chốn ấy, với những kỷ niệm ngọt ngào…
Hoạt đứng như trời trồng trước sân nhà đứa
cháu ngoại. Hình ảnh Miên nổi bật lên trong đám người xôn xao ra vào cổng chợ,
sang trọng và đẹp hẳn lên nơi vùng quê chân lấm tay bùn! Bao nhiêu năm xa cách,
vẫn không khác xưa là bao. Tần ngần nửa muốn chào hỏi, nửa lại thôi!
Nhưng Miên đã thấy, nhận ra
anh một cách không ngờ:
-Anh Hoạt! Anh về khi mô ?
-Hôm qua, Miên về lâu chưa ?
-Em về hơn nửa tháng ni rồi.
Lâu ni anh ở mô?
Hoạt suýt phì cười vì Miên cố
gắng phát âm theo tiếng mẹ đẻ. Ừ, dù gì
cũng về quê mà! Mấy mươi năm sống bên ấy, chừ nói lại chắc Miên phải "vận
dụng" trí nhớ lắm!
- Anh ở trong Ninh Thuận, về
quê hoài. Mỗi lần về nghe nói Miên cũng
vừa về nhưng qua lại rồi! Như mặt trời mặt trăng vậy !
Mắt Miên chớp chớp, nhìn bâng
quơ ra con kênh phía trước chợ! Hoạt cũng nghèn nghẹn trong cổ, anh tằng hắng
mấy lần!
Chiếc xe gắn máy nhẹ nhàng đến sau lưng Miên, một cậu trai
trạc 18, chào anh rồi hỏi Miên:
- Về chưa O ?
- Anh về có việc gì không,
khi mô vô lại trong nớ?
- Anh đưa cốt mạ về nhân tiện
sữa lại lăng gia đình luôn!
- Mai em đi tỉnh mua ít đồ,
anh có việc gì trên nớ không?
- Có lẻ phải lên hỏi mua vật
liệu, vừa ra chưa tính toán gì cả !
Miên lục trong áo khoác, lấy
chiếc điện thoại đưa cho đứa cháu:
- Con lưu số máy bác ấy cho O,
anh đọc đi.
Hoạt đọc số máy, Miên chào
anh rồi lên xe, nhìn cử chỉ chậm chạp
của Miên, Hoạt chợt đưa năm ngón tay lên vuốt mái tóc đã muối tiêu của mình, “Miên
thua mình một lớp, cũng không còn trẻ
nửa để mà nhanh nhẹn!”
*
Thủa ấy hai đứa thân nhau,
mặc dù không cùng làng. Hai làng cách nhau một con khe nhỏ và một đám đất gọi
là nương làng. Ngôi trường nằm gần chợ và thuộc đất của làng Hoạt. Hai nhà thân
nhau vì hai ông bố cùng làm việc ở xã. Miên có một người anh hơn Hoạt một tuổi,
nhưng Hoạt lại gắn bó với Miên hơn! Đi học, hái hoa khoai, chơi trốn tìm ở nương
làng, đi dọc theo khe hái quả giành giành về làm mực màu...hai đứa luôn đi
chung!
Tiếng đứa cháu gọi từ trong
nhà làm cắt dòng hồi tưởng của Hoạt:
- Ừ, ăn cơm rồi à, cậu vào
đây !
- Cậu có quen bà Miên à, Bà
hay về lắm .
- Ừ, hồi ông ngoại và ba
của cô ấy cùng làm việc ở xã. Mấy đứa đi
học về chưa?
Hai đứa cháu nhỏ dưới bếp
bưng lên hai dĩa thức ăn đặt xuống bàn:
- Con chào ông khi hồi mà ông
không nghe!
- À, rứa à, ông lớn rồi nên
hơi nặng tai! Ngồi xuống đi mấy con .
Anh mỉm cười vì hai chử “nặng tai” ! Anh không nghe vì lúc đó anh không còn
nghe gì ngoài giọng nói thân quen đến ngọt ngào của Miên, cũng không còn ai tồn
tại quanh anh ngoài người phụ nữ có đôi mắt đen và hàng mi cong từ thơ ấu ấy!
Ăn xong, anh nghỉ trưa trong muôn vàn hình ảnh của ký ức xôn xao!
*
Quán không đông vì ở gần chợ,
một vài người có vẻ chờ đón "phu nhân", nôn nóng với điếu thuốc lá.
Nơi đây ngày xưa như trong bàn tay anh, vậy mà giờ lạ lẫm quá!
Năm 63 lên tỉnh, ở quê gọi là
mất an ninh. Anh cùng gia đình ở nơi đây, căn nhà mang số . đường Gia long, bên
cạnh Ty Xã Hội, đối diện là: Bến đò, bến giặt và cầu nhảy. Cây Ngô đồng cao to
đầy chim ban đêm về ngủ, hai quán chè đá bào
nằm gọn trong bóng mát của tàn lá. Anh là một trong những chú nhóc cừ
khôi vì có thể bơi qua lại ba vòng vào mùa nước không lớn. Chỉ cần thấy chiếc
máy bay L 19 chao cánh sắp hạ xuống đám đất bằng bên sông là anh và lũ bạn nhảy
ào bơi qua xem. Đã có lần anh được cho bay một vòng lên cầu Ga, về Sải, vòng qua An Đôn... vừa thích thú vừa sợ hải!
Hàng Phượng ven sông cũng cho
anh nhiều kỷ niệm. Những ngày biểu tình
và bưng bàn thờ ra đường, bọn anh hái
hoa phượng cột thành từng chùm bán, rồi cùng nhau ăn chè đá bào... Năm đầu lên tỉnh,
anh học trường tranh (chi nhánh trường nam). Hàng cây nhãn nhiều bọ xít vẩn còn
cái mùi khó chịu tận bây giờ! Được cái là kẹo sóc phía sau trường rẻ và ngon,
mùi gừng ấm áp chi lạ. Năm sau qua trường Nam , ở giữa đường Trần Hưng Đạo va
Gia Long. Qua đây anh thường gặp Miên hơn, cô ấy học Trường Nữ, ngang ngang với
hội Cổ học. Nhưng "gặp" là "thấy nhau" chứ chẳng gì hơn! Lúc
này không hiểu vì sao nhà Miên lại ở trong Trại Gà Cổ Thành? Năm ấy nhà anh chuyển xuống đường Duy Tân, gần
nghĩa địa. Cầm phiếu báo thí sinh chuẫn bị thi vào Trường Nguyễn Hoàng thì cùng
lúc, trường Thánh Tâm gởi giấy báo tập trung. Bố anh muốn anh đi tu làm Sư
Huynh.
Đang miên man thì đứa cháu
hôm qua cũng vừa chở Miên đến. Nhìn
quanh, Miên đề nghị bưng hai cái ghế ra gần mé sông hơn một chút. Thì ra Miên
đã là khách quen của quán từ hồi nào rồi! Đứa cháu của Miên cũng vòng xe đi
mất, bên nhau, Miên nhìn trân vào mặt anh:
- Không già, tóc anh ít bạc, có
nhuộm không?
- Không!
- Tóc em bạc nhiều lắm, nhuộm
lâu rồi! Anh sống trong đó có ổn không?
-Tạm được, còn Miên?
- Từ ngày anh ấy mất, em làm
cầm chừng, may mà mấy cháu đã học xong ,đi làm nên em cũng đỡ! Em có cháu nội
rồi đó!
Miên thôi nhìn anh, đưa mắt
qua bên kia sông, anh nhìn theo, Miên buột miệng hỏi:
- Có nhớ gì bên đó không?
- Có!
- Nhớ gì?
- Chùa Sư Nữ, hái hoa bị bắt!
- Hái cho ai?
Hoạt cười, nụ cười chứa cả
niềm vui của kỷ niệm lẫn cái xót xa mất mát của tuổi thơ! Ngày đó anh đã học
lớp 9. cùng mấy đứa bạn rủ nhau qua chùa Sư Nữ chơi, gặp Miên cùng các bạn học mặc nguyên áo dài
trắng, cũng qua chơi chùa. Đò của Miên qua trước, anh qua chuyến sau và không
biết có Miên. Đám áo dài cuốn cả tụi bạn anh theo như nam châm! Anh gặp Miên
tần ngần nơi bến sông của chùa. Lúc này Miên Học lớp 8 Trường Nguyễn Hoàng.
-Miên đi chơi chùa à?
-Nghỉ hai giờ đầu Anh văn,
bọn em "cúp cua" luôn hai giờ Sử-Địa! Hoa trong chùa đẹp quá!
- Ừ, Mấy ni cô khó lắm, không
xin được mô! Ngần ngừ một lúc, anh nói: - Miên chờ chút nghe.
Hoạt quay vào chùa, tim anh
đập thình thịch, mấy chậu thược dược đủ màu làm anh lòa mắt. Một đám học trò cả
nam lẫn nữ vây quanh một ni cô trẻ, anh quay lưng che rồi ngắt một đóa!
-Ấy, ấy, không được mô, ai
lại ngắt hoa của chùa!
Ni cô nói nhẹ lắm, chỉ trách
thôi mà anh như bủn rủn vì gượng! Đã lỡ rồi, muốn dấu cũng chẵng được, anh lí
nhí xin lỗi và đưa trả cánh hoa cho ni cô!
-Thôi lở rồi, cầm về đi, lần
sau đừng nữa nghe!
Hoạt nhẹ người lí nhí cảm ơn,
không hiểu vì mừng hay vì gượng, anh chạy biến ra nơi Miên đứng, đưa cho Miên
cành thược dược mà không nói gì!
72 với ly tán chia xa, kẻ đi
người ở, rồi 75…
- Hôm qua anh có nhận ra Miên
không ?
- Ban đầu anh còn ngờ ngợ!
Nhưng sau đó, khi Miên quay hẳn lại thì anh chắc chắn mình không nhầm!
Tay Miên đặt nhẹ lên tay anh
trên thành ghế, anh xúc động, mỉm cười nhìn vu vơ ra sông.
- Anh cười gì vậy?
- Nhiều lúc kể chuyện thời
thơ ấu ở quê cho vợ anh nghe, anh kể về Miên với những cái hoa khoai lang tím,
khi nói Miên hay chìa má cho anh chà lên...Vợ anh hỏi: "Chị ấy có đẹp
không?"
- Anh nói sao ?
Miên quay hẳn người qua nhìn
vào mắt anh, chờ trả lời. Hoạt chỉ mỉm
cười bâng quơ không nói. Miên hỏi lại “Anh nói sao ?"
-Anh nói "Cũng thường
thôi!"
- Vậy em "thường
thôi" hay là "đẹp"
- Thì anh cũng "thường
thôi" mà, có đẹp đâu!
- Anh có hay nhớ Miên không?
- Lần nào về làng cũng nhớ!
Bất ngờ Miên hỏi như từ đâu
đó xa xăm lắm:
- Nếu ngày đó mình lớn hơn
chừng vài tuổi thì sao nhỉ ?
Hoạt lắc đầu :
- Anh không biết, Miên biết
không?
- Miên cũng không biết!
- Khi nào Miên qua lại?
- Vài ngày nữa, em vô Sài gòn
sắp xếp vài chuyện. Anh vô đưa em lên máy bay được không?
Mắt Miên như rươm rướm, Hoạt
cũng đượm buồn. Anh lắc đầu nhè nhẹ:
- Anh cố làm cho xong để còn
vào đưa cháu thứ hai đi thi đại học!
Bên sông nắng chuyển màu,
Miên nói với anh :
- Hồi xưa tụi em hay viết lưu
bút, đứa nào cũng thích và ghi cho nhau mấy câu của một bài hát, em không nhớ
tên và của ai! Em đọc xem anh có biết không ha:
"....Ấu thơ đi về đâu,
“ Đễ mưa bay mùa ngâu...
“Lòng mình thì muốn níu ân tình mãi anh ơi,
“Mà đời là suối nước vô tình
vẫn êm trôi
“Tiếc gì cũng xa rồi!...
Hoạt lắc đầu, anh biết nó nằm
đâu đó trong những bản nhạc thường gọi là Bolero, với hoa phượng, sân trường,
áo trắng... Anh ít biết vì con người anh vốn hơi khô! Nhưng nghe Miên đọc, anh
thấy lồng ngực mình như có cái gì cồm cộm, nằng nặng và ... Anh lần tìm tay Miên,
bóp nhè nhẹ, anh không buông ra, như cố níu giữ chút ấu thơ mà ai cũng có trong
đời! Miên khép đôi mi cong trời cho, một giọt nước mắt lăn trên má!
Tháng
III-2012
Trạch An - Trần Hữu Hội
No comments:
Post a Comment