Từ bi là sắc thái của giáo lý
Phật giáo, phổ biến sâu rộng đến độ quần chúng bình dân Việt Nam qua nhiều thế kỷ đã gọi rất
thân mật cửa chùa là “cửa từ bi”. Bản
kinh nhỏ “Kinh từ bi” thuộc kinh tập (Sutta – Nipata) tiểu bộ kinh ghi lời dạy
của đức Phật là: “Mong rằng tất cả chúng sanh yếu hay mạnh, cao, vừa hay thấp,
lớn hay bé, hữu hình hay vô hình, đã sanh hay sẽ sanh đều được hạnh phúc”. Để trải nghiệm lòng từ bi chân thực, phải có
sự phát huy cảm giác thân mật với người khác, kết hợp với ý thức trách nhiệm
đối với lợi lộc của họ. Lòng từ bi chân chính phát triển khi chính chúng ta có
ước nguyện đem sự an lạc đến và giải trừ khổ đau cho người khác và nhận thức
rằng mọi người đều có quyền theo đuổi mục tiêu này.
Lòng từ bi thúc giục chúng ta
tiếp xúc với tất cả các loài hữu tình, gồm cả giới được gọi là kẻ thù, những
người gây rối và não hại chúng ta, tất cả những gì họ gây ra cho mình, nếu
chúng ta nghĩ rằng mọi chúng sinh đều mong muốn mình được an vui và giải thoát,
thì nên phát triển lòng từ bi đến phía họ. Ý thức về lòng từ bi thường bị hạn
cuộc và thiên vị. Chúng ta chỉ ban rãi tình thương đến gia đình, bạn bè, hoặc
chỉ thương yêu những người thương yêu mình mà thôi. Đó không phải là lòng từ bi
chân chính, lòng từ bi chân thực là phổ quát cùng khắp mà không hề phân biệt.
Nó được đồng hành bởi cảm giác trách nhiệm .
Đối với người Phật tử, muốn
trưởng dưỡng lòng từ bi, ngoài những lúc công phu thiền quán, phải nỗ lực nghĩ
đến tha nhân nhiều hơn, luôn luôn chia sẻ những nỗi khổ đau bất hạnh của kiếp
người và cho họ biết rằng cuộc sống vốn khổ đau và mọi sự vật đều vô thường,
giúp cho họ biết được nguồn gốc của khổ đau mà đoạn diệt. Như bài dạy đầu tiên
mà đức Phật đã thuyết giảng cho 5 anh em Kiều Trần Như trong vườn Nai Lộc Uyển
là “Tứ Diệu Đế”.
Lòng từ bi là tình thương
vượt lên trên tất cả mọi tình thương hẹp hòi của thế gian, không bến bờ, không
giới hạn; vượt lên trên mọi sự ràng buộc của ý niệm.
Đối với Phật giáo, tất cả
chúng sanh đều là bạn hữu và mọi nơi mọi chốn của thế gian đều là thân bằng
quyến thuộc. Tình thương ấy tựa như ánh sáng mặt trời bao trùm cả thế gian vậy.
Chúng ta đang sống giữa một thời đại mà quyền lực và danh vọng đang khống chế
con người, mọi tham vọng của nhân loại đang bùng vỡ đến cùng cực. Chúng ta hãy
nhìn lại quá khứ và hiện tại. Những cuộc chiến tranh tương tàn, bi thảm đang
hủy hoại dần dần xương thịt của anh em chúng ta, bởi vậy, từ bi là chất liệu
cần thiết cho cuộc đời. Chỉ có vận dụng lòng từ bi mới dập tắt được những hận
thù đang ngùn ngụt cháy giữa chúng ta. Lời đức Phật dạy: “Hận thù không dập tắt
được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù đó là định luật”.
Nói như vậy nhưng không cho
rằng loài người có bản tính hung hãn, cho dù sự biểu lộ khá phổ biến của tình
trạng chống đối và thù hận nhau trên thế giới.
Bản chất con người vốn yêu
thương và hòa dịu. Ngay từ thuở mới sinh ra, chúng ta đã cần sự yêu thương và
trìu mến. Đây là một sự thật mà không ai có thể cưỡng cãi. Cho đến lúc từ giả
cõi đời, không có tình thương thì chúng ta không thể sống còn. Loài người là
một sinh vật có tính xã hội cao và mối tương quan lẫn nhau là tính chất cơ bản
của đời sống hợp quần. Nếu chúng ta dừng lại suy nghĩ và so sánh vô số hành xử
từ ái mà mọi người khắp nơi trên trái đất đang nhắm đến đời sống thiêng liêng
cao thượng thì hận thù, đố kỵ, ganh ghét quả là rất ít, vậy lòng từ bi thì bất
cứ ở quốc gia nào cũng phát huy được.
Tính bình đẳng của đạo Phật:
Ở đây chúng tôi không chép
lại toàn văn của kinh “ASSA LAY ANA” trung bộ 2 ghi lại cuộc đối thoại giữa vị
giáo chủ Bà La Môn với đức Cổ Đàm. Về các giai cấp xã hội và tính bình đẳng.
Muốn nói đến tính bình đẳng,
điều đầu tiên phải đề cập đến cuộc đời Đức Phật. Ngay trong buổi hoàng hôn- tăm
tối của nhân loại, Ngài sinh ra trong một dòng dõi vua chúa của xứ CA TỲ LA VỆ
phía nam nước NÊ PAL. Như một tiếng chuông tiên phong xóa tan bóng tối trầm
luân- khổ ải của chúng sanh bằng một câu châm ngôn vĩ đại “không có giai cấp
trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”. Sự kiện ra đời của ngài là vô tiền khoáng hậu
và lời tuyên bố hùng hồn mở đầu cho một trang sử mới để hình thành một nền tảng
của hệ thống giáo lý mà trong đó tính bình đẳng được thể hiện trọn vẹn về cả
hai phương diện: Lý thuyết và thực tiễn.
Ngài Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ
ngôi vị đế vương, đoạn diệt tất cả sự vinh hoa, phú quý, vương quyền- quý tộc,
vợ đẹp, con ngoan, khước từ mọi đặc ân cao tột dành cho giai cấp vua chúa, túi
không, tâm không với lớp áo hoại sắc một thân, một mình, đi tìm sự giác ngộ để
cứu vớt chúng sanh. Cũng chính Đức Phật, một con người đơn sơ, giản dị đã chiến
thắng ngoại ma, nội ma, vượt lên trên tất cả để thành đạo. Sự kiện chung quanh
ngài đã thể hiện tính bình đẳng tuyệt vời trong suốt 49 năm du thuyết. Ngài đã
hóa độ cho biết bao nhiêu chúng sanh, từ hàng cùng đinh mạt hạng cho đến các
vương tôn quý tộc bằng câu châm ngôn “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật
sẽ thành”.
Ngài đã soi xét và quán chiếu
trong mỗi một chúng sanh dù khác nhau về hình thức, sự hiểu biết, nhưng Phật
tánh thì ngang nhau, bởi vậy tính bình đẳng được thể hiện.
Đức Phật luôn luôn thương yêu,
khuyến giáo mọi người hãy nhận thức được chân giá trị cuộc sống. Tính bình đẳng
không những đối với con người, ngay cả các loài vật, tất cả các sinh vật hiện
diện trong cuộc đời này đều mang một tâm lý rất chung là tham sống và sợ chết.
Vậy sao chúng ta cướp đi mạng sống của kẻ khác ?.
Trong bước đường du hóa của
Ngài “Ngài từng bế một chú cừu non lạc bầy tìm về với mẹ” và “Ngài cũng đã từng
dạy cho một số người cuồng sát, mê tính đã hiến dâng những con thú sống cho các
đấng thần linh huyễn hoặc. Cứu vớt những mạng sống khỏi cái chết hỏa thiêu,
chôn sống, chỉ vì một niềm tin mù quáng”,
Theo Phật giáo mọi sai biệt
trên trái đất này đều tùy thuộc vào nhân duyên mà sinh khởi, vậy sự khác nhau
về địa vị, hoàn cảnh giàu sang hay nghèo hèn, ngu dốt hay thông minh đều do
hành vi tạo tác thành nghiệp lực để rồi mãi mãi quay trong luân hồi sinh tử
nhưng quyền sống thì ngang nhau, Phật tính ngang nhau.
No comments:
Post a Comment