Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 30, 2010

TỤC ĐI SIM CỦA THANH NIÊN VÂN KIỀU : TỪ NGHIÊN CỨU TRONG NHÀ TRƯỜNG ĐẾN THỰC TẾ XÃ HỘI


Thứ 2 từ phải sang: Vì không “giữ mình” trong đêm tình đi Sim, Hồ Thị Nôi đã phải làm mẹ lúc mới 15 tuổi . ( Ảnh từ Việt Báo)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒNG BÀO VÂN KIỀU
TÀ OÁI: MỘT LÀN ĐIỆU DÂN CA CỦA ĐỒNG BÀO VÂN KIỀU
OAT-SA NỚT:MỘT LÀN ĐIỆU DÂN CA CỦA ĐỒNG BÀO VÂN KIỀU
NHẠC CỤ "SÁO KHUI"
BẢN KLU NỔI CỒNG CHIÊNG">


Tuyển tập Báo cáo “Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học” lần thứ 6
Đại học Đà Nẵng - 2008
TÌM HIỂU TỤC ĐI SIM CỦA THANH NIÊN DÂN TỘC VÂN KIỀU Ở MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG TRỊ
GVHD : ThS LƯƠNG VĨNH AN
Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Đà Nẵng
SVTH : DƯƠNG THỊ THU TRANG
Lớp : 04CVH1, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Đà Nẵng

TÓM TẮT
Mùa xuân là khoảng thời gian lãng mạn của thanh niên nam nữ người dân tộc Vân Kiều. Đi Sim là một phong tục truyền thống, là cách đi tìm người yêu của con trai con gái Vân Kiều ở miền núi tỉnh Quảng Trị. Thanh niên Vân Kiều khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng, họ được phép đến ngủ ở những ngôi nhà Xu. Trong những buổi đi Sim ấy, họ trao cho nhau những câu hát giao duyên đầy tình cảm lãng mạn. Họ có thể ngủ lại ở những ngôi nhà rẫy trong rừng. Khi đã phải lòng nhau, chàng trai sẽ tặng cho bạn gái mình một chiếc vòng bạc để thay lời yêu thương. Tuy nhiên, luật tục người Vân Kiều cũng qui định, khi chưa thành vợ chồng, nếu có quan hệ tình dục thì sẽ bị phạt và trục xuất ra khỏi cộng đồng. Đi Sim đã trở thành một nét thuần phong mỹ tục của người Vân Kiều ở Quảng Trị từ bao đời nay. Chúng tôi mong rằng, những nhà quản lý có trách nhiệm xây dựng nên những ngôi nhà Xu cho các bạn trẻ Vân Kiều, để những đêm Sim của họ ngày càng tao nhã, lành mạnh hơn.

MỞ ĐẦU
Đi Sim là một nét văn hóa lãng mạn của nam nữ thanh niên người Bru – Vân Kiều nói chung và người Vân Kiều ở Quảng Trị nói riêng. Đó cũng chính là truyền thống đáng tự hào của họ. Đi Sim là cách đi tìm người yêu của con trai, con gái dân tộc Vân Kiều từ bao đời nay.
Cái gì có thể mất đi nhưng tình yêu của con trai, con gái Vân Kiều thì xanh mãi như rừng Trường Sơn và chảy mãi như sông Đakrông. Những đêm Sim lãng mạn trong cảnh núi sông trữ tình là nền tảng đầu tiên cho hạnh phúc lứa đôi của người Vân Kiều. Nếp sống hiện đại kèm theo những luồng văn hoá không lành mạnh đang dần xâm nhập vào đời sống sinh hoạt của người Vân Kiều. Tục đi Sim với những giá trị truyền thống tốt đẹp đang đối diện với nguy cơ có thể mai một.

Tìm hiểu về tục lệ đi Sim của thanh niên Vân Kiều ở vùng núi Quảng Trị, chúng tôi muốn tìm về những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hoá này, đồng thời thấy được những nét đặc sắc trong tục đi Sim. Qua đó, mong muốn tất cả nam nữ thanh niên Vân Kiều biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, đừng để hoen ố, mai một đi những nét văn hoá độc đáo, những giá trị đã làm nên bản sắc của dân tộc mình.

NỘI DUNG
Chương một : QUAN NIỆM VỀ TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI VÂN
KIỀU Ở QUẢNG TRỊ

1.1 Đôi nét về người Bru – Vân Kiều
Người Bru – Vân Kiều được xem là dân tộc cư trú lâu đời ở Trường Sơn. Xưa kia người Vân Kiều đã từng sinh tụ ở miền Trung Lào, sau do những biến động lịch sử họ phải di cư đi các nơi, một bộ phận đi theo hướng tây bắc sang Thái Lan, một bộ phận đi về hướng
đông tụ cư ở tây Quảng Trị, họ dựng làng ở xung quanh hòn núi Viên Kiều, về sau gọi là người Vân Kiều. Dần dần với tục lệ du canh du cư, họ di chuyển dần về miền núi hai tỉnh lân cận là Quảng Bình và Thừa Thiên Huế[10.77]. Hiện nay tổng số dân của đồng bào Bru – Vân Kiều khoảng 40.132 người. Có người cho Bru là tên tự gọi của dân tộc này. Tên gọi khác là Bru, Vân Kiều. Với các nhóm địa phương bao gồm Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong[4.21].
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử người Vân Kiều đã sáng tạo nên những nét văn hoá riêng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của mình, đó chính là những cái làm nên bản sắc độc đáo của tộc ngư ời này. Những nét văn hoá đó thể hiện qua đời sống tâm linh, các nghi lễ thờ cúng, những luật tục truyền thống và các mùa lễ hội. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đến nay, người Vân Kiều nơi nơi đã không còn tập tục du canh, du cư mà dần đi vào ổn định, an c lạc nghiệp, ai cũng có cơm ăn, áo mặc trẻ em được cắp sách đến trường, sức khoẻ của đồng bào được chăm sóc đảm bảo, thông tin đại chúng đều được cập nhật mỗi ngày.

1.2 Người Vân Kiều ở Quảng Trị
Ở miền núi phía Tây Quảng Trị hiện nay có khoảng 26048 người dân tộc Vân Kiều sinh sống tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông với diện tích khoảng 2123,32 km2 , ngoài ra còn sống rải rác ở vùng núi một số huyện như Vĩnh Linh, Cam Lộ[10.77]. Người dân tộc Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị bao đời nay vẫn tự hào vì đã lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc mình. Bên cạnh niềm tự hào cách mạng, họ có cả một gia tài văn hoá cũng đáng trân trọng. Những phong tục, nếp sống được truyền từ đời này qua đời khác, dù chịu ảnh hưởng của nền văn hoá hiện đại tiếp thu từ người Kinh nhưng họ cũng biết chọn lọc, và không quên gìn giữ những nét làm nên bản sắc của dân tộc mình.

1.3 Những quan niệm truyền thống về tình yêu và hôn nhân của người Vân Kiều ở Quảng Trị
Người Vân Kiều ở Quảng Trị quan niệm, tình yêu và hôn nhân là bước đánh dấu sự trưởng thành thực sự của mỗi con người, là khi con người đã tự ý thức và quyết định cuộc đời mình. Nam nữ trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua quãng thời gian tìm hiểu, trong quá trình tìm hiểu có giai đoạn rất quan trọng chính là đi Sim. Sau khi hai bên đã thấy tâm đầu ý hợp sẽ về báo với cha mẹ. Sau khi hai bên gia đình thống nhất, đám cưới sẽ được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng còn phải làm lễ cưới lần thứ 2 khi có điều kiện về kinh tế, gọi là lễ Khơi, để người vợ chính thức được coi là thành viên dòng họ nhà chồng. Hiện tại, gia đình một vợ, một chồng ngày nay của người Vân Kiều phần lớn đã được xây dựng trên sự cảm thông và tình yêu của đôi nam nữ. Tình yêu và hôn nhân của người Vân Kiều ở Quảng Trị hết sức đặc biệt, tuy nhiên nó cũng rất hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của đời sống tiên tiến

Chương hai :ĐI SIM – MỘT PHONG TỤC MANG BẢN SẮC VĂN HOÁ
TRUYỀN THỐNG CỦA NAM NỮ THANH NIÊN VÂN KIỀU Ở QUẢNG TRỊ

2.1 Đi Sim - một phong tục truyền thống trong đời sống văn hoá của người Vân Kiều
Hoà chung với những nét đẹp văn hoá của những dân tộc trên đất nước ta, thanh niên nam nữ Vân Kiều ở miền núi tỉnh Quảng Trị với tục đi Sim đã làm nên nét bản sắc đặc biệt cho dân tộc mình. Con trai, con gái Vân Kiều khi đến tuổi trưởng thành họ tìm đến bên nhau để bày tỏ tình yêu. Việc tìm hiểu và bày tỏ tình yêu nam nữ theo tiếng gọi của dân tộc Vân Kiều là đi Sim. Đi Sim là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hoá, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Vân Kiều miền núi Quảng Trị.

2.2 Diễn biến mùa đi Sim
2.2.1 Mùa trăng – thời điểm lý tưởng cho những buổi đi Sim
Tục đi Sim thường diễn ra vào các mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng. Vì thế
mùa trăng được xem là thời điểm lý tưởng nhất cho những buổi đi Sim, là thời điểm mà những chàng trai, cô gái Vân Kiều luôn trông ngóng, đợi chờ. Hết mùa trăng này đến mùa trăng khác, nam nữ thanh niên Vân Kiều ở Quảng Trị vẫn giữ lấy tục đi Sim. Họ cảm thấy điều đó như một lẽ tự nhiên không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của mình. Trải qua bao biến động đổi thay của lịch sử, các thế hệ người Vân Kiều nơi đây vẫn luôn trân trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống này.

2.2.2 Núi rừng, sông suối – không gian tình yêu của những đêm Sim
Các đôi trai gái Vân Kiều thường hẹn hò với nhau bên những bờ sông con suối, hay ở những ngôi nhà Xu giữa cảnh núi rừng thiên nhiên thơ mộng, để rồi nên vợ nên chồng. Núi rừng, sông suối chính là những người bạn đồng hành thân thiết với những đêm tình yêu của con trai, con gái Vân Kiều. Núi rừng, sông suối bản làng người Vân Kiều từ bao đời nay đã làm chứng cho biết bao mối nhân duyên như thế. Từ thế hệ này sang thế hệ khác núi rừng, sông suối vẫn là người bạn đồng hành thuỷ chung với người Vân Kiều trong cuộc sống nói chung và trên con đường đi tìm tình yêu, hạnh phúc nói riêng.

2.3 Hát giao duyên - khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên người Vân Kiều

2.3.1 Nét đẹp của hát giao duyên
Đã bao đời nay, đồng bào Vân Kiều miền núi Quảng Trị vẫn lưu truyền một loại hát đối – một nét đẹp trong văn hoá ứng xử đầy chất thơ trữ tình, đằm thắm đã và đang tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc mình. Đó là làn điệu hát giao duyên dành cho thanh niên nam nữ đến tuổi trưởng thành, họ hát với nhau trong những lần hò hẹn – đi Sim. Cứ mỗi độ xuân về, những đôi trai làng, gái bản áo quần rực rỡ, sau khi đi thăm người thân, bạn bè chiều lại kéo nhau ra bờ sông, bờ suối để hát đối. Đấy là cơ hội để trai làng gái bản có dịp gặp nhau trao đổi tâm tình, ngỏ lời yêu thương.

2.3.2 Những làn điệu dân ca trong hát giao duyên
Người Vân Kiều có rất nhiều điệu hát dân ca, nhưng những làn điệu dân ca được dùng để hát giao duyên trong những buổi đi sim thì có ba loại chính đó là : Cha chấp, Oát, Xanớt. Cha chấp là loại hình đối đáp dành cho thanh niên nam nữ trong những buổi đầu hò hẹn. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng. Bước qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ còn nhiều nghi ngại, họ dần trở nên thân thuộc. Làn điệu Oát giúp những đôi bạn trẻ xích lại gần nhau hơn. Tình yêu của họ lớn dần lên qua những lời ca, điệu hát. Những câu hát Oát như trở thành người mai mối dẫn dắt họ mạnh dạn tìm đến bên nhau. Xà Nớt là làn điệu dân ca để bày tỏ mong ước kết đôi của hai người yêu nhau. Đó là khi họ tự thấy được niềm khát khao yêu đương của lòng mình, là khi họ thấy không thể thiếu được người mình yêu dấu trong đời.

2.3.3 Những nhạc cụ truyền thống tiêu biểu đi kèm với các làn điệu dân ca
Kèn Amam đi kèm với làn điệu Cha chấp. Trong những lần đi Sim và hát giao duyên, con gái là người giữ kèn Amam. Đây là loại kèn phải có hai người thổi và hát lên làn điệu Cha chấp để trao đổi tình cảm, giọng kèn trầm và âm vang. Còn làn điệu Oát thì phải đi kèm với kèn Tariền. Loại kèn này được làm bằng ống trúc, có dùi năm lỗ tạo ra sau thanh âm trầm bổng. Kèn Tariền dành cho các chàng trai thổi ở các nhà Xu để thổ lộ tâm tình với bạn gái.
Các chàng trai vừa thổi vừa hát Oát để nói lên nỗi lòng thầm kín với người mình yêu. Âm thanh của tiếng kèn Tariền vì thế mà tha thiết, rạo rực. Tiếng kèn Khui thì vang lên cùng với làn điệu Xà nớt. Kèn Khui là loại kèn thổi dọc có lưỡi gà làm bằng nứa rung tự nhiên. Về cấu tạo, nó là 1 ống nứa dài 30 cm, đường kính 0,5 cm. Điểm đặc biệt là cả hai người cùng thổi 1 ống. Khi hai người cùng thổi Khui và hát Xà nớt tức là họ đã trở thành một đôi tâm đầu ý hợp.

2.4 Những luật tục đi sim

2.4.1 Những luật tục được phép
Con trai con gái Vân Kiều đến tuổi trưởng thành, có thể đi Sim để tìm bạn đời, con trai Vân Kiều được phép qua nhà con gái chơi bất cứ lúc nào dù nửa đêm khuya khoắt mà không sợ làm phiền bố, mẹ cô gái. Khi đã phải lòng nhau, nếu không ngủ ở nhà xu thì đôi trai gái có thể rủ nhau ra rừng ngủ. Cô gái mang theo 1 cái chăn, 1 cái gối, bẻ lá khô lót làm chiếu. Đến sáng người con gái phải dậy sớm để về đâm lúa, múc nước, bẻ bắp cho gia đình.Tục lệ của người Vân Kiều còn cho phép nếu chàng trai đã phải lòng với cô gái nào thì khi màn đêm buông xuống họ tìm đến nơi cô gái nằm, rẽ vách bật tín hiệu. Đồng ý, cô gái sẽ mở cửa cho vào rồi họ lại dắt nhau ra rừng, ra chòi canh rẫy để tìm hiểu nhau.

2.4.2 Những điều tối kỵ
Khi đi Sim, luật lệ đầu tiên mà đám thanh niên phải học là không được ép buộc con gái yêu mình, không được tranh người yêu và phải nhường cho người đến trước.Theo tục lệ của người Vân Kiều đôi trai, gái vào rừng ngủ không được đem chiếu, không được bẻ lá tươi lót làm chiếu.Nam nữ trước khi tính đến chuyện hôn nhân phải trải qua quãng thời gian tìm hiểu, khi tình cảm và sự chọn lựa đã chín muồi, phải được sự mai mối của ông bà mối, được sự đồng ý của hai gia đình, hai dòng họ trước. Trong luật tục cũng như quan niệm của đồng bào Vân Kiều, khi chưa là vợ chồng của nhau thì tuyệt đối không được quan hệ tình dục với nhau, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt.

2.5 Giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của tục lệ đi sim của người Vân Kiều ở Quảng Trị
Người Vân Kiều ở Quảng trị từ bao đời nay vẫn luôn tự hào và yêu quý những truyền thống cha ông để lại. Con trai con gái Vân Kiều luôn tự tin vào tình yêu mà mình tìm được sau những lần họ hẹn của những đêm Sim. Tục lệ đi Sim vì thế mà có một chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn trẻ Vân Kiều. Đó là nét đẹp văn hoá, là nét thuần phong mỹ tục đáng được gìn giữ phát huy.

KẾT LUẬN
Đi Sim - một nét sinh hoạt đặc sắc đã trở thành biểu tượng văn hoá của người Vân Kiều nói chung. Con trai, con gái trưởng thành đều mong đợi những đêm Sim trữ tình, lãng mạn. Họ sẽ tìm đến bên nhau, trao cho nhau những lời tỏ tình bằng những câu hát dân ca Oát, Cha chấp, Xà nớt thấm đẫm chất thơ và chân thành, nồng ấm. Tình yêu của họ đẹp như đoá hoa rừng, hứa hẹn một mùa hạnh phúc. Đi Sim là một hoạt động văn hoá mang tình truyền thống, nó nhắc nhở người Vân Kiều hướng về nguồn cội, trân trọng gìn giữ những thành quả sáng tạo của cha ông. Những buổi đi Sim chính là những buổi giao lưu thân mật tạo nên sự gắn kết cộng đồng người dân tộc Vân Kiều ở các bản với nhau, tăng thêm tình thân, tình đoàn kết. Hôn nhân giữa con trai, con gái các bản với nhau là nhịp cầu để tất cả bà con trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn.Tục lệ đi Sim vì thế mà trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống đời sống tinh thần của người Vân Kiều. Chúng tôi tin rằng, dù cuộc sống có đổi thay thế nào thì nét văn hoá này vẫn mãi tồn tại, mỗi người Vân Kiều đều ý thức được giá trị truyền thống của nó để trân trọng, gìn giữ và tự hào.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Trọng Báu (2007), Truyện kể về phong tục, truyền thống văn hoá các dân tộc
Việt Nam, Tập 1. Nxb Giáo dục.
[2] Mạc Đường (1964), Các dân tộc miền núi Bắc Trung Bộ, Nxb Khoa học, Hà Nội.
[3] Nguyễn Văn Huy (1997), Bức tranh văn hoá các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục.
[4] Lê Văn Hoan (1996), “Tìm hiểu đời sống kinh tế - xã hội ở một xã miền núi Quảng Trị”,
Tạp chí Cửa Việt, số 19, tr 76 – 79.
[5] Nguyễn Hữu Quý (2004) “Tập tục hát sim – khát vọng tự do yêu đương của dân tộc Bru –
Vân Kiều”, Tạp chí Cửa Việt số 119, tr 66 –71

NHỮNG BÀI LIÊN QUAN:
BI KỊCH SAU NHỮNG ĐÊM ĐI SIM
Ân hận, xót xa rồi oán trách người tình phụ bạc, đó chính là tâm trạng chung của những phụ nữ trẻ người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị khi đã trót dại đánh mất “cái ngàn vàng” trong những phút giây nông nổi tại đêm tình đi Sim.
Không chỉ có vậy, sau lần quan hệ trước hôn nhân, nhiều cô gái đã phải làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ, hậu quả của nó là những đứa bé suốt đời không biết mặt cha.

Đi Sim và những cuộc tình chóng vánh
Đối với người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống ở miền tây Quảng Trị, “đi Sim” là một phong tục nhằm thể hiện khát vọng được tự do yêu đương, được tự do lựa chọn người bạn đời của mình. Khi trai gái đến tuổi trưởng thành, vào những đêm trăng hay đêm lễ hội, họ thường rủ nhau đến ngủ tại nhà Sim (nhà chung của cộng đồng) để tìm hiểu, tâm sự và hát đối đáp giao duyên qua điệu Xà Nớt, điệu Tà Oải, điệu Xoang...

Sau quá trình tìm hiểu nếu cả hai “ưng cái bụng”, người con trai sẽ trao cho người bạn gái mình yêu thương một chiếc vòng bạc làm kỷ vật rồi về báo gia đình chọn ngày lành, tháng tốt, mang lễ vật đến nhà gái đặt vấn đề cưới hỏi. Tục “đi Sim” cũng quy định nghiêm ngặt, hai người tuyệt đối không được quan hệ vợ chồng trước hôn nhân, nếu ai vi phạm sẽ bị già làng phạt nặng, trục xuất ra khỏi cộng đồng.

Nhưng đó chỉ là nét truyền thống của tục đi Sim ngày xưa, còn ngày nay phần nhiều đã bị biến tướng theo hướng buông thả. Tục đi Sim thời hiện đại như một cơn lốc đen làm thay đổi và băng hoại nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của người Vân Kiều, Pa Cô nơi đây.

Chúng tôi có mặt tại một đêm tình đi Sim ở miền sơn cước Trường Sơn. Trời bắt đầu chập choạng tối, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua trung tâm xã Tà Rụt, H. Đăkrông, khoảng hơn 10 thanh niên mới lớn ăn mặc bảnh bao chúi đầu vào nhau tán gẫu những câu chuyện phiếm rồi cười nói ra rả.

Chỉ lát sau, từ trong các căn nhà sàn, nhiều cô thiếu nữ với chiếc váy truyền thống bước ra. Họ nhanh chóng làm quen, đùa giỡn với nhau vài câu nói rồi cùng bá vai, bá cổ đi vào trong các quán cà-phê, quán nhậu bên vệ đường để tiếp tục trò chuyện. Đến lúc về khuya, khi sân chơi đã thưa dần, những đôi trai gái có ý đi Sim sẽ ngồi lại với nhau và sau đó đưa nhau ra các nơi vắng vẻ như bìa rừng, con suối hay căn lều trên nương rẫy để tìm hiểu và “tâm sự”.

Nếu ban ngày “thích con mắt, yêu giọng khèn” thì đêm đến, sau cuộc chơi tập thể là họ tự tách ra từng cặp và mang theo chiếu, cầm theo chăn vào những chốn hoang vắng tình tự. Và trong phút yếu lòng những cô gái đã đánh mất mình, bi kịch cũng bắt đầu nảy sinh từ đấy.

Lời ru buồn sau núi
Cơn mưa chiều từ đại ngàn đổ về càng làm cho Tà Rụt thêm buồn thảm và heo hút. Từ phía bên kia vách núi, trong căn nhà sàn bạc màu thời gian, tiếng người mẹ trẻ ru con não nề. Thấy chúng tôi lên thăm, chị Hồ Thị Brá (28 tuổi, ở thôn Rà Tụt 2, xã Tà Rụt, H. Đăkrông) vội vàng bỏ rổ sắn đang tách dở vỏ trên tay lại để mời khách vào nhà. Chị Hồ Thị Brá trầm ngâm kể về cuộc đời dâu bể của mình.

Trước đây, cũng như bao cô gái khác ở thôn, lúc đến tuổi xuân thì, vì niềm khao khát có một người bạn tình lý tưởng, Hồ Thị Brá đã nhận lời mời đi Sim cùng trai làng ở bản bên cạnh. Hằng đêm, khi cuộc chơi với số đông bè bạn ở quán cà-phê thưa dần, chị lại cầm theo chăn, chiếu ra bìa rừng, khe suối hay lên nương rẫy để đi Sim cùng bạn trai.

Nhưng sau cuộc tình say đắm chớp nhoáng, khi biết chị đã mang trong người giọt máu của mình, người đàn ông phụ bạc kia không cưới chị làm vợ mà còn chửi bới và sỉ nhục chị một cách thậm tệ. Nuốt nước mắt vào trong, đã 2 năm nay, Hồ Thị Brá đành chấp nhận ở vậy nuôi con trong sự tủi nhục và xấu hổ.

Chia tay Hồ Thị Brá, chúng tôi tìm đến nhà Hồ Thị Nôi (15 tuổi, thôn Ka Hẹp, xã Tà Rụt). Nhìn người đàn bà non trẻ, ngồi ủ rũ ru con phía góc nhà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Khi người bạn của tôi hỏi về những câu chuyện riêng tư thuộc về quá khứ, như chạm vào nỗi đau, nước mắt Nôi ứá ra rồi kể trong tiếng nấc: Cách đây một năm, Hồ Thị Nôi là thiếu nữ đẹp nhất thôn Ka Hẹp này. Nhưng vì mê mẩn tiếng đàn A Ben của một chàng trai làng bên cạnh nên đã nhận lời đi Sim rồi trao thân cho hắn. Nôi nghẹn ngào: “Tưởng hắn yêu miềng (mình) thật lòng nên miềng đã đi Sim bao đêm lên rẫy cùng hắn. Thế mà khi biết mình mang bầu là hắn bỏ đi khỏi bản biệt tăm...”.

Không chỉ riêng trường hợp của chị Hồ Thị Brá và Hồ Thị Nôi mà nhiều phụ nữ khác thuộc H. Đăkrông sau những cuộc tình đi Sim chớp nhoáng rồi để lại hậu quả khôn lường. Nhiều cô gái phải mang thai rồi nuôi con ở lứa tuổi 15, 16 đồng nghĩa với điều đó là có vô số đứa trẻ được sinh ra mà không biết đến mặt cha.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Cam, Chủ tịch Hội Phụ nữ H.Đăkrông cho biết: “Những năm gần đây, do ảnh hưởng của những luồng văn hóa xấu từ bên ngoài vào nên tục đi Sim của người Vân Kiều, Pa Cô đã biến tướng nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nạn tảo hôn, sinh con trước tuổi, ly hôn và nghèo đói. Vì vậy, sắp tới ngoài những biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, chúng tôi sẽ vận dụng linh hoạt, kết hợp nhiều biện pháp cứng rắn hơn để dần xóa bỏ thực trạng đau lòng này”.
Việt Báo (Theo CAND)

NỖI BUỒN ĐI SIM THỜI HIỆN ĐẠI
Theo Dân trí - 20/01/2010
(Dân trí) - Con gái, con trai người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô cứ đến tuổi trưởng thành là háo hức rủ nhau “đi sim” để tìm vợ, tìm chồng. Có cặp sống hạnh phúc nhưng cũng không ít những đứa trẻ ra đời mà không biết mặt cha.

“Đi sim” là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hoá, thể hiện khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Pa Cô, Vân Kiều (Quảng Trị).

Xưa, trai gái cứ tầm 12, 13 tuổi là bắt đầu “đi sim”, chủ yếu là vào các dịp lễ hội. Những buổi “đi sim” là lúc trai gái được phép đến ngủ ở những ngôi nhà Xu (nhà chung của cộng đồng) hoặc những ngôi nhà rẫy trong rừng; cùng trao nhau những câu hát giao duyên.

Nếu hai người phải lòng nhau, người con trai sẽ trao cho người con gái một chiếc vòng bạc thay cho lời yêu thương rồi về báo cho gia đình mang lễ vật đến nhà gái đặt vấn đề cưới hỏi. Tục “đi sim” cũng quy định hai người không được quan hệ trước hôn nhân, nếu vi phạm sẽ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng.

Ấy là nét đẹp của tục “đi sim” xưa. Còn nay, trai gái Vân Kiều, Pa Cô “đi sim” trong các quán cà phê, quán nhậu, thậm chí ngay bên vệ đường. Đám con trai mặc quần ống loe, áo chẽn “chim cò” bó sát; có người xăm trổ, có người nhuộm tóc vàng hoe xịt keo, vuốt thành từng chóp nhọn dựng đứng trên đầu; lại có cậu phóng xe tới lui tìm “đối tác”.

Dần về đêm, “sân chơi” thưa dần, các đôi nam nữ tản đi tình tự. Và sau những cuộc tình chớp nhoáng ấy, nhiều đứa trẻ không cha ra đời…

Căn nhà của Hồ Thị A Rá nằm lọt thỏm giữa mấy nóc nhà sàn của bản Ka Hẹp (xã Tà Rụt, Đakrông) được bao quanh tứ bề là đồi núi. A Rá có con mà không có chồng, kể: “Hồi mới quen, hắn hứa với miềng (mình - PV) nhiều thứ lắm. Miềng tin hắn nên chừ mới khổ. Đêm mô hắn cùng đến rủ miềng đi uống cà phê, uống rượu rồi ra đồi ngồi tâm sự đến gần sáng. Đến khi miếng có thai, hắn không chịu cưới miềng”.

Cố gắng hỏi về cha đứa bé, A Rá lắc đầu quầy quậy, một mực nói không muốn nhắc đến nữa. Con A Rá giờ đã hơn một tuổi, lớn lên với mẹ cùng ngô, sắn.

Vừa tròn ba tuổi thì mẹ mất do lên cơn động kinh trong lúc đang giặt dưới suối, cháu Hồ Xuân Thao ở bản Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, Đkrông, được gì ruột là chị Hồ Thị Nhung mang về nuôi dưỡng. Chị Nhung buồn bã kể, chị gái chị bị động kinh từ nhỏ, cách đây 3 năm bỗng mang thai và sinh bé Thao. Hỏi cha đứa trẻ là ai thì chị lúc nhớ lúc quên. Giờ mẹ cháu mất, chị Nhung mang về nuôi dưỡng nhưng vợ chồng chị cũng nghèo, không biết tương lai cháu ra sao.
Ở xã Thuận (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) có Hồ Ing và Hồ Thị Krai lấy nhau vừa được sáu tháng, khi cả hai đều ở tuổi 16. Đám cưới được tổ chức vội vã vì cái thai trong bụng Krai đã quá lớn, kết quả của những buổi “đi sim”. Cách đây mấy ngày, Krai khóc mếu ôm đứa con đỏ hỏn về nhà bố mẹ đẻ.

Chuyện của vợ chồng Krai không phải chuyện hiếm bởi những cặp vợ chồng trẻ con có quá nhiều lý do để tan vỡ. Hậu quả là lại thêm một đứa trẻ không cha.

Tỉ lệ phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều có thai trước hôn nhân những năm gần đây ngày một tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là biến tướng có phần “quá trớn” của tục “đi sim” thời hiện đại.
NGUYỄN HƯƠNG

“ĐI SIM” VÀO QUÁN
Báo Phụ Nữ online
PN - Không còn những “đêm sim” dưới ánh trăng vàng bên bờ suối vắng hay bên rẫy vào mùa lễ hội Puh Boh (giữa rẫy), ngày nay những thanh niên Vân Kiều, Pa Cô (Quảng Trị) có cách “đi sim” hiện đại hơn: vào quán cà phê, quán nhậu. Hậu quả của những cuộc tình chớp nhoáng ấy là nhiều đứa trẻ ra đời không hề biết đến mặt người cha.

Không còn những “đêm sim” dưới ánh trăng vàng, bên bờ suối vắng hay trên rẫy vào mùa lễ hội Puh Boh (giữa rẫy) để “Muốn có em về dệt cửi ở chân cầu thang/Muốn có em như cái chân khung cửi/Muốn có em mặc váy bên bếp lửa ở sàn”, giờ thanh niên đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có cách “đi sim” hiện đại hơn. Yêu nhau, họ rủ nhau vào các quán cà phê, quán nhậu đang mọc lên như nấm ở huyện Đakrông, Quảng Trị). Sau những cuộc tình “chớp nhoáng” ấy, nhiều đứa trẻ ra đời mà suốt đời không hề biết mặt người cha.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi
Căn nhà sàn nhỏ bé, xiêu vẹo của Hồ Thị A Rá nằm lọt thỏm giữa mấy nóc nhà sàn của bản Ka Hẹp (xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị), bao quanh tứ bề là đồi núi. Thấy tôi đến, A Rá buông mấy chiếc váy, áo sờn rách đang giặt, mời tôi lên nhà nói chuyện. “Hồi mới quen, hắn hứa với miềng (mình - NV) nhiều thứ lắm. Miềng tin hắn nên chừ mới khổ như ri. Hắn nói nếu miềng yêu hắn thì hắn sẽ cưới miềng. Đêm mô hắn cùng đến rủ miềng đi uống cà phê, uống rượu rồi ra đồi ngồi tâm sự đến gần sáng mới về nhà. Đến khi miềng có thai, hắn không chịu cưới. Hắn bạc tình lắm... Miềng không muốn nhắc đến hắn làm chi nữa”. Chị trả lời tôi về lai lịch cha đứa bé bằng những cái lắc đầu quầy quậy. “Con miềng tên là Hồ Thị Xuân. Khi biết miềng có thai, cha mẹ miềng buồn lắm. Miềng thương cha mẹ phải chịu tiếng, mang lời với dân bản nên xin cha mẹ cho dựng nhà để ở riêng. Chừ cực khổ mấy miềng cũng phải cố gắng nuôi con khôn lớn chứ biết làm răng” - giọng A Rá buồn như mưa trên lá.


Ba tuổi thì mẹ mất do lên cơn động kinh trong lúc đang giặt đồ giữa suối, cháu Hồ Xuân Thao - con của chị Hồ Thị Ơi ở bản Tà Rụt 2 (xã Tà Rụt huyện Đakrông) được dì là chị Hồ Thị Nhung (em ruột chị Ơi) mang về nuôi. Chị Nhung cho biết: “Chị miềng từ nhỏ đã bị bệnh động kinh. Cách đây ba năm, chị miềng mang thai rồi sinh bé Thao. Khi biết chị miềng mang thai, cả nhà miềng cứ gặng hỏi mãi mà chị không nói chi hết. Khi chị sinh, miềng phải đỡ đẻ cho chị. Hai vợ chồng miềng cũng nghèo khổ nên không biết sau này có nuôi nổi cháu không. Chừ gia đình miềng có sắn, khoai thì cho cháu ăn sắn, khoai qua bữa. Từ ngày chị miềng mất, miềng cứ trông ngóng cha của bé Thao có lúc nào đó động lòng thương con mà đến nhận con về nuôi, nhưng chờ miết không thấy. Cha mô mà mà nhẫn tâm, độc ác. Không thương chị miềng thì cũng thương giọt máu của họ chứ”.


Chi Hồ Thị Nhung bồng bé Hồ Xuân Thao đang tâm sự về hoàn cảnh khó khăn của gia đình với anh Kray Sức, cán bộ xã Tà Rụt. (Ảnh từ trang Phụ Nữ online, đăng lại trên baomoi.com)


Khi “sim” vào quán

Tục “đi sim” của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có từ thời xa xưa. Chính tập tục này đã làm nên nét văn hóa đẹp của các dân tộc này. Con gái, con trai người Vân Kiều, Pa Cô khi đến tuổi trưởng thành đều “đi sim” để tìm vợ, tìm chồng. Xưa, trai, gái “đi sim” vào các dịp lễ hội như lễ hội Puh Boh được tổ chức vào mùa rẫy (thường diễn ra tại nương rẫy của bản). Bắt đầu cho lễ Puh Boh, già bản đọc lời kính cáo với thần sứ Kníeq, sau đó việc giữ rẫy được giao lại cho tốp con gái trong bản ở căn chòi tạm dựng bên rẫy. Biết có con gái ở lại giữ rẫy, con trai các bản tìm đến để cùng vào “đêm sim”.

Bây giờ, tục “đi sim” hầu như không còn nữa. Trai, gái các bản ngày nay “đi sim” cũng hiện đại hơn nhiều. Họ không còn lên rẫy tìm gái đẹp nữa mà chủ động đến mời gái đẹp đi “tìm hiểu nhau” trong các quán cà phê, quán nhậu. Sau những “đêm sim” như vậy là nhiều đứa trẻ ra đời trong sự vô thừa nhận của người cha và tủi cực của người mẹ.

Kray Sức, cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt cho biết thêm: Ở xã Tà Rụt, trong số 19 em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn cần được trợ giúp thì có đến chín em rơi vào hoàn cảnh cha không thừa nhận hoặc bị bỏ rơi như trường hợp em Hồ Thị Bẹp, Hồ Văn Rực, Hồ Thị Biếc (bản Vực Leng), Hồ Văn Đạt, Hồ Thị Miên (bản A Đăng), Hồ Văn Đức, Hồ Thị Huyền (bản A Liêng), Hồ Cu Tầng (bản A Pun), Hồ Văn Tươi, Hồ Thị Xuân (bản Ka Hẹp), Hồ Xuân Thao (bản Tà Rụt 2). Ngày xưa, trai gái “đi sim” là để tìm hiểu nhau, thấy hợp nhau thì về báo cho gia đình mang lễ vật đến nhà gái để cưới hỏi đàng hoàng. Cưới nhau cả năm trời mới có con chứ không như bây giờ...

“Ơi anh! Gối em đã nhồi bông gạo
Em mong ngày âu yếm bên anh
Nhưng càng mong đường tình càng đứt
Càng mong anh càng rứt tâm can
Em phải khóc, nước mắt chảy trong đêm dài vô tận
Nước mắt thấm vào gối
Để cho mầm hột bông gạo đâm chồi”.

Trên đường về, chợt nghe tiếng bà mẹ trẻ nào đó ru con vọng ra từ căn nhà sàn nằm nép mình vào bóng núi, tôi tự hỏi, bà mẹ trẻ ấy ru con hay đang ru cho chính nỗi bạc phận của mình?
Tôn Hiền

VĂN HÓA, DU LỊCH, NGÔN NGỮ

Trần Hữu Thuần - Tiếng Quảng Trị
L.Cardiere - Ngữ âm tiếng Việt
Trần Xuân An - Tự tôn tiếng nói dân tộc

1 comment:

Đinh Thanh Hải said...

Hồi ở nhà mình cũng hay nghe mọi người kể chuyện đi Sim ... một tục của người dân tộc Vân Kiều ...