Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 19, 2023

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (7) - Trương Ngọc Bỉnh



Những mãnh ghép ký ức 

về một ngôi trường


Trương Ngọc Bỉnh, Cựu học sinh 

Trường Trung học Công lập Hải Lăng, 

Khóa 5, 1964 - 1968


Phần 7 

Đồng hành cùng quý Thầy giáo còn có ba Cô giáo (Giáo sư): Lê Thị Tránh, Phan Thị Lan và Hoàng Thị Chanh. Mỗi Cô giáo là một đóa hồng tươi, tô điểm thêm cho đội hình của Trường! Ba Cô vẫn tràn đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân khi bước vào nghề, vào Trường.


Cô giáo Lê Thị Tránh



Cô Lê Thị Tránh dạy môn chủ lực của lớp cuối cấp chúng tôi là Anh văn (và Nữ công gia chánh dành cho các bạn nữ sinh). Tôi nhớ áng chừng Cô Tránh đã theo lớp chúng tôi liền mấy năm học, cho đến khi chúng tôi tốt nghiệp, ra trường - qua các Giáo trình: L'Anglais Vivant, được mấy tiết sau đó chuyển qua Let's Learn English và Lớp Đệ Tứ thì học English for Today - Book Three.

Thuở ấy, nhà Cô Tránh ở mặt tiền đường phố Trần Hưng Đạo (hiện nay chỗ đó là Chợ Quảng Trị), con phố chính của trung tâm Thị xã - là một cửa hiệu lớn, nhìn lướt vào, ngoài các mặt hàng tạp hóa ... nổi bật nhất là hai hũ rượu thuốc rất bự, màu cánh gián!

Những năm chiến sự nổ ra ác liệt. đoạn đường từ Ngả ba Long Hưng vào Dốc Quán Dê (Q.Lộ 1 cũ ) thường hay bị các Chú Bộ đội chôn mìn để đánh xe quân sự Mỹ và vè xe của lính Việt Nam Cộng Hòa. Cứ mỗi buổi sáng tinh mơ thường có toán lính Mỹ đi bộ theo sau hai lính Mỹ cầm hai cái bàn rà mìn có cán dài vừa tầm, huơ huơ gần sát mặt đường. Mỗi người lính đi một nửa mặt đường để rà tìm mìn chống chiến xa, mở đường cho các đoàn công-voa (tiếng Pháp: convoi, tiếng Anh: convoy = đoàn xe quân sự) ra các căn cứ Mỹ ở Ái Tử, Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây ...

Trong mấy năm học, trên đường đạp xe đến trường, tôi đã tận mắt thấy một xe Mỹ đổ kềnh bên vệ đường, cháy sém còn trơ khung sườn xe biến dạng... quân trang, quân dụng vung vãi, nổi lềnh bềnh hai bên ruộng vào mùa lụt! Dân - thanh niên nam nữ ... nói chung tất cả "trớng mén" đều chạy đến chỗ xe Mỹ bị dính mìn có cột khói lên cao vừa tỏa ra! Vị trí xẩy ra là Cống Lấp (Q.Lộ 1 cũ), đoạn giữa Thôn Mỵ và Thôn Hậu.Từ xóm nhà của hai anh em Ông Cừ, Ông Khâm (Thôn Hậu), dân chạy vào gần hơn! (non non 1,2 km). Phía "bầu đoàn thê tử" của Xóm Quán và Xóm Trằm, Thôn Mỵ - xa hơn cỡ 1,5 km! Họ đến nơi thì mấy chiếc trực thăng đã quay đầu, lên cao, tiếng xoành xoạch nhỏ dần, theo hướng Căn cứ Phú Bài, Huế rồi, chẳng ai biết Mỹ chết, bị thương bao nhiêu! Đoàn Công - voa thì vẫn chạy ra hướng Quảng Trị. Dân chúng có được một bữa "bắt hôi" đồ Mỹ thú vị, ngoạn mục! Trông toàn cảnh như Chợ nổi Cái Răng - mà không có thuyền - chỉ thấy người ta ngụp lặn, mò vật dụng; kẻ thì lấy cây, gậy để xăm dò xách quân trang đẫm nước, chìm giữa ruộng ngập. Chưa ai gặp xác Mỹ chết chìm còn sót lại cả. Hú hồn hú vía! Trên đường lộ, nơi cao ráo, kẻ có người thân vớt được xách quân trang, mở ra "kiểm hàng" phá lên cười khi gặp được đồ xịn: Máy ảnh Canon, Minolta, radio, cassette, chăn bông, túi ngủ, nệm cao su, áo ấm...

Các Cô giáo đã từ giã xe đò của hai nhà xe nối liền thị xã Quảng Trị và phố chợ Diên Sanh - là Ông Chương: Bác tài có đôi má "lúm đồng tiền" sâu hoắm, móm mém!

Bác lái rất cẩn thận và an toàn nhất với vận tốc chưa lên tới 30 km/h. Mặc ai khen chê: "Ngựa chạy cũng tới biền quan, voi đũng đĩnh cũng sang bến đò!".Thân bác cũng già như như chiếc Chevrolette sơn màu xanh lá cây đã xuống nước, ọp ẹp của thời Đệ nhị thế chiến còn sót lại. Còn chiếc G.M.C (General Motor Company ) của bà Vẹm, chủ xe cùng tuyến với bác Chương, vận tốc có nhích lên nhưng cũng chẳng là mấy! Thế mà hai "cổ vật" nầy ăn nên làm ra: trên mui thì gà, vịt triêng gióng (quang gánh), thúng mủng, mít, hàng tạp hóa... Trong khi các xe chạy tuyến Quảng Trị- Diên Sanh - Huế thuộc loại xe xịn hơn, hiệu Renault, taxi Puegot có con rắn há miệng, mạ kền sáng loáng chạy dài chính giữa ca-bô ra trước két nước, biển kiểm soát. Chỉ xe Renault có chở hạn chế hàng thập cẩm so với hai xe nói ở trên...

Ba Cô giáo: Cô Tránh, Cô Lan và Cô Chanh cùng song hành dùng xe đạp, vừa làm phương tiện đến trường vừa thể thao mà bảo vệ "phần nào" được mạng sống trên đường đi! Mỗi buổi sớm mai nắng ấm vừa rải nhẹ lên sân trường cát mịn, ba Cô trong tà áo dài (đổi sắc từng ngày) đã xuống yên trước cổng, dắt xe đạp vào trường. Kể về Cô Tránh, bạn bè đồng môn ai cũng không quên giọng nói, giọng đọc trong thanh của Cô. Khuôn mặt Cô có nước da "bồ quân", so ra hồi đó không trắng sáng như khuôn mặt Cô Lan!

Trong những tiết đầu gặp gỡ các giáo sư bộ môn, thông thường những tiết này dùng để chép chương trình của môn học đó vào trang đầu của mỗi quyển vở học, sau đó Thầy, Cô giáo cùng giao lưu với học sinh, làm quen với lớp. Nếu tiết này là của Giáo sư Hướng dẫn (nay là GV Chủ nhiệm) thì có nhiều việc cần phải làm đặc biệt cơ cấu đội ngủ cốt cán của lớp để giúp việc cho Giáo viên Hướng dẫn. Trong tiết này, Thầy Cô giáo đã gieo niềm tin bằng những lời động viên như trao cho tuổi trẻ những ngọn đuốc soi đường mà Thầy Cô giáo đã định hướng.

Đến tận bây giờ, tôi còn nhớ mãi câu châm ngôn mà Cô Tránh đã dẫn chứng trước lớp: "Mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh!"; rồi Cô giải thích và mở rộng thêm để kích thích sự đam mê việc học ngoại ngữ và hướng ứng dụng tương lai của thế giới về mọi lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật, kinh tế, ngoại giao, du lịch... Thực tế đã chứng minh cho đến ngày nay - hơn nữa thế kỷ - việc học ngoại ngữ nói chung cũng như sử dụng tiếng Anh tùy theo trình độ) đã chứng tỏ lợi ích thiết thực, lan tỏa đến tận hang cùng, ngõ hẻm của đời sống xã hội, cộng đồng thế giới!

Trong một tiết dạy của Cô Tránh, Cô chú trọng việc học sinh sử dụng được từ ngữ mà Cô đã cung cấp bằng việc gợi ý đặt câu của Cô. Cô đưa ra những ví dụ ví von, có phần hóm hỉnh mà học sinh nhớ lâu. Chẳng hạn tôi còn nhớ từ ngữ "balance" (cân bằng), Cô đã lồng ghép vào câu : "Can you balance the stick on your end nose?" . Phần này cũng được thêm cái lợi là tập cho học sinh mạnh dạn nói - vì học sinh sợ sai, nói chậm, lắp bắp sợ bạn cười nên cứ rụt rè hoài!

Sau khi chuyển công tác vào miền Nam vào tháng 8/ 1981, tháng 7 / 2001 tôi mới về thăm quê. Tôi đã đến Thành phố Huế để thăm Cô Tránh và Thầy Thái ở căn nhà 11/ 9 phố Nguyễn Trường Tộ vào ngày 17.7. 2001 (sẽ có phần riêng kể rõ hơn về Cố Giáo sư Lê Quang Thái)! Đứng trước Cô và Thầy, tôi có cảm nhận Cô còn có sức khỏe hơn Thầy.Thầy tiều tụy ốm nhom đi nhiều... bởi những tháng ngày vòng vèo, bươn chải với chiếc xe đạp cà tàng... khắp thành phố Huế, sau ngày độc lập thống nhất đất nước. Mặc dù xa quê tròn trịa 20 năm, tôi thường hỏi thăm bạn bè tình hình sức khỏe của Thầy, Cô đã dạy mình, đặc biệt có còn được lưu dung? Và nghe được số lưu dung nhiều hơn số từ giả "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Không những thế, có Thầy còn được đi học tập đường lối Cách mạng tại các trại cải tạo - vì dính vào đảng phái, tổng động viên (sỹ quan biệt phái), cán bộ quản lý trường học… của chế độ Việt Nam Cộng hòa, trước 30/4/1975!

Những ngày Cô Tránh và Thầy Thái chuyển gia đình vào sống tại Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, cựu học sinh các khóa của Trường THCL Hải Lăng và Nguyễn Hoàng đã đến thăm Thầy, Cô trong những lần bệnh, ốm hay vào dịp Lễ, Tết ... Có khi cựu học sinh tổ chức họp lớp, họp khóa... lại hợp đồng địa điểm gần nhà Cô, Thầy để Cô, Thầy bước qua mấy bước tham dự cho thuận tiện!

Sau hai lần phẫu thuật, hiện nay sức khỏe Cô Tránh đã xuống cấp, yếu lắm! Ngày mấy anh chị em chúng tôi vào thăm Cô (10.4.2023 ), mặc dù Cô rất mệt nhưng cũng cố gượng dậy bước đi khó khăn từ đi-văng qua bàn ngồi tiếp chúng tôi...Thấy Cô tiều tụy đi qua "cực chẳng đả", không vững mà xót xa, thương cảm!

(Còn tiếp)

Trương Ngọc Bỉnh


No comments: