Lời giới thiệu:
Truyện ngắn sau đây, nguyên văn Boys And Girls, được in lần
đầu trên báo The Montrealer, năm 1968, sau đó in lại cùng năm trong Dance Of
The Happy Shades, tuyển tập đầu tay của Alice Munro, được giải thưởng Governor
General. Truyện viết về một nông trại ở Canada, những năm trước và sau đệ nhị Thế
chiến, viết về một đứa bé gái lớn lên trong xã hội hãy còn nhiều phân biệt nam
nữ. Qua giọng kể của nhân vật ngôi thứ nhất, chúng ta thấy hình ảnh của đời sống
thôn quê, vai trò khác nhau của phụ nữ và đàn ông thời ấy, người đàn bà suốt
ngày lo việc trong nhà, trong khi đàn ông làm lụng bên ngoài. Đây là một trong
những truyện ngắn đặc tả các vấn đề phụ nữ mà Alice Munro quan tâm, tuy nhiên
khuynh hướng này không ràng buộc ngòi bút của bà thám hiểm sâu hơn những khía cạnh
thú vị của đời sống: nông trại, súc vật, mùa màng, sự khó khăn chật vật của người
nông dân, cuộc đấu tranh của họ, thiên nhiên khắc nghiệt và nên thơ, tính nhân
từ, chất hài hước và quyền tự do.
Rememberance Day 2013
Cha tôi làm chủ một trại nuôi cáo. Những con cáo bạc được
nuôi trong chuồng rào kín; vào mùa thu và chớm đông, khi lông chúng đẹp nhất,
cha tôi giết cáo và lột da và đem bán cho công ty Hudson’s Bay hoặc Montreal
Fur Traders. Các công ty này tặng lại chúng tôi những tấm lịch truyền kỳ hiệp
sĩ, treo lên cánh cửa bếp, cả hai phía. Trên nền của bầu trời xanh lạnh lẽo, rừng
thông đen và những dòng sông phía Bắc hung hiểm, các nhà thám hiểm đội mũ lông
chim cắm cờ Anh hay cờ Pháp lên vùng đất mới; những thổ dân hoang dã cúi gập người
trên lối đi mang vác thuyền bè.
Vài tuần trước lễ Giáng sinh, cha tôi làm việc buổi tối dưới
tầng hầm. Hầm được quét dọn sơn trắng, chiếu sáng bằng ngọn đèn trăm watts đặt
trên bàn làm việc. Thằng Laird em trai tôi và tôi ngồi trên bậc thang cao nhất
nhìn xuống. Cha tôi lột bộ da cáo, lộn từ trong ra ngoài, bày da thịt trần truồng,
trông bầy cáo thật bé nhỏ, hèn mọn, giống như chuột, khi không còn bộ lông kiêu
kỳ sang trọng nữa. Những cơ thể trần trụi, trơn láng được nhét vào một cái túi,
đem chôn ở gò cao. Có lần Henry Bailey, người làm công, ném mạnh cái túi ấy vào
người tôi, đùa: “Quà giáng sinh đây!”. Nhưng mẹ tôi không thích trò đùa ấy. Thật
ra bà không hề thích toàn bộ công việc làm da thú- tức là giết cáo, lột da, chuẩn
bị bộ lông. Bà ước gì việc ấy không xảy ra trong ngôi nhà này. Mùi chồn cáo khắp
nơi. Sau khi bộ da căng ra đã được lật từ trong ra ngoài trên tấm phản, cha tôi
cạo nó thật khéo léo, gỡ những chùm huyết quản lấm tấm các hạt máu đông li ti,
những miếng mỡ lùng nhùng, mùi máu, mùi động vật, thứ mùi nguyên thủy mãnh liệt
của loài cáo, tất cả những thứ ấy bay ngập không gian, thấm từng phần ngôi nhà.
Tuy vậy tôi tự an ủi rằng chúng chỉ theo mùa, cũng giống như mùi cam, mùi lá
thông.
Henry Bailey bị bệnh viêm phế quản mãn tính. Anh ta ho và ho
liên tục cho đến khi khuôn mặt nhỏ hẹp đỏ ửng, và cặp mắt xanh lơ tinh quái của
anh ràn rụa nước mắt; anh liền nhấc cái nắp đậy vung lên và, đứng lùi vài bước cẩn
thận, nhổ thật mạnh một bãi đờm- hsss- ngay vào tâm ngọn lửa. Chúng tôi ngưỡng
mộ anh ta về cái trò này và về khả năng làm cho bụng dạ kêu rồn rột, và tiếng cười
kỳ quặc, đầy âm thanh ùng ục, rống rít, tạo ra bởi toàn thể bộ máy hô hấp hư hỏng
của mình. Đôi khi khó biết Henry cười chuyện gì, nhưng lúc nào cũng có thể là về
chúng tôi.
Khi hai chúng tôi phải lên giường ngủ, vẫn còn ngửi được mùi
cáo và nghe vẳng tiếng cười của Henry, nhưng tất cả những điều này, gợi nhớ đến
một thế giới ấm áp, an toàn, sáng long lanh ở nhà dưới, dường như hoàn toàn bé lại
và biến mất, trôi đi chập chờn trên không gian lạnh lẽo nhàm chán của gác trên.
Đêm đông đầy sợ hãi, không phải chúng tôi sợ bầu trời bên ngoài ngôi nhà, mặc
dù vào thời tiết ấy khi những đụn tuyết uốn cong lại vòng quanh nhà như những
con cá voi ngủ vùi, gió thổi miên man hung hãn suốt đêm, từ những cánh đồng bị
vùi lấp, từ những đầm lầy băng giá, với dàn hợp xướng nhức nhối của gió dọa dẫm
và than khóc. Chúng tôi sợ hãi bên trong này đây, chính căn phòng ngủ. Vào thời
đó tầng nhà trên chưa làm xong. Ống khói bằng gạch bám dọc lên gờ tường. Ở ngay
giữa sàn nhà một lỗ vuông với rào gỗ chắn bao quanh; đó là lối cầu thang mở
lên. Phía sau cầu thang là những vật không ai dùng nữa, một cuộn vải bạt của
lính, dựng góc nhà, một cái nôi trẻ con, một cái giỏ đầy rêu bám, ống sứ và chậu
sứ với những đường nứt bên trong, một bức tranh của trận đánh Balaclava, trông thật
rầu rĩ. Tôi từng bảo đứa em trai, khi nó vừa đủ lớn để hiểu những chuyện như thế,
rằng bầy dơi và những bộ xương người đã từng sống ở đây; khi một gã tù nhân trốn
thoát trại tù, cách đó hai mươi dặm đường, tôi hình dung hắn ta đã chui qua cửa
sổ và nằm ẩn núp đâu đó phía sau tấm bạt kia. Nhưng chúng tôi có những quy luật
riêng để giữ an toàn. Khi đèn sáng, mọi thứ an toàn nếu bạn không bước ra khỏi khu
vực của tấm thảm mòn vẹt được xem là phòng ngủ; khi đèn tắt, chẳng còn một nơi
nào an toàn nữa, trừ những chiếc giường. Tôi phải quỳ ở cuối chân giường để tắt
đèn, vươn người ra thật xa để chạm tới sợi dây điện. Trong bóng đêm hai chúng
tôi nằm im trên giường, tựa những tấm bè bé bỏng của sự sống, và nhìn đăm đăm
lên ánh sáng vàng vọt yếu ớt hắt tới từ cầu thang, và chúng tôi cất lời hát. Laird
hát bài Jingle Bells, bài ấy lúc nào nó cũng hát được dù vào dịp Giáng sinh hay
không, và tôi thì hát bài Danny Boy. Tôi yêu giọng hát của mình, yếu đuối run rẩy
như lời nguyện từ từ dâng lên trong bóng tối. Chúng tôi chăm chú nhìn hình ảnh giá
băng của những khuôn cửa sổ, trắng và ảm đạm. Khi tôi hát đến câu Khi con chết,
chắc rằng con sẽ chết- một cơn run rẩy không phải bởi những tấm chăn lạnh lẽo
mà bởi niềm xúc động vui thú lạ lùng khiến tôi gần im bặt. Con sẽ quỳ xuống và
gọi tên người Ave trên mọi loài- Ave nghĩa là gì? Ngày nào tôi cũng quên không
tìm hiểu.
Laird hát xong liền ngủ thẳng cẳng. Tôi nghe được tiếng thở kéo
dài, sảng khoái, phì phò của nó. Giờ đây còn lại một mình, tôi có khoảng thời
gian hoàn toàn riêng tư, có lẽ đẹp nhất trong ngày, tôi nằm cuộn người trong
chăn, lâng lâng nghĩ đến những câu chuyện mà tôi tự kể cho mình, bồi hồi bổi hổi,
từ đêm này sang đêm khác. Những câu chuyện về bản thân tôi, khi tôi đã lớn hơn
chút nữa; chúng xảy ra trong một thế giới, có thể nhận ra là của tôi, nhưng lại
là một thế giới đầy cơ hội của lòng dũng cảm, gan dạ, tính hy sinh cao thượng, mà
trong thế giới thực này chúng không từng xảy ra. Tôi cứu nhiều người ra khỏi một
tòa nhà bị bom đánh sập (tôi khổ sở khi biết rằng cuộc chiến tranh thực sự đã
đi quá xa kể từ thời lễ mừng Jubilee). Tôi bắn hạ hai con chó sói bị bệnh dại,
chúng xông vào sân trường học (các thầy giáo sợ hãi chui ra sau lưng tôi). Tôi
cưỡi một con ngựa tuyệt đẹp hùng dũng đi xuống đường phố của ngày lễ mừng, cảm
nhận khoái trá sự biết ơn của người dân thành phố đối với các nhân vật anh hùng
(ở vùng này chưa có ai cưỡi ngựa, ngoại trừ Vua Billy trong ngày diễu hành
Orangemen’s Day). Lúc nào cũng có chi tiết cưỡi ngưạ và bắn súng trong truyện của
tôi mặc dù thật ra tôi chỉ ngồi lên ngựa có hai lần- cưỡi lưng trần vì không có
yên cương- và trong lần thứ hai, tôi bị tuột xuống, lăn vòng, rơi bịch xuống
chân ngựa; con vật này liền điềm tĩnh nhẹ nhàng nhảy vọt qua người tôi.Tôi cũng
học cách bắn súng, nhưng chưa từng bắn trúng thứ gì ngay cả cái hộp thiếc đặt
trên cọc hàng rào.
Khi còn trên dương thế, bầy cáo bạc cư ngụ trong một cõi riêng
mà cha tôi tạo lập cho chúng. Thế giới ấy bao bọc bởi hàng rào cao, tựa như
thành thị thời trung cổ, với cổng trước khóa chặt lại đêm đêm. Dọc theo những đường
phố của thành thị này có nhiều dãy trại vững chắc, mỗi trại một cánh cửa vừa để
lọt một người đi qua, một đường băng bằng gỗ giữa những hàng rào dây thép, cho
bầy cáo chạy lên chạy xuống, và một cái chuồng - đôi khi trông giống như tủ áo
quần với các lỗ thông hơi, nơi bọn cáo ngủ qua mùa đông, sinh con đẻ cái. Có những
dĩa thức ăn và nước uống dọc hàng rào dây thép, được máng lên theo cách chúng có
thể được đổ đi và lau chùi từ bên ngoài. Những dĩa này được chế từ những bình
thiếc cũ, còn những đường băng từ những mẫu gỗ vụn. Mọi thứ nhỏ nhắn gọn gàng,
được sắp xếp tài tình; cha tôi là một người có đầu óc sáng tạo, cuốn truyện mà
ông ưa thích nhất là cuốn Robinson Crusoe. Ông gắn một cái trống thiếc lên xe cút
kít để khuân nước tới các chuồng trại. Đó là nhiệm vụ của tôi vào mùa hè, khi bầy
cáo cần nước hai ngày một lần. Từ chín giờ đến mười giờ sáng, và một lần nữa
sau buổi ăn tối, tôi đổ đầy nước vào cái trống thiếc trên xe cút kít, lăn qua
sân đến khu chuồng, dừng lại ở đó, múc nước vào thùng tưới, đi dọc các con đường.
Thằng Laird cũng tới giúp, với thùng đựng nước nhỏ màu kem và xanh lá cây của
nó, nhưng đổ nước quá đầy, cái thùng va lóc cóc lên cẳng chân làm nước tràn ra ướt
giày. Tôi có một cái thùng tưới nước thật sự, của cha tôi, mặc dù tôi chỉ
khiêng được ba phần tư.
Những con cáo có tên riêng, in hẳn hoi trên tấm bảng thiếc
treo trước cửa chuồng. Khi mới sinh, chúng chưa có tên, nhưng nếu sống qua mùa
lột da đầu tiên và được bổ sung vào bầy cáo trong chuồng, chúng sẽ được đặt
tên. Những con cha tôi đặt tên như Prince, Bob, Wally và Betty. Những tên do
tôi đặt như Star hay Turk, Maureen hay Diana. Laird đặt tên Maud theo tên của
cô bé giúp việc cho chúng tôi khi nó còn nhỏ, Harold theo tên một thằng bạn
trong trường, và tên Mexico, nhưng không giải thích tại sao.
Việc đặt tên cho bầy cáo không biến chúng thành gia súc được
cưng nuôi trong nhà hay một thứ gì tương tự. Không một ai khác ngoài cha tôi bước
vào trong các chuồng trại, mà ông cũng đã hai lần bị chúng cắn nhiễm độc máu.
Khi tôi mang nước đến, những con cáo đi lảng vảng lên xuống trong chuồng, rất ít
sủa – chúng chờ đến khuya, lúc tập hợp lại thành một dàn hợp xướng điên cuồng –
nhưng chăm chăm nhìn tôi, cặp mắt chúng cháy bỏng, vàng rực, trong vắt, trên những
khuôn mặt nhọn hoắt và hung ác. Bầy cáo thật đẹp với những cẳng chân thon nhẹ,
những cái đuôi trĩu nặng quý phái, bộ lông óng ánh bạc giữa nền đen trên lưng–
vì vậy chúng có tên là cáo bạc – nhưng đặc biệt là ở khuôn mặt, khắc từng nét sắc
sảo đẹp tuyệt với nỗi thù hận rõ ràng, và ở đôi mắt vàng ánh.
Bên cạnh việc khiêng nước tôi cũng giúp cha tôi khi ông cắt
cỏ ở khu vực nuôi cừu và hoa tiền xạ hương mọc giữa những chuồng cáo. Ông dùng
lưỡi hái để cắt cỏ và tôi cào chúng thành từng đống. Xong, cha tôi dùng cào hai
răng hất ngược cỏ mới cắt lên chuồng trại, lợp mái, để bầy cáo được mát mẻ và che
bộ lông của chúng khỏi bị nâu sạm vì nắng. Cha tôi không hay trò chuyện với tôi
trừ khi liên quan tới công việc cùng làm. Cha tôi khác mẹ tôi, mỗi khi bà hài
lòng, thường kể cho tôi nghe mọi chuyện – tên con chó bà nuôi lúc còn bé, tên
những cậu con trai bà cặp bồ khi lớn lên, dáng vẻ những bộ áo đầm bà mặc- bây
giờ nhớ lại mẹ tôi không thể hình dung chúng đã được may cắt ra sao. Những ý
nghĩ và câu chuyện của cha tôi bao giờ cũng có vẻ riêng tư, và tôi ngượng không
dám hỏi lại ông câu nào. Dù sao tôi đã làm việc hăng hái dưới sự chỉ bảo của ông,
và với cảm giác tự hào. Một lần nọ có người thương gia bán thức ăn tới nông trại,
trong khi trò chuyện, cha tôi bảo, “Này, muốn ông gặp anh chàng làm công mới thuê
của tôi đây.” Tôi quay mặt đi, cào cỏ thật mạnh, mặt đỏ lên vì sung sướng.
“Lầm chết được,” người thương gia nói. “Thế mà tôi cứ tưởng đó
là một cô bé chứ”
Khi cỏ cắt xong, trời vừa ngả sang thời tiết cuối năm. Tôi bước
đi trên những gốc rạ trong hoàng hôn nhạt nhòa, nhận ra bầu trời đỏ rực hẳn lên,
và những nỗi im lặng đang tới gần, của mùa thu. Khi tôi lăn cái thùng ra khỏi
trại và khóa cánh cổng lại, trời tối hẳn. Một buổi chiều muộn tôi nhìn thấy mẹ
tôi và cha tôi đứng trò chuyện trên mỏm đất vẫn gọi là hiên trại, trước chuồng
cáo. Cha tôi vừa bước ra từ nhà xẻ thịt; tạp dề còn mang trên người cứng lại vì
máu khô, và một tảng thịt tươi mới cắt lăn trong tay ông.
Thật kỳ quái khi thấy mẹ tôi đứng ở khu chuồng trại. Bà chẳng
mấy khi ra khỏi nhà trừ lúc cần làm việc gì – như treo quần áo lên dây phơi hay
đào khoai tây trong vườn. Mẹ tôi đứng trông ra đằng xa với những bắp chân trần
nung núc thịt, không có ánh mặt trời, chiếc tạp dề vẫn còn mang và ướt nhàu từ
bụng xuống vì chén bát rửa sau bữa ăn tối. Tóc mẹ tôi cuộn lên bằng chiếc khăn
tay nhỏ, một vài lọn tóc lòng thòng rơi xuống. Mẹ tôi có thể cột tóc kiểu như
thế ngay từ buổi sáng, bảo rằng bà chẳng có thì giờ để cột cho ngay ngắn, và rồi
cứ để thế suốt ngày. Nói vậy thật ra cũng đúng; vì bà chẳng có thì giờ. Vào mùa
này, phía sau nhà chất đầy những rổ đào, nho, lê, mang từ ngoài phố về, và củ
hành và cà chua và dưa chuột trồng trong vườn, tất cả chờ xay thành nước trái
cây, các loại mứt, đồ gia vị, dưa chua ngâm và nước tương ớt. Trong bếp, lửa lò
cháy rực suốt ngày, chai lọ kêu lanh canh lách cách giữa làn nước sôi, đôi khi
một túi đựng phó mát treo lủng lẳng trên gậy gác giữa hai thành ghế. Những túi
nho xanh và đen chờ làm nước giải khát. Tôi được sai việc vặt, ngồi ở bàn để lột
vỏ đào ngâm trong nước nóng hoặc xắt củ hành, mắt tôi cay nhức, nước mắt trào
ra. Khi vừa xong, tôi lập tức chạy ra khỏi nhà, tránh khỏi phải nghe điếc tai về
những việc bà sắp giao cho tôi làm tiếp. Tôi căm ghét căn bếp nóng hầm hập và tối
tăm vào mùa hè, những màn cửa xanh lá cây và những tấm giấy dán tường, cái bàn
với khăn trải bàn cũ kỹ, những tấm gương soi mặt đến mòn vẹt và những vải bạt
lùng nhùng. Mẹ tôi quá mệt mỏi và bận rộn để còn thì giờ trò chuyện với tôi, bà
chẳng có tâm trí đâu kể cho tôi nghe về những buổi khiêu vũ trong ngày lễ mãn
trường; mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, mẹ tôi lúc nào cũng vừa thở vừa đếm, chỉ
tay vào các thẩu, các lọ, các ly tách, chén bát đựng đường. Dường như đối với
tôi, công việc nột trợ trong nhà là bất tận, buồn rầu, đắng cay sầu muộn; công
việc ngoài kia, dưới sự giám sát của cha tôi, trông có vẻ quan trọng hơn nhiều.
Tôi lăn cái thùng lên chuồng cáo, giữ nó ở đó, và tôi nghe mẹ
tôi bảo, “Chờ cho đến khi thằng Laird lớn hơn chút nữa, anh sẽ có người giúp việc
thật sự.” Cha tôi nói gì không nghe rõ. Tôi hài lòng nhìn thấy cách cha tôi đứng
lắng nghe, như thể cha tôi nghe một nhà buôn hay một người lạ trò chuyện, lịch sự,
nhưng rõ ràng là muốn tiếp tục công việc của mình thôi. Tôi có cảm giác rằng mẹ
tôi chẳng có việc gì làm ở đây cả và tôi muốn cha tôi cũng cảm nhận như thế. Mẹ
tôi muốn nói gì về thằng em trai tôi? Nó chẳng giúp gì đựợc ai cả. Bây giờ nó
chạy đâu mất rồi. Đánh đu cho đến mệt lả người trên ghế xích đu, chạy lòng vòng
hay là tìm bắt những con sâu bướm. Thằng Laird chẳng bao giờ làm hết công việc
gì cho đến phút cuối cùng.
“Và lúc ấy em có thể sai bảo con bé nhiều hơn cho công việc
trong nhà.” Tôi nghe mẹ tôi bảo thế. Mẹ tôi có lối hạ giọng thì thầm với vẻ hối
hận khi nói về tôi khiến tôi lúc nào cũng cảm thấy bực bội. “Em chỉ mới quay đi,
nó đã biến mất. Hình như chẳng có một đứa con gái nào trong nhà này cả.”
Tôi đi ra ngồi xuống trên túi thức ăn đặt ở một góc, chẳng
muốn chường mặt ra khi cuộc trò chuyện tiếp diễn. Tôi có cảm giác mẹ tôi không
phải là người đáng tin cậy. Mẹ tôi tử tế hơn cha tôi và thường ngây thơ dễ bị gạt,
nhưng tôi không thể dựa vào bà, và những nguyên nhân của lời nói hay hành động
của bà khá khó hiểu. Mẹ tôi yêu tôi, và bà có thể thức thâu đêm để may những
chiếc áo đầm kiểu cọ khó khăn mà tôi muốn, để mặc trong ngày tựu trường, nhưng
mẹ tôi lúc nào cũng là kẻ thù của tôi. Bà biết cách tìm ra tôi một cách dễ dàng
dù tôi trốn ở đâu, và bắt tôi ở trong nhà suốt ngày, mặc dù biết tôi không
thích điều ấy (chính vì biết tôi không thích) và ngăn trở tôi làm việc với cha.
Dường như đối với tôi, mẹ tôi làm thế chẳng qua vì ghét bỏ và vì muốn chứng tỏ
quyền lực. Nhưng tôi không nhìn thấy mẹ cô độc hay ghen tuông. Chẳng có người lớn
nào như thế cả; vì họ quá may mắn. Tôi ngồi và đá gót chân một cách rầu rĩ lên
túi thức ăn, làm bụi bay mù mịt, không ló mặt ra trước khi mẹ tôi đi khỏi.
Dù thế nào tôi không tin cha tôi chú ý lắm những điều mẹ tôi
nói. Ai có thể tưởng tượng thằng Laird làm thay công việc của tôi – nó mà còn nhớ
việc khóa cổng, việc lau rửa các dĩa thức ăn với một cái lá ở đầu gậy, hay lăn
thùng nước, mà không bị lật nhào đè lên người? Việc ấy chứng tỏ mẹ tôi chẳng biết
tí gì về công việc thật sự ở đây.
Tôi quên không kể những con cáo được nuôi bằng thứ gì. Chiếc
tạp dề đầy vết máu của cha tôi đã nhắc tôi. Bầy cáo bạc được nuôi bằng thịt ngựa.
Vào thời ấy hầu hết những chủ nông trại đều có ngựa, và khi một chú ngựa già
quá không làm việc được nữa, hoặc gãy một cẳng hay quỵ xuống và không đứng lên
được, như đôi khi chúng vẫn thế, ông chủ liền gọi cha tôi, và ông và Henry liền
lái xe tải tới các nông trại. Thường họ bắn chết và xẻ thịt ngựa ngay ở đó, trả
cho người chủ từ năm đến mười hai đồng. Nếu sẵn có nhiều thịt rồi, họ sẽ mang
con ngựa về, vẫn còn sống, giữ nó vài ba ngày hay một vài tuần trong chuồng ngựa,
cho đến khi cần đến thịt cho bầy cáo. Sau chiến tranh, nhà nông bắt đầu mua các
máy kéo nông nghiệp và dần dần thải ngựa ra không dùng nữa, vì vậy thỉnh thoảng
chúng tôi lại mua đuợc một chú ngựa hãy còn khỏe mạnh, nhưng người ta không cần
dùng đến nó nữa. Vào mùa đông chúng tôi giữ chúng trong các tàu ngựa cho đến
mùa xuân, bởi vì sẵn cỏ cho chúng ăn và nếu tuyết rơi nhiều – các máy xúc tuyết
không phải lúc nào cũng ủi sạch đường sá – cũng khá thuận tiện khi vào thành phố
với một con ngựa và một cái xe nhỏ do nó kéo.
Vào mùa đông khi tôi mười một tuổi, chúng tôi có hai con ngựa
trong chuồng. Không ai biết trước đó tên chúng gì, nên chúng tôi đặt là Mack và
Flora. Mack là một con ngựa làm lụng đồng áng đã già, lông đen bồ hóng, tính dửng
dưng. Flora là một con ngựa cái, màu đỏ nâu, loại ngựa dùng kéo xe. Chúng tôi dẫn
chúng ra khỏi chuồng với cái xe kéo nhỏ. Mack chậm chạp và dễ điều khiển. Flora
thì hung hăng, chuyển hướng khi gặp đầu xe và gặp những con ngựa khác, nhưng
chúng tôi rất thích tốc độ của nó, lối phi bước nhổng cao, dáng vẻ gan dạ đầy phóng
túng. Những ngày thứ Bảy chúng tôi xuống tàu ngựa và khi vừa mở cửa chuồng ra,
trước một thứ bóng tối ấm áp của mùi gia súc, Flora lập tức ngẩng đầu lên, tròn
mắt, hí vang, vọt ra khỏi chỗ như chạm thần kinh. Bước vào khoang của nó không mấy
an toàn; Flora có thể co chân đá bất ngờ.
Mùa đông ấy tôi bắt đầu nghe nhiều chuyện hơn về việc mà mẹ
tôi đã nói hôm đứng trước cửa trại. Tôi không cảm thấy an toàn nữa. Dường như
trong tâm trí mọi người, có một luồng suy nghĩ ngấm ngầm, không dễ gì gạt qua một
bên, về chủ đề này. Hai chữ con gái đối với tôi vốn có vẻ vô tội và nhẹ nhõm,
cũng giống như chữ trẻ con; bây giờ thì trở nên một chữ không còn như thế nữa.
Con gái hay thiếu nữ khác với kiểu cách mà tôi đang có; đó là một thứ mà tôi phải
cố gắng vươn tới. Đó là một định nghĩa, lúc nào cũng được nói đến với sự nhấn mạnh
kèm lời chê trách và thất vọng. Cũng có chuyện đùa giỡn về tôi. Khi Laird và
tôi đánh nhau, lần đầu tiên tôi dùng tất cả sức mạnh của mình chống lại nó; mặc
dù thế nó vẫn chụp được tay tôi một lúc khiến tôi đau đớn. Henry nhìn thấy cảnh
ấy, cười phá lên và bảo, “Ô, thằng Laird một ngày kia sẽ cho mày biết tay!”
Laird ngày càng lớn lên thật. Nhưng tôi cũng ngày càng lớn hơn.
Bà ngoại tôi tới thăm ở lại vài tuần và tôi loáng thoáng
nghe bà nói. “Con gái không đóng sập cửa cái ầm như thế.” “Con gái ngồi thì phải
khép chân lại chứ.” Các nhận xét còn tệ hơn, khi tôi thắc mắc chuyện này chuyện
nọ, “Con gái biết chuyện đó để làm gì?” Tôi vẫn tiếp tục đóng sập cửa và ngồi
xoạc chân rất khó coi, tự nghĩ nhờ thế mà tôi có tự do.
Khi mùa xuân tới, những chú ngựa được dẫn ra sân trại. Mack
đứng dựa vào vách chuồng khẽ cọ cổ và mông, nhưng Flora chạy lon ton nước kiệu,
lùi lại phía hàng rào, gõ móng lộp cộp leng keng lên các giá đỡ. Những đụn tuyết
thu nhỏ lại mau chóng, lộ ra mặt đất cứng, xám và nâu, những chỗ lồi lõm quen
thuộc, phẳng phiu và trơ trọi sau khi cảnh vật thơ mộng biến ảo của mùa đông biến
mất. Có một cảm giác cởi mở, dễ chịu, tươi rói lan tỏa không gian. Chúng tôi
mang thêm lớp cao su bọc ngoài giày; bàn chân bỗng nhẹ hẫng kỳ lạ. Một ngày thứ
Bảy chúng tôi tới tàu ngựa, thấy những cánh cửa đều bật mở, chào đón không khí
trong lành và ánh sáng mặt trời tưng bừng. Henry đang ở đó, đi loanh quanh ngắm
các cuốn lịch sưu tập chất đống đằng sau chiếc bàn nhỏ ở một góc của tàu ngựa,
nơi mẹ tôi có lẽ chưa hề thấy.
“Tụi bây tới chào tạm biệt con Mack phải không?” Henry hỏi.
“Đây này, bây cho con ngựa ăn một ít lúa mạch.” Anh ta đổ một ít yến mạch lên
hai bàn tay khum lại của Laird và thằng bé tiến tới gần cho Mack ăn. Bộ răng của
con ngựa xấu lắm rồi. Nó nhai chậm chạp, kiên nhẫn đưa qua đưa lại những hạt yến
mạch trong miệng mình, cố tìm một chút mầm răng của cái răng hàm còn sót lại để
nhai. “Tội nghiệp con Mack,” Henry nói một cách rầu rĩ. “Khi một chú ngựa già
răng rụng hết, đời cũng tàn theo. Thế gian là vậy.”
“Anh sẽ bắn con ngựa hôm nay phải không”. Tôi hỏi. Mack và
Flora đã ở trong tàu ngựa khá lâu khiến tôi quên mất một ngày kia chúng phải chết.
Henry không trả lời. Thay vào đó anh ta bắt đầu hát một bài ca
với giọng cao, run rẩy, bắt chước kiểu sầu bi, ôi, hết việc làm rồi, Ned đáng
thương ôi, chú sẽ đi xa như gã da đen về già. Cái lưỡi của Mack dày đen sẫm hoạt
động cần cù trên bàn tay của thằng Laird. Tôi bước ra ngoài chuồng trước khi
bài hát kết thúc và ngồi bệt xuống trước bậc hiên của trại.
Tôi chưa bao giờ thấy người ta bắn một con ngựa, nhưng tôi
biết nơi xảy ra điều ấy. Mùa hè năm ngoái Laird và tôi đã đạp lên một cái ruột
ngựa dài lòng thòng trước khi chúng được đem chôn. Thoạt đầu chúng tôi tưởng đó
là một con rắn đen lớn, nằm cuộn mình trong nắng. Mấy thứ ấy thường nằm trên
cánh đồng bao quanh khu trại. Tôi nghĩ là nếu chúng tôi đi vào chuồng, và tìm một
cái lỗ hở lớn hay đường nứt để nhìn, hai chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy quang cảnh
giết ngựa. Đó không phải là việc tôi định làm; tuy nhiên nếu một chuyện gì thật
sự xảy ra, tốt nhất là bạn nên nhìn thấy nó, và hiểu biết về chuyện đó.
Cha tôi từ nhà đi xuống, súng trong tay.
“Con làm gì ở đây?” ông hỏi.
“Không làm gì.”
“Đi lên nhà chơi lòng vòng ở đó.” Cha tôi cũng bắt Laird ra
khỏi chuồng ngựa. Tôi nói với nó, “Mày có muốn xem cảnh bắn con Mack không?” Và
không chờ câu trả lời, tôi kéo nó tới cánh cửa trước của trại, mở cổng một cách
thận trọng, lọt vào trong. “Im lặng đừng để họ nghe, hiểu chưa?” tôi bảo. Chúng
tôi nghe tiếng Henry và cha tôi trò chuyện với nhau trong tàu ngựa, và tiếng
chân rì rào nặng nề của con Mack được kéo ra khỏi ngăn buồng của nó.
Ở trong gian nhà trống trời tối và lạnh. Những tia nắng mặt
trời mỏng mảnh bắt chéo nhau lọt qua khe hở. Đống cỏ thấp. Sườn đồi thoai thoải,
những chỗ lồi lõm trượt dưới chân chúng tôi. Khoảng bốn bộ ở phía trên đầu có một
cái xà nhà chạy vòng quanh bốn bức tường. Hai chúng tôi đu người lên từ một
góc, tôi đẩy thằng Laird lên nấc nữa và rướn người lên theo. Xà nhà không lớn lắm;
chúng tôi phải trườn rón rén, bám tay vào vách. Có nhiều khe nhỏ, tôi tìm thấy
một cái khá lớn có thể nhìn rõ cảnh vật, một góc sân chuồng, cánh cổng, một phần
cánh đồng ngoài kia. Laird không tìm thấy lỗ hở nào, nó bắt đầu càm ràm.
Tôi chỉ cho nó một cái khe lớn giữa hai tấm ván. “Im lặng chờ.
Nếu họ nghe tiếng mày, sẽ có chuyện rắc rối đó.”
Cha tôi bước vào, súng trên tay. Henry cầm dây buộc cổ ngựa
dẫn Mack đi theo. Anh ta thả cái dây xuống và lấy thuốc lá và giấy quấn ra; anh
ta cuộn những điếu thuốc lá cho cha tôi và cho mình. Trong khi đó con Mack đánh
hơi vòng vòng ngửi những đống cỏ già, chết dọc hàng rào. Cha tôi mở cánh cổng
ra và họ dẫn con Mack ra ngoài. Henry đi trước dẫn Mack đi theo qua hết con đường
đến một bãi trống và hai người đàn ông trò chuyện với nhau, chúng tôi không
nghe được. Con Mack lại đi tìm những nhánh cỏ tươi cho vào miệng nhưng chẳng thấy.
Cha tôi bước thẳng ra xa, dừng lại ở một khoảng cách xem ra thích hợp hơn cả.
Henry bước khỏi con ngựa, nhưng tiến về một hướng khác, trong khi tay vẫn hờ hững
cầm lấy cái dây buộc ngựa. Cha tôi đưa súng trường lên ngắm, Mack ngẩng nhìn dường
như vừa nhận ra một điều gì, và cha tôi bắn hạ nó. Con ngựa không ngã xuống
ngay mà lắc lư, lảo đảo rồi mới quỵ xuống, trước tiên nằm nghiêng bên hông; rồi
lăn một vòng, và lạ lùng thay đưa cả bốn chân lên, đá trong không trong một vài
giây. Nhìn thấy cảnh ấy Henry cười phá ra như thể Mack đang làm trò vui cho hắn
ta. Thằng Laird, thở dài rầu rĩ khi súng nổ, nói to, “Nó chưa chết.” Và dường
như với tôi điều nhận xét đó cũng đúng. Nhưng bốn chân con ngựa đã dừng lại, nó
lăn thêm một vòng nữa qua một bên, những bắp thịt giật rung lên rồi lặn chìm xuống.
Hai người đàn ông bước tới nhìn con ngựa theo kiểu một thứ công việc; họ cúi xuống
xem xét cái trán của nó nơi viên đạn ghim vào, và giờ đây tôi có thể nhìn thấy
máu ngựa trào ra trên mặt cỏ nâu nâu.
“Bây giờ thì họ lột da và xẻ thịt nó,” tôi nói. “Thôi chúng
ta đi.” Hai chân tôi run nhè nhẹ, tôi nhảy một cách khoan khoái xuống đám cỏ khô.
“Bây giờ mày đã thấy người ta bắn một con ngựa thế nào rồi,” tôi nói kiểu chúc
mừng, làm như mình đã từng thấy chuyện ấy nhiều lần trước đó. “Bây giờ chúng ta
đi coi thử có con mèo nào đẻ trong đám cỏ hay không.” Laird nhảy ùm xuống, nó
trở nên con nít và biết vâng lời như trước. Bỗng nhiên tôi nhớ lại, khi em trai
tôi còn nhỏ, tôi đã dẫn nó tới khu chuồng ngựa, xúi nó leo cái thang lên tận xà
nhà cao ngất. Hôm ấy cũng vào mùa xuân khi những đống cỏ khô hãy còn thấp. Tôi
làm thế vì cảm thấy hào hứng, một nỗi ao ước muốn thấy một điều gì đó xảy ra để
kể lại cho người khác. Nó mặc cái áo khoác kẻ sọc trắng và nâu cồng kềnh, sửa lại
từ áo của tôi. Nó leo lên bậc thang xa nhất, đúng như tôi bảo nó, và ngồi xuống
trên xà nhà cao vút, trong khi đống cỏ dưới chân nằm quá xa một bên, sàn nhà và
máy móc cũ một bên, thế rồi tôi chạy vụt đi la lớn lên với cha tôi, “Thằng
Laird trèo lên xà nhà!” Cha tôi liền chạy tới, mẹ tôi chạy theo, cha tôi trèo lên
cái thang, nhỏ nhẹ bảo nó và đưa thằng Laird xuống trong tay mình, trong khi mẹ
tôi dựa người vào chân thang, bắt đầu khóc nức nở. Họ bảo tôi, “Sao con không
coi chừng em?” Nhưng không hề ai biết được sự thật. Em trai tôi còn quá nhỏ để
hiểu và kể lại. Nhưng kể từ đó mỗi khi tôi nhìn thấy chiếc áo khoác kẻ soọc trắng
và nâu treo ở phòng mắc quần áo, hoặc nằm dưới đáy cái túi đựng áo quần, là nơi
mọi thứ đều được nhét vào, tôi lại cảm thấy nằng nặng trong ngực, một nỗi buồn
của cảm giác tội lỗi lởn vởn váng vất trong tôi.
Tôi nhìn thằng Laird, bây giờ nó chẳng thể nhớ lại chuyện cũ,
và tôi không thích cái nhìn của nó trên khuôn mặt gầy, tái của mùa đông. Vẻ mặt
của nó chẳng ra vẻ sợ hãi hay băn khoăn gì cả, nhưng xa vắng, tập trung. “Nghe đây,”
tôi nói, với giọng thân mật và sáng sủa bất ngờ, “Mày sẽ không đi kể lại cho ai
cả, hiểu chưa.”
“Em không,” nó nói một cách lơ đãng.
“Hứa đi.”
“Em hứa,” nó nói. Tôi cầm chặt bàn tay nó đặt ở phía sau lưng
để biết chắc là nó không bắt chéo ngón tay. Dù thế nữa nó vẫn có thể nằm thấy ác
mộng; và chuyện bí mật sẽ lộ ra. Tôi quyết định sẽ canh chừng đừng để những ý tưởng
liên quan đến việc xảy ra mà nó chứng kiến xuất hiện trong đầu óc nó - một thứ
đầu óc có vẻ chẳng hề chứa được bao nhiêu trong cùng một thời gian. Tôi có một ít
tiền để dành và chiều hôm đó chúng tôi đến rạp Jubilee xem cuốn phim, với tài tử
Judy Canova, thật hay, chúng tôi cười phá lên từng chập, sau bữa đó tôi nghĩ mọi
thứ êm xuôi.
Hai tuần sau tôi biết họ sắp bắn Flora. Tôi biết từ đêm trước,
khi nghe mẹ tôi hỏi là cỏ khô trong chuồng có đủ không và cha tôi trả lời, “Chà,
sau ngày mai, chỉ có mấy con bò thôi, có thể đem chúng ra ăn cỏ tươi trong tuần
tới.” Như thế tôi biết đến lượt Flora sáng mai. Lần này tôi không tính chuyện đi
coi vụ giết ngựa, đó là một việc người ta chỉ thấy một lần thôi, từ hôm ấy tôi
cũng không nghĩ nhiều đến nó, nhưng đôi khi đang bận rộn ở trường, hay đang đứng
một mình trước tấm gương cầm lược chải tóc và tự hỏi liệu mình có trở thành một
thiếu nữ xinh đẹp hay không khi lớn lên, toàn bộ khung cảnh hôm ấy lại chiếu sáng
ngời ngời trong tâm trí: tôi nhìn thấy phương cách dễ dàng thực tế khi cha tôi
nâng súng lên, nghe thấy tiếng cười rộ của Henry khi con ngựa già đạp vô vọng bốn
chân lên trời. Tôi chẳng có cảm giác ghê sợ hay phản đối, như một đứa trẻ thành
thị có thể có; tôi đã quá quen thuộc với cái chết của súc vật như đó là sự cần
thiết của đời sống con người. Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy một nỗi xấu hổ nghẹn ngào,
một cảm giác cảnh thức đề phòng mới, gần như sự trì hoãn, như sự chựng lại,
trong thái độ của tôi đối với cha tôi và với công việc của ông.
Một ngày đẹp trời, chúng tôi đi dọc khu chuồng trại nhặt nhạnh
những cành cây rơi xuống đất sau cơn bão mùa đông trước. Đó là việc bọn trẻ chúng
tôi được sai khiến, và chúng tôi cũng muốn lấy những cành cây để dựng chơi lều da
thú. Tôi nghe tiếng con Flora hí vang, rồi tiếng cha tôi và tiếng Henry la lớn,
và hai đứa tôi chạy xuống sân trại xem chuyện gì xảy ra.
Cửa tàu ngựa mở rộng. Henry vừa dẫn Flora ra khỏi chuồng và
nó chạy mất. Nó chạy lòng vòng quanh trại từ đầu này đến đầu kia. Hai chúng tôi
leo vội qua hàng rào. Thật hào hứng nhìn thấy con ngựa chạy, hí vang, nhấc bỗng
hai chân trước, nhảy dựng lên bằng hai chân sau, điệu bộ đầy vẻ đe dọa như một
con ngựa trong phim cao bồi Viễn Tây, một con ngựa chăn thả trên thảo nguyên, mặc
dù nó chỉ là loại ngựa kéo xe, lông đỏ nâu. Cha tôi và Henry chạy đuổi theo cố
chụp lấy cái dây buộc cổ ngựa treo tòng teng. Họ cố dẫn nó vào một góc chuồng,
và sắp thành công, nhưng đột nhiên nó chạy vụt qua giữa hai người, mắt mở lớn,
biến mất sau vách chuồng. Chúng tôi nghe tiếng dãy rào dậu va lách cách khi con
ngựa nhảy vọt qua, và Henry la lớn, “Nó nhảy ra đồng rồi!”
Nghĩa là con Flora đang chạy trên cánh đồng hình chữ L bao bọc
quanh nhà chúng tôi. Nếu nó phi vào vùng trung tâm, hướng về con đường chính, cửa
cánh cổng đang mở; một chiếc xe tải mới chạy vào sáng nay. Cha tôi la to lên với
tôi, vì tôi đang đứng phía bên kia hàng rào gần đường chính dẫn vào trại nhất,
“Chạy lẹ lên đóng cổng lại!”
Tôi chạy rất nhanh. Tôi vượt qua khu vườn, qua tàn cây đeo xích
đu tôi ngồi đong đưa mỗi ngày, nhảy qua một chiếc hào, lao vào đường chính. Cánh
cổng đang mở rộng. Con Flora chưa tới nơi,
tôi chưa thấy bóng nó xuất hiện trên đường; chắc nó chạy về phía đầu kia của nông
trại. Cánh cổng nặng quá. Tôi hì hục nhấc nó lên trên nền đá sỏi, mang vòng qua
mặt đường. Tôi đã khiêng được cánh cổng nửa vòng khi nhác thấy Flora phi nước đại
về phía mình. Vừa đủ thời gian cột chuỗi xích lại. Laird chạy bước thấp bước
cao qua cái hào tới phụ tôi.
Thay vì đóng sập cánh cổng, tôi mở toang nó ra. Tôi không hề
cân nhắc một quyết định nào cả trong chuyện này, đó chỉ là hành động tôi đã làm.
Con Flora không chậm bước lại; nó phi nước đại vọt qua tôi, và thằng Laird nhảy
lên nhảy xuống, miệng la lớn “Ê ê đóng lại, đóng cổng lại!” sau khi chuyện đó rõ
ràng đã quá trễ. Cha tôi và Henry xuất hiện phía cánh đồng chậm một lát vì vậy họ
không thể nhìn thấy việc tôi làm. Họ chỉ thấy con ngựa phóng ra đường phố. Họ tưởng
tôi không đủ thì giờ đóng cổng.
Chẳng mất thời gian hỏi han chuyện đó, họ trở lại khu chuồng,
lấy súng và dao, dồn tất cả lên xe tải; quay đầu xe, vọt qua cánh đồng về phía
chúng tôi. Thằng Laird kêu lớn, “Cho con lên, cho con lên với!” Và Henry dừng
xe cho nó lên. Tôi đóng cổng lại sau khi họ đi rồi.
Tôi nghĩ Laird sẽ thóc mách lại. Tôi tự hỏi việc gì sẽ xảy
ra với tôi. Tôi chưa bao giờ bất tuân lệnh cha tôi trước đây, và tôi không hiểu
tại sao mình làm thế. Flora không thể chạy đi đâu được. Họ sẽ bắt nó lại bỏ vào
xe tải. Hoặc nếu không bắt được sáng nay thì một người nào đó sẽ trông thấy và
gọi điện thoại cho chúng tôi chiều nay hoặc ngày mai. Không có vùng núi rừng
hoang dã nào cho con Flora chạy tới, đâu cũng toàn nông trại. Hơn thế, cha tôi đã
trả tiền mua ngựa, chúng tôi cần thịt cho bầy cáo, và chúng tôi cần bầy cáo cho
việc mưu sinh. Tất cả những điều tôi vừa làm chẳng qua chỉ chất thêm gánh nặng lên
vai cha tôi, vốn đã nặng gánh công việc quá rồi. Và khi cha tôi biết được sự thật
ông sẽ không còn tin ở tôi nữa; ông sẽ nhận ra tôi không hoàn toàn đứng về phía
ông. Tôi đã đứng về phía Flora, và điều đó làm tôi trở nên vô tích sự đối với mọi
người, hay cả đối với ngựa. Nhưng đồng thời, tôi không hối hận về việc đã làm;
khi con Flora chạy như tên bắn về phía mình và khi tôi đẩy cánh cổng mở ra, đó
là tất cả những gì tôi có thể làm được trên đời.
Tôi trở về nhà, mẹ hỏi, “Chuyện gì huyên náo thế con?” Tôi nói
con ngựa đã vọt qua hàng rào và chạy mất. “Tội nghiệp cha bây” bà nói, “Bây giờ
ông ấy phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm nó. Vậy chẳng nên bày biện ăn uống
bữa ăn làm chi trước một giờ.” Bà lật cái bàn ủi áo quần ra. Tôi định kể cho mẹ
nghe nhưng rồi lại nghĩ tốt nhất là đừng, đi lên lầu, ngồi trên giường mình.
Sau đó tôi cố bày biện lại căn phòng thật đẹp, mở rộng chiếc
giường với những tấm màn che, sửa một chiếc bàn trang điểm với những đồ còn lại
của tấm vải rèm làm váy. Tôi cố làm một cái gì để chặn ngang giữa giường của tôi
và của Laird, ngăn riêng khu vực của tôi lại. Khi mặt trời lên những tấm màn cửa
trông như những tấm giẻ bụi bặm. Chúng tôi không còn hát nữa khi trời sập tối.
Một đêm nọ tôi vừa cất tiếng thì Laird bảo “Nghe thật ngớ ngẩn”. Tôi tiếp tục
nhưng tối hôm sau tôi không hát nữa. Cũng không cần phải làm thế, chúng tôi đã
lớn, không còn sợ hãi. Chúng tôi biết chỉ là mấy thứ bàn ghế cũ ngoài kia thôi, chỉ là sự nhầm lẫn và những
đồ tạp nhạp cũ kỹ. Chúng tôi không còn phải tuân theo các luật lệ nữa. Tôi thức
khuya sau khi thằng em trai đã ngủ và thuật chuyện cho chính mình nghe nhưng những
câu chuyện này cũng có vẻ khác, những chữ thêm thắt vào có vẻ thần bí ngày càng
nhiếu. Câu chuyện của tôi có thể bắt đầu theo lối cũ, với cảnh nguy hiểm kỳ dị.
Một đám cháy hay những con thú hoang, thế rồi một lát sau tôi có thể trở thành
người cứu rỗi thiên hạ; rồi mọi chuyện đảo ngược lại, và thay vào đó, một người
nào đó sẽ ra tay cứu tôi. Đó có thể là một thằng bé trong lớp học, hay là thầy
Campbell, thầy giáo của chúng tôi, người hay thọc lét bọn con gái dưới nách. Vào
khoảng thời gian ấy những câu chuyện của tôi tràn ngập các chi tiết về vẻ ngoài
của mình– mái tóc tôi dài bao nhiêu, và tôi mặc loại áo đầm nào; cho đến khi tôi
nghĩ xong những chi tiết này trong truyện thì nỗi nhiệt tình ban sơ của toàn bộ
câu chuyện không còn nữa.
Muộn hơn một giờ, chiếc xe tải trở về. Tấm vải dầu căng ra
trên mái xe, nghĩa là có thịt thú ở trong đó. Mẹ tôi phải hâm nóng bữa ăn tối lần
nữa. Henry và cha tôi thay áo quần đầy vết máu bằng những đồ làm việc hàng ngày,
và họ rửa tay, rửa cổ và mặt ở trong cái bồn, khoát nước rửa mặt lên tóc và chải
đầu. Laird đưa cánh tay lên khoe với mọi người một vết máu. “Chúng tôi đã bắn hạ
con Flora,” nó nói “Và cắt nó làm năm mươi mảnh thịt.”
“Nhưng mẹ không muốn nghe mấy chuyện này,” mẹ tôi bảo. “Và đừng
tới bàn ăn với những thứ dơ dáy như thế.”
Cha tôi bắt thằng Laird phải đi rửa các vết máu cho sạch.
Chúng tôi ngồi xuống bàn và cha tôi trò chuyện một cách vui
vẻ và Henry dính cái kẹo cao su ở đầu nĩa, theo cách anh vẫn làm; khi anh ta lấy
miếng kẹo cao su ra bao giờ chúng tôi cũng thán phục. Chúng tôi bắt đầu bữa tối,
chuyền những cái bát đựng rau cải bốc khói, đun quá chín. Laird ngước nhìn tôi
qua mặt bàn ăn, nói một cách rành mạch, vẻ kiêu hãnh, “Đó là lỗi của chị ấy, khiến
con ngựa Flora chạy mất.”
“Cái gì?” cha tôi hỏi.
“Chị ấy có thể đóng cổng lại nhưng đã không làm vậy. Chị ấy còn
mở toang ra để con Flora chạy sổng mất.”
“Có đúng vậy không?” cha tôi bảo.
Mọi người ngồi quanh bàn quay lại nhìn tôi. Tôi khẽ gật đầu,
và trệu trạo nuốt thức ăn xuống. Thật là ngượng, nước mắt tôi bỗng trào ra.
Cha tôi chửi thề cộc lốc một tiếng rồi bảo, “Mày làm thế để
làm gì chứ?”
Tôi không trả lời. Tôi hạ cái nĩa xuống, chờ bị cha đuổi đi,
không ngẩng đầu lên.
Nhưng điều đó không xảy ra. Trong lúc lâu không một ai nói gì,
cho đến khi Laird đưa ra nhận xét tỉnh bơ, “Chị ấy đang khóc.”
“Thôi bỏ đi,” cha tôi bảo. Ông nói một cách nhẫn nhịn, thậm
chí hơi hài hước, những lời nói góp phần giải tỏa và tha thứ cho tôi. “Nó chỉ là
một đứa bé gái thôi,” ông bảo.
Tôi không phản đối, ngay từ trong thâm tâm. Có lẽ đúng thế
thật.
*Dịch từ nguyên tác: Alice Munro, Dance Of The Happy Shades,
NXB McGraw- Hill Ryerson Limited, 1968.
Nguyễn Đức Từng
No comments:
Post a Comment