Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 9, 2018

ĐỌC TẬP SÁCH "HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO" NHỚ TỚI NGƯỜI CHÚ RUỘT, THẦY GIÁO LÊ MẬU TÂM - Lê Mậu Trúc


     


ĐỌC TẬP SÁCH "HOÀI NIỆM THẦY CÔ GIÁO" 
NHỚ TỚI NGƯỜI CHÚ RUỘT - THẦY GIÁO LÊ MẬU TÂM

  Qua anh Lê Mậu Duy, dạy cùng trường với anh Đoàn Đức trước đây, tôi được tác giả tặng tập “Hoài niệm Thầy Cô giáo”. Nhờ đọc tập hồi ký này (đặc biệt đọc đi đọc lại bài viết về thầy Lê Mậu Tâm, chú ruột của tôi), tôi mới hiểu vì sao hệ thống giáo dục miền Nam trước 1975 nhiều hơn 2 năm so với miền Bắc. 
Tôi cũng ngạc nhiên khi học sinh lên lớp 12 không tiếp tục học Văn mà học Triết, như thế có đứt đoạn không, nhưng rồi tôi hiểu trong văn chương đã bao gồm triết lý, nên Triết học soi rọi cho học sinh hiểu rõ phần văn học từ lớp 6 đến lớp 11, hiểu rõ tư tưởng và quan điểm của tác giả khi họ sáng tác. 
Một ngạc nhiên nữa là thầy giáo tự do nghiên cứu các tài liệu khác nhau, vì thế bài giảng dù tương đồng nhưng vẫn có nhiều dị biệt, thậm chí đối lập. Vậy mới có câu “Cao đồ xuất danh sư”. Phương pháp giảng dạy cũng thế, không có khuôn mẫu nào cả, miễn sao hấp dẫn học sinh chủ động tìm tòi học hỏi để phát huy năng lực của mình tốt nhất. 
Cái hay của anh Đức, qua bài viết về bảy thầy cô giáo, là đánh thức mối đồng cảm trong lòng các bạn thân. Họ có chung một quan điểm: Giáo dục là trồng người trên nền tảng nhân bản, dân tộc và khai phóng, từ đó mới biến “cái vô thức thành hữu thức” như ngôn từ triết học của anh Nguyễn Lê Văn; không chỉ hình thành nhân cách cho học sinh mà còn biến thành “trí huệ hoằng viễn với tình cảm phú dật”… Như thế là chúng ta đã đem “hạt bụi dấu vào trần gian” để nó trở thành một chủng tử. Chủng tử đó là “con người biết tư duy, có đẩy đủ lòng yêu thương, nhân cách và tri thức để làm người lương thiện, người tử tế trong xã hội văn minh”. Phải chăng anh Lê Văn muốn nói đến triết lý giáo dục mà mỗi thầy cô trong tập sách này đã áp dụng vào phương pháp giảng dạy khai phóng của họ? Sao tôi có cảm nhận chủ quan như thế đấy. Tôi lại cảm thấy an ủi cho chú tôi khi anh kết thúc lời giới thiệu: “Các thầy cô chúng ta dù đã ra đi hay còn lại, sẽ sống mãi trong trái tim, trong ký ức của những người học trò trường Nguyễn Hoàng”.

Chú ơi! có bằng lòng và vui vì có những học trò như thế không? Riêng cháu khi đọc đến trang cuối cùng của tập sách, cháu bị ký ức dẫn dắt trở lại ngày xưa ấy mà tưởng như vừa mới hôm qua…
Đó là tháng 6/1975 mẹ cháu vội vã xin giấy phép về quê! Ngày ấy giấy phép chỉ cho đến  Vĩnh Linh. Suốt cả ngày đêm đi bộ, mẹ và cháu vào đến cầu  Hiền Lương,  mẹ năn nỉ nhiều  lần: “Tôi muốn về quê để xem ai còn ai mất”.  Chú công an thương cảm nên cho hai người qua cầu. 
             Chiếc xe đò  hiệu Renault thả hai mẹ con cháu xuống chợ  Đông Hà,  mẹ  mua cho cháu một chén thức ăn bột màu trắng đục. Cháu ăn như được ăn một thứ gì ngon nhất trên đời! Ngày về lại nhà ở Nông trường Cờ Đỏ, Nghĩa Đàn, Nghệ An , cháu khoe với bạn rằng: “Vào Miền Nam mình được ăn món gì mà ngon chưa từng thấy!” Sau này cháu mới hiểu đó chỉ là một chén “Đậu hủ”!
Trên chiếc xuồng máy mẹ con cháu xuôi theo dòng sông Thạch Hãn, với làn nước xanh mát của một ngày hè đầy nắng gió. Lên bến đò là làng quê Bích La Thượng của mình với hàng tre dọc theo dòng sông. Bước vào làng cháu thấy những hố “Bom” giống ngoài Nghệ An! Mẹ cháu vội chạy vào nhà ôm chầm lấy “Mệ”(bà nội)  và khóc nức nở như đứa trẻ. Cháu đi sau, thấy một người dáng cao đang lom khom sửa nhà, đó chính là chú. Rồi cả nhà chạy ra bỡ ngỡ hỏi: “Ai đó Mệ?”. Bà nội nói “Đây là vợ thằng Kế anh của cha các cháu đó”. Cả nhà rưng rưng nước mắt. 
Chú Lê Mậu Tâm,  dáng người thong dong hơi gầy, với giọng nói trầm ấm thư thái:   - Chào chị! Đây là con thứ mấy của anh chị?.... 
Một hôm chú dẫn đến chiếc xe Honda 67, nói với cháu: “Chú chở cháu vào Huế và Đà Nẵng cho biết”, nhưng ngày ấy cháu không  dám đi, nên sau này hối tiếc!
Làng quê mình thật tiêu điều sau chiến tranh và cháu hiểu , trên dải đất hình chữ  S này nhiều nơi như vậy, song Quảng Trị là nơi bị tàn phá ác liệt nhất!
Tháng 8 năm 1975 chú đi “Cải tạo” ở Khe Sanh một thời gian ngắn, rồi đưa xuống Cam Lộ cho đến  hết năm 1980 mới về. Sau đó cả gia đình chú đi vùng kinh tế ở mới Đạ Tẻ - tỉnh Lâm Đồng. Tết năm 1981 cháu đến thăm nhà chú, một nơi chưa có đường cho xe đạp đi, muốn sang đường khác bên kia khe suối chỉ có cách  bò trên  những thân cây được bắc làm cầu. Từ xa, cháu đã thoáng thấy dáng người cao gầy của chú cùng với sáu đứa con (4 trai 2 gái) đứa đang phát rẫy, đứa gieo lúa, đứa trồng sắn, khoai…
Năm 1983 chú và cậu đến  thăm gia đình cháu ở Nông trường trồng bông Đá Bàn ở Ninh Hòa- Khánh Hòa và thăm cháu đang học ở Nha Trang. Ngồi trên bờ biển, với giọng trầm ấm chú nói cho cháu nghe bao điều về Triết học Đông phương và Tây phương. Chú giảng giải tính nhân văn của môn Triết. Thật là một con người hiểu sâu và cặn kẻ lĩnh vực Triết học. Nhờ thế sau này cháu hiểu được bức tranh tổng thể của Triết học.
Rất tiếc cháu không được thấy mặt khi chú qua đời tại  Đạ Tẽ - Lâm Đồng ngày 15 tháng 7 năm 1988 chỉ vì bệnh cao huyết áp...
Nay đọc bài viết của anh Đức, cháu tiếc mình không được làm học trò lớp 12C ấy; để được nghe những lời giảng cao diệu của chú; để được tranh luận và hiểu Triết học là môn học về con người; để được hiểu những điều tầm thường và giản dị khi sống với nhau trong cuộc đời này. Nhưng dù muộn vẫn còn hơn không.  Nay cháu đọc bài viết về chú nên hiểu rõ hơn những lời giảng của chú năm nào trên bãi biển Nha Trang. Chú ơi! Giờ cháu hiểu lời của Camus rồi “… trong bầu trời pha trộn nước mắt và ánh sáng trái đất, tôi tập chấp nhận cuộc đời này và đốt lửa lên trong ánh mờ của hội vui cuộc đời…” để mà “ không bất mãn với hiện tại, không nuối tiếc dĩ vãng, chỉ mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn” và “biết trân trọng và thông cảm với con người vì đó là một kiệt tác của tạo hóa”. Chắc chú sẽ mỉm cười với đứa cháu phiêu bạt này rồi, như ngày xưa chú cháu mình gặp nhau lần đầu.

Xin Cảm ơn anh Đoàn Đức và các anh chị cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã nghĩ đến và tri ân các thầy cô cũ, trong đó có chú Tâm của tôi, cùng với ngôi trường ngày ấy.

                                BRVT, ngày 31 tháng 12 năm 2017                                                        Lê Mậu Trúc
......

* Anh Lê Mậu Trúc là cháu ruột thầy Lê Mậu Tâm

1 comment:

Mu Do said...

Thân mến chào anh Lê Mậu Trúc. Tui là Lê Mậu Sức, học trò môn Triết lớp 12B1 của Trường Trung Học Nguyễn Hoàng niên khóa 1970-1971 của Bác Lê Mậu Tâm đây...