Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 9, 2018

THƠ VÕ VĂN LUYẾN NHƯ LÀ MỘT ĐAM MÊ TAO NHÃ MÀ NHỌC NHẰN… * Lê Thiên Minh Khoa


Hai nhà thơ mới gặp nhau tại nhà LTMK, TP Bà Rịa.         

Bình thơ:
                        
THƠ VÕ VĂN LUYẾN NHƯ LÀ MỘT ĐAM MÊ TAO NHÃ MÀ NHỌC NHẰN…

                                LÊ THIÊN MINH KHOA
            
   … Tôi chưa từng gặp nhà thơ Võ Văn Luyến, nhưng khi vừa nhận được tập thơ mới nhất của anh - “Người Câu Bóng Mình” qua EMS, tôi đọc ngay, đọc nhanh như tác giả đã cho chuyển phát nhanh tặng tôi.
       Ấn tượng đầu tiên là tên tập thơ. Cũng như hai tập thơ trước:  Trầm Hương Của Gió (NXB Thuận Hoá, 2003), Sự Trinh Bạch Của Ngọn Nến (NXB Hội Nhà văn, 2007), tên tập thơ “Người Câu Bóng Mình” (NXB Hội Nhà văn, 2011) mang tính ẩn dụ, nhưng lạ lẫm, không tượng trưng- ước lệ, là ẩn dụ “phi giao tiếp”; nó  "ám ảnh”, “khích động” hứng khởi trong tôi…
        Đoc xong tập thơ, tôi lại “bảo lưu” ý kiến trước đây khi tôi  viết về phong cách thơ VVL: “Ngày càng lắng sâu vào triết học với tâm thái vừa tự thoại – vừa đối thoại. Như là một đam mê tao nhã mà nhọc nhằn (những câu thơ ngấu bùn/ tạc người nông dân lấm láp/ và nụ cười in trên gương mặt– Thơ VVL) để tiếp cận, chiêm nghiệm hiện thực hầu  tung phá, đột phá, sáng tạo nên những hình tuợng thơ đắt địa, táo bạo, tươi rói, mà lắng động cảm xúc và trí huệ….”
      Qua tập thơ nầy, tôi cảm nhận thêm nhiều điều về/ở thơ anh (thực ra, đã có từ trước trong thơ anh). Với ngôn ngữ dung dị, chân quê, chất thơ bay bổng mà rất khúc chiết, anh gói ghém trong thơ những khám phá mới lạ, những tứ thơ độc đáo, “không giống ai”, cả về những đề tài quá quen thuộc sáo mòn mà các thi nhân đã đi “mòn đuờng, chết cỏ”. Chẳng hạn, về đề tài quê hương Quảng Trị. Đã hình thành mấy lối mòn.  Hoặc tự sự theo kiểu “đi bộ”: Ta đã về đây Quảng Trị ơi!… rồi kể lể các địa danh: Thành Cổ, Cam Lộ, Gio Linh, Bến Hải … được phân bố đều cho các câu thơ, khổ thơ trong bài. Hoặc cũng viết về một vùng đất, con người cụ thể ở Quảng Trị mà chỉ để ôn lại kỷ niệm rồi yêu thương, luyến tiếc, ân hận, tự hào…v.v.. và v.v … Dĩ nhiên không phải ai cũng men theo các “lối mòn” đó. VVL cũng thế. Riêng về câu chữ, anh không những kể, tả kết hợp mà còn “nén”,  nên rất gợi – gợi nhiều tầng. Như là vùi sâu, nhấn chìm tâm tình , suy tưởng xuống để rồi do sự “cựa quậy” của hồn chữ, lại tự nổi lên với người đọc đồng điệu.
            Trong thơ VVL, nhiều ý tưởng tâm trạng, cũng có người đã trải qua, nhưng không nắm bắt được, diễn tả được. Tôi cũng vậy, đọc thơ của Luyến có khi tôi thấy “bóng mình” trong đó, có điều tôi chưa “câu” được, chưa viết ra được thôi. À… đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà thơ Gamzatôp: “Nhân dân sản sinh ra nhà thơ để nói hộ nhân dân những điều mà nhân dân không nói được”. Mà thú thiệt, có những bài thơ của Luyến khơi gợi rất mơ hồ, mới đọc tôi chỉ “cảm” mà chưa “hiểu” hết được.  Cảm, chưa hiểu nhưng xúc động và thấy hay. Có người cho rằng thơ anh gây “đốn ngộ”, tôi đọc thơ anh lại “tiệm ngộ” dần về cảm thức chìm sâu trong tình, từ và tứ thơ của anh…
                                    LÊ THIÊN MINH KHOA


(*):Trích trong “ Đối ngọn đèn khuya” (Võ Văn Luyến, nghiên cứu  và phê bình, NXB Thuận Hóa, 2014)

No comments: