Từ nhiều năm
trước, mỗi lần về Quảng
Trị, Quát đều ghé thăm tôi tại Đà Nẵng. Trong những
lúc uống cà phê với nhau dọc đường, Quát
vẫn vội vội vàng vàng rồi xách máy ảnh lên đường.
Hỏi, chỉ nghe trả lời là về Quảng Trị để chụp
ảnh. Anh trở lại vùng đất ấy rất dài ngày, ăn dầm
ở dề lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm
để săn ảnh. Tôi hỏi: Sẽ làm gì với hàng nghìn
bức ảnh như thế? Rõ ràng đầu tư
cho một cuộc chơi như thế - quá tốn kém, thời gian và
sức lực của một người đã bước qua tuổi 65. Ngày ấy
anh chẳng nói gì, chỉ cười … chụp để chơi thôi,
chơi cho vui ấy mà.
Mưa lụt ở vùng trũng Hải Lăng |
Nói vậy nhưng không hề “chơi
cho vui” chút nào mà nghiêm túc, rất nghiêm túc là đằng
khác. Có lẽ anh giữ bí mật trước khi có một sản phẩm
trình làng. Anh đã chịu khó lặn
lội khắp Quảng Trị, từ Ô Lâu, Thạch Hãn, Hiền Lương,
sông Hiếu từ đầu sông đến cuối sông, chợ quê, làng
quê, lễ hội, những vùng trời yên ả còn lưu giữ dù
rất mong manh nét xưa cũ, kể cả những quán nhỏ trong
mưa bay, những cung đường trong sương lạnh, em gái đạp
xe về dưới mưa…
Cái cách anh đi “săn ảnh” cũng
vội vàng cấp tập như sợ trễ, sợ không kịp nữa, sợ
mốt mai mất đi không còn gì để lưu giữ. Trời mưa
bão, bão ngoài mình thì kinh hoàng biết chừng nào,anh
bị bệnh gout hành hạ đãhơn
10 năm, thỉnh thoảng chân bước
đi cà nhắc khó nhọc thế mà anh vẫn xách máy
về cho được, cố “canh” cái thời điểm thích hợp
nhất để lấy ảnh dù trời có dông gió bão bùng. Có
người cho là “điên”. Còn anh thì dứt khoát - chụp
ảnh Quảng Trị phải chụp cho được khoảng khắc của
mưa gió bão lụt mới đúng cái hồn Quảng Trị, ra cái
chất đặc trưng của vùng đất này.
Biết nói sao được thời trẻ
thơ của một người từng lớn lên trên vùng đất này,
mưa lụt bão bùng là một ám ảnh đè nặng lên cuộc
sống của người dân, dưới cái nhìn của tuổi nhỏ
cũng lắm buồn vui với những khóc cười. Mưa lụt trong
góc nhìn của nghệ thuật với Quát không phải là nét
đẹp hiển thị mà chính là cái sâu thẳm ẩn ức của
cảm xúc, cái đẹp trong sự liên tưởng gợi mở, dù đôi
khi chụp toàn cảnh nhưng lại được nhìn rõ hơn ở
những chi tiết như những góc khuất được mở ra bằng
những câu chuyện về làng quê, sông nước với không
gian mênh mang thấm đẫm tình cô lữ.
Và rồi, Quảng Trị - Đi nhớ
về thương (*) tập vựng ảnh ra mắt với công chúng
với gần 180 bức tuyển chọn từ hàng
ngàn bức ảnh anh chụp
trong nhiều năm trời được in
couché màu sang trọng, được chăm chút công phu theo từng
chủ đề: Nắng gió, Sông nước, Tín
ngưỡng, Rú cát ven
biển, Di tích, Làng
quê yên bình, bà mẹ quê… Anh không có
ý định “làm một tập kỷ yếu hay địa
phương chí bằng hình ảnh và cũng không nhằm giới thiệu
những điểm đến cho du khách”, mà
chỉ với “mong muốn sẻ chia cảm xúc với người Quảng
Trị sống xa quê” những rung động của một người xa
quê trở về nhớ lại một thời đã xa… như lời tâm
tình của tác giả.
Phạm Đình Quát cầm máy cũng
đã gần 50
năm và làm báo đã nhiều
năm, nhưng Quảng Trị - Đi nhớ về thương không
hề là ảnh báo chí thời sự, nó là ảnh nghệ thuật.
Ảnh của anh tự nhiên, trung
thực; không sắp
đặt và không sử dụng các kỹ xảo nhiếp ảnh của kỹ
thuật số. Cuộc sống và
khung cảnh trong ống kính của anh là những khoảng khắc
có khi là tình cờ, như một chút thoáng qua, một chút bối
rối nếu có chuẩn bị thì chỉ để chọn góc ảnh, ánh
sáng. Vì thế những tác phẩm của anh có chiều sâu và
sự mềm mại. Hình như mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện
trộn lẫn giữa ký ức, giữa giấc mơ và thực tế của
một người đã lớn lên giữa những năm tháng đầy đạn
bom trên vùng đất này.
Mỗi bức ảnh của anh trong khát
vọng từ ký ức, kỷ niệm trong khi khai thác chất liệu
hiện thực hôm nay. Anh luôn ý thức bởi “sự nhìn lại,
nhớ lại” bằng hình ảnh trong tâm tưởng của một
người xa quê trở về nên nó sẽ đánh động vào tâm
thức của người cùng cảnh ngộ. Ví như khi chụp ảnh
về đề tài làng, vẫn là đụn rơm, bến nước, đồi
cát, đàn bò, miếu mạo…những tấm ảnh phong cảnh với
tiêu chí nghệ thuật khơi gợi cảm xúc từ quá khứ bằng
những khoảnh khắc - dài
lâu - đọng lại dội ra
những chuyện kể của đời người đã trải qua trên
vùng đất này. Ảnh về sông nước cũng thế, dù không
trực diện với chiến tranh nhưng nó khơi gợi những tháng
năm chia cắt đạn bom mất mát, những dòng sông Hiền
Lương, Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu trong tâm thức về nguồn cội, gốc rễ
của con người Quảng Trị hôm nay.
Chùm ảnh Chợ tỉnh, chợ quê
thật sinh động, quê kiểng, chi tiết, đặc biệt những
“chân dung” những mẹ, những chị, người bán bánh bao
dạo, ông già may áo… với những nải chuối, nhúm
ngũ cốc, mấy quả dưa và phiên
chợ ngày Tết. Chao ôi - những
cảnh đời thân phận, hình ảnh gợi nhớ thao thiết
một thời quá vãng, nó bâng khuâng ấm áp. Đó là câu
chuyện của quá khứ - hiện tại được tiếp nối trong
những góc nhìn đầy trắc ẩn của đời người. Ảnh
của anh tự nhiên trung thực không phải ở dạng đèm
đẹp, sặc sỡ, sắp đặt dàn dựng hay tô vẽ chung
chung. Đôi khi là những câu chuyện về người đi xa - về
lại - ngắm nhín bằng một lời thủ thỉ yêu thương,
ngẩn ngơ tiếc nuối, bổi hổi bồi hồi dấu xưa kỷ
niệm, dùng dằng người ở kẻ đi. Đó là nỗi thao thức
quê nhà vọng tưởng dù cách xa hay hiện hữu trên quê
nhà.
Anh như kẻ phong trần lãng tử
trở về ngồi lại nơi bến sông xưa, nhìn sông nước
cảnh vật - thật ra để
nhìn lại mình bằng thái độ của một người đã thấm
một nỗi đau luân lạc. Nhiếp ảnh, nói
cho cùng là điểm nhìn của cá nhân, là “cái
tôi” của thị giác, chụp cái gì cũng là chụp mình
mà thôi. Yêu thương đắm đuối một đời với vùng đất
nắng lửa mưa dầm, chụp ảnh Quảng Trị với Quát là
chụp lại bóng mình, chuyện đời mình cả thôi. Quảng
Trị - Đi nhớ về thương trong một tình yêu
dâng hiến, đối với Quát còn là sự tri ân sâu
nặngnghĩa tình với
người và đất Quảng Trị.
Ai đi xa cố hương mà không khỏi
bùi ngùi thương nhớ khi giở từng trang sách ảnh của
anh?!
____________________________________________________
(*) Đi nhớ về thương. Phạm Đình
Quát. NXB Hội Nhà văn. 2016
No comments:
Post a Comment