(Không rõ tác giả)
Oát-sa nớt là một lối hát ví von, có giai điệu và cung bậc rõ ràng để bày tỏ tình cảm, tâm sự lỗi lầm, chia sẻ niềm vui, khát vọng chinh phục thiên nhiên giữa những người trong cộng đồng dân tộc với nhau. Oát-sa nớt có từ lâu đời, đến bây giờ các già làng, trưởng bản chỉ biết rằng, đồng bào dân tộc phía nam Ðường 9 gọi là Oát, còn phía bắc Ðường 9 gọi là sa nớt.
Nhiều bài hát oát-sa nớt được thể hiện không có lời mà tùy thuộc vào lễ hội, điều kiện hoàn cảnh đặt ra mà hai bên (chỉ những người hát qua hát lại) ứng khẩu thành lời đối đáp với nhau. Bởi vậy, không phải ai cũng hát hay được mà chỉ có những người am hiểu, có tài ứng xử, nhanh nhạy mới có thể hát oát-sa nớt hay, có ý nghĩa và có sức thuyết phục.
Oát-sa nớt thể hiện trong các ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Vân Kiều như: Tết cổ truyền, mừng lúa mới, lễ đâm trâu, cưới hỏi... Hòa cùng với các làn điệu oát-sa nớt còn có âm thanh của các nhạc cụ như: sáo khui, cập a chung, kèn ca lui... biến đổi theo tâm trạng của người hát. Trước khi hát oát-sa nớt tại các lễ hội, người hát phải xin gia đình, trưởng tộc, trưởng bản, già làng nếu được những người đứng đầu cho phép mới hát. Lời "bạt" cũng phải thể hiện bằng lối hát có cung bậc, âm điệu rõ ràng. Còn hát oát-sa nớt trong các cuộc vui như gặp gỡ, thăm viếng là để bày tỏ tình cảm, chia sẻ niềm vui, nỗi nhớ nhung... với bạn bè, người thân, láng giềng. Trong những hoàn cảnh như thế nhạc cụ đơn giản hơn, chỉ cần một người hát và một người biết thổi kèn ca lui (kèn ca lui dài khoảng 0,8 mét, làm bằng tre lồ ô, có 6 lỗ, âm điệu như tiếng sáo tre).
Trong các lễ hội, sau phần cúng bái trang nghiêm, con cháu các dòng họ, bản làng được sum họp vui vầy, ăn uống thỏa thích và được múa hát oát-sa nớt. Trước hết, già làng nói về ý nghĩa của ngày hội để tạo thêm sinh khí, sức mạnh, sự cuốn hút với mọi người. Ðược sự cho phép, người hát trước sẽ xướng một câu thổ lộ niềm vui trong ngày lễ hội. Những người hát tiếp theo vừa lắng nghe lời, âm điệu câu hát vừa chuẩn bị hát đối đáp biểu hiện sự đồng tình, niềm vui để tạo được không khí ngày hội cho nhộn nhịp, sôi động hẳn lên. Những ngày lễ hội trong năm là dịp để người Vân Kiều hát oát-sa nớt với nhau, vui vẻ, sum vầy sau những tháng ngày nhọc nhằn lên nương, xuống rẫy toan lo cái ăn, cái mặc và là dịp để tự hào về lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Oát-sa nớt là lối hát thể hiện sự thông minh, tài ứng xử nhanh nhạy của con người trong việc mượn cảnh vật, sự việc để nói lên tình cảm con người, khát vọng yêu thương, chinh phục thiên nhiên trong cuộc sống thường ngày của người dân tộc Vân Kiều. Nét đặc sắc có tính dân tộc của làn điệu oát-sa nớt là góp phần giải quyết những bất hòa giữa con người trong cộng đồng dân tộc, ca ngợi tình đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng giàu đẹp. Bởi thế, oát-sa nớt sống mãi trong lòng người dân tộc Vân Kiều.
Nguồn: website Nhân dân
Hình từ trang Sài Gòn Tiếp Thị Online
No comments:
Post a Comment