguyễn Hữu Hiệt, gọi tắt là cụ Tú Hiệt, bút danh là Thạch Lữ, (làng Đại Hòa – Triệu Phong), cụ là một nhà thơ nổi tiếng của Quảng Trị, không những thơ Nôm mà còn thơ Chữ Hán, trên các tạp chí của Đài Bắc hay Hồng Kông cũng in thơ Cụ, cụ còn làm thơ thời cuộc, đại để như bài thơ tết năm Đinh Mùi 1967 dưới đây :

KHAI BÚT NĂM ĐINH MÙI
Nhảy vọt sa trường “ngựa” đã ê
Xuống thang mong tới đoạn đường “dê”
Mừng tin gió mới cành hoa nở
Nhớ hẹn trăng xưa chiếc én về
Bức vẽ văn minh nhiều cảnh lạ
Bàn cờ thế cuộc có cơ huề
Đua nhau đốt pháo chào xuân mới
Chẳng nỡ trêu người giữa “giấc mê”.

                                      Thạch Lữ

Tôi không nhớ năm nào cụ Lê Hữu Nguyện (làng Cửa Tùng – Vĩnh Linh, là anh ruột Đức Cha Lê Hữu Từ) lên thay cụ Tú Hiệt, sau đó là cụ Hoàng Trọng Thuần còn gọi là Thầy Thoàn hay cụ Tú Thoàn (làng Phúc Lộc – Triệu Phong) lên nhậm chức, cũng kiêm luôn 2 chức vụ Hội Trưởng. Cụ Thoàn là người năng động, muốn mở rộng hội viên cho lớp trẻ, để không trầm tĩnh như hồi trước, nên các giáo viên các trường tham dự hội khá đông, và phân viện Hán Học Đại Học Huế thường giao du, có linh mục Nguyễn Hy Thích, thầy Giản Chi, thầy Phan Văn Dật, nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, vv… thường tới lui ngâm vịnh. Hội Hãn Mai còn có các nhà thơ lão thành như : cụ cử nhân Trần Doãn Trai (cựu Thị Lang Bộ Hộ) cụ Nghè Ba, Cụ Học Thược, Cụ Mộng Xuân Đoàn Lỗ Bửu, thầy Thái Tăng Liên đều rất uyên Nho, và đặc biệt dung hòa giữa tân học và cổ học như các thầy Lê Đình Ngân, thầy Trợ Khởi, thầy Trợ Triễn, thầy Thông Thạnh, cụ Nguyễn Văn Thư, thầy Trợ Bân, thầy Ấm Đức, thầy Giáo Đích, thầy Trợ Thể, thầy Trợ Đăng, thầy Trợ Ngoạn, cụ Cửu Dương, cụ Xạ Dương, cụ Khóa Dương, thầy Trợ Mễ, cụ Tổng Vận, nghị viên Lê Thọ Dương, cụ Khóa Đào, cụ Khóa Ấm, cụ Phó Đào, cụ Khóa Huyên, cụ Hai Phố, cụ Hoàng Trọng Hưởng, cụ Tổng Quỳnh, cụ Nghị Khôi… và một số giáo viên ty tiểu học vụ Quảng Trị, đa số giáo sư Trường Trung Học Nguyễn Hoàng, và một số thầy ở phân ban Nha Học Chánh Trung Nguyên Trung Phần sốt sắng tham gia.
Năm 1969, có cụ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy, còn gọi là cụ Đốc Hy (quê Nhan Biều, là bác sĩ đầu tiên của Miền Trung VN) là hội viên hội Cổ Học QT xưa, ở Saigon về thăm quê hơn một tháng, một cuộc xướng họa thỏa thích.

Lại nói về một bài thơ của cụ Kỉnh Chỉ hồi còn ở làng Cổ Đạm (Nghệ An) khoảng năm 1930 có quen cô Tuyết Ngọc, lý do xa nhau thì không nghe Cụ kể lại, nhưng với một bài thơ thật ấn tượng sau năm 1954.

NHỚ TUYẾT-NGỌC
Tuyết-Ngọc bây giờ em ở đâu ?
Trông về Cổ-Đạm chạnh lòng sầu
Chỉn* e yếu-đuối thân bồ-liễu
Phải chịu dày-vò cuộc bể-dâu
Gần-gũi đôi khi nhờ giấc mộng
Xa-xôi ngàn dặm ứa dòng châu
Trùng-phùng ví được ngày nào nữa
Kẻ tóc hoa-râm, kẻ bạc đầu

                                Kỉnh Chỉ
---------------------
Chỉn* e = từ cổ là sợ e
Chỉn e quê khách một mình
Ở đây chờ đợi sư huynh ít ngày
Kiều
-------------------------
Bài thơ nầy hồi đó Dương Văn Tường (Hà Thượng) còn học lớp Đệ Nhị (lớp 11 hiện nay) trường TH Nguyễn Hoàng QT họa, được hội thơ Hãn Mai chọn là bài họa hay nhất (vì ngoài 5 vần ra, còn họa luôn 3 vần trắc cuối câu 3, 5, và 7).

NHỚ MỐÍ TÌNH ĐẦU
Nhớ thương giờ cũng chẳng còn đâu
Vương vấn làm chi để chuốc sầu
Vò võ chờ ai bên gốc liễu
Mõi mòn nhớ bạn cuối nương dâu
Thử xem cuộc thế thực hay mộng
Gẫm lại chuyện tình ngọc lẫn châu
Tóc bạc mong chi ngày gặp nữa
Dở dang chi thế mối duyên đầu.

Phụng họa
Dương Văn Tường

Những dòng thơ ngày ấy bây giờ thấy còn nóng hổi, như thuở còn chiến tranh :

KHI TRỞ LẠI LÀNG
Mãi ở trong Nam mới trở về
Viếng thăm làng xóm dạ buồn ghê
Nương vườn bỏ trống dân sưa sết
Đồn bót vây quanh Mỹ bộn bề
Đưa đón đò còn nguyên bến cũ
Lại qua người cũng khác năm tê
Căm hờn muốn vạch trời mà hỏi
Dâu bể gây chi cuộc ấy tề !

Kỉnh Chỉ

Những bài xướng họa thuở ấy được thầy Châu Văn Trần Văn Bân ở ty Tiểu Học Vụ cho đánh máy cẩn thận, nhưng tôi đã làm thất lạc hồi bị giải tỏa nhà quá gấp ở Bà Rịa năm 2003, thật là quá uổng, không biết còn ai giữ được những trang thơ quý hóa nầy hay không.
Rồi cuộc tiễn đưa cụ Kỉnh Chỉ cũng không ít những bài thơ đầy ắp ân tình, vào mùa xuân năm 1970 cụ qua đời, cũng có những bài thơ rơi lệ.

KÍNH ĐIẾU CỤ KỈNH CHỈ
Ba sinh duyên nợ mãn lời nguyền
Nhường chán cõi trần – chọn chỗ yên
Giấc mộng tương tư vàng nhớ tuổi
Thanh bia trường hận đá nhìn tên
Thi mơ tuyệt tác tiên dừng bút
Đàn vắng tri âm khách cặm thuyền
Đâu nữa Hãn Mai ngày hạnh ngộ
Hồn thơ lai láng bể Tây Thiên

Thạch Lữ


KÍNH ĐIẾU Bs PHAN VĂN HY
Cảnh Tiên Ông đã lên rồi
Nơi đây cảnh tục Ông ngồi mà chi !
Tìm đâu cho thấy bậc cao thâm
Thuốc thánh* thơ thần dội tiếng tăm
Nước Hãn đầy vơi lời ứa nghẹn
Non Mai trầm bỗng bóng xa xăm
Làng thơ còn đợi thi hào xướng
Người bệnh đang chờ bác sĩ thăm
Vòi vọi càng trông càng vắng vẻ
Ai ngờ Ông đã bước trăm năm.

                        Phụng bút
                        Linh Đàn
----------------------
Thuốc thánh* = bác sĩ Phan Văn Hy chữa bệnh cả thuốc Tây lẫn thuốc Bắc cực kỳ giỏi
----------------------
Rồi cuối năm 1970 tôi lên Dalat tìm kế sinh nhai, không ở Quảng Trị nữa, hơn nữa hồi đó sự liên lạc với nhau không có phương tiện hiện đại như ngày nay, nên không còn biết gì về hội Cổ Học cũng như Hội thơ Hãn Mai nữa. vì vậy sau đó tôi viết bốn chữ hoành phi “MAI HÃN TINH THẦN” treo trên nhà ở Dalat để làm kỷ niệm “một ẩn số riêng” cất giấu trong lòng.

Không ngờ lên Dalat lại gặp Dương Văn Tường là Sinh Viên Trường Võ Bị Quốc Gia trong những ngày chủ nhật, mà thật có duyên, nay lại gặp rất nhiều lần ở Saigon, là cựu hội viên hội thơ Hãn Mai trẻ nhất còn sót lại.

Rồi chiến cuộc năm 1972, Quảng Trị lại một lần tan nát, dân chúng hốt hoảng ra đi trong cơn lửa loạn, tình cờ tôi gặp nhà thơ Phan Văn Chiêu (là cháu gọi cụ Kỉnh Chỉ bằng bác ruột) chạy lên Dalat, sau một thời gian hoàn hồn, anh cũng nhắc lại bài thơ tặng cụ Kỉnh Chỉ hồi năm 1969 tại quê nhà.

MỪNG BÁC KỈNH CHỈ VỀ THĂM
Mười mấy năm hơn bác mới về
Quê nhà gặp bác thật mừng ghê
Bà con đón hỏi lòng sung sướng
Quan khách hàn huyên dạ hả hê
Hội ngộ câu thơ ngâm sảng khoái
Tương phùng chén rượu rót tràn trề
Biết bao thế hệ thay màu tóc
Nhìn thấy quê hương vẫn não nề

                     Phan Văn Chiêu

Bài thơ nầy có 3 vần rất khó họa, hôm ấy tại Nhuận Ký Tửu Gia cụ Kỉnh Chỉ treo giải một con gà luộc, một rá tôm hùm và 2 chai sâmbanh nếu ai họa được vần “hả hê”, “tràn trề”, Linh Đàn hồi đó còn tấp tững nhưng cũng cố trổ tài, chỉ một giờ sau là có bài họa (thay lời Kỉnh Chỉ).

TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG
Lâu lâu mới có một lần về
Ngắm cảnh quê nhà nhớ nhớ ghê
Cụ lão ngày nào ngồi chững chạc
Thầy chùa thuở nọ tụng ha hê
Lần theo tường nát đau chân lội
Đứng giữa nhà hoang chép miệng trề
Chiến trận hết rồi - về sửa lại
Dù bao gian khổ vẫn không nề

                      Linh Đàn (họa)

Thế là bữa tiệc hôm đó tăng thêm “phần treo giải” thật là tuyệt diệu.

---o0O0o---

Ôi ! Những bước đường lưu lạc xứ người, những hình ảnh quê hương sâu nặng bao đời có còn chăng trên gối ! người đời sau ai còn biết những sinh hoạt đầy ắp tính nhân văn mà Quảng Trị có một thời tô đậm.

Nhớ cùng đêm nhớ.

Saigon mùa Xuân năm Canh Dần 2010.
Linh Đàn

Nguồn: Bài và hình từ trang http://newvietart.com/




No comments: