(Tặng các cháu ngoại Ngô Vi Trác, Ngô Cát Tường nhân ngày khai giảng
đầu đời)
Ba năm
về hưu, ba năm rời xa bục giảng. Ba năm “gửi
lại em những năm tháng làm thầy// quên hết cả những” áp cao” “áp thấp”// những “thu
phân” những “hạ chí” của đời”. Sáng nay, trời bỗng âm u. Ngồi bên quán café
vĩa hè chợt thấy phố phường sáng lên. Trên đường bỗng xuất hiện nhiều tà áo
trắng. “Ngày khai trường” của Thanh Tịnh tự nhiên lại hiện về, khuấy động một
vùng kí ức tưởng đã lãng quên:
“Hằng năm
cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và
trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh
mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy
nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những
ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày
nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần
đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi
mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường
làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự
nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi
đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học...”. (1)
Mười mấy năm đi học, gần bốn mươi năm đi dạy. Ngày khai giảng dù có chút heo may, có chiếc lá vàng
vô tình rụng đôi khi không phải vì thu hay chỉ là những ngày nắng chang chang
nuối tiếc mùa hè, Thanh Tịnh luôn hiện về cùng với mùa thu, dù chỉ là mùa thu
ước lệ:
“ Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường
vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ...Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây
liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp
thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ?
Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi
vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy
mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Ðường này
hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về
để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong
manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa
cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng
biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng.(2)
Mấy
tà áo trắng giữa phố trong một ngày đầu thu hiu hắt, chợt đánh thức cả một thời
xa vắng. Gọi cho một người bạn trẻ, đang còn mài đời mình trên bục giảng để gọi
là” đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ
cũ”. Lời chia sẻ của người bạn sao có chút ngậm ngùi: “Hôm nay chỉ là ngày học đầu tiên. Phải hai mươi ngày nữa mới khai giảng!
5 tháng 9 mà, qui định mới đồng nghiệp ơi!”. Chao ơi, “ngày khai giảng”, “ngày
đầu tiên đi học” lẽ nào đã trở thành “thủ tục”. Còn đâu “lòng
tôi lại tưng bừng rộn rã”, để
man mác với một mùa thu của đất trời. Có chăng là dư vang một thời, chỉ của “những người muôn năm cũ” để “mắt
buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới...”.
(1). Thanh Tịnh, Ngày khai trường, Quê mẹ, tập
truyện ngắn, 1941.
(2)Đinh Hùng, Cảm Thu, bài đăng trong
giai phẩm “Mùa Gặt Mới” Xuất bản ở Hà Nội năm 1940.
LÊ THÍ
(15/8/2013)
No comments:
Post a Comment