Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 15, 2011

TRẦN XUÂN AN - TỰ TÔN TIẾNG NÓI DÂN TỘC, GIỌNG NÓI QUÊ HƯƠNG

Tặng bạn học cũ: Ngô Vưu, Nguyễn Giỏ và Dương Quang Gạt… Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Chiến, Nguyễn Đăng Chín và Võ Nguyên…



Nếu một người Việt không có lòng tự tôn, tự hào về dân tộc, về quê hương của mình, đó là điều đáng ngạc nhiên. Tuy vậy, ở những người Bắc Trung bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế, và cả một phần Quảng Nam, đôi khi họ vẫn tự cho mình là dân “trọ trẹ”, dân “Nôm”. Lắm lần, trong các cuộc chuyện trò, khi họ tự nhận như vậy, tôi nghĩ, hình như họ hơi tự ti về giọng nói mang âm sắc địa phương của mình, hay thực ra, đó chỉ là sự thể hiện tâm lí nhún nhường, khiêm tốn bởi quê hương, bản quán mình đã có quá nhiều điều đáng tự hào rồi.

Dân “trọ trẹ” hay “trọ trại”? Dân “Quảng Nôm” hay dân “Quảng Nam”?

Đúng là dân tộc ta luôn tự hào đã có một văn tự riêng, đó là chữ Nôm. Nhưng tại sao ta không nói là chữ Nam vì nó là sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, mà gọi là chữ Nôm? Vậy “Nôm” là âm trại của “Nam” hay “Nam” là âm Hán hóa của “Nôm”? Mặc dù có thành ngữ “nôm na là cha mách qué” từ miệng nói, trang viết của những kẻ ngày xưa vốn quá trọng vọng ngoại ngữ Hán, nhưng ngẫm cho kĩ, phải chăng từ “nôm na” lại có nghĩa là dân dã, quê kiểng, là từ ngữ, âm điệu Việt của người bình dân Việt, ở các làng thôn thuần Việt, không pha tạp, và họ thường “mách qué”, chơi khăm đối với những kẻ vong bản, ít ra là vong bản ngữ. Dẫu sao, từ xưa đến nay, hầu hết người Việt chúng ta vẫn sử dụng hai từ “chữ Nôm” với tất cả niềm trân trọng, tự hào, không hề mang sắc thái tự mỉa mai, giễu cợt chút nào.

Còn “trọ trại” hay “trọ trẹ”? Trong lịch sử, vùng Nghệ – Tĩnh và về sau, cả Bình – Trị – Thiên, thường bị gọi là dân kẻ trại? Trại là nói tránh bằng cách phát âm không chuẩn hay trại là quê mùa? Và phải chăng, trại còn là nơi quan quân kinh đô Hoa Lư, Thăng Long thường xem là biên châu ác địa, cần đóng trại canh phòng, chứ không phải là nơi sinh cơ lập nghiệp đời đời? Thì đúng rồi, người Bắc bộ, châu thổ sông Hồng phì nhiêu, chính là tác giả của từ “trọ trại”, “trọ trẹ” đó, cũng như những ai thường dùng thành ngữ “nôm na là cha mách qué” khá vong bản ngữ, như đã viết ở đoạn trên.

Vùng nào “chuẩn” hơn, Việt hơn vùng nào?

Dẫu là vậy, nhưng thú thật, thuở còn nhỏ, trong tôi có đôi chút vừa tự ái, vừa tự giễu cợt, như thắc mắc sao không phiên âm và dịch từ English thành Eng văn, nước England thành nước Eng mà lại chấp nhận không chuẩn “cho nó sang”, thành Anh văn và nước Anh? English, England, phải phát âm cho chuẩn là Eng-lis, Eng-lân(đ) chứ có ai lại phát âm thành Anh-lis, Anh-lân(đ) bao giờ đâu!

Âm địa phương Bắc Trung bộ, khi gọi những người cha mẹ sinh trước mình là eng, là ả hay eng, chị, những người được sinh sau mình là tam. Trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, có từ tam (em), trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có từ ả (cô con gái, chị gái), khoan hẵng bàn. Nhưng rõ là từ “anh” chắc hẳn là âm Hán rồi. Âm thuần Việt, là “eng”.

Mãi đến cuối tháng 6 năm HB6 (2006), tôi tình cờ mua được cuốn “Từ điển Mường – Việt”, của ba tác giả Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành, do Viện Ngôn ngữ học chịu trách nhiệm bản thảo và Nxb. Văn hóa dân tộc ấn hành. Tôi ngạc nhiên đến kì thú. Và tự hỏi, không biết người Bắc bộ “chuẩn” hay người Bắc Trung bộ “chuẩn”? Không biết người Kinh miền xuôi chúng ta “chuẩn” hay nhân tộc sinh đôi một trứng của chúng ta là nhân tộc Mường “chuẩn”?

Xem “Từ điển Mường – Việt”, tôi thấy rõ là cách phát âm của nhân tộc Mường (lấy âm chuẩn là ở Mường Bi), rất gần với cách phát âm hiện nay của người Thanh – Nghệ – Tĩnh, Bình – Trị – Thiên và phần nào đó của Quảng Nam.

Thử trích dẫn bất kì trang nào, chương mục theo phụ âm đầu nào, chúng ta đều thấy rõ như vậy. Xin trích dăm bảy mục từ:

Trang 162, sđd.: “Enh = anh // Enh hảo hói chi è? = Anh cần hỏi gì ạ? // Enh Khỏi, enh Wa = Anh Khói, anh Hoa”.

Trang 215, sđd.: “Khau nì = sau này // Khau nì há hay = Sau này hẵng hay”.

“Khau nựa = sau nữa // Khau nựa, tàn tôi hảo pỗ rằng… = Sau nữa, chúng tôi muốn nói rằng…” (Chắc hẳn “hảo” là “háu”, “pỗ” là “bảo” – TXA. chua thêm).

Trang 340, sđd.: “Nhà tlõ = nhà trọ // Cải nhà tlõ ớ pển xe từ ria lẳm = Nhà trọ ở bến xe nhiều rệp lắm”.

“Nhà tlong = nhà trong // Nhà tlong nả cỏ hal puồng táy = Nhà trong [của] nó có hai phòng (buồng – TXA. ct.) ngủ”.

Trang 404, sđd.: “Pừa – bừa // Da pừa cõn nà đỉ xong chua? = Anh bừa miếng ruộng đó xong chưa? // Tách tlu ti pừa = Dắt trâu đi bừa”.

“Pữa = bữa // Môch ngày da ăn mẩy pữa? = Một ngày anh ăn mấy bữa?”.

Trang 483, sđd.: “Ti du = cưới (đón dâu, lễ cuối cùng của một cuộc hôn nhân) // May nì ti du ủn Háo = Hôm nay cưới cô Hảo” (Mai ni [:nay] đi [rước] dâu cô Hảo – TXA. ct.).

“Ti đác = 1. đi dưới nước. 2. đi lấy một blic nước // Ha tều ti đác = Ta cùng [đều – TXA. ct] đi lấy nước”.

Trang 520, sđd.: “Tửa = 1. người đàn ông // Pay cỏ mẩy tửa = Bọn bay có mấy người (đàn ông)? = 2. đứa // Tửa nò ăn hết cỏi thôm khô ớ đây rồi? = Đứa nào ăn hết gói tôm khô ớ ni rồi?”.

Người Bắc Trung bộ và Quảng Nam hẳn có thể cảm thấy thú vị khi đọc những mục từ ngẫu nhiên tôi trích dẫn bên trên, và hẳn rất đồng ý với các tác giả của cuốn “Từ điển Mường – Việt”: Tiếng Mường “là một ngôn ngữ có quan hệ chặt chẽ về mặt cội nguồn với tiếng Việt, tiếng Mường còn lưu giữ nhiều dấu vết của tiếng Việt cổ ở tất cả các bình diện, nhất là ở bình diện ngữ âm và từ vựng. Vì thế, qua tiếng Mường có thể giúp cho việc làm sáng tỏ một số vấn đề không chỉ là tiếng Việt mà cả các vấn đề về dân tộc, văn hóa Việt” (sđd., tr. 7).

Với những kiến thức về dân tộc học, đặc biệt là Mường học và Việt (Kinh) học, cùng với nhận thức trên, qua đó, chúng ta có thể thêm quả quyết: Giọng địa phương phần nào ở Thanh Hóa, đặc biệt là ở Nghệ – Tĩnh, Bình – Trị – Thiên và phần nào ở Quảng Nam, gần với những âm sắc và từ vựng cổ hơn, so với các vùng miền khác.

Tất nhiên, chúng ta cũng đủ tinh tế về thẩm âm cũng như từ ngữ Hán – Việt để phân biệt đâu là người Mường nói tiếng Việt và đâu là người Việt gốc Hoa hay người Hoa học nói tiếng Việt, với ý thức rằng như bất kì ngôn ngữ nào, sự du nhập, vay mượn một số từ vựng tiếng nước ngoài vào tiếng Mường, tiếng Việt và ngược lại, từ tiếng Mường, tiếng Việt vào tiếng Hán – Hoa, là không phải ngoại lệ.

Phát âm nhất thống trên cơ sở nào?

Mặc dù lòng yêu quê hương, bản quán, cụ thể là yêu thấm thía ruột gan giọng nói quê quán mình, nhưng người Việt Nam, gồm cả 53 dân tộc, từ lâu vẫn xem tiếng Việt là ngôn ngữ toàn quốc, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, và cách phát âm mỗi vùng, thậm chí mỗi làng, mỗi xóm cũng có nét khác nhau, nhưng chung quy vẫn là một. Về mặt từ vựng, cũng thế, tuy có tiếng địa phương, nhưng không phải là không thể hiểu nhau. Hiện nay, với sự phát triển về các phương tiện truyền thông đại chúng, với ý thức đưa tiếng địa phương vào văn chương trong chừng mức nhất định một cách tinh tế, tài hoa, cũng là một cách làm giàu thêm tiếng Việt phổ thông. Về mặt chữ viết, chúng ta có chữ quốc ngữ abc, loại chữ kí âm phổ biến trên thế giới. Mặc dù đó là chỉ là cách phiên âm để tập nói tiếng Việt của các cố đạo ngoại quốc, nhằm mục đích truyền đạo của họ, rồi người Pháp dùng nó để xóa bỏ chữ Hán, chữ Nôm, dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn biết chớp lấy, hoàn thiện thêm đến mức chuẩn mẫu, từ những năm 20, 30 của thế kỉ XX. Chữ quốc ngữ abc kí âm (tôi nhấn mạnh: kí âm) là cơ sở để từ nhất thống vốn có lại càng nhất thống hơn.

Đó là những gì không phải mới lạ, nhưng cũng là một cách tự nhắc nhở. Đúng hơn, đó là cảm nghĩ của tôi từ rất lâu, lâu lắm rồi, về giọng nói quê nhà Quảng Trị – Huế, về giọng nói Quảng Nam thân yêu, và gần hơn, đó là kỉ niệm riêng, giữa tôi và người bạn cũ Ngô Vưu, một chiều hôm ngồi lai rai bên bờ sông Hương, sau ngày tôi mua được “Từ điển Mường – Việt”, cách đây cũng gần 8 năm…


Trần Xuân An

Tối 20, gặp lại bạn cũ quê nhà,

và chiều 21-7 HB10,

chợt nhớ sông Bến Hải, 56 năm Hiệp định Genève (1954-2010)


Nguồn: http://www.tranxuanan-writer.net

No comments: