Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 2, 2013

NGHỆ NHÂN - truyện ngắn Ngọc Châu

Ngọc Châu


                                                                                               


          Thế là cuối cùng mình cũng đã xuất ngoại, ông cay đắng khi rời máy bay. Đã chết tất cả những ham mê, hoài bão cùng ước mong đi đây đi đó ra ngoài biên giới. Làm người ai chẳng có thứ đó, chúng cũng đã nhen nhúm ở trong ông bao năm. Lúc này lại thấy cay đắng.

          Chẳng phải vì chuyến xuất ngoại muộn mằn khi đã đến tuổi "tri thiên mệnh". Nhưng đây là chuyến du lịch bất đắc dĩ. Nếu bà vợ trẻ kém chồng hơn một giáp không dẫn ông đến phòng cấp hộ chiếu, bắt ngồi chờ để làm mọi thủ tục cần thiết cho chiếc giấy thông hành ra nuớc ngoài, không liên hệ với Du lịch "Rét tua, ấm tua" gì đấy rồi lại nhờ một con bé hướng dẫn viên dẻo mồm đốc thúc, hướng dẫn, nhắc nhở  thì chưa chắc giờ đây ông đã chui ra khỏi máy bay ở sân bay thủ đô của nuớc láng giềng phuơng Bắc như thế này.

          Lờ mờ biết về ý đồ của bà vợ trẻ khi cố bắt mình tham gia chuyến du lịch này cùng với vợ chồng một cô bạn của bà ta. Người ta đang muốn làm điều gì đó. Ông thoáng nghĩ đến chuyện bồ bịch của nguời đàn bà chớm tuổi hồi xuân trong khi mình không còn hăng hái trong chuyện "sửa soạn yên cương" và thường phải "hạ mã" khi chưa đến đích. Chuyện như thế làm người đàn ông  nghẹn trong tim. Càng đau đớn hơn khi ngày xưa họ đã đến với nhau bằng tình yêu, đã cùng nếm trải bao nhiêu cay đắng, cả những ngọt bùi tuy thật hiếm hoi.

          Ngày ấy cô học sinh thành phố nhí nhảnh về sơ tán ở cái làng Bảo Hà hẻo lánh giữa miền quê Vĩnh Bảo, chỉ có ốc đàn với bèo hoa dâu. Cô  thích ngồi xem chú "đục gỗ khéo tay" làm những ông phỗng, những con rối nuớc, rối cạn và nghe "ông chú" kể về những cụ tổ xa xưa của làng nghề, đôi lúc minh họa bằng những câu thơ nửa cổ nửa kim chỉ hiểu lơ mơ nhưng lạ lẫm và thích thú.

          Đặt bức tượng Di lặc vừa điểm xong đôi nhãn xuống nền nhà ngổn ngang gỗ vụn, anh nghệ nhân tài hoa đã đến tuổi " nhi lập" của làng nghề cổ truyền đọc như trêu cô bé đang tròn mắt ngắm nghía tác phẩm của mình

          Sinh ư nghệ tử ư nghệ

          Thánh nhân dạy người ta thế

          Dạy kiếp người quen với đói nghèo

          Dạy cách cười cả lúc treo niêu..

          Cô  bé lém lỉnh cuời hồn nhiên

            - Chú ơi, niêu nhà chú mà không treo thì con mèo muớp nó chén hết con cá sộp chú mới câu đuợc sáng nay. Mà nó không ăn vụng thì cháu cũng gắp trộm. Chú cứ đợi đấy mà xem!

          Niêu treo mặc kệ niêu treo

          Cháu cao hơn con mèo

          Cháu gắp  khúc giữa cơ..

          Tiếng cười trong trẻo chạy theo chân cô học sinh sơ tán mới mười lăm tuổi làm "ông chú" nổi tiếng dí dỏm, khéo tay đâm ra đỏ mặt.

          Bốn năm sau, vào lúc người ta không có nghề để làm, không có gì để ăn cho đúng kiểu một con người thì cô bé năm xưa lại xuất hiện. Đã là một thiếu nữ. Xinh xắn và nghịch ngợm.

          - Chú ơi, niêu nhà chú hồi này thế nào, có gì để phải treo lên không?

          Chưa kịp trả lời thì cô đã ngồi thụp xuống, nhấc chú Tễu lăn lóc giữa vụn gỗ lên ngắm nghía rồi lại nói như  máy

          - Chú ạ, cháu làm hợp đồng thời vụ cho công ty Xuất khẩu Mỹ nghệ. Mà chẳng có gì  mỹ nghệ lắm đâu. Mấy cái lẵng mây mốc meo. Con bằng than đá chỉ nhỡ tay một tí là tử - một tràng cười ròn tan. Cháu đã phải đền tiền một con do lau chùi mạnh tay đấy.

          - Còn chú dạo này - cô chuyển tia nhìn từ chú Tễu lên mặt "chú đục gỗ khéo tay"- trông còn tơn tớn hơn chú Tễu. Mà sao lại gọi là chú nhỉ, là anh Tễu hay cậu Tễu có hay hơn không?!

          Chả hiểu câu nói vô tình hay hữu ý, chỉ biết "ông chú" vẫn mồm mép ở đâu đâu tự dưng chỉ biết cuời gượng gạo và đỏ mặt truớc cô nàng nho nhỏ, chân nhảy như thỏ, cười như ngô nổ, chú Tễu  cũng đánh  đổ..

          Sau này, khi đã thành vợ thành chồng, cùng chung sức trong hợp tác xã thủ công mỹ nghệ ông thường trêu cô vợ trẻ như vậy. Lần ấy ông chỉ tò mò ngồi nghe cô trình bày về phương án dựng Hợp tác xã Điêu khắc- Sơn mài. " Anh Tễu" sẽ tìm mời  các nghệ nhân của làng, xã và tổ chức sản xuất đồ điêu khắc bằng chất liệu gỗ mít với lớp phủ sơn mài nổi tiếng tuyệt văn diệu truyền đời đã mấy trăm năm từ cụ cao tằng tổ tỷ Nguyễn Công Huệ. "Cô Thỏ" sẽ chạy đi chạy lại làm con thoi với đầu ra là Công ty Xuất khẩu Thủ công Mỹ nghệ.

          Bao nhiêu nhiệt tình, bao nhiêu nỗ lực đã bỏ ra vào ngày đó. Suối tình của đôi vợ chồng tưởng như không bao giờ cạn nhưng không thể nào tràn bờ vì ngoài đôi bờ nhỏ nhoi của họ là cả một sa mạc mênh mông của thói quan liêu bao cấp, bảo thủ và trì trệ. Một thời chỉ thấy những anh khố son bòn anh khố nâu và "thành phần cơ bản", trước kia từng là động lực của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, được dung dưỡng mãi tác phong ăn thì có, mó thì không.

          Ông đã uất ức với nghề cổ truyền của tổ tiên khi nó không cứu đuợc đứa con gái đầu lòng yêu quý. Con bé giống mẹ nên ông coi nó như báu vật. Thế mà nó chết. Chẳng phải vì bệnh gì quá hiểm nghèo, chỉ không có tiền thuê phương tiện để kịp thời đưa ra bệnh viện ngoài thành phố, sau khi đã phải chờ hai ngày vì người có quyền ký giấy giới thiệu  đi vắng.

          Ông đã định nghe lời cô Thỏ nhập vào dòng chảy của những người di tản khốn khổ vào thời kỳ đó.  Khá đông bạn bè và người quen của hai vợ chồng ông  đã liều mình như chẳng có. Để đổi lấy một tương lai cũng không biết ra sao. Đủ mọi loại người. Từ khố rách áo ôm  đến những bàn tay, khối óc không phải nặn ra bằng đất thó.Ông đã giữ cô ấy ở lại chỉ vì  nhớ tới chuyện cụ tổ của làng nghề đã từng khốn khổ khi làm lao công ở xứ người. Chính tại mảnh đất ông đang buớc xuống lúc này.

          Hai vợ chồng bỏ quê, dắt díu nhau vào miền đất đỏ Tây Nguyên. Những ngày chờ đợi xin phép khai hoang ông lang thang thăm thú các buôn làng người Jơrai. Đứng hàng giờ ngắm nghía những cột kưt, cột klao ở nóc và bốn xung quanh những ngôi nhà mồ. Người Jơrai chỉ dùng rìu và dao đẽo gọt các pho tuợng từ thân và gốc cây nhưng không thiếu một hình thể gì. Họ không quan tâm đến kích thước, tỷ lệ và hình khối nhưng tuợng nhà mồ rất thực và sống động. Thi thoảng có những cột tượng làm ông phải thán phục vì tính uớc lệ và cuờng điệu hết sức bay bổng của người dân miền đất bazan.

          Chợt sững người truớc một cột tượng đẽo gọt thô sơ nhưng sao giống đứa con gái đã mất của mình đến thế. Người nghệ nhân bàng hoàng bước vào bên trong. Đây là ngôi nhà mồ của một cô bé chết lúc sáu tuổi, đúng bằng tuổi của con gái ông khi nó mất vì bệnh sởi. Người ta vừa làm lễ bỏ mả cho con bé sau hai năm hung táng. Lúc đó ông chưa hiểu gì về tục lệ ma chay của người Jơrai nhưng sau biết rằng lễ bỏ mả là nghi lễ cuối cùng tiễn đưa một linh hồn về với thế giới vĩnh hằng, thường tiến hành long trọng sau khi chôn từ một đến mười năm tuỳ gia cảnh. Sau lễ đó nguời nhà không phải cúng và thăm nom mộ thường xuyên như truớc nữa.

          Chiều hôm đó ông kiếm đuợc một cây mít khô trong rừng. Đẽo gọt  đuợc một khúc phôi mượt mà. Gỗ mít là thứ gỗ rất thích hợp với việc tạc tuợng. Độ mềm và dai đều vừa đủ. Thớ không thô và không dễ bong tách như một số loại gỗ khác, dù  quý và đắt hơn. Chúng cũng có thể tạc tượng nhưng lưỡi dao của nghệ nhân sẽ không thể tự do bay bổng như khi tạo hồn cho bức tuợng bằng gỗ mít. Ông giấu vợ, hí húi với mấy lưỡi dao điêu khắc rèn mài đặc biệt từ một gọng ô cổ, sắc và dai không kém  các thanh kiếm Can Tuơng, Mạc Tà thời Xuân Thu- Chiến Quốc trong dã sử Tàu.

          Cho bà ấy biết làm gì. Chính ông cũng đã mấy lần rỏ nước mắt khi tạo lại dáng hình của đứa con đã mất. Đàn bà  yếu lòng hơn đàn ông. Mà bà ấy còn bao việc đang phải lo lắng, chạy vạy. Ôm bức tuợng con gái đến đặt vào ngôi nhà mồ của cô bé Jơrai, ông cầu chúc cho cả hai đứa được siêu sinh tịnh độ mà lòng nhói đau vì những người sinh thành ra chúng đã bó tay, không làm được những gì lũ trẻ kia mong đợi. Để chúng phải chết khi chưa thành niên. Vì bất lực, bó tay truớc những bất công của cuộc đời.

          Có lẽ nỗi đau của người tạc tượng đã động đến oanh linh của núi rừng nên miền đất của nền văn hoá cồng chiêng đã không nỡ hắt hủi con người  tài hoa. Dù sau đấy ông ta bỏ nghề, chỉ lúc nào vợ đi công chuyện mới tranh thủ tạc vài bức tuợng, gửi cả trong khu nhà mồ của buôn làng người Jơrai..

           Phải nhận rằng mọi thành công đều có  nỗ lực của bà ấy- vị khách du bất đắc dĩ thầm nghĩ- Ông  cai quản ở nhà là chính. Việc tiêu thụ, giao dịch sản phẩm do đôi chân và cái mồm khéo léo của cô Thỏ ngày xưa. Giờ đây hai vợ chồng đã có mấy chục hecta cà phê, tiêu và một đàn bò đứng kín bãi trước nhà. Có điều quy luật bù trừ hình như luôn luôn hiện diện. Ông vẫn tự hỏi liệu có doanh nhân tài ba nào lách đuợc luật tạo hoá để tài sản tăng lên mà các giá trị tinh thần của gia đình và hôn nhân không bị giảm đi.

           Từ ngày dư dật đồng tiền,  làm ra những thứ không chỉ để ăn như ngày xưa, đã xuất hiện nhiều nguời khách. Bạn làm ăn. Sếp nọ, sếp kia. Các điểm hội tụ. Thời trang doanh nhân. Rồi những hôm vắng nhà, những chuyến đi công chuyện. Nụ cuời ỡm ờ giả lả của chủ, của khách. Ghen tuông đã thoáng hiện trong lòng ông.

          Sau chuyến đi tìm hiểu thị truờng Hoa Bắc phải đến vài tuần, bà ta trở về thúc ông đi du lịch phuơng Bắc. Bất đáo Truờng Thành phi hảo hán, bà ấy nói thế nhưng mình thì hảo hán nỗi gì, từ ngày bỏ nghề tạc tượng ông gần như thành cái bóng. Đã không hứng khởi từ  đầu chuyến đi, càng thêm bực khi gặp thời tiết xấu.

          Người ta nói thăm Bắc Kinh tốt nhất là vào tháng tư, tháng năm, lúc ấy đang là cuối xuân Trung Hoa. Ông đi chuyến này vào lúc thời tiết thất thường nhất -nóng thì nóng quá, mưa thì mưa quá trời. Chuyến bay khứ hồi phải hoãn vì thời tiết xấu, mọi nguời đều bực bội, riêng con bé hướng dẫn viên dẻo mồm- hệt cô Thỏ ngày xưa như ông thầm nhận xét- vẫn tươi tắn như không. Cô bé tranh thủ ngày mưa đưa ba người khách gồm ông và vợ chồng cô bạn đi thăm xưởng chế tác Cảnh Thái Lam.    Dần dà ông bị cuốn hút vào câu chuyện của nguời hướng dẫn. Thật kỳ lạ. Những bình, lọ và đồ trang trí đủ màu sắc kia không phải bằng sứ hay ngọc thạch như  người ta tuởng. Chúng làm bằng đồng và được phủ men đặc biệt ở bên ngoài. Té ra vào thời nhà Lê, khi tổ sư Nguyễn Công Huệ đã đuợc trả về quê hương sau nhiều năm bị bắt sang tạc tượng và chế đồ nội thất cho triều đình nhà Minh thì vua Minh Cảnh Thái đã tập trung tất cả nghệ nhân tài danh của Trung Hoa để tìm cách làm ra chiếc bình sứ đặc biệt. Phải có màu sắc đẹp và thanh nhã như đồ gốm sứ nhưng không bị vỡ khi đánh rơi. Đó là yêu cầu của vị Thiên Tử này đưa ra sau khi ngài lỡ tay làm rơi vỡ chiếc bình ngọc Lam thạch kỷ vật của nguời tình!

          Ông ta mới là Con Trời thôi mà đã có yêu cầu ghê gớm như thế, thảo nào giới doanh nhân như vợ ông không phải tìm cách chiều các Thượng Đế đích thực của ngày nay! -Nghệ nhân của làng Bảo Hà suy nghĩ một cách hài hước-  Và từ ngày xưa nguời Trung Hoa đã thoả mãn đuợc Con Trời, đến bây giờ vẫn là bí quyết độc quyền của đất nước họ với thương hiệu nổi tiếng toàn cầu Lam Cảnh Thái. Nhiều công đoạn cũng  phải làm bằng tay như nghề tạc tuợng sơn mài của làng ông.

          Ông để ý xem nguời thợ đang quấn và gắn keo những sợi dây đồng nhỏ, có tiết diện khác nhau xung quanh cốt đồng mỏng của một bình hoa to để tạo thành hoa văn theo mẫu hàng hoá tại phân xưởng giới thiệu công nghệ. Sau đấy người ta sẽ phủ lớp men đặc biệt rồi đem nung.

          Mấu chốt công nghệ của họ nằm ở keo dán và lớp men cơ, ông nghĩ. Việc gia công kia không cần bàn tay thợ giỏi như nghề tạc tuợng. Và bí quyết của điêu khắc Vĩnh Lại - Bảo Hà quê ông cũng nằm ở phần chế tạo sơn mài..

          Thấy ông chuyên tâm xem xét  chồng cô bạn nháy vợ,  trao đổi với hướng dẫn viên rồi kéo nhau ra ngoài, có thể họ đói rồi nhưng cô hướng dẫn vẫn đứng cạnh ông. Cô này khá quen với người thợ Tàu, chắc đã nhiều lần cô ta dẫn đoàn du lịch vào tham quan và mua hàng ở đây. Thấy ông xem chăm chú, cô  nói chuyện với bác thợ rồi mời nhau cùng ăn trưa vì đã đến giờ nghỉ. Hoá ra ông ta là cổ đông chính đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của hãng, tên là Kỳ Hưu (hay Kỳ Hươu gì đấy). Rất vui tính. Tiếc rằng cô Thỏ không thể phiên dịch nhanh và thoát hết từ  ý của cả hai bên. Ông cho biết thỉnh thoảng nhớ nghề lại xuống phân xưởng giới thiệu công nghệ này làm một lúc, cũng là cơ hội để giao tiếp với khách hàng.

          "Trời đất, bọn Tàu này có nhiễu thứ  người mình phải học lắm.." Khách chưa hết ngạc nhiên đã phải trả lời những câu hỏi vồn vã của chủ khi biết ông là nghệ nhân điêu khắc gỗ qua lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên du lịch. Từ nhà ăn nhân viên ông ta xin phép chạy về ít phút rồi mang ra một bức tuợng La Hán cao cỡ bốn mươi phân. Tuợng La Hán ngồi này có một chân trái giơ lên trông thiếu tự nhiên nhưng nghệ nhân làng Bảo Hà lập tức nhận ra dấu ấn của tác giả. Chắc chắn nó xuất xứ từ Việt Nam. Là tác phẩm của một vị cao tằng tổ của dòng họ ông. Nhưng sao người ta lại có đuợc nó?

          Khách cầm bức tượng, chăm chú xem xét. Đã hiểu rõ phần nào xuất xứ nhưng vẫn lặng yên chờ lời giới thiệu của chủ.

          - Cái này, cái này...(cô huớng dẫn viên bắt đầu dịch cho ông nghe) đã có ở nhà tôi nhiều đời lắm rồi.  Phả hệ ghi lại rằng sau khi vua Lê bên nuớc các ông, tên huý ngài là Lê Lọi hay Lê Lội tôi không rõ lắm, cử đoàn sứ thần sang xin hoà hiếu với vua Anh Tông nhà Minh thì có nhiều tù binh và lao công đuợc trả về quê cũ. Huệ Công là thợ điêu khắc gỗ giỏi người An Nam cũng đuợc trả về. Khi ở bên này ông ấy có quen với cụ tằng tổ tỷ nhà chúng tôi nên về sau học trò của Huệ Công là Vượng Công có gửi sang tặng gia tộc chúng tôi bức tuợng này..

          - Vâng, tôi cũng đã ngờ ngợ khi thấy hình đầu con voi rất nhỏ khắc ở gáy bức tuợng, người không lưu ý thì không nhận ra - Khách gật gù - Chắc chắn là do bàn tay của Kỳ Tài hầu Tô Phú Vượng. Đúng ngài là học trò của tổ sư Nguyễn Công Huệ tức Huệ Công như ông vừa nói.

          - Hảo a, hảo a! - Cả chủ nhân và cô hướng dẫn cùng bật ra nhưng cô bé vội che mồm cuời, nghe rồi dịch tiếp - Tốt quá. Vậy là có duyên kỳ ngộ à - Chủ vẫy cô nhân viên nhà ăn đưa ra chai Mao-đài cùng mấy chiếc ly, tự tay mở rót và chạm cốc khách. Chẳng hiểu Nữ-nhi-hồng với Trạng-nguyên-hồng ngày xưa ra sao nhưng thứ Mao-đài này thật sự làm người ta kinh ngạc. Phong vị khác hẳn các chai nhãn vàng, nhãn xanh của loại Jonnie Walker xứ Britan ông vẫn thường phải cùng bà vợ chạm cốc khi có các sếp đến nhà. Nhưng khó có thể quên mùi vị này dù khách không phải là người sành cho lắm.

          Có một điều ông không hiểu. Tại sao Kỳ Tài hầu lại tạc bức tuợng La Hán co một chân như vậy? Hình như các chùa ở nước mình không có bức tuợng nào như thế.

          - Tôi chắc là Huệ Công đã kể cho học trò ngài nghe về chuyện Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương hồi hàn vi đã từng là chú tiểu ở chùa - Chủ nói khi thấy khách chăm chú xem xét bên chân co của bức tuợng- Phải lau hàng trăm pho tuợng trong chùa nên một lần chú tiểu đã cáu kỉnh đập vào chân pho tuợng La Hán " Co lên cho người ta lau!" La Hán sợ oai của chân mệnh thiên tử  vội co  chân lên nhưng vị sư trụ trì ngôi chùa tình cờ nhìn thấy, sợ quá vội cử chú tiểu đi học ở chùa khác. Chú tiểu-thiên tử ra đi vội vàng, quên bãi miễn lệnh thành ra pho tuợng La Hán ấy cứ co chân lên mãi!

          - Nhưng đây là bức tuợng đầu tiên do nghệ nhân tạc ra - chủ tiếp tục giải thích- Phải nói Kỳ.. à Vượng Công của nước ông rất thông tuệ và tinh ý. Chỉ đuợc nghe kể chuyện lại mà nghĩ ngay ra việc tạc tuợng La Hán co chân. Sau này các chùa ở quanh Tây An và Nam Kinh bên chúng tôi cũng đều tạc tuợng La Hán co chân theo tích ngày xưa. Hảo a, khách du thích lắm a! - Chủ phấn khích nói xen tiếng Việt-Bây giờ  hậu duệ  hai nhà bắt tay nhau liên thương sản phẩm thì tốt lắm a!

          Hình như cô Thỏ nhà mình đã có ý đồ liên thương với bên này nên mới thúc mình đi  du lịch - ông chợt nghĩ - Ngày xưa cô ấy đã đánh đổ chú Tễu, bây giờ còn định đánh những ai nữa đây?!

                   Vui chuyện khách cũng kể cho chủ nghe thêm về Vượng Công. Chuyện ngày xưa cụ chế tác ngai vàng cho vua Lê Cảnh Hưng. Lúc hoàn thành kiệt tác, khoái chí qúa đã ngồi thử vào nên bị tống ngục về tội khi quân. May là cụ kiếm đuợc bảy hạt gạo nếp từ  chiếc chổi rơm mới. Bảy hạt gạo biến thành  bảy con voi tinh xảo khiến viên quan coi ngục phải đệ trình Hoàng Thượng ngự lãm. Thói quen tạc đầu voi tí xíu vào các kiệt tác khác như một chữ ký kín đáo của cụ  chắc chắn bắt đầu từ lần thoát chết, lại đuợc ban tuớc Kỳ Tài hầu do Hoàng thuợng cảm mến tài  năng. Cả chuyện bức đại tuợng Linh Lang đại vương của làng mình có thể đứng lên chào mỗi khi có khách vào tham quan chiêm nguỡng, chẳng khác gì các tuợng trong miếu Gia Cát Võ hầu từng khiến Tư Mã Ý kinh hoàng trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa.

          Chẳng hiểu họ liên lạc với nhau từ bao giờ mà khi ông lên chuyến bay khứ hồi thì cô hướng dẫn viên (Thỏ con như ông vẫn gọi) đưa cho ông một bức thư của Thỏ lớn cô đã mang theo từ đầu chuyến đi.

          " Anh Tễu yêu quý! Chúc mừng anh đã thành Hảo Hán!  Nhưng em còn muốn hơn thế nữa. Muốn anh Tễu-Bảo Hà của em có mặt trên toàn thế giới cơ. Là người kinh doanh mà không còn ham mê và sự liều lĩnh thì coi như đã chết phải không anh. Em muốn anh trở về với tài năng của anh, muốn chúng ta có thêm tài sản bằng bàn tay mà em đã yêu từ lúc còn là cô bé con, anh có hiểu không ?

           Hai năm truớc em đã mua khu đồi mít cỗi của một chủ vườn đang định chặt hết đi để thay bằng giống mít tố nữ  Thái Lan. Mua cho anh Tễu của em. Để anh có bột mà gột nên tuợng vàng đấy ạ. Nhưng em giấu anh, cũng như giấu anh việc vẫn thường xuyên đến nhà mồ thăm hai đứa nó, thăm những bức tượng anh tạc rồi gửi ở đấy lúc em đi vắng. Anh đừng có nghĩ vớ vẩn về cô Thỏ của anh đấy nhá, em muốn cơ ngơi của chúng ta phải phần lớn là do bàn tay tài hoa của  anh làm ra cơ.           Tới đây anh sẽ hiểu ra câu châm ngôn "Bố đĩ giàu bố đĩ tiên, ông Sếp kiết tiền ông Sếp xéo"- là câu mẹ chồng em hay nói khi em mới về làm dâu xứ " thuốc nào Vĩnh Bẩu", em chỉ thay ông Lý bằng ông Sếp - Họ chỉ là bạn làm ăn thôi bố đĩ ạ.

          Em biết anh Tễu bây giờ hiếm khi tơn tớn được như ngày xưa. Một phần cũng tại cô Thỏ, nhưng cái chính là công việc buộc phải thế. Có những chuyện làm ăn  em đã giấu vì không muốn anh phải bận tâm nhưng bao giờ em cũng thích được là Cô nàng nho nhỏ, chân nhảy như thỏ.. để tròn mắt ngắm nhìn những tác phẩm do bàn tay anh Tễu nhà mình làm ra.."

          Còn có một bức thư điện tử  mới gửi nữa: " Công ty Cảnh Thái Lam đã gửi sang cho mình các thông tin cần thiết cho việc liên thương giữa hai bên. Mình sẽ làm đại lý bán Lam Cảnh thái còn họ đại lý bán đồ gỗ sơn mài-điêu khắc Kỳ Tài cho mình. Giờ anh Tễu đã có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ của cô Thỏ khi cô ấy tình nguyện trở thành dâu con của làng Bảo Hà. Cấm anh suy nghĩ lăn tăn gì về em. Chỉ bên anh Tễu cô Thỏ mới có thể cười như ngô nổ, không có anh Tễu thì cô Thỏ  chỉ thành đựơc món sốt vang thiu mà thôi.

           Về nhà chuyến này anh hãy tạt qua quê mình rủ bạn nghề cùng vào anh nhá. Vợ chồng mình đủ sức trả mức luơng ưu đãi cho nghệ nhân. Hoặc  có thể mở một chi nhánh của Công ty Kỳ Tài ở quê cũng đuợc anh ạ.

          Hãy bảo trọng anh nhá!"


 Hải Phòng 12/2005
                                                                                                        Ngọc Châu

No comments: