Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 5, 2023

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (5) - Trương Ngọc Bỉnh

 



NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (5)


Trương Ngọc Bỉnh, 

Cựu học sinh Trường Trung học Công lập Hải Lăng, 

Khóa 5, 1964 - 1968 


( Phần 5 , tiếp theo)


Chân dung và ký ức về Thầy giáo, Cô giáo ngày ấy 


     Như trên đã dẫn, trường không có Hiệu phó nên nề nếp, nội quy, kỷ luật học sinh đều do Thầy Võ Văn Dự đảm trách, với chức danh Giám thị, đồng thời kiêm nhiệm thêm một số việc hành chánh do Thầy Hiệu trưởng phân công, na ná như trợ lý Hiệu trưởng.

     Thầy Dự có chiều cao e nhất trường so với các Thầy! Phóoc Thầy hơi gầy; đặc biệt Thầy có bộ ria mép cá trê, được trau chuốt tém tỉa gọn ghẻ cũng dễ nhìn nhưng cũng không kém phần uy lực khi cầm ba tông lướt qua hành lang các lớp. Khuôn mặt và nước da Thầy hơi ngăm đen. Trông Thầy có dáng dấp, tác phong nhanh nhạy như một sỹ quan ngoài trận mạc! Các cậu con trai chúng tôi đôi lúc cũng lè phè, cũng có đứa quên để ý, có người thích ra oai: không đóng áo vào quần, dép không có quai sau ... đều được Thầy Dự "hỏi thăm sức khỏe" bằng chiếc gậy phết vào mông, bay bụi, nghe lốp bốp như pháo xếp giấy. Chúng tôi chạy tá hỏa ra tứ phía! Thế nhưng còn đỡ hơn lãnh "giờ cấm túc". Khi học sinh vi phạm nội quy kỹ luật nhiều lần, có hệ thống, được xem là "nổi trội" trong trường, được Giám thị theo dõi vào Sổ cấm túc, được gọi về văn phòng, có bàn dành riêng , mang theo sách vở tự học ở đó cho đến trống tan học mới ra về! Số giờ cấm túc là cơ sở để giáo sư hướng dẫn đánh giá xếp loại hạnh kiểm kết hợp học lực mà xét kết quả cuối năm. Hầu hết số học sinh ở lại lớp đều do học lực cả năm loại Yếu! Số học sinh ở lại lớp không loại trừ nữ sinh! Không hề có sự chỉ đạo tổ chức ôn tập, thi lên lớp, rèn luyện Hè ... để đạt được chỉ tiêu, xét thành tích thi đua ... Như vậy không có tấm vé "ngồi nhầm lớp" hoặc ở lại 2năm/ 1 lớp cho các "cậu Ấm, cô Chiêu"! Với quy chế học tập và nội quy kỷ luật nghiêm khắc, rõ ràng do đó các cô, các cậu cũng phải tự lo học, ráng gồng mình theo khuôn khổ như lính mới vào quân trường phải buộc mình, ép xác rèn luyện theo quân phong quân kỷ... không còn như mấy năm trước ở trường làng: đi chân đất, mặc quần cộc nghêu ngao, la cà ...

     Đang giờ ra chơi, nghe đám bạn la lớn  Giám thị! Giám thị!" là chúng tôi nhìn lướt qua tác phong của mình! Thầy Dự quản lý trên mấy trăm học sinh mà hiếm khi xẩy ra một vụ đánh nhau có tổ chức. Có chăng chỉ là xích mích, lời qua tiếng lại rồi bạn bè đôi bên can thiệp kịp thời, giao hảo, bắt tay nhau làm thân lại là huề hòa. Ngày đó không hề có học sinh bị mức kỷ luật phải đuổi học!

     Ngày tổng kết năm học 1967 - 1968 cũng là ngày tốt nghiệp ra trường của lớp Đệ tứ chúng tôi - được tổ chức tại Trường Tư thục Bồ Đề Hải Lăng (Sân vận động củ của xã Hải Thọ), hôm đó vắng bóng Thầy Võ Văn Dự. Chúng tôi nghe mang máng là Thầy Dự bị động viên hay chuyển đi nơi khác mà không chắc cho lắm!

Nói về đội ngũ giáo sư bộ môn của trường thì rất thiếu nhưng được đào tạo chính quy, xuất thân từ các khoa, trường Đại học Huế: Sư phạm, Khoa học tự nhiên, Văn khoa ... nói chung chuẩn mực, đa dạng! Thầy giáo, Cô giáo ra trường còn "mới toanh", trẻ trung, đa số chưa có tổ ấm riêng, có quê ở thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, Nhan Biều ... xa và nhiều hơn đều từ đất Thần kinh - sông Hương, núi Ngự. Thầy giáo, Cô giáo giảng dạy, quản lý từ bậc Trung học đệ nhất cấp trở lên được tôn xưng trên văn bản là "giáo sư".

     Ngày ấy, quý Thầy giáo, Cô giáo truyền dạy tận tâm không những kiến thức mà còn có cả kinh nghiệm, kỹ năng sống thực tế cho lớp trẻ chúng tôi. Hình ảnh, phong cách của các Thầy, Cô giáo là tấm gương tỏa sáng tới mỗi học sinh. Lớp học trò chúng tôi ngày ấy - nay đã có con đàn cháu đống - vẫn còn ấn tượng những "tấm gương cổ" vẫn còn sáng mãi trong từng thế hệ học sinh mỗi lần Thầy xưa, trò cũ hội ngộ, hàn huyên chuyện trường xưa, lớp cũ. Ngày ấy, phụ huynh nhận thức và tôn vinh những người giảng dạy, giáo dục con em họ là tầng lớp trí thức, là "khuôn vàng, thước ngọc". Người Thầy không bị tác động, thúc bách, nhắc nhở rèn luyện bằng khẩu hiệu, áp phích...bởi họ biết "kính trọng sự tôn vinh của phụ huynh"; không làm lu mờ phẩm hạnh, kiềm chế mọi cám dỗ của vật chất ... Nói chung không vượt qua làn ranh giới hạn của luân lý, đạo đức nghề nghiệp, pháp luật ...

(Còn tiếp)


No comments: