Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 29, 2014

SA NGÃ - truyện ngắn Trạch An-Trần Hữu Hội



       Thắng quay đầu chiếc Taxi, lùì sát  phòng hồi sức của bênh viện. nơi ông Gia và cô con gái đang đứng:

       -Bác có đỡ đau hơn  không?

       Ông Gia cười, nụ cười kéo giản đôi môi mõng:

       -Cảm ơn cậu, cũng đã khá hơn.

       Ông Gia mới dọn về ở cùng con hẻm với Thắng hơn năm nay.

       Nhớ ngày ông dọn nhà, chiều hôm sau thì cả xóm xôn xao, anh Hiệp chạy xe ôm bị tai nạn, thấy chị vợ lu loa luống cuống, ông gọi Taxi cùng người báo tin đến nơi bị nạn, xe cấp cứu đã đưa anh Hiệp vào bệnh viên, ông đến bệnh viện, ở đó, bao nhiêu viện phí cho ca cấp cứu ông đóng giúp, khi anh Hiệp ra phòng hồi sức, tỉnh táo, ông mới về. Khi về, ông gọi chị vợ ra hành lang dúi thêm năm trăm ngàn, nói là mua thuốc và sữa. Chị Tha vợ anh Hiệp muốn quỳ xuống mà cảm ơn. Không quỳ sao được khi mà nhà chị chỉ còn sáu chục ngàn cộng với tiền trong túi anh  Hiệp nữa là một trăm ba chục ngàn, mà tiền ứng trước của bệnh viên là năm triệu.!

        Lâu nay, trừ một vài nhà mua nước bình đễ uống và nấu, còn cả xóm dùng nước giếng  bơm, hôi và chua lét ! Ông mua một cái máy lọc lớn, công nghệ nano, vừa lọc sạch vừa khử hết mùi, mua một bình chứa lớn, đặt trước nhà cho cả xóm dùng, ông cũng dùng chung với họ.

        Ông thuê nguyên căn nhà cho hai cha con, nó gấp hai, ba lần  căn phòng trọ cho cả gia đình Thắng. Cái sân nhà ông nay cũng là nơi để xe cho những nhà chung quanh. Cô con gái làm việc ở một công ty nào đó, sáng đi chiều về bằng xe gắn máy, ông Gia ít khi đi đâu, một tuần lể ông ra khỏi nhà một hai lần, thường là vào chiều chủ nhật, rồi thôi. Ba bức tường chật kín sách, chiếc bàn gỗ, cái máy vi tính và mấy chậu hoa… nuốt hết thời gian của ông.

       Cư dân trong xóm quý mến cha con ông, nhưng không ai biết ông từ đâu đến, cuộc đời ông ra sao…dù rất đỗi tò mò!

       Tháng trước, một cơn đau ở dưới sườn phải, cô con gái đi làm, gặp lúc Thắng về nhà ăn trưa, vừa cởi áo, anh đã vội mặc lại rồi cùng hai người trong xóm đưa ông vào bệnh viên. Bác sĩ chuẩn đoán, sinh thiết và xét nghệm, hai ngày sau  có kết quả. Ông bị Ung thư gan giai đoạn cuối! Cô con gái như muốn ngất đi  bên giường bệnh.

       Vừa lái xe, Thắng nhớ lại hôm đứa con trai đầu của anh bị sốt xuất huyết cách nay chừng sáu tháng, là tài xế taxi, nhưng ban đêm thì đỗ xe lại công ty. Chừng ba giờ sáng  thì cơn sốt cao quá làm thằng bé lịm đi như đã chết. Chiếc xe Dame đời cũ không còn xăng, vợ anh nôn nóng bồng con đứng chờ Thắng đạp, mãi không nổ! Ông Gia lặng lẽ đẩy chiếc xe tay ga của con gái đến:

        -Cậu đưa cháu đi bằng xe này, để xe đó tôi nhắc vào cho. Cầm thêm cái này phòng hờ…

        “Cái này” là bốn tờ giấy bạc năm trăm ngàn mới  toanh!

        Sáng hôm sau, biết là cô gái đi làm sớm, Thắng tất tả để con lại cho vợ trông, anh chạy về trả xe. Không quên mua thêm lít xăng cho xe của minh:

        -Cháu khỏe chưa?

        -Dạ hết sốt rồi, đang chuyền thêm nước bác à. Cô đi làm rồi ha bác. Xe…

        -Nó đi taxi một bữa củng không sao. Cháu khỏe là tốt rồi…

        -Bác cho cháu gởi lại tiền hôm qua, chỉ hạ sốt và chuyền nước nên không tốn kém bao nhiêu.

        -Khi nào cháu về nhà rồi tính.

        Thế mà hôm nay ông xuất viện với căn bệnh chết người ! Cả xóm thở dài, cầu cho ông bằng an.

                                                              oOo

        Thắng qua thăm ông với túi cam, ông Gia không chịu nằm mà vẫn ngồi bên chiếc bàn máy tính! Trông ông xanh và yếu. Gở gọng kính xuống, ông mời Thắng ngồi nơi chiếc ghế bên bàn với nụ cười làm giãn đôi môi mõng:

        -Qua thăm tôi là tốt rồi, mua quà làm gì cho tốn kém.

        -Da…chỉ mấy quả cam, Bác có thấy khỏe hơn trước khi mỗ không ạ.

        -Cón đau lâm râm, đã là “căng-xe” thì vấn đề là bao lâu nữa, thời gian  thôi cậu Thắng ạ

        -Cháu nghe nói có nhiều phương pháp mới…

        -Nếu phát hiện sớm thì còn có cơ may, nhưng tôi là giai đoạn tồi tệ rồi! Thôi quên nó đi, Hình như cậu Thắng cũng theo Thiên Chúa Giáo?

        Ông Gia vừa hỏi vừa chỉ lên tấm hình Chúa Giê su chịu nạn. mũ gai trên đầu với những giọt máu đọng nơi khuôn mặt đớn đau.

        -Dạ, nhà cháu là đạo gốc từ trước khi vào Nam ạ.

        -Quê cậu ở đâu ngoài đó?

        -Dạ Nam Định ạ.

        -Tôi có người bạn cùng khóa, là Linh mục Chánh xứ của một họ đạo ở đó.

        -Thế…trước đây Bác có đi nhà dòng?

        Một khoảng lặng ập đến, đôi môi mỏng mím lại và đôi mắt sau làn kính sụp xuống. Tránh giây phút im lặng này, Thắng nhìn qua giá sách, nơi những cuốn sách Thần học, Triết học, Văn học dày cộm…Trước đây. Có người anh kế học Đại học văn khoa, dang dở vì phải đăng lính, anh chết sau khi ra trường được hai năm ở Tiểu khu Phong Dinh. Thắng đã đọc khá nhiều những cuốn sách anh để lại, một vài cái tên mà anh quen cũng năm trên các kệ sách ở đây. Tiếng ông Giá như từ đâu đó thật xa, kéo Thắng về với gương mặt trầm tư:

        -Tôi đã là Linh mục!

        Thắng bất ngờ không nói được gì, anh biết một linh mục đã thụ phong thì Bí tích ấy lớn lao ngần nào!

        -Giá như căn bệnh này, hay một tai nạn náo đó, đến với tôi vào lúc đó thì hay biết bao!

        Thắng đăm đăm nhìn không nói gì. Một lát, ông Giá hỏi rồi tự nói không đợi Thắng trả lời, ông tiếp:

        -Cậu có biết thế nào là sa ngã không? Nó là một lựa chọn xuẩn ngốc, trong giây phút mà lý trí ta không hoàn toàn làm chủ được mình. Sau tám năm làm Linh mục, tôi đã sa ngã  như một cậu trai khờ khạo với một phụ nữ.

        Thắng hỏi với giọng ngại ngần:

        -Một phụ nữ?

        -Ừ, gọi là một phụ nữ bởi cô ấy đã mang thai trước khi đến với tôi.

        -Thưa bác, chắc là người trong họ đạo của bác?

        -Không, cô ấy không là người có đạo, chúng tôi gặp nhau trong một đoản từ thiện, sau đó cô ấy đến với tôi nơi giáo xứ, tôi đã nói dối với giáo dân đây là cô em họ…Nhục dục đã làm tôi không thể tách khỏi cô ấy…

        -Có ai biết không ạ?

        -Không, sau cái lần đầu tiên ấy, tôi như mê muội trong đam mê thân xác và sự cuồng nhiệt  nhục dục nơi cô ấy…Một tháng sau, tôi tự rời bỏ họ đạo. Cô ấy muốn vượt biên, tôi cũng chỉ có con đường ấy để chọn. Theo cố ấy, Bà rịa –Vũng tàu là nơi tổ chức những chuyến vượt biển khá thành công. Nhưng trước khi thực hiên, tôi trở về gặp Giám mục Địa phận. Ngài thất vọng, nói sau khi nghe tôi xưng tội: “Cha rất tiếc, nhưng thôi, con hãy là một người cha, người chồng tốt. Cha sẽ cầu nguyện cho con”

         Tôi về thăm  cha mẹ. họ gặp tôi, nghe tôi nói những lời xin lỗi vì đã đi sai con đường mà họ mong ước. Bố mẹ tôi đau đớn lắm, cả hai mất sau đó không lâu. Đám tang Bố tôi có về, nhưng ngày mẹ mất hai tháng sau đó, tôi đang chuẩn bị cho chuyến vượt biên nên không về được !

         Những gì ông Gia vừa bày tỏ làm Thắng bàng hoàng. Anh cũng từng  nghe chuyện Linh Mục sa ngã vì phải lòng một phụ nữ, thường thì xãy ra ở đâu đó thật xa. Anh khó dấu được sự bất bình, có phần khinh miệt khi nghe ai đó nói về chuyện ấy. Nhưng giờ đây, một người bằng xương bằng thịt, ngay trước mắt mình, đang nói với mình như thú tội giữa một con người với con người. Thật lạ, anh không có ý trách cứ hay bất bình, chỉ là nỗi cảm thông và thương cảm dâng lên trong lòng.

        Dường như cũng thấy được sự cảm thông nơi Thắng, ông Gia tiếp:

        -Sáu tháng sau thì Cát Trinh ra đời.

        -Ai ạ?

        -Cát Trinh, con gái đang sống với tôi đó. Vì tôi lấy tên thánh người đỡ đầu, chính là bà mụ ở trạm xá, là Catherina. Tôi phiên âm, rồi lấy họ mình đặt tên cho nó:  Trần Thị Cát Trinh. Khi sinh, cháu bị sứt môi và hơi hở hàm ếch!

         Thắng nhăn mặt, ngạc nhiên vì cô gái nay khá dễ thương chứ không có dấu hiệu gì về dị tật như ông Gia nói. Đoán được ý nghỉ của Thắng, Ông Gia tiếp:

         -Ngay trong bệnh viên, khi biết con mình bị sứt môi, cô ấy khăng khăng đòi bỏ đứa bé, buộc tôi phải đem cho cô nhi viện. Tôi không cam lòng, tôi an ủi cô ấy là sẽ cố gắng chạy chữa cho con sau này, nhưng cô ấy hét to như một kẻ điên:

         -Đem nó đi cho khuất mắt tôi, nó có phải con của ông đâu mà ông mà tiếc !

         -Tôi lặng đi, nhưng tôi thoáng nghỉ rất nhanh rằng: Con tôi hay không phải cũng chẵng sao, nó phải sống và được nuôi dưỡng, cho dù thế nào. Tôi chỉ nghỉ đến một đều là: Vì cô ấy, tôi đã phản lại lời thề khấn, giờ là hậu quả, có khác gì khi là con tôi hay con một ai đó, đã được hình thành trong thân xác của cô ta!? Hậu quả là một mầm sống và tôi phải  đón nhận.

         -Rồi cô ấy thế nào thưa Bác?

         -Cô ấy là một người kỳ lạ! Tôi không thể không nghỉ đến hình ảnh con rắn khi nói đến cô ta, khác xa những gì tôi cảm mến khi đi làm từ thiên cùng nhau! Kể từ khi sinh Cát Trinh, tôi không cảm thấy chút mến yêu nào khi bên cô ấy, không cả thèm muốn xác thịt, ngược lại, nỗi hối hận càng ngày càng ray rứt và thật lạ, cảng hối hận bao nhiêu tối càng yêu thương Cát Trinh bấy nhiêu.

          Thắng gục đầu như thầm cầu nguyện cho ông.

          -Cô ấy rủa sã tôi không ngớt vì đứa con, bà mụ ở trạm xá, là hàng xóm và là người săn sóc tự nguyện cho nó. Khi Cát Trinh được bốn tháng, tôi đem cháu về Sài Gòn tìm Bác sĩ hỏi thăm về chuyện vá môi cho cháu. Một người bạn cũng là Linh Mục đã giúp tôi, Bác sĩ sau khi xem, lạc quan cho là chuyện nhỏ, chừng sáu tháng có thể phẫu thuật, rồi theo dõi thôi. Tôi rất mừng, ngoài môi trên bị mất một nữa, toàn bộ gương mặt cháu rất xinh, nhất là đôi mắt và mũi. Tôi trở về, hy vong niềm vui này làm cho cô ấy bớt buồn và có thể có được chút hạnh phúc, nhưng cô ấy không có nhà, hai ngày sau không về, trong lúc tôi đi, cô ấy đã vượt biển cùng tay chủ tàu chuyến trước mà cả hai chúng tôi cùng đi nhưng thất bại. Tôi dững dưng không hề buồn, có cảm giác như vừa trút đi một gánh nặng! Dĩ nhiên là số tiền ít ỏi mà bấy lâu bạn bè giúp đỡ cũng không còn.

        Ông Gia lại im lặng như để trấn át cơn đau luôn lâm râm nơi sườn phải, lát sau ông cười như trấn an Thắng:

        -Tôi làm thuê cũng đủ cho hai cha con, nhưng còn hai tháng nữa là phẫu thuật rồi, chỉ còn một cách là trở về gặp Giám Mục, tôi hy vọng Ngài sẽ có cách giúp tôi:

        -Con hãy luôn cầu nguyện, có lẽ con không biết chị con đã xuất ngoại. Bà ấy gởi lại cho con số tài sản của cha mẹ con đễ lại. Con đến gặp cha quản lý nhé.

        -Tôi quá mừng! không cầm được nước mắt, thương bố mẹ. thương người chị duy nhất. tôi trách mình vì mặc cảm tội lỗi mà xa lánh luôn cả chị mình! Tôi mua một miếng đất chừng ba mẫu ở Bà rịa, nó không cho tôi một chút lợi lộc nào lớn, Nhưng Chúa giúp tôi, cách nay chín năm, một công ty Đài Loan mua nó với giá tiến cao ngất ngưỡng mà chỉ nằm mơ mới có được!

         Ông Thắng nghỉ một lát như để thở,  rồi lại nói tiếp:

         -Phẫu thuật cho Cát Trinh không đơn giản, ba lần vẫn chưa hoàn chỉnh được. giọng nói ngọng ngịu làm khổ Cát Trinh. Tôi nghỉ đến chị, lúc này đã đinh cư ở Úc và Cát Trinh đã mười bảy tuổi. Một lần nữa Giám mục đã giúp tôi, qua thư, Ngài giới thiệu cho cơ quan từ thiện Caritas, chị tôi đã bào lãnh Cát Trinh qua Úc. Bên ấy, cơ quan này  giúp hoàn chỉnh cho cháu cả môi, răng và thanh quản. Sáu tháng sau cháu trở về, trước mắt tôi là một thiếu nữ tuyệt vời cậu Thắng ạ.

        -Thế bác chuyển về Sài Gòn lúc nào?

        -Khi Cát Trinh từ Úc về, hồi bán được đất ở dưới đó, tôi lên mua nhà ở Thủ Đức. để tiện lo cho cháu. Năm ngoái, tôi lại bán căn nhà đó, chuyển tiền vào tài khoản của Cát Trinh, tôi chỉ giữ lại cho mình một ít. Rồi  về mướn căn nhà này.

        -Bác có biết mẹ Cát Trinh bây giờ ở đâu không?

        Ông Gia hơi ngữa người dựa vào thành ghế, có lẽ lai một cơn đau:

        -Tám năm nay tôi nuôi bà ấy !

        Thắng kinh ngạc, nhìn ông Gia:

        -Bà ấy vượt biển rồi…

        -Không đi được, bị bắt và phải ở trong trại giam bốn tháng. Chừng một tháng sau ngày bé Cát Trinh qua Úc, tôi nhận được tin bà ấy đang ở tại một ngôi chùa ngoài Trung, bị liệt nữa người ! Tôi ra đó hai lẩn, lấn sau khoảng hai mươi ngày trước khi Cát Trinh về. Không thể  ra thăm bà ấy mãi được khi mà Cát Trinh đã đủ trí khôn. Tôi đã nói với Cát Trinh là mẹ đã chết khi nó lên ba. Từ ấy đến nay, không bao giờ nó đề cập đến mẹ. Bà ấy cũng đã năm mươi hai tuổi, bị lẫn, liệt nữa người và mờ mắt vì bị hỏng giác mạc.Tôi đưa bà ấy vào Vũng Tàu, khi về Sài Gòn, tôi  cũng sắp xếp cho bà ấy tại Viện Dưỡng lão ở đây, hai tháng tôi đến thăm một lần. Gần đây, bà không còn nhận ra tôi là ai!

        Thắng hơi ngập ngừng, hỏi:

        -Bác không ghét bà ấy sao?

        -Thực tình mà nói thì tôi không ghét, tôi cho rằng tất cả cũng nằm trong hậu quả từ một lầm lỗi của mình. Nhưng nói thương thì thật sự tôi không thấy chút tình cảm nào trong lòng. Tôi làm bổn phận như Giám mục đã dặn tôi …và như thế,  tôi cảm thấy bớt ray rứt.

       -Cát Trinh, cho đến lúc này vẫn không biết gì?

       Ông Gia sửa lại thế ngồi, hơi khom người, hai tay khoanh lên bàn:

       -Đây là vấn đề, chính vì đều này mà hôm nay tôi mới thú thật hết với cậu. Nó biết hết, biết tôi không phải là cha của nó, biết mẹ nó đã có ý bỏ nó khi vừa sinh ra. chính bà mụ ở Bà rịa đã nói hết cho nó nghe khi nó lên chín tuổi! Nó biết và im lặng cho đến tối hôm kia, khi tôi nói là mẹ còn sống và đang ở trại dưỡng lão, nếu ba chết thì con cố tiếp tục thay ba chăm cho mẹ. Nó đã nói :

       -Kẻ nào dám hy sinh thì nhận được sự hy sinh. Con khước từ trách nhiệm này vì bà ấy đã như vậy với con, bà ấy đã chết! Con chỉ có Ba và ba phải sống, kể cả việc ghép lá gan của con cho ba.

       -Cố ấy nói đúng quá!

       -Không, đúng nhưng bất nhẫn anh ạ. Tiếc là nó không hề có ý thay đổi khi tôi cố thuyết phục nó, hãy tha thứ và rộng lượng như kinh thánh dạy: “Hãy yêu kẻ ghét con.” Nhưng nó đã khẩn khoản: “Ba, đừng bắt con phải yêu kẻ con ghét. Con không thể!”

       Ông gia cúi đầu thở dài:

       -Hình như nó đã xem được câu nói này đâu đó trong những cuốn sách kia!

       Im lặng một lát, ông Gia  lại nói, rành rọt như đã suy nghỉ nhiều về những gì sắp nói:

      -Cát Trinh đã hai mươi lăm tuổi. nó cần sống cuộc đời của nó.Thế nên tôi phải nhờ đến anh.

      Thắng giật mình vì không biết ông Gia  nhờ đến mình trong việc gì. Anh nhổm người nhin ông với đôi mắt kinh ngạc. Ông Gia đưa bàn tay gầy xanh đặt lên vai anh:

       -Nếu hôm nay anh không qua thăm, tôi cũng qua gặp anh. Có lẽ anh không ngại giúp khi tôi nhờ. Thế này anh Thắng ạ: Cát Trinh đang cố gắng lo cho tôi qua Úc, sẽ làm mọi cách chữa trị cho tôi, kể cả việc ghép gan mà nó là người cho nếu bệnh viên thấy phù hợp. Nhưng như tôi đã nói, chỉ kéo dài thời gian sống không cần thiết mà thôi. Hiện dang có một cậu trai đang yêu và muốn kết hôn với nó, hai năm nay rồi. Tôi thấy cậu ta là người tốt, dù nghèo. Tôi hy vọng cậu ta sẽ đem đến hạnh phúc cho nó. Việc hao tốn tiền bạc và thời gian cho tôi lúc này thật vô ích! Ngày mai, cậu cùng tôi đến  viện dưỡng lão, Cậu chở bà ấy đến thành phố N… theo địa chỉ tôi ghi nơi bức thư, đưa cho Ngài, Giám Mục Phanxico, Ông Gia lại thở dài, tôi cũng chỉ còn có Ngài để nhờ vả, có lẽ là lần cuối cùng.

       Thắng nhìn ông Gia với đôi mắt buồn đầy thương cảm, cuối cùng anh nói thật nhỏ:

       -Cháu sẽ làm theo nguyện vọng của Bác.

                                                     oOo

       Vị khách trẻ đi rồi, xe của trại mồ côi của các soeur dòng Mến Thánh Giá cũng vừa chở người đàn bà khốn khổ ra khỏi khuôn viên Tòa Giám Mục.

       Giám mục ngồi gục đầu, nhắm mắt nhớ lại gương mặt của Dominico Trần Hiếu Gia, chủng sinh mà ông kỳ vọng nhiều nhất trong số những chủng sinh năm ấy. Sự hiểu biết sâu sắc về Thần học và Giáo Luật, tính tình vui tươi và linh động trong tổ chức, sinh hoạt tập thể…Hồi đó, còn là Linh mục, ông đã từ chối  không nhận làm cha linh hướng cho cậu vì đang là Bề trên chủng viện, nhưng Cha đã rất hài lòng khi chính mình lại là Giám mục Truyền chức thánh cho Gia. Thế mà tám năm sau…

       Giám mục mở lá thư đang cầm trên tay, xem lại một lần nữa:

       “Kính Gửi Giám Mục.

       “Người phụ nữ này là người mà qua cô ấy con đã phụ lòng Giám Mục và phản bội lời thế khấn với thiên chức của mình. Con đã làm cha và làm chồng. nhưng trong hai đều ấy con chỉ làm được một đều là cha tốt -dù rằng đó không hoàn toàn là máu thịt của con- với những gì con có thể. Giờ đây, con xin Ngài cho phép con gởi gắm người phụ nữ này, biết là một gánh nặng cho Ngài và Giáo phận, nhưng đó là cách hay nhất mà con buộc phải cậy trông, bởi con không thể tiếp tục làm bổn phận được.

        “Thưa Giám Mục. Con đã một lần chọn lựa và ray rứt hối hận hai mươi bốn năm nay. Lần này con lại phải chọn lựa một lần nữa, phạm vào lề luật Chúa, đó là tự hủy hoại sự sống của mình! Hai chọn lựa này khiến cho con trở thành hoàn toàn bất xứng với ân sũng của Thiên Chúa. Nhưng với Ngài, con vẫn hằng mong Ngài tha thứ…Vĩnh biệt Ngài. Kẻ tội lỗi.”

          Giám Mục Phanxico run rẫy bấm chuông gọi Linh Mục phụ tá. Nhưng ngài lập tức nhận ra rằng: Mọi sự đã muộn! Ngài ngước mắt lên cao làm dấu thánh:”Lạy Cha, con luôn tin vào lòng yêu thương và tha thứ nơi Cha là vô cùng, xin Cha thứ tha cho một linh hồn tội lỗi trong thân phận mong manh của con Người mà ngài đã tạo dựng. Amen!”

                                                       Sài Gòn 17 tháng 4 năm 2014.

                                                                Mùa Phục sinh
                                                        Trạch An-Trần Hữu Hội

                                                                           
    

No comments: