Tác giả Hoàng Đằng
ĐỌC “CHUYỆN BÂY CHỪ MỚI KỂ”
Hoàng Đằng
Dịp 20/11 năm nay (2016), tôi được nhóm cựu
học sinh Nguyễn Hoàng – Quảng Trị 1964 – 1971 gởi tặng tập “CHUYỆN BÂY CHỪ
MỚI KỂ” – tập sách do các thành viên của nhóm góp chuyện mà thành.
Người tôi dậy mừng vui vì được anh chị em quan
tâm đến; tôi xin có lời cảm ơn.
Tôi có tính trân trọng, ưu ái, nâng niu bất cứ
quà gì mà những người thân yêu dâng tặng. Vì thế, tôi đọc ngấu nghiến tập sách
và bây giờ tôi muốn nói lên những cảm nghĩ của mình. Sách chỉ in 300 cuốn,
không phổ biến rộng rãi; thành thử những cảm nghĩ của tôi có thể giúp những
người không tiếp cận sách biết được một phần nào nội dung của sách. Tôi xin
phép “gọi đại” công việc của mình là điểm sách.
Sách dày 184 trang, khổ 14.3 x 20.3 cm do NHÀ
XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN in và phát hành tháng 6 năm 2016, gồm 1 lời ngỏ, 25 bài
tản văn, 20 bài thơ và 18 trang ảnh thể hiện sinh hoạt của nhóm. Trong 25 bài
tản văn, 23 bài do người của nhóm viết, hai bài do thầy cô viết. Bài “Những
người tiếp nối giữ lửa Nguyễn Hoàng” của thầy Hồ Ngọc Thanh, nguyên tổng
giám thị, đánh giá “lửa Nguyễn Hoàng” được nhúm từ gần 2 thập kỷ; bây giờ các
thế hệ đầu đã chùn bước do già yếu, bệnh tật, chết chóc; “lửa Nguyễn Hoàng” kỳ
vọng giao qua các thế hệ sau, trong đó có thế hệ 64 – 71. Bài “Niềm vui của
tôi” do cô Nguyễn thị Thanh, cô giáo dạy Pháp văn, viết, kể lại “niềm vui
đầy xúc động” khi cô được mời dự hội ngộ Nguyễn Hoàng đầu tiên năm 1992 tại Sài
Gòn; niềm vui của cô nhân lên khi thấy các ban liên lạc Nguyễn Hoàng ở các tỉnh
thành trong nước và hải ngoại thành lập; cô hứa: “Tuổi cao, sức khoẻ hao mòn
..., nay đã nhớ nhớ, quên quên, nhưng tôi tự hứa là khi nào còn có điều kiện
tham dự các sinh hoạt với các thân hữu, học sinh Nguyễn Hoàng thì tôi cố gắng
có mặt ...” Đáng phục chưa!
Qua đọc tập sách, tôi biết được rằng khoá 64 –
71 Nguyễn Hoàng, ở các kỳ thi Tú Tài 1 và 2, có một số anh chị em đỗ hạng ưu.
Hạng ưu là hạng các thí sinh có điểm số trung bình các môn thi trên 16 điểm.
Thời trước, thi cử chọn lọc kỹ, tỉ lệ đỗ không nhiều; đỗ hạng thứ (trung bình
các môn thi đạt 10 điểm) đã khó, huống gì đỗ hạng ưu. Khoá 64 – 71 được
xem như “thế hệ vàng” của trường; anh chị em học trung học giỏi đã đành, nhiều
người có cơ hội học tiếp đại học, hậu đại học cũng xuất sắc, ra đời thành đạt
nổi tiếng trong nhiều lãnh vực.
Cái nhan đề “CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ” kích thích
tôi đọc tập sách quên ăn, quên ngủ; tôi cứ tưởng đó là những chuyện đáng lẽ
“sống để bụng, chết mang theo” bây giờ mới bạo gan kể ra vì tuổi những người liên
quan đã xế chiều, chẳng còn ngại phiền hà hay những chuyện thuộc dạng “tiếu
lâm” đọc cười “bể bụng”. Té ra không nhất thiết phải vậy. Cái nhan đề ấy của
sách là lấy cái đầu đề bài “Chuyện bây chừ mới kể” của Trần Kiêm Thảo. Trong
bài này, Trần Kiêm Thảo cho biết dù giỏi Toán, vào lớp 10, Thảo không chọn ban
B mà chọn ban A vì muốn gần người bạn thân là Nguyễn Văn Dục và sau khi xong Tú
Tài 1 Thảo vào Huế học tiếp để tránh sự dòm ngó của an ninh, việc này khiến
thầy cô bạn bè ngẩn ngơ không biết Thảo đi đâu.
Tuy nhiên, trong sách, vẫn có nhiều chiêu trò
nghịch ngợm được kể lại rất thật như chuyện nữ sinh duy nhất Nguyễn thị Tỵ xếp
vào lớp 12B2 (1970 – 1971) phải “khóc ròng” vì bị các bạn trai “buộc vạt áo dài
vào chân ghế”; chuyện cô giáo Anh Văn lớp 10B3 (1968 – 1969) Tạ Đạo Huệ bị học
trò thu giấu nón lá, đổi giờ, qua dạy lớp khác, loay hoay tìm mãi đến phát
khóc; chuyện nam sinh Bùi Phước Vĩnh trên đường đi học “bị mười mấy con mắt
(của mấy o trong nhà o Đào) săm soi” nên “phải liều mình một trận ???”; chuyện
nam sinh Trần Kiêm Thảo lớp 10A4 dùng võ nghệ đánh đuổi nam sinh tên Phương, Tú
(?) của lớp 11, 12 C và Nguyễn Nghị của lớp 10A1 đến ngồi trên bàn thầy cô giáo
trong giờ ra chơi để tán nữ sinh lớp mình; từ đó, kết bọn đánh nhau ...
Sách cũng kể lại nhiều tình yêu học trò chớm
lên nhưng không nở hoa kết trái để dư âm còn đến bây giờ; những tình yêu thường
đơn phương – yêu mà không được đáp ứng. Chuyện Trần Kiêm Thảo được cô bạn cùng
lớp tên D. thầm yêu trộm nhớ trong khi cô bạn D. đang được một bạn thân của
Thảo tên Sắt theo đuổi; rốt cuộc, kết quả không ra gì. Chuyện Trần Xuân Bình
yêu Thanh Tâm viết thơ tình, làm thơ tình, tự nguyện quét vôi dịp Tết nhà mẹ
người mình yêu; cuối cùng, mọi chuyện tan thành mây khói. Cũng có những cuộc
tình để lại dấu ấn đâu đó trong thơ, chẳng hạn như:
Nhà em bên chợ Sãi,
Phải qua đập Rì Rì.
Muốn vào thăm ... mà ngại,
Vì ... biết nói năng chi! ...
(Văn Kế Thế)
... Tìm nhau ta biết tìm đâu,
Ta thân lính chiến, em dâu nhà người ...
(Trần Hữu Giáo)
... Có lần ướm hỏi cô (láng giềng) e lệ,
Nghiêng nón, nâng tà thật dễ thương ...
(Lê Bá Lư)
Nhìn chung, tất cả các bài viết (văn cũng như
thơ), về nội dung, đều nói lên tình cảm nồng nàn đối với quê hương Quảng Trị,
tình cảm đậm đà đối với thầy cô Nguyễn Hoàng , tình cảm thân thương giữa bạn bè
đồng môn, đồng khoá, tinh thần nâng đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Tất cả các tác giả đều có lối hành văn uyển
chuyển, vững chãi; tuy nhiên, nếu xem xét chi li, một số câu sai văn phạm vẫn
được tìm thấy , chẳng hạn như câu: “ ... CHO DÙ bị đổ nát, CHO DÙ bị
mất tên, NHƯNG hình ảnh thân thương của ngôi trường Nguyễn Hoàng nhỏ bé đó đã
đi theo bước chân của thầy cô cũng như anh chị em cựu học sinh Nguyễn Hoàng
trên mọi miền trái đất”; từ NHƯNG nên bỏ đi cho câu văn nhẹ bớt và để phân
biệt trong câu mệnh đề nào là chính, mệnh đề nào là phụ. Nói ra để biết văn
chương cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không thua chi khoa học. Thế thôi! Không phải
“vạch lá tìm sâu” đâu nhé!
Trên đây là những cảm nghĩ của tôi. Lẽ dĩ
nhiên, những độc giả khác sẽ có những cảm nghĩ riêng của họ, không giống tôi.
Tôi mạo muội viết ra vì lòng trân trọng đứa
con tinh thần của nhóm 64 – 71.
Cuối cùng, tôi mong anh chị em mãi gần gũi
nhau để có những việc làm, những công trình thắt chặt tình bạn và giúp ích cho
đời.
Hoàng Đằng
26/11/2016 (27/10/Bính Thân)
No comments:
Post a Comment