CÁC
PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG
TRONG “CHUYỆN LÀNG CUỘI ” CỦA LÊ LỰU
1. Khái niệm về khoa trương
Trong tiếng Việt, khi cần nhấn mạnh làm
nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố tình nói quá sự
thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần
miêu tả. Lối nói này được gọi là khoa trương. Khoa trương không phải là nói
khoác hay nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào Thản cho rằng, nó không
làm cho người ta tin vào điều nói
ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên [2, tr.1].
Theo chúng tôi, khoa trương là nói quá,
cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng
miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của
sự vật, hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn
của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Xét ví dụ sau trong “Chuyện
Làng Cuội”:
(1) Rồi các ông cứ nghiệm mà xem. Cái mắt
và cái mồm của hắn rất là chửi nhau. Cái mồm là cái mồm thằng tán gái thành thần.
Con kiến trong lỗ cũng phải chui ra với nó.
(2) Dù được đi đây đi đó nhưng lần nào đến
ga Hàng Cỏ trông thấy con “phe” đã thấy đẹp hơn vợ mình, huống hồ gặp lại Nho,
con người có cái cười “toàn dân”. Chị ta vừa mở quán nữa tháng trời, cả huyện
đã biết “lai lịch, có riêng gì anh.
2. Khoa trương ở cấp độ từ.
2. 2.1. Sử dụng động
từ biểu thị khoa trương
Đó là khoa trương động thái hoặc động tác. Hay nói cách khác, tác
giả sử dụng động từ để biểu thị khoa trương. Ví dụ:
(3) Cái bọn thời nào cũng nhanh ấy, ông cứ
gí dái vào mặt bố nó, để lên cả giường thờ nhà nó, đừng hòng nhờ ông cúng vái.
(4) Với nỗi uất hận cần được trả, nó có thể
“tùng xẻo” hoặc đút chị vào rọ thả trôi sông mới hả.
Như vậy, động từ khoa trương có thể đem lại
những giá trị thẩm mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực
hiện khoa trương, mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động
từ là điều kiện để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa
trương ngoại tại. Nó không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà
còn thông qua sự phối hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo
nên sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm lí. Đối với một số động từ nội động, nó phải được
đặt trong ngữ cảnh thì mới có thể thực hiện khoa trương. Ví dụ:
(5) Câu nói này như xát muối vào ruột gan
chị. Nhưng chuyện này chị không thể nói ra được.
(6) Chắc là máu nó cũng bầm tím lại như
cái đêm 29 tết này. Nhưng, chẳng lâu la gì. Chỉ tám tháng sau nó có dịp “nói
chuyện” với chị để cho cái u bầm tím trong lòng nó được vỡ ra.
Ngoài ra, có một số cụm động
từ có kết cấu tương tự như nghĩ nát óc, cười vỡ bụng. Tác giả Huỳnh Ái Nguyên
cho rằng, chúng “là những quán ngữ đa dạng về mặt ý nghĩa, chúng có thể mang
tính nhấn mạnh về mặt thông tin mệnh đề, thông tin tình thái, mang màu sắc biểu
cảm, mang tính phóng đại hoặc là sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên” [3,
tr.56]. Ví dụ:
(7)Hôm nay thằng bảo an coi phu lại bóp vú
cô đánh vữa người làng Nhằng. Cô ta tát cho thằng bảo an hộc cả máu mũi.
(8) Tội nó bán nước hại dân, tùng xẻo nó
là phải rồi.
(9) Vợ thằng phản động thấy run lên vì sợ
và ngượng trước cái nhìn của đội như táp lửa vào mặt nó.
Hành vi đe dọa là cho đối
phương biết trước sẽ làm điều không hay nếu đối phương làm trái ý với mục đích
là làm cho đối phương sợ. Trong khẩu ngữ, người Việt Nam thường
dùng những lời lẽ khoa trương để đe dọa như lấy mạng, cắt đầu, mổ bụng, moi
gan, lột da, cắt chân, móc mắt.
Những hành động “giết người”
bằng mọi cách được người Việt ưa dùng khi đe dọa đối phương. Chẳng hạn, những mẩu
đối thoại sau trong “Chuyện làng Cuội”:
(10) - Đ. mẹ nó định
ngoan cố. Chúng ông cắt họng.
(11) Không tìm thấy con
Việt Minh cái, ông tùng xẻo mày.
(Lê Lựu – Chuyện Làng Cuội)
Một ông bố đe dọa đứa con
gái bằng những lời lẽ hết sức “rùng rợn”, ai nghe thấy cũng ghê người:
(12) Con bé im lặng. Giọng
anh rít qua kẽ răng: - Mày mà bép xép chuyện gì tao băm mày ra nghe không?
2.2. Sử dụng số từ
Ví dụ:
(13) Hôm nay lại tưởng chết vì trận nôn
tám ngày nay, không biết bao nhiêu trận cứ móc họng lôi thốc cả ruột gan ra
ngoài.
(14)Những thằng cướp đường cướp chợ, ăn
sương nằm gió có xé người chị ấy ra làm năm làm bảy thì chị ấy cắn lưỡi mà chết
không để cho chúng làm càn.
Cũng như động từ, bản thân số
từ không biểu thị khoa trương mà nó phải kết hợp với danh từ, thậm chí với động
từ mới thực hiện biểu thị khoa trương. Ở các ví dụ trên, ý nghĩa khoa trương ở
“nôn tám ngày” là nôn rất lâu, rất nhiều, “xé người chị ấy làm năm làm bảy” là
xé vụn, xé tan thành từng mảnh. Trong “ Chuyện Làng Cuội”, Lê Lựu còn dùng số
“một” để chỉ rất ít để diễn đạt “chỉ cần có như thế”, để thể hiện uy quyền của
người phụ nữ. Đôi khi nó còn là lời lẽ đe dọa hết sức nhẹ nhàng mà sâu cay, khi
người đe dọa nắm được những điểm yếu của đối phương. Ví dụ:
(15) Tao nói cho thằng lưu manh kia biết
nhé. Nếu tao là con đĩ, mày là cái gì. Ở đại hội nó phê bình chỉ như gãi ghẻ
cho mày. Còn tao mà nói ý à? Tao lên hẳn trung ương tao nói, tao chỉ cần nói một
câu mày đã đi tù rồi chứ không cần đến câu thứ hai đâu.
2.3. Sử dụng danh từ biểu thị khoa trương
Danh từ, mà cụ thể là cụm danh từ trong tiếng
Việt nói chung được dùng để khoa trương thời gian. Đó là các cụm từ: “trong
nháy mắt”, “trong chớp mắt”, chỉ thời gian rất ngắn. Đây cũng có thể coi là
khoa trương thu nhỏ. Ví dụ:
(16)Đến bao giờ bà mới thoát được nỗi canh
cánh lo sợ hơn cả giặc giã. Chỉ chớp mắt một cái là nó đã gây ra cái tai họa tầy
đình, chứ lâu la gì.
(17) Luật pháp và những chuẩn mực nghìn đời
cũng có thể thay đổi mười lăm lần trong một ngày. Chỉ cần mình muốn. Con người
đã muốn gì thì cái gì cũng có thể làm được trong nháy mắt.
Tác giả còn sử dụng các cụm từ hàng tháng,
hàng năm để khoa trương biểu thị thời gian kéo dài. Ví dụ:
(18) Chị lành thật, nhưng nếu cần mang con
lên kêu gào trước cổng huyện ủy, tỉnh ủy hàng tháng, hàng năm chị cũng không quản
ngại.
Những cụm từ khoa trương thời
gian này, có thể coi là khoa trương ở mức độ thấp. Vì người Việt sử dụng nhiều,
nói mãi thành quen, và ta cũng không nghĩ là mình đang khoa trương. Vậy có thể
coi là khoa trương ở mức độ thấp. Như đã nói, đây có thể còn được coi là khoa
trương thu nhỏ. Hay nói cách khác đó là khoảng giao nhau của ba khái niệm được
mô tả như hình vẽ sau:
Danh từ trong tác phẩm của Lê Lựu còn được
dùng trong phép hoán dụ. Tác giả Trần Vọng Đạo trong Tu từ học phát phàm lần đầu
tiên đã đưa ra định nghĩa về phép hoán dụ: “Sự vật được nói tới tuy rằng
không có điểm tương tự với sự vật khác, giả sử khi giữa chúng còn có quan hệ
không thể tách rời, tác giả có thể mượn tên của sự vật có quan hệ đó thay cho sự
vật được nói tới. Cách mượn như vậy gọi là phép hoán dụ tu từ” [sđd, tr.93]. Nghĩa là, không nói thẳng
ra tên người hoặc sự vật mà mượn tên của sự vật có quan hệ mật thiết với nó thực
hiện phép thay thế.
Có thể là:
+ Vật chứa đựng thay cho toàn bộ cá thể chứa
trong đó:
(19) Lại đồn: ông tổng Lỡi về kì này truy
tìm xem ai là kẻ chủ mưu phá kho thóc nhà ông ấy. “Kì này không khéo ông ta móc
họng cả làng, cả tổng chứ chẳng chơi”.
(20) Sao bà lại sinh ra vào cái thời buổi
lạ lùng. Thoắt cái, cả làng cả tổng xô lại ai cũng như xé ruột xé gan cho bà.
Ở trên, cả làng cả tổng thay
cho toàn thể số người trong đó
+ Cái bộ phận thay cho
cái toàn thể:
(21) Anh là cốt cán ai động đến lông chân
mà phải đi tự vẫn!
Ở trên cái
lông chân là bộ phận thay cho
toàn thể là cơ thể.
2.4. Sử dụng thành ngữ khoa trương
Thành ngữ là cụm từ cố định có tính nguyên
khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng
số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động
như một từ riêng biệt ở trong câu.
Nghĩa của thành ngữ rất hàm súc và biểu cảm.
Vì vậy, trong văn học khi nhà văn sử dụng thành ngữ khoa trương làm cho câu văn
càng trở nên sinh động và biểu cảm, có giá trị thẩm mĩ cao. Ví dụ :
(22) Khai được chuyện này ra, bao nhiêu
chuyện khác sẽ gỡ ra được, chồng mụ không phải bị buộc oan, không phải “ngàn
cân treo sợi tóc” như bây giờ.
(23) Phải năm chìm bảy nổi mới được như
bây giờ! Nhỡ có mệnh hệ nào,công lao đổ xuống sông xuống biển hết. Vì con mà mẹ
phải lên thác xuống ghềnh, mẹ đâu có quản ngại.
(24) Trong lúc cả làng sôi sục chạy đuổi
“nhét cứt vào mồm con Xuyến”, làm con bé xanh xám mặt mũi, cắt không còn hột
máu, thằng Hiếu đứng ra chặn mọi người ôm lấy vợ bảo: - Em cứ bình tĩnh, đừng sợ.
Ở trên, Lê Lựu sử dụng các thành ngữ ngàn cân treo sợi tóc, lên thác xuống ghềnh, mặt cắt không
còn hạt máu. Trong tác phẩm
Lê Lựu còn sử dụng biến tấu các thành ngữ. Chẳng hạn thành ngữ long trời lở đất được tác giả biến thành rung chuyển cả trời đất:
(25) Khi bần cố đã vùng lên thì sức mạnh
kinh hoàng khủng khiếp của nó sẽ làm rung chuyển cả trời đất, không có gì có thể
cản nổi.
Một số trường hợp khác: xát muối vào lòng, nhát như cáy thành xát muối vào gan ruột, nhát hơn cả
con cáy. Ví dụ:
(26) Câu nói này như xát muối vào ruột gan
chị. Nhưng chuyện này chị không thể nói ra được.
(27)Người nhát còn hơn cả con cáy.
3. Khoa trương ở cấp độ câu.
3.1. Sử dụng so sánh tu từ
Theo các tác giả Đinh Trọng Lạc, Cù Đình
Tú thì: “So sánh tu từ là sự đối
chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một dấu
hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết
A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự
so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét tương đồng
nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí” [sđd,
tr. 84].
Tác giả Hoàng Kim Ngọc lại cho rằng, cả hai quan niệm trên về cơ bản là
đúng nhưng chưa đủ vì chưa chỉ ra được cơ sở của sự so sánh và những hệ quả của
sự so sánh ấy.
Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Hoàng Kim
Ngọc.
Nhà văn Lê Lựu chủ yếu so sánh ngang bằng
với biểu thức: X như Y- X có thể là một (ngữ) danh từ, Y là
(ngữ) danh từ.
(28) Anh buồn bã bảo bà: - Thì đúng thế
còn gì nữa. người ta phổ biến, tôi ngồi, mặt dầy như cái mặt mo ở trên huyện ấy.
(29) Đã chắc gì ông thiết. nhưng chúng bay
cũng không được phép quên ông, bắt ông nằm suông bẹp dí ở đây mãi gần trưa mới
được bát ngô bung thì vẫn trợn trạo rắn như cái đầu lâu con mẹ mày, ai nhai được.
Chúng mày ác với ông thì trời đánh thánh vật chúng bay.
(30) Mong ngày mong đêm cái giây phút dắt
đứa con đi cạnh chồng giữa thanh thiên bạch nhật, rốt cuộc cứ phải trốn lủi cả
người quen lẫn người lạ, cả ánh mặt trời và giật mình với cả tiếng lá rơi. Để rồi
sau khi ông tổng lên thăm bà Nhớn, mấy chữ của ông như những lưỡi dao chém vào
niềm hi vọng của cô về một đứa con có bố.
- X có thể là một cụm chủ
vị, Y là một cụm chủ vị hoặc cụm động từ
(31) Nhưng đến khi bà chánh án đọc đến chữ
“li hôn”, chị gào như cha chết.
(32)Từ cái nón mê, cái bị, bộ quần áo thủng,
rách buộc túm, cho đến tay, chân, mặt mũi đều chạt ghét và đất có thể bóc ra
như bóc vỏ sắn.
(33)Mẹ con cô đột ngột trở về như người chết
tự nhiên sống lại, như từ trên trời rơi xuống.
X là (cụm) danh từ Y là cụm động từ
(34) Sao bà lại sinh ra vào cái thời Lbuổi
lạ lùng. Thoắt cái cả, làng cả tổng xô lại ai cũng như xé ruột xé gan cho bà.
(35) Có một cái gì làm ruột gan quan như
thắt lại.
(36) Hai hàm răng ông quan phải cắn vào
môi như muốn bật máu. Một lời kết án, lại là sự răn dậy làm quan đứng lặng như
chêt một lúc rồi bảo:
- Thôi, cầm hộ cho tôi ít tiền tôi cho con.
X là cụm động từ Y là danh từ
(37) Đến bao giờ bà mới thoát được nỗi canh
cánh lo sợ hơn cả giặc giã. Chỉ chớp mắt một cái là nó đã gây ra cái tai họa tầy
đình, chứ lâu la gì.
(38) Những điều còn thấp thoáng trước kia
bây giờ như hòn đá đè lên đầu anh đang gục xuống ở xó buồng.
Câu phức điều kiện trong tiếng Việt có biểu
thức:
Chỉ cần X thì / có thể Y
Xét ví dụ sau:
(39) Tao nói cho thằng lưu manh kia biết
nhé. Nếu tao là con đĩ, mày là cái gì. Ở đại hội nó phê bình chỉ như gãi ghẻ
cho mày. Còn tao mà nói ý à? Tao lên hẳn trung ương tao nói, tao chỉ cần nói một
câu, (thì) mày đã đi tù rồi chứ không cần đến câu thứ hai đâu.
Ở đây “thì” đã bị lược bỏ. Mẫu
câu này trong tiếng Việt hoạt động rất linh hoạt; chẳng hạn:
(40) Luật pháp và những
chuẩn mực nghìn đời cũng có thể thay đổi mười lăm lần trong một ngày. Chỉ cần
mình muốn. Con người đã muốn gì thì cái gì cũng có thể làm được trong nháy mắt.
Có trường hợp chỉ cần và thì
đã bị tỉnh lược, thay bằng với và có thể. Ví dụ:
(41) Với nỗi uất hận cần
được trả, nó có thể “tùng xẻo” hoặc đút chị vào rọ thả trôi sông mới hả. (Lê Lựu
– Chuyện Làng Cuội)
(b) Câu phức giả thiết biểu
thị khoa trương trong “Chuyện Làng Cuội”
Loại câu phức gỉa thiết
trong tiếng Việt gọi chung là câu điều kiện. Khi bàn về loại câu này trong tiếng
Việt, Nguyễn Khánh Hà cho rằng “Hình thức phổ biến của câu điều kiện hành động
ngôn từ là “Nếu A thì B” hoặc “Nếu
A, B”. Ví dụ:
(42) Nếu tôi mà nói dối
thì trời tru đất diệt tôi đi.”
“Về bản chất, đây là kiểu trần
thuật biểu thị giá trị ngôn trung là hứa hẹn, thề nguyền. Song, điều đặc biệt
là hành động thề nguyền lại thông qua một biện pháp tu từ là ngoa dụ” [2, tr.152]
. Xét trường hợp sau:
(43) Cô ôm lấy chồng. nước
mắt ướt đẫm mặt anh: - Nếu được thế thì bảo em liếm xuống đất mà lễ sống mẹ với
các em, em cũng làm.
“Nếu…thì…” có thể lược bỏ một
trong hai từ hoặc lược bỏ cả hai; nhất là trong câu trần thuật biểu thị lực
ngôn trung là đe dọa, cảnh báo. Ví dụ:
(44) Con bé im lặng. Giọng
anh rít qua kẽ răng: - Mày mà bép xép chuyện gì tao băm mày ra nghe không.
Hai vế của câu điều kiện có
thể là những chuyện huyễn tưởng không thể xảy ra, khi thể hiện quyết tâm rất
cao. Ví dụ:
(45) Nghĩa là, nếu chạy
lên trời chị cũng cầm chân kéo xuống, mà chui xuống đất thì chị túm tóc lôi
lên. Có mà thoát đằng trời.
Trong tác phẩm tác giả còn sử dụng cấu
trúc này thể hiện lời thề nguyền. Thật vậy, thề của người Việt thường gắn với ý
nghĩa văn hóa. Người Việt thường thề với những thiệt hại tổn thất mà người thề
tự nhận. Ở đây, chúng tôi chỉ quan tâm tới những lời thề có gắn với yếu tố khoa
trương. Có mấy điểm sau:
- Những thiệt hại, tổn thất gắn với sự trừng phát của các thế lực tự
nhiên. Ví dụ:
(46) Thề có Trời đất chứng
giám, nếu anh phản bội em thì sẽ bị sét đánh chết ngay.
- Những thiệt hại tổn thất gắn
với danh dự cá nhân của người thề. Người Việt thường khoa trương khi thề: tôi
không bằng con anh, không bằng con chó, không đáng làm người. Ví dụ:
(47) Tôi thề là đã nhìn
thấy cô ấy đi với người khác. Tôi mà nói sai thì tôi không bằng con chó.
- Những thiệt hại tổn thất gắn
với tính mạng của người thề
+ Tổn
hại về thân: Chết không toàn thây, chết không nhắm mắt, chết kẹp xe đè đá, chết
bất đắc kì tử, chết đắm đò trôi sông.
+Tổn hại về tinh thần: Chết không nhìn mặt vợ con, chết đầu đường xó chợ,
chết cả nhà cả họ.
+ Tổn hại về tâm linh: chết không được mồ yên mả đẹp, chết không
ai hương khói thờ phụng, chết không có chỗ chôn.
Người Việt có những câu cửa miệng: thề trước
Trời Phật, thề trước quỉ thần hai vai hoặc thề trước ông bà ông vải, thường đem
ra phóng đại, thề thốt cho người ta tin. Trong “Chuyện Làng Cuội” còn có kiểu
thề độc:
(48) Cô ôm lấy chồng, nước
mắt ướt đẫm mặt anh: - Nếu được thế thì bảo em liếm xuống đất mà lễ sống mẹ với
các em, em cũng làm.
Như đã phân tích, nói là
hành động, đó là khi ta thực hiện một lực ngôn trung.
4. Kết luận
Khoa trương là một thủ pháp nghệ thuật hết
sức độc đáo trong các tác phẩm của Lê Lựu. Nó luôn tạo sự mới mẻ, kích thích
trí tưởng tượng và lôi cuốn người đọc.
Trong tiếng Việt có nhiều cách biểu đạt
khoa trương. Trong tác phẩm của Lê Lựu cũng vậy. Căn cứ vào nguồn ngữ liệu thu
thập được chúng tôi có thể chia khoa trương của Lê Lựu ở cấp độ từ và cấp độ
câu. Nói chung các từ loại tạo nên từ vựng trong tiếng Việt như danh từ, động từ,
số từ... và các ngữ của chúng đều có thể sử dụng để biểu thị khoa trương. Ngoài
ra, ở cấp độ câu, tác giả còn sử dụng cấu trúc so sánh và câu điều kiện để khoa
trương. Nhất là khi tác giả muốn thể hiện lực ngôn trung đe doạ, cảnh báo đối
phương, hay những lời thề nguyền.
Thông qua lối nói khoa trương, lời ăn tiếng
nói của quần chúng vào trang văn của nhà văn Lê Lựu hết sức tự nhiên như cuộc đời
thực vốn có của nó. Ông là nhà văn lớn được mọi người mến mộ.
Viết
tại Hải Đường, 1/2016
TS.Nguyễn
Ngọc Kiên
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH Quốc
Gia HN.
3. Nguyễn Khánh Hà (2008), Câu điều kiện tiếng Việt, Luận văn Tiến
sĩ Ngữ văn, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
2. Huỳnh Ái Nguyên (2005), Phương tiện nhấn mạnh trong tiếng Anh
và tiếng Việt, Luận văn Tiến sĩ Ngữ văn, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí
Ngôn ngữ.
3. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt,
NXB Giáo dục.
4. Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
Lê Lựu (2003), Chuyện Làng Cuội, NXB Văn học
No comments:
Post a Comment