Nhà văn Sơn Nam |
Gặp nhà văn Sơn
Nam ở Sài Gòn
(Khoảng 20 năm
trước.)
Nguyễn Đặng Trí
Tín
Có người gọi ông
là nhà văn, có người gọi ông là nhà văn hóa, nhà dân tộc học, người thân mật gọi
ông bằng Tía, cánh xe ôm gọi là “ông đi bộ”. Đó là ông Sơn Nam.
Những ai yêu quý
đất Nam Bộ này đều biết đến ông. Ông bình dị như cục đất, sần sùi như cây mắm,
cây tràm của vùng nước biển đen Rạch Giá quê hương ông. Ông không a dua theo thời
cuộc, ghét thói đạo đức giả. Văn ông cũng như đời ông, chuyện ông kể như là
chuyện của “anh Hai” Nam Bộ, không bóng bẩy dài dòng mà đầy ắp sự kiện. Đó là
những phong tục, tập quán của những người đi khai hoang mở đất. Đó là câu chuyện
của những người dân tài trí dũng cảm, hào phóng, trọng nghĩa khinh tài, bộc trực,
cởi mở, thắm đậm nghĩa tình. Đó là những chuyện mà mới đọc ta tưởng như là chuyện
“Gia đình Bác Tám” hay chuyện “Bác Ba Phi”, nhưng nhìn sâu bên trong còn chứa đựng
một nét văn hóa đặc trưng độc đáo. Người nông dân chân đất coi ông là bạn, các
nhà văn, nhà dân tộc học nghiên cứu lịch sử khẩn hoang Nam Bộ coi những tác phẩm
của ông là một kho tàng vô giá.
Cách đây không
lâu, một Việt kiều là giáo sư Vật lý chỉ qua hai truyện ngắn trong tập “Hương rừng
Cà Mau” đã chuyển thành phim “Mùa len trâu” được cả thế giới khen ngợi. Nhân dịp
ra Hà Nội, tôi mời gia đình một anh bạn sinh ra ở Hà Tĩnh, đang giảng dạy tại Đại
học Bách Khoa Hà Nội, đi xem phim này. Anh bạn cám ơn tôi rối rít, tâm sự rằng,
nhờ dịp đó anh lại biết thêm về một đời sống văn hóa độc đáo của người Việt
mình và lấy lại cảm hứng xem phim rạp một thời.
Mấy hôm này nghe
tin ông mất, tôi bàng hoàng như mất người chú ở quê nhà. Nhờ ông tôi yêu nơi
mình đang sống, thích bản những bản vọng cổ của miền mênh mông sông nước. Qua
những tác phẩm của ông tôi sống cởi mở hơn, không còn giữ kẽ như ngày chưa vào
Nam sinh sống.
Đã hơn 10 năm
trôi qua kể từ ngày tôi có cái may mắn gặp ông nhưng hình ảnh ông lại hiện về
như là mới gặp tháng trước. Hôm đó, vào một buổi trưa, ở nhà sách Văn Nghệ trên
đường Lý Chính Thắng, tôi tình cờ gặp ông. Sau một lúc chào hỏi, tôi mời ông ra
quán ngay gần đó. Trong khi chờ ly cà phê và dĩa cơm bụi, ông lại nói về tài chế
biến “cà phê bắp” của dân mình, rồi văn hóa nhậu của Sài Gòn. Nhìn con cá bông
lau trên đĩa cơm ông lại nói chuyện cá ba sa xuất khẩu, nhìn cái cột điện ông
nói lịch sử cái cột đèn qua mỗi thời kỳ. Ở đâu ông cũng nhìn ra chuyện để nói về
văn hóa của quê mình. Ông nói chuyện cái bàn thờ của người Nam Bộ, bức tranh tường
thờ bên trong không phải âm u như bàn thờ ở ngoài Trung, ngoài Bắc mà vẽ cây
hoa hoa đỏ hướng ra biển, như muốn người chết vui ở thế giới bên kia. Rồi cái
nhạc đám tang cũng khác, không mang nặng u buồn tang tóc.
Chuyện làm cố vấn
cho phim “Người tình”
Rồi ông kể tôi
nghe câu chuyện về lần làm cố vấn cho phim “Người tình”. Không biết do ai giới
thiệu, ông đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud mời ông làm cố vấn về mảng
văn hóa cho đoàn làm phim “Người tình”. Đọc lời giới thiệu ở đầu phim tôi tưởng
ông được nhiều tiền lắm, té ra chỉ 500 đô la. Tôi hỏi: “Sao bác không đòi nhiều
hơn?”, ông bảo: “Họ khôn lắm mày ơi. Họ hỏi tao mỗi tháng thu nhập được bao
nhiêu tiền nhuận bút, rồi so với số ngày tao phải đi, họ nhân đôi lên." "Sao bác
không mặc cả?" Ông tỉnh bơ: “Mình nghèo mà, lỡ họ đi mời người khác thì sao. Hơn
nữa mình cũng không bao giờ có dịp như thế”. Ông lại tiếp: “Thực ra nhờ đó tao
lại biết được rất nhiều thứ quý hơn cả tiền bạc. Mà tiền có mười lần hơn thì
cũng hết rồi”. Ngừng một lát ông kể tiếp, một hôm có đoạn quay trên sông ông đạo
diễn hỏi ông, dòng sông quê ông có cái gì độc đáo. Điều này nằm ngoài chương
trình và sự chuẩn bị của ông. Ông bảo chờ một chút, ông xin tách đoàn châm điếu
thuốc, hình ảnh dòng sông năm xưa hiện về. Rồi ông quay nhanh lại chỗ đạo diễn
và trả lời: “Tôi chưa từng tới sông Sein, chưa thăm sông Amazone, tôi không biết
các con sông đó như thế nào, nhưng hình ảnh đáng ghi nhớ ở dòng sông Cửu Long
trong tôi là những đám lục bình trôi lững lờ”. Ông đạo diễn thích quá, cho mua
lục bình về thả. Hình ảnh trong phim sau đó rất ấn tượng. Nhờ vậy ông lại được
thưởng mấy ngày phép.
“Thích nhất là
Henry Miller”
Tôi hỏi, ông
thích truyện ngắn của ai nhất, ông trả lời: “Thích Henry Miller”. Lúc đó tôi chỉ
biết Henry Miller là nhà một tác giả nổi tiếng người Mỹ. Tôi đánh bạo hỏi thêm,
“Bác thích ở điểm nào?”. Không ngờ ông giảng cho tôi một lúc về Henry Miller,
tôi chỉ nhớ đại ý rằng, ông thích Miller bởi lối viết phóng khóang, cởi bỏ mọi
ràng buộc, mọi thứ ước lệ trong cuộc đời, mang con người đến với tự do. Miller
viết sex nhưng không trần tục. Thật bất ngờ, một ông già nhà văn chân quê như cục
đất chuyên viết về miệt vườn lại hiểu rõ và một tác gia hiện sinh như thế. Gần
đây tôi đọc một ít về Henry Miller, mới biết thêm rằng ông ta là một nhà văn đường
phố, lấy đời sống đường phố làm trường học cuộc đời. Sơn Nam có ảnh hưởng của
Henry Miller hay không vượt xa tầm hiểu biết của tôi. Chỉ xin trích ra đây một
đoạn của Henry Miller luận bàn về sáng tạo để bạn đọc tham khảo.
“…Từ chút ít sách
vở tôi đã học, tôi nghiệm ra rằng những người lặn lội sâu nhất trong cuộc đời,
những người nhồi nặn cuộc đời, những người chính là cuộc đời, đều ăn ít, ngủ
ít, thủ hữu ít hay không có gì cả. Họ không có bất kỳ một ảo tưởng nào về bổn
phận, hoặc nối dõi tông đường hay duy trì quốc gia. Họ chỉ quan tâm tới chân lý
và chân lý mà thôi. Họ chỉ chấp nhận một hình thức hoạt động: sáng tạo. Không một
người nào có thể chỉ huy công việc họ, bởi vì họ tự nguyện tất cả. Họ cho
không, bởi vì đó là cách duy nhất để cho. Đó là lối sống lôi cuốn tôi: nó làm
thành thiên lương. Đó là cuộc đời – chứ không phải là sự giả đò mà những người
xung quanh tôi thờ phụng…”. (Bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu).
Tạm biệt ông, tôi
có ý định chở ông về nhà. Ông lại bảo “Để tao đi ra đầu đường coi có đứa nào
tao quá giang, hôm nào không có ai thì đi bộ, mỏi chân thì đi xe ôm”. Tôi nhìn
theo bóng ông xiêu vẹo xa xa…
Từ đó đến nay tôi
không có dịp gặp ông nữa. Hôm tới viếng ông tôi cứ bùi ngùi hối tiếc, sao không
chịu tiếp cận với ông để hiểu biết thêm phong tục, tập quán, văn hóa Nam bộ,
cũng như cuộc đời ông . Nhìn ảnh ông đội khăn đóng mặc áo dài, tôi lại nghĩ,
ông viết về quê hương, đất nước con người, thế thì ông có viết về chính mình?
Lục lọi mãi tôi
không tìm thấy đoạn văn nào đắc ý. Bỗng nhớ một người đã nói, các nhà viết văn
xuôi thường gửi gắm đời mình qua thơ. May mắn quá, giở lại cuốn “Hương rừng Cà
Mau”, tôi bắt gặp một bài thơ ông tổng kết cuộc đời mình. Riêng hai câu cuối đọc
xong tôi thấy nhẹ nhàng và càng khâm phục ông:
“Phong sương mấy
độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng
mình nhớ đất quê…”
Nguyễn Du ví tác
phẩm mình như “Lời quê chắp nhặt dông dài”, ông lại ví mình như là hạt bụi. Hạt
bụi nay đã nhẹ nhàng trở về cố hương.
NĐTT
(2008)
(2008)
No comments:
Post a Comment