HÀN MẶC TỬ VÀ MAI ĐÌNH
Trích HK “Về người cha thi sĩ”
Chương: Những người bạn của cha.
Khi còn ở Hà Nội, tôi thường nghe cha ngâm nga
“trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ bao giờ
tôi hết được yêu vì…/ ai đem tôi bỏ xuống hầm sâu…” lời bài thơ sao tội
nghiệp, cay đắng làm vậy, tôi tò mò hỏi cụ, và ông kể cho nghe về người công
dân số hai của nhóm thi hữu ở đất Bàn Thành thuộc xứ Nẫu…
Sau giải
phóng, năm 1988, ba tôi vào Sài Gòn thăm con và bạn thơ. Ông trình ra một tờ giấy A4 chi chít tên người và địa chỉ những người
cần đi thăm trong dịp này.
Rồi, sau khi
thăm nữ sĩ Mộng Tuyết phu nhân của nhà thơ Đông Hồ, đến chú Chế Lan Viên, ông
Tôn Thất Kham, ông Nguyễn Bá Tín – em Hàn Mặc Tử; ông bảo với con rể “Mai ta sẽ đến thăm cô Mai Đình, bạn gái chú
Tử nghe con”.
Nghe đến tên
Mai Đình, tôi ngỡ ông đang nhắc tới một huyền thoại, một nhân vật trong chuyện
cổ tích ở tận chân trời góc biển nào đó. Ngờ đâu cô chỉ ở cách tôi có hai phường.
Cô ở P.25, tôi P.27- Quận Bình Thạnh.
Tính tôi rất
tò mò, mỗi khi nghe tên ai dính đến Hàn Mặc Tử, tôi muốn tỏ tường về những người
đàn bà của nhà thơ giàu ngôn ngữ tình yêu nhưng nghèo sức sống này lắm.
Sau khi đi
thăm cô Mai Đình về, nhìn vẻ tươi rói của ba khiến tôi càng tò mò. Tôi hỏi
ngay: “Cô Mai Đình giờ thế nào ba?” Ý
tôi muốn biết diện mạo, tính tình hiện nay của cô. Chả là vì, khi xem bản thảo
HK “Hàn Mặc Tử anh tôi” của ông Nguyễn
Bá Tín – em Hàn Mặc Tử, thì nhân vật cô Mai Đình là một thanh nữ không nhan sắc,
không đứng đắn, đơn phương yêu Hàn say đắm nhưng không được đáp lại, còn bị bác
Tử không dám nhìn mặt vì quá xấu. Đáp lại sự tò mò của tôi, ông già nói: “Cô già nhưng trông rất trí thức, rất sôi nổi
và nhiệt tình ”. Tôi không thích câu trả lời này, nhưng sau đó ông nói tiếp:
“Gặp ba, bà mừng như “cá gặp nước, như rồng
gặp mây. Suốt buổi trò chuyện với ba, bà chỉ nhắc tới Hàn. Ba thấy tình cảm của
bà đối với Hàn còn nồng nàn lắm… Bà say sưa kể về ông mà không màng đến có người
chồng đang ngồi cạnh ba, bà đọc thơ tình viết về Hàn cho ba nghe làm ba ái ngại
quá
EM VẪN BÊN ANH
Lần này em đã quyết tâm
Về đây ở một hai năm mới
đành
Để em theo dõi bệnh
tình
Bữa ăn, giấc ngủ cho
anh đỡ sầu…
Mai Đình
Quả thật, gặp
ba tôi-người cuối cùng của Bàn Thành tứ
hữu, cô Mai Đình vui lắm, dường như đã thỏa nỗi khát khao được trút hết bầu tâm
sự cho người bạn của người mình thương nhớ mà bấy lâu chưa giải bày được với ai
cả. Nghe cô Mai Đình nói về tình cảm của mình đối với Hàn Mặc Tử, thành thật mà
nói, ba tôi vô cùng cảm phục ở cô điều mà ít ai làm được .
Nghe ba kể lại,
tôi cũng bái phục tình cảm của cô đối với bác Hàn. Ối! sao có thứ tình yêu đẹp,
thanh cao, thánh thiện đến khó tin như vậy, mà lại thực 100% kia đấy. Chính những bài thơ này đã bộc lộ hết tình cảm
chân thật của bà đạt tới độ chiêm nghiệm đến vô thường . Bà như trải hết lòng
mình, như một lời thách thức với văn chương, với bạn bè, và người thân :
TUYÊN BỐ
Tôi chẳng sợ cảnh nghèo
hèn đói khó,
Tôi không kiêng thứ da
thịt khác người
Vì lòng tôi, tôi chỉ biết
yêu thôi
Và thân thể có phải đâu
châu ngọc?
Tôi yêu chàng đã khắc
sâu vào tim óc,
Tôi thờ chàng như một vị
thần linh…
Mai
Đình
Từ khi gặp lại
nhau, ở quê, ba tôi thường xuyên nhận được thư cô gửi thăm. Những năm cuối ba
tôi thường đau yếu cô rất quan tâm đến sức khỏe của ông như cô em đối với người
thân còn lại. Lần nào về Qui Nhơn, bận gì bận cô vẫn tìm cách lên thăm ông. Cô
còn làm cầu “nối vòng tay lớn” giữa
nhà thơ với đồng hương Bình Định. Trong đó có cô Hoa Phương, vợ của nhà thơ Lam
Giang. Tiếc thay hai người chưa có dịp hội ngộ: Cô Hoa Phương để lại thư cho ba
tôi:
“…Rất tiếc là anh đi vắng. Vì thế tôi
không được may mắn làm quen với anh. Tôi tâm nguyện là khi về tới Qui Nhơn sẽ
tìm đến thăm anh chị với tất cả tấm lòng quí mến. Thơ anh rất hay, tình anh chị
rất đẹp “qua thơ của anh” cho nên tôi ước ao được gặp, thật đáng buồn! Tôi đã
già, gần 70 tuổi khó lòng về Qui Nhơn được nữa để thăm anh chị-một nhà thơ vào
bậc thầy. Tôi xin phép anh cho tôi được gửi đến tặng anh vài bài thơ mới tập
làm. Trước đó cũng có làm chơi một vài bài nhưng chưa gọi là thơ, chưa hiểu gì
về luật-mong được anh thương những cô em gái tỉnh nhà yêu thơ-mà đừng cười chê,
trái lại xin anh nâng đỡ những cây bút nữ còn rất híếm hoi trong tỉnh nhà để
đàn em nó nhờ.
Kính chúc anh chóng bình phục, chị trọn
vẹn hạnh phúc bên anh đến giờ chót của cuộc đời.
Thân kính
Qui Nhơn 29/5/1991
Lâm Bích Thủy
No comments:
Post a Comment