Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 17, 2013

Nhân ngày NHÀ BÁO VN, 21.6: "THỰC LÒNG TRI ÂN VÀ NGHIÊNG MÌNH KÍNH PHỤC NHỮNG NHÀ BÁO TỰ DO VIỆT NAM HÔM NAY..." - Lê Thiên Minh Khoa (tổng hợp)

      Tạp chí TIẾNG QUÊ HƯƠNG*: Nhân ngày NHÀ BÁO VN, 21.6 năm nay, nhận được nhiều thư, thơ, bài viết về nghề báo và nhà báo của độc giả nhờ chuyển tới các nhà báo tự do VN. Chúng tôi chọn đăng nguyên văn ba bài, trong đó, bài đầu tiên là bài viết thật sự cảm động.


      THỰC LÒNG TRI ÂN VÀ NGHIÊNG MÌNH KÍNH PHỤC NHỮNG NHÀ BÁO TỰ DO VIỆT NAM HÔM NAY 
      
      Nhân ngày nhà báo VN 21 tháng 6 năm nay, chúng tôi - một nhóm bạn yêu văn chương muốn thổ lộ tấm lòng yêu quí, kính trọng, cảm phục và biết ơn của chúng tôi đối với những người làm báo tự do ở VN hiên nay và  kính nhờ Diễn đàn đăng chuyển tới họ.
     
      Thuật ngữ báo chí tiếng Anh gọi họ là freelance (chiết tự là: cây thương tự do), nghĩa là cây bút độc lập, nhà báo tự do. Họ không thuộc về biên chế một cơ quan, tòa soạn, hãng tin ... thông tin ngôn luận nào, nhưng họ viết cho mọi diễn đàn phù hợp với quan điểm, chính kiến của mình. Họ còn là những người chủ  trương, thành lập và điều hành những diễn đàn phục vụ cho cộng đồng xã hội, không phụ thuộc và phục vụ một phe cánh chính trị nào. Ở Việt Nam ta hiện nay, những freelance nầy chủ yếu hoạt động trong lảnh vực báo mạng. Họ là những người có tâm huyết với đất nước, với nhân dân, yêu nghề báo, có tay nghề cao và muốn dùng ngòi bút, diễn đàn của mình để phục vụ cho dân tộc, đồng bào mình, không có và không vì một lợi ích nào khác. Hiện nay, những người thành lập và chủ biên những tờ báo mạng tư nhân (tự do) ở nước ta chuyên về văn hóa nghệ thuật là những nhà thơ, nhà văn, VNS nổi tiếng , tự nguyện đặt ra mục tiêu tôn chỉ cao đẹp cho diễn đàn của mình và tự giác tuân theo. Nhiều người trong họ đã "tự ý nghỉ việc " ở ban biên tập một tòa soạn hoặc một cơ quan quản lý văn nghệ - báo chí với  nhiều quyền lợi về địa vị, tiền lương, bổng lộc... để "ôm" lấy một mảnh đất nhỏ trên cánh đồng mạng mà lặng thầm "cày" suốt ngày đêm. Giờ thì họ làm việc không lương, không những bỏ công sức mà còn đem cả tiền của ra để nuôi tờ báo của mình. Nào là tiền thuê bao mạng, điện thoại, tiền công cho người phụ giúp, chi phí cho cộng tác viên, giao lưu tiếp khách... đều là từ ngân khố gia đình. Điều chúng tôi cảm phục nhất là nhiều người trong họ mặc dù chẳng phải dư dã gì, nhưng đã từ chối sự tài trợ thường xuyên của các cá nhân và tập thể có lòng. Họ e ngại lệ thuộc về chuyên môn chính kiến cũng có, nhưng nguyên nhân chính là lòng tự trọng ... Và chúng tôi còn biết thêm những điều thú vị về họ: Có người bỏ cả những thú vui chính đáng đời thường mà họ đam mê trước đây (là văn nghệ sĩ mà!) như: giao lưu, liên hoan chè chén, hẹn hò, du lịch v.v... để dồn cả thời gian, công sức cho tờ báo mạng  của mình ...

     Ở đây, chúng tôi đang nói đến những tờ báo mạng tư nhân, độc lập, có uy tín, có địa chỉ công khai, danh chánh ngôn luận hẳn hoi. Họ khác với nhiều diễn đàn cũng tự do, nhưng là tự do phát biểu linh tinh,  thông tục hoặc cực đoan, phá rối... phổ biến trên mạng hiện nay. Những người làm báo chân chính nầy có quan điểm, chủ trương minh bạch, công khai và luôn dũng cảm  giữ gìn,  bảo vệ chủ trương quan điểm của  mình và công lý xã hội. Họ đăng tin bài, tác phẩm văn học  viết về những sự kiện chính trị xã hội nhạy cảm của đất nước hiện nay với một thái độ không thiên kiến, một tinh thần thực sự xây dựng và vì cộng đồng. Nhưng họ cũng phê phán, lên án mạnh mẽ, thẳng thừng  những kẻ a dua, cơ hội, lưu manh chính trị muốn làm rối loạn đất nước để làm lợi cho kẻ khác và phê phán tệ nạn tham nhũng, bất công xã hội ... cũng như vạch mặt những người có chức quyền, địa vị nhưng thờ ơ, bàng quan, "trùm chăn" trước hiện tình nhân dân và hiện trạng đất nước ...  Có thể kể ra đây những diễn đàn tư nhân có uy  tín trên mạng chuyên về văn hóa - nghệ thuật:  nguyentrongtao của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, gacvandongnai của nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải, tiengquehuong của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa, datdung của VNS Tây Ninh, vannghequangtri của dịch giả Nguyễn Khắc Phước, triamcac của nhà thơ Võ Văn Hoa,  lucbat.com của một nhóm VNS tâm huyết với  thơ ca  dân tộc, triancuocdoi, vandanviet, nguoibanduong (Nga), v.v...
    
      Những người làm báo tự do chân chính ở VN hiện nay đã có nhiều đóng góp  rất hữu ích, hiệu quả cho xã  hội  và cộng đồng. Chỉ riêng trong lãnh vực xã hội, công lao của họ là làm cho nền báo chí - truyền thông nước nhà phong phú, đa dạng, dân chủ hơn, ngôn luận tự do hơn, xã hội hóa báo chí thực sự  và tạo thêm  nhiều  điều kiện, cơ hội  hơn cho người dân bày tỏ tâm tư , khát vọng của mình.

      XIN THỰC LÒNG TRI ÂN  VÀ  NGHIÊNG MÌNH KÍNH PHỤC NHỮNG NHÀ BÁO TỰ DO VIỆT NAM HÔM NAY ĐÃ LẶNG LẼ , ÂM THẦM HIẾN DÂNG CHO ĐỜI, nhân ngày NHÀ BÁO VN
                                                       THÂN HỮU (Sài Gòn)


      NGHỀ BÁO  LÀ NGHỀ CAO QUÝ

      Là người coi báo hằng ngày, tôi  hay nghĩ về những người viết báo, và tôi cho đó là nghề cao quý. Bởi báo chí là một nghề cần đến học vấn, am hiểu thực tế đời sống xã hội và cái TÂM TRONG SÁNG.

      Muốn viết được tin, bài chính xác nhà báo còn có lòng kiên nhẫn, khiêm nhường để có thể tiếp cận được mọi tầng lớp người, mọi thành phần, địa vị trong xã hội. Họ tìm hiểu cặn kẽ những tin bài mà họ đưa lên báo có căn cứ và chính xác.

      Họ có bản lĩnh nghề nghiệp dám bảo vệ những việc đúng, phê bình thói hư tật xấu trong sinh hoạt xã hội và đạo đức mới. Họ không uốn cong ngòi bút của mình trong những vụ việc lập lờ che phủ những mảng tối. (Dĩ nhiên cũng có những con sâu làm rầu nồi canh).

      Không có báo chí thì những tư tưởng tiến bộ không thể đến với đông đảo mọi người và có những kết quả tích cực. Qua các thời kỳ cách mạng, nghề báo là một lợi khí phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc phản ảnh không khí sôi sục trên chiến trường, nêu cao những tấm gương chiến đấu ngoan cường. Họ đã cùng đoàn quân ra trận với ý thức trách nhiệm cao. Vũ khí của họ là cây viết, cuốn sổ, máy quay phim, máy ảnh.

      Trong cuộc chiến đđchống  bần cùng lạc hậu tiến lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Báo chí cũng kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt những tập thể và cá nhân anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Báo chí cũng vạch trần bọn mọt nước, sâu dân, vơ vét của công, tha hóa, trụy lạc, đấu tranh cho xã hội trong sạch lành mạnh, công bằng.

      Qua những văn phong của người làm báo, người đọc còn được dạo chơi các danh lam, thắng cảnh của non sông, những lễ hội hào hùng về với cội nguồn của đất nước ngàn năm văn hiến và những thành tựu xây dựng xã hội của nhân dân trong thời kỳ mở cửa - hội nhập nầy.

      Nói tóm lại, nghề làm báo là MỘT NGHỀ CAO QUÝ , sức mạnh của báo nằm trong cây bút của người cầm bút chân chính có nhân cách rồi lan tỏa đến với người đọc, đi vào đời sống công chúng, được công chúng thừa nhận.

      Nhân ngày nhà báo Việt Nam, xin được nói lên niềm tự hào của một công dân về nền báo chí Việt Nam đã phát triển cả về nội dung và hình thức, nắm bắt kịp thời đại công nghệ thông tin – kinh tế – tri thức.
                                          Trúc Lệ  (Cần Thơ)


      NHÂN NGÀY 21/6, NÓI CHUYỆN BÁO CHÍ VIỆT NAM BUỔI ĐẦU

      Nhà báo đầu tiên của Việt Nam là ông Trương Vĩnh Ký (1837-1886). Ông sử dụng thành thạo 26 ngoại ngữ, là một học giả lớn nghiên cứu nhiều lĩnh vực nổi tiếng về ngôn ngữ được xem là nhà Việt ngữ học lỗi lạc và được xếp vào hàng “Thế giới thập bát văn hào” là tác giả của hàng nghìn bài viết và những tác phẩm tiêu biểu như:
      - Grammaire de la langue Anamite (Ngữ pháp Tiếng Việt)
      - Cours pratique de langue Anamite (Giáo trình thực hành Tiếng Việt)                      
      - A berégé de grammaire Anamite (Tóm tắt ngữ pháp Tiếng Việt) v.v...
      Theo lịch sử báo chí Việt Nam, tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của nước ta do E Doteau thông ngôn của Soái Phủ Nam Kỳ làm chủ bút, đó là tờ  "Gia Định Báo”. Số đầu tiên ra ngày 15-4-1865, mỗi tháng báo ra một số. Đến năm 1869, Thống Đốc Nam Kỳ giao cho ông Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Nội dung của báo gồm hai phần. Phần công vụ đăng các nghị định thông tư của Pháp. Phần tạp vụ đăng tin trong nước, chủ yếu là tin Nam Kì.
      “Thông Loại Quá Trình” của ông Trương Vĩnh Ký (1888-1889) ra tháng 6 năm 1889, về sau “Thông Loại quá trình” đổi tên là “Sự loại thông khảo” đầu đề đó viết bằng chữ Hán.
        Tờ “Nhật trình Nam Kì” xuất bản năm 1883 viết bằng hai thứ tiếng Pháp – Việt chủ nhân là người Pháp.
        Tờ “Đại Nam Đồng Văn nhật báo” phát hành năm 1892 in bằng chữ Hán, năm 1907 đổi thành “Đông Cổ tùng báo” in hai thứ tiếng Việt – Hán.
        Tờ “Đại Việt tân báo” ra đời năm 1905 do ông E Nerst Babut làm chủ in hai thứ tiếng Việt – Hán, với sự cộng tác của ông Đào Nguyên Phổ, chủ bút của tờ ”Đại Việt tân báo”, là tờ báo của tư nhân nhưng được chính phủ tài trợ.
        Tờ ”Nhật báo tỉnh” của Georges xuất bản tại Sài Gòn năm 1905 dịch từ tờ báo Pháp “Le Moniteur des provinces”  ra Tiếng Việt.
       Tờ “Phan Yên báo” là tờ báo tư nhân do ông Diệp Văn Cương là chủ bút, số đầu ra tháng 12-1898 xuất bản hàng tuần. Do báo đăng một loạt bài có nội dung yêu nước nên chỉ ra được 8 số thì bị cấm.
      Tờ “Nông cổ mín đàm” (1901-1924) số đầu ra ngày 1-8-1901 là tờ báo Kinh tế đầu tiên ở Nam Kì bàn luận về các vấn đề nông nghiệp.
       Đầu thế kỉ 20, tờ “Lục tỉnh tân văn” ra đời trong phong trào Duy Tân, số đầu ra ngày 14-11-1907 đến năm 1921 sát nhập với báo “Nam Trung Nhật Báo” tờ báo này do ông Trần Chánh Biểu, một người nhập làng Tây có thiện chí với phong trào Đông Du của ông Phan Bội Châu làm chủ. Báo có nội dung tiến bộ, chống hủ tục, tranh luận về lập trường dân tộc, giải thích về cuộc vận động Minh Tân, và luận bàn về thời sự Quốc tế.

                                              TRẦN KHANH SẮC ( TP. HCM )


 Nguồn: Lê Thiên Minh Khoa - tapchitiengquehuong.

*****

*Vì Tạp chí Tiếng Quê Hương gặp sự cố về kỹ thuật nên VNQT hân hạnh được đăng bài này trước. Cám ơn nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa và các tác giả. VNQT.

No comments: