Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 14, 2013

ĐẠO PHẬT TRONG TÂY DU KÝ (Tiếp theo kỳ trước) - Lê Hoàng


                                  
Hiện nay những bộ phim Tân Tây Du Ký đang được chiếu trên các kinh của người Việt Nam ở Hoa Kỳ. Những bộ phim này gồm có, bản của đạo diễn Trương Kỳ Trung (2010) và Châu Tinh Trì (2011).

Tôi cũng không biết họ cho thực hiện lại bộ phim này để làm gì ? Thực tế trong phim chỉ thay đổi một vài bối cảnh khác đi một chút, tài tử hoá trang thì tuy có khác, nhưng những nét chính thì không thể bỏ đi được. Lời đối thoại tuy có thay đổi, nhưng chung quy thì cũng một ý như nhau?

Nói về thầy trò Đường Tăng vượt qua bao khổ ải để một ngày đến được Thiên Trúc gặp Phật Tổ xin thỉnh kinh  là một quá trình lâu dài. Thầy trò Đường Tăng phải vưọt qua 81 khổ nạn, lúc đó mới được diện kiến Phật Tổ và vui mừng hoàn thành tâm nguyện của vua Đường giao phó.

Đi từ kinh đô Tràng An, nước Đại Đường, đến chùa Lôi Âm nước Thiên Trúc, thầy trò Đường Tăng đã phải trải qua tám mươi mốt nạn và vưọt qua mười vạn tám ngàn dặm (108.000 =  9 x 12.000). Ý cho rằng quá trình tu luyện siêu hoá từ phàm nên thánh, họ phải qua những công đoạn bắt buộc.

Một trăm lẻ tám ngàn dặm là bội số cũa số 9. Cây tích trượng có 9 vòng. Cây đinh ba của bát Giới có 9 răng. Xâu sọ người cũa Sa Tăng có 9 cái. Xâu chuổi lớn của các nhà sư thông thường cũng có một trăm lẻ tám hột, hoặc 54 hột hay 27 hột  v.v.

Giới đạo sỹ cho dù theo môn phái nội đơn (thiền) hay ngoại đơn, cũng phải theo quá trình 9 lần khổ luyện này mà thuật ngữ đạo Lão gọi là “ Cửu chuyển công thành”.  Cao Đài Giáo cũng vậy. Cửu cửu là giai đoạn tịnh thiền căn bản, hành giã bước vào sơ thiền đều phải qua, mới có thể chuyển lên những bực cao hơn.

Cao Đài Giáo có câu rằng:

      “ Cửu cửu công phu chẳng chí bền
      “ Con đường tu luyện khó lòng nên….”
 
Đạo Phật và Cao Đài giáo hành giã đều không quan trọng hoá việc cầu siêu bốn mươi chin ngày (thất thất vong) lẻ vì hành giã phải tự giải thoát cho chính mình bằng chứng “NGỘ” .Cầu siêu chỉ để cho những ai đang còn trong rang buộc luân hồi .
    
Con số 9 là một tượng số khá phổ biến trong thiền của Phật Giáo (nói chung).
    
Tại sao Phật, Lão, Cao Đài  đều chú trọng con số 9?
 
Trong Tây Du Ký Đường Tăng muốn thành tựu ý nguyện phải trải qua 9 lần 9 (9 x 9 = 81) tai nạn.
 
Số 9 là số thành và là số dương lớn nhất (lão dương).Tu luyện là chuyển từ âm trược (phàm phu) trở thành dương thanh (Tiên, Phật). Số 9 là số thuần dương, cho nên số 9 gắn liền với thiền đạo vậy.
 
Lò Bát Quái trong Tây Du Ký: Lò Bát quái trên cung Đâu Suất cũa Thái Thượng Lão Quân (Lão giáo) đã “nấu” Tề thiên đại thánh. Lò này khác với  những bát quái mà chúng ta thường thấy có một vài nhà hay đuổi tà ma treo

Vòng bát quái trước nhà. Bát quái này gồm có tám quẻ được xếp đặt như sau:  Càn, Cấn, Khảm, Chấn, Khôn, Đoài, Ly, Tốn (thuận theo chiều kim đồng hồ.
   
Thời vua Phục Hy đã có sơ đồ Thiên tiên bái quái (Tiên thiên là lúc mới có trời, đất). Phục Hy cũng có tám quẻ nhưng đi ngược kim đồng hồ “theo chiều dương gồm có: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
 
Nguyên thủy trời đất thuần dương. Lòng người là tâm Phật nên quẻ của Phục Hy biểu tượng Càn ở trên (Dương) quẻ Khôn (âm) ở dưới, chính vị hoà hài âm dương.

Lò của Thái Thượng Lão Quân không kết hợp theo tiên thiên bát quái của Phục Hy mà lò này đúc theo hậu thiên bát quái của Văn Vương sau này. Văn Vương xếp theo quẻ âm, con người biến chất nhiều rồi vậy.

Lò bát quái là một ẩn ngữ, nó nói lên sự tu luyện của con người. Lý, lò đặt ở cung Đâu Suất, nhưng suy rõ ẩn ý thì lò chính đang đặt trong thân xác con người, đặt ở chỗ mà đạo gia gọi là đơn điền, là phương tốn….
  
Lò xử dụng lửa gì để đốt? Đó là thứ lửa “Văn,vũ”.  Hiểu đơn sơ: Văn ám chỉ kinh điển, phải học kinh, trì chú để trợ lực.Vũ (võ) ám chỉ phép hành công tọa thiền, thêm một số công phu (ngoại công phu) để hỗ trợ như : Bát đoạn cầm,Thập nhị cầm đoạn v.v…,  cho nên, người tu thiền cũng phải cần luôn luôn luyện tập (văn ôn võ luyện). Lửa ở đây là lửa trong nội thân, để luyện hỏa hầu khi hành giã có lúc vận công nhu nhuyển giống như đốt lửa riu riu, nhưng thấm dần vào trong tâm thức của hành giã vậy.

Nói về Tề Thiên bị đốt bốn mươi chin ngày trong lò bát quái. Nhưng Tề Thiên núp vào cung Tốn (gió) nên an toàn.
  
Điều này cho rằng hành giã khởi công phu phải dựa vào hơi thở, vô ra cho đúng cách. Điều tức, điều tâm đúng phương pháp vậy.
  
Chúng ta còn nhớ đoạn Phật tổ và Tề thiên thách đấu. Tôn Ngộ Không tưởng rằng với khả năng của mình để vượt qua ngũ hành năm ngọn đó thì quá ư là dễ dàng. Nhưng, không phải thế, khi biết mình đã thua toan xù bỏ chạy trốn, vội vàng tung người bay vút lên mây. Nhưng không kịp với ngũ hành sơn năm ngọn (Theo thuật bói toán của bàn tay trong năm ngón tay và bàn tay là cả vận mệnh của một con người). Nên truyện mượn bàn tay để tương ứng với núi Ngũ hành sơn để nhốt Tề Thiên vậy.
 
Phật Tổ lúc nhốt Tề Thiên xong, đem lòng từ tâm mà ra lệnh cho Thổ Địa, “Nếu khi nào Tề Thiên đói, khát thì đem sắt và nước rỉ đồng cho ăn và uống?

Sắt và đồng thì làm sao mà ăn. Thực chất đây cũng chỉ là một ẩn dụ mà thôi.
  
Ngọn lửa Hồng hài Nhi:

Chuyện Tề Thiên đánh nhau với Hồng Hài Nhi quả là trớ trêu! Từ hồi thứ bốn mươi qua tới hồi bốn mốt, bốn hai mới xong chuyện này.

Lai lịch HHN cũng đơn giãn: “Con trai Ngưu Ma Vương. Bà La Sát nuôi nó. (Việt Nam ở miền Trung và miền Bắc trước đây thường hay có những lễ cúng bà La Sát. Thường có những ông thấy pháp dựng những cây đa bằng giấy, trên cây đa có rất nhiều chiếc nôi trẻ con nằm. Tượng trưng cho nơi để bà La Sát nuôi con nuôi (Ăn thịt con nít). Mỗi lần nhà ai có con chết bất đắc kỳ tử mà còn nhỏ tuổi, thường hay nhờ thầy pháp cúng bà La Sát …)
  
Hồng Hài Nhi trước đó đã tu tới ba trăm năm ở Hõa Diệm sơn (hiệu là Thánh Anh đại vương). Hai nhân vật này còn quan hệ chú cháu khi T.N.K (Hầu Vương) kết nghĩa anh em với Ngưu Ma Vương)
  
Hồng H. Nhi sở trường về dụng hỏa. Năm chiếc xe lửa của HHN cũng áp dụng theo phương thức ngũ hành … nên lửa của HHN khác lạ thường, Tề Thiên không thể phá nổi. Ngay cả khi Tề Thiên mời cả bốn vị Long vương đến làm mưa gió cũng không dập tắt được lửa của HHN.
 
Theo Phật, trên đời có 3 thứ độc: Tham, Sân, Si. Món thứ hai Sân giận rất độc hại, giận là nóng nảy (lửa). Lữa HHN hiểu theo là lửa NÓNG GIẬN. Dụng ý của Ngô Thừa Ân dựng HHN để biểu hiện sự nóng giận của con người đưa đến nhiều hậu quả khó lường. Theo Phật giáo, Lão giáo hay cao Đài giáo thì công phu hàm dưỡng giống nhau gọi là Thiền hay Tịnh cũng đồng nghĩa như nhau. Cho nên, muốn trừ sự tức giận thì phải thiền định. Trong truyện phải nhờ tới Quan Thế âm Bồ tát. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ môn dạy rằng muốn trừ tam độc: tham, sân, si phải cần cẩu đến oai lực của Quan Thế Âm.
   
Từ bỏ lối văn kinh điển nghiêm túc Ngô Thừa Ân xử dụng phương pháp ẩn dụ để kể chuyện Tam Tạng cùng thầy trò đi thỉnh kinh, đánh đá, phép tắc biến hoá linh động với yêu quái ma vương. Ngô Thừa Ân quả là một “thuyết gia” bất hủ trong làng văn ngụ ngôn vậy.  Ông thật thấu đáo từng ẩn ngữ, điển tích, tinh tế, để “biến hoá” hợp lý cho câu chuyện càng thêm sung tích và linh hoạt. Kết hợp đều đặn qua nhiều chương liên kết.
 
Chúng ta xem phim hay đọc truyện Tây Du Ký bất cứ lúc nào cũng say mê như đám trẻ cho dù ở đâu. Nếu là trẻ em Châu Á nói chung, Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, đều rất thích xem Tây Du Ký.

(Còn tiếp)
                                   

Tham khảo thầy Huệ Khải.  

Lê Hoàng                                             

                                                                                  

No comments: