THẦY TRƯƠNG NGỌC HỘI - NGƯỜI THẦY KỲ LẠ
DẠY ANH VĂN LỚP ĐỆ NGŨ 2, NK 1962-1963
Thầy người ốm dáng cao da ngăm, tóc chải vuốt, thích mặc áo màu rêu. Đến trường, thầy ít giao tiếp với các thầy cô khác, bao giờ cũng như con sếu cô độc. Ở trường Nguyễn Hoàng thầy dạy tiếng Anh, nhưng dạy thêm “cua” toán ở trường nữ Phước Môn thì thầy lấy tên là Hoàng Ly Yến. Nghĩa và tôi đoán mò, người tình của thầy là Yến hay Hoàng Yến vì biệt hiệu trên là “Hội loves Yến” chúng tôi cũng thỉnh thoảng gọi thầy bằng tên này và nói cho thầy biết cách giải thích trên, thầy chỉ cười vui, nụ cười đó hàm ý mắng chúng tôi “đồ ranh con mà”.
Thầy Hội dạy không theo chương trình, mà dạy theo ý thầy. Thầy dạy thơ và đoạn trích từ các truyện dài hay ngắn Tiếng Anh. Con nít lớp Đệ Ngũ (lớp 8) mà học thơ tình của Lord Byron, John Keats. Nếu bây giờ, cách dạy như vậy sẽ bị đưa lên báo, lên mạng và bị phê bình, kiểm điểm là điều chắc chắn. Với chúng tôi nhờ thế mà sau này lên lớp Đệ Nhất (12) và vào đại học Anh Văn lại trở nên quen thuộc với văn chương Anh Mỹ. Tôi xin ghi lại phần lớn những bài dạy và lời giảng của thầy theo trí nhớ của mình.
Đầu tiên là bài To the Moon của P. B. Shelley:
Are thou pale for weariness
Of climbing heaven, and gazing on the earth
Wandering companionless
Among the stars that have a different birth
And ever changing, like a joyless eye
That finds no object worth its constancy.
Sau khi cho từ vựng và giảng văn phạm, thầy dịch ra tiếng Việt rất hay:
Có phải em xanh xao vì mệt mỏi
Bởi trèo lên thiên đường và đăm đăm nhìn xuống thế trần
Đi lang thang cô đơn
Giữa muôn ngàn vì sao có nơi sinh trưởng khác biệt
Và hồn em luôn đổi dời, giống như một con mắt đẫm buồn
Đã không tìm thấy đối tượng nào xứng đáng với lòng chung thủy của em.
Cả lớp xuýt xoa vì cách diễn đạt của thơ Anh.
Tiếp theo, thầy dạy thơ của Lord Byron bài When We Two Parted (Khi Hai Đứa Chúng Mình Giã Từ) bài này dài, có bốn đoạn, mỗi đoạn tám câu:
When we two parted
In silence and tears,
Half broken-hearted
To sever for years,
Pale grew thy cheek and cold,
Colder thy kiss;
…
After long years
How should I greet thee?
With silence and tears.
Thầy dịch xuôi :
Khi hai đứa chúng mình giã từ
trong nước mắt và thầm lặng.
Nửa trái tim tan nát theo năm tháng.
Má em xám lạnh,
Và đoạn cuối:
Ví sau năm tháng dài gặp lại,
thì ta biết chào em làm sao nhỉ?
Hẳn là với âm thầm và lệ tuôn.
Chính vì bài này mà tôi rất thích bản nhạc “Đêm giã từ” của nhạc sĩ Y Vân qua “tiếng hát khói sương u hoài” của danh ca Thanh Thúy:
Mưa buốt lạnh trong đêm, đứng trên thềm ga vắng
Hắt hiu ngọn đèn vàng em tiễn anh.
Mưa ướt mềm đôi vai, biết bao điều chưa nói
Biệt ly sầu vời vợi có gì vui.
Anh nói gì bên em, biết bao điều thương mến
Cũng chưa bằng một lần em tiễn anh.
Anh bước vào toa trong, mắt không rời ga vắng
Trời mưa chỉ làm buồn chúng mình thêm.
Hôm sau, thầy dạy thêm một bài thơ của P. B. Shelley là Autumn a Dirge (Mùa Thu Một Bản Nhạc Sầu). Thầy ca ngợi âm hưởng lê thê của bài này nhờ dùng cuối câu các từ “Wailing – dying – lying – crawling” và diễn đạt bi ca mùa thu bằng các âm “Away – may – grey – play”. Cuối bài có đoạn:
Ye, follow the bier
Of the dead cold year,
And make her grave green with tear on tear
Còn ngươi, mùa thu
Theo bục quan tài,
Năm tàn lạnh lẽo
Để đem lệ đổ làm xanh nấm mồ.
Cả lớp ngỡ ngàng vì không học cuốn Practice your English - Book 1 như các lớp kia. Tưởng chỉ là vài bài thơ mở đầu rồi thôi. Không ngờ thầy tiếp nối với John Keats bài thơ The Grasshopper and the Cricket (Con Cào Cào và Dế Mèn). Thầy còn cho học bức thư tình của Keats gởi cho người yêu Fanny Brawne dưới tiêu đề The Passionate Mood of a Love Letter mà Đỗ Tư Nghĩa dịch hay nhất và thầy cho cả lớp chép bài này chứ thầy không dịch. “Trạng Thái Say Đắm Của Một Bức Thư Tình” trong đó tôi còn nhớ có câu “Fanny ơi, trước đây anh ghê tởm những người tử vì đạo, nhưng bây giờ anh không thế, anh sẵn sàng tử vì đạo của mình. Tín điều của anh là tình yêu và em là Thượng đế của lòng anh.”
Qua đến bài thơ tôi thích nhất và luôn thuộc lòng là: In the Highlands của Robert Burns, tác giả bài hát bất hủ Auld Lang Syne.
In the Highlands
My heart’s in the highlands, my heart is not here,
My heart’s in the highlands, a-chasing the wild deer,
A-chasing the wild deer, and following the roe.
My heart’s in the highlands, wherever I go.
Bài này thầy khen ngợi bài dịch của giáo sư Hoài Châu và cho học sinh chép:
Miền Cao Nguyên
Linh hồn tôi trời cao nguyên vẫn gửi
Trời cao nguyên tôi đuổi bóng nai vàng;
Trời cao nguyên hoẵng rừng tôi vẫn đuổi
Bước sông hồ tôi nhớ nhớ mang mang.
Rồi đến bài thơ của Robert Louis Stevenson: The Wind
The Wind
I saw you toss the kites on high
And blow the birds about the sky
And all around I heard you pass
Like ladies’ skirts across the grass.
Thầy biểu học thuộc đoạn này để nhớ kỷ cách sử dụng “Bare infinitive” (động từ nguyên mẫu không “to”) sau “Verbs of perception” (động từ chỉ tri giác tự nhiên) như See, Hear, Feel, Smell... Ở câu 1, 2, 3 động từ toss, blow và pass không có “to” vì đứng sau saw và heard.
Thầy dịch xuôi ra tiếng Việt:
Gió
Ta đã thấy gió đẩy những cánh diều lên cao
Và xô bạt những cánh chim về cuối trời
Rồi khắp nơi ta nghe gió đi qua
Giống như váy của những thiếu nữ sột soạt trên cỏ biếc.
Thầy nói không biết bài The Wind này có gợi chút ý nào cho Hàn Mặc Tử với bài thơ sau đây không:
...
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
(Mùa xuân chín)
Thầy còn cho so sánh với bài The Wind khác của Rossetti nữa:
Who has seen the wind?
Neither I nor you.
But when the leaves hang trembling,
The wind is passing through.
……
Oh wind, why do you never rest
Wandering, whistling to and fro,
Bringing rain out of the West
From the dim North bringing snow?
Qua bản dịch đơn sơ nhẹ nhàng của Hà Bỉnh Trung:
Đã ai trông thấy gió chưa?
Không ai trông thấy từ xưa đến giờ;
Chỉ khi nào thấy tình cờ,
Run run cánh lá biết vừa gió xong.
…
Gió ơi, sao chẳng nghỉ chân,
Phiêu du đây đó, than thân thở dài.
Quyện mưa qua dãi non đoài,
Tuyết từ cõi bắc u hoài đưa sang?
Thầy cũng đọc luôn bản dịch rất bay bướm của Đan Phượng trong Học Báo Anh Ngữ của Lê Bá Kông:
Em có nghe chăng gió lại về,
Nàng ra sao hãy tả anh nghe?
Rung rinh rún rẩy ngàn hoa lá,
Là lúc nàng về nhẹ lướt qua.
Một hôm, dạy bài thơ The Last Rose of Summer của Thomas Moore mà thầy dịch là Đóa Hoa Hồng Muộn.
‘T is the last rose of summer
Left blooming alone;
All her lovely companions
Are faded and gone.
Nơi đây còn sót đóa hồng
Hè sang, lẻ bóng đâm bông một mình.
Bạn xưa, những đóa hoa xinh
Đành thôi, úa sắc lìa cành từ lâu.
Hai hôm sau trả bài, ra chơi vào là giờ của thầy. Tôi có hái một bông hoa hồng ở cột cờ đem vào lớp để trước bàn học. Tôi ngồi bàn đầu sát với bàn của thầy giáo. Trong lúc thầy mở sổ điểm để gọi tên đọc bài. Đỗ Đình Thắng, bạn ngồi bên phải tôi, lấy sợi dây thun bắn tung đóa hoa hồng lên bục của thầy. Tôi nói giỡn “Thưa thầy, Thắng bắn nát đóa hoa hồng muộn của thầy rồi, em khỏi đọc bài”. Thầy nghiêm mặt, bảo học sinh trực lên văn phòng lấy “Sổ cấm túc”. Tôi ân hận, lo lắng không biết Thắng bị phạt hay mình bị phạt vì hái hoa của nhà trường. Khi “Sổ” được đem về, thầy phạt Thắng 2 giờ cấm túc. Lý do: “Ném đóa hoa hồng muộn”. Còn tôi bị gọi lên bảng đọc bài.
Ngày sau vào giờ Văn, thầy Lê Trọng Ấn vào lớp dạy, điểm danh xong thầy hỏi: “Đóa hoa hồng muộn là cái gì mà thầy Hội phạt cấm túc?” Bạn Nguyễn Thắng, ngồi bên trái Đỗ Tư Nghĩa và tôi, đứng lên giải thích và thầy Ấn bật cười nói: “Thầy Hội đúng là đặc biệt; học sinh trễ giờ học bị phạt cấm túc, thầy ghi lý do: “Hành lang học vấn”. Học sinh nghịch ngợm bị phạt cấm túc, thầy ghi lý do: “Hành lang sự thiện”. Nhắc điều này chắc các bạn cùng lớp nhớ ngay.
Thầy còn cho học bài thơ đơn giản nhí nhảnh The Ferryman của cùng tác giả Rosetti:
The Ferryman
Little girl: Ferry me across the water,
Do, boatman, do.
Ferryman: If you have a penny in your purse,
I’ll ferry you.
Little girl: I have a penny in my purse,
And my eyes are blue;
So ferry me across the water,
Do, boatman, do.
Ferryman: Step into my ferryboat,
Be they black or blue,
And for the penny in your purse
I’ll ferry you.
Qua cách dịch hóm hỉnh của giáo sư Hà Bỉnh Trung:
Anh Lái Đò
Thiếu nữ: Chở tôi qua bến đò ngang,
Chở tôi, anh lái, cho sang cùng đò.
Lái đò: Một tiền, một chuyến, thưa cô,
Có tiền tôi mới thuận cho xuống thuyền.
Thiếu nữ: Túi tôi không những có tiền,
Mắt tôi lại biếc, dáng duyên hơn đời
Chở nhau qua bến đi thôi,
Chở tôi, anh lái, chở tôi sang cùng.
Lái đò: Mắt cô, hoặc biếc xanh trong,
Hoặc đen hạt nhãn, cũng không được gì.
Có tiền cô hãy lên đi,
Chở cô quả thật chỉ vì tiền thôi.
Thầy đặc biệt chú trọng tới nhà thơ nữ Elizabeth Barrett Browning nổi tiếng với Sonnets from the Portuguese
Thầy kể rằng, cha của bà hành hạ bà đủ điều, không cho bà yêu ai hết, ở nhà thì khóa cửa phòng lại, bắt một người hầu gái canh giữ, ra đường thì phải lẽo đẽo theo sau cha, không cho tiếp xúc với bất kỳ người đàn ông nào. Vậy mà nữ thi sĩ vẫn có cách tìm được người tình và người chồng lý tưởng là nhà thơ Robert Browning. Sau này hai người bỏ đi lập nghiệp ở Ý. Mối tình này được kết tinh trong 44 thi khúc, mỗi thi khúc là 14 câu, tức tập Sonnets from the Portuguese mà nữ sĩ gọi là Khúc Đáp Của Người Đẹp Xứ Bồ Đào Nha.
Love
How do I love thee ? Let me count the ways
I love thee to the depth and breadth and height.
My soul can reach, when feeling out of sight
For the ends of being and ideal grace.
…
I love thee with the breath,
Smiles, tears, of all my life; and, if God choose,
I shall but love thee better after death.
Thầy Hội dịch bài thơ rất cảm động, nói lên nỗi lòng thổn thức chân thành của một thiếu phụ vì yêu. Tiếc rằng tôi không nhớ hết.
Yêu
Em yêu anh biết bao, hãy để em kể cho anh nghe,
Em yêu anh với tất cả chiều sâu, chiều rộng và chiều cao
Mà tâm hồn em có thể đạt đến, khi một mình một bóng
Em lần tìm lẽ sống với ơn sủng cao siêu.
…
Em yêu anh bằng hơi thở, nụ cười và nước mắt
Của cả đời em! Và nếu Chúa chọn, em sẽ
Mãi yêu anh hơn nữa sau khi chết mà thôi.
Về văn xuôi, thầy trích nhiều đoạn trong truyện The Adventures of Tom Sawyer của Mark Twain. Thầy thích chú bé tinh quái này và cho học trò gọi mình là Tom Hụi thay vì thầy Hội.
Mở đầu truyện:
“Tom”
No answer
“Tom”
No answer
The old lady looked around the room
“When I find you, I…”
She did not finish, with her head down, she was
looking under the bed. Only the cat came out.
Phần đối thoại thầy dịch rất sinh động:
“Tom ơi”
(Nó đi đâu?)
“Bớ Tom ơi”
(Thằng quái này đi đâu thế?)
Bà cô già nhìn quanh căn phòng
“Tao mà tóm được mày, tao…”
Nói chưa dứt lời bà cô cúi đầu tìm dưới gầm giường, chỉ thấy con mèo chạy ra.
Thầy dạy cả thảy mười nhà thơ tiêu biểu, một khối lượng đồ sộ thơ, cố nhét vào đầu của bọn trẻ; còn quyển sách giáo khoa Practice your English book 1 chưa bao giờ được dạy một bài. Không biết hồi đó dạy như thế, thì thầy ghi sổ đầu bài thế nào? Lại không thấy ban giám hiệu kiểm tra khiển trách, và học trò không làm đơn kháng nghị xin đổi thầy? Ngày xưa các thầy dạy không theo chương trình một cách máy móc, trong lớp học thầy là “Vua”. Nếu bài nào học sinh không hiểu thì giảng đến hai ba lần, bỏ những bài không quan trọng hay giảng lướt qua. Vậy mà chúng tôi học trối chết. Đề thi có thể ra ngoài bài học, chứ không có đề cương ôn tập như bây giờ. Các phụ huynh hoàn toàn phó thác con mình cho thầy cô. Trong tâm trí họ luôn nghĩ “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy” và “Đánh là dạy, háy là thương”, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thầy cô muốn đánh mắng gì học trò cũng cam chịu. Cha mẹ không có kiện thưa, phàn nàn, lên báo, lên mạng như bây giờ; thế nhưng con cái họ đều nên người, biết hiếu kính cha mẹ thầy cô, bà con trong làng xóm. Vì thế nên Kinh Thánh mới viết về Thiên Chức Của Nghề Dạy Học: “Những ai giáo huấn kẻ khác sẽ được huy hoàng rực rỡ như những vì sao trên cõi trường sinh bất tận.”
Thầy ơi, nay thầy ở phương trời nào, thầy có còn nhớ đến những đứa học trò ngồi đối diện với bàn của thầy không? Thời gian đã xóa nhòa tất cả, như đã xóa nhòa chính dĩ vãng của một đời người. Tuy nhiên em vẫn mong thầy đọc được bài viết này, và sau khi thả rơi nó xuống đất thầy sẽ suy nghĩ như nhân vật chính trong truyện Thư Người Lạ (Lettre D'une Inconnue) của Stefan Zweig. Lúc ấy, thầy chắc hẳn sẽ lẩm bẩm “Tôi cố tìm nhưng chẳng nhớ tên ai…” (Nhã Ca) dù bài viết này đã nhắc cho thầy về thời dĩ vãng của chính mình.
Viết xong ngày 16/01/2017
ĐOÀN ĐỨC
No comments:
Post a Comment