Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 8, 2018

MỘT CHUYẾN ĐI PHI - Bút Ký - Chế Cẩm Đình




MỘT CHUYẾN ĐI PHI

Chế Cẩm Đình

Rồi cũng đến lúc lên đường sau bao nhiêu thời gian háo hức chờ đợi của anh cu con. Chuyến bay J752 của hãng hàng không Cebu đưa hai chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Aquino của Manila Metro vào lúc năm giờ kém sáng. Bắt xe bus về khu trung tâm Malate city là nơi được giới thiệu có nhiều danh tích cổ cần thăm thú.

Con đường Radial chạy dọc theo bờ vịnh Manila với một bên là biển và bên kia thì có nhiều hoa viên xinh xắn. Bờ vịnh được kè bằng bê tông chứ không có bãi cát để tắm, nhưng không vì thế mà kém đông người ra ngắm biển hay tập thể dục, và cả sinh sống ngay ở đó!

Phố cổ Malate với ngôi thánh đường cùng tên bằng đá được xây dựng từ hồi thế kỷ 16 khi người Tây Ban Nha đã thiết lập hoàn tất việc đô hộ xứ sở này, cùng với nhiều địa danh mang âm ngữ Latin là những chỉ dấu của thời thực dân còn sót lại. Ngoài ra thì nơi đây vẫn là một kiểu thành thị Á nhiệt đới với những khu phố nghèo nàn lụp xụp và người vô gia cư rất đông đúc. Họ sinh sống từng tụm gia đình dưới những mái lều tênh hoanh nhếch nhác ngay trong công viên hoặc bằng một tấm nilon trãi dưới vỉa hè. Ngoài bờ kè cũng vậy, người già, trẻ con, trung niên hay thanh nữ cũng đều sống lăn lóc ở đó. Có khi trên chiếc thuyền chành con con hay một chiếc Satda strike - loại xe thồ ba bánh - là cả một gia đình. Lúc bắt được khách thì người vợ sẽ nhanh chóng nhấc xuống những đứa trẻ đang ngủ ngon lành trong chuồng xe cùng mấy thứ đồ đạc lỉnh kỉnh xuống để anh chồng đánh cuốc.

Vì người vô gia cư đông như vậy nên các con phố ở Malate hết sức mất vệ sinh, mùi hôi hám cứ xộc vào mũi tanh không chịu nổi nên đành bắt Jeepnee, một loại xe đặc trưng của đường phố bên này với màu sắc sắc sỡ cùng tiếng động cơ ầm ĩ vui nhộn để qua Makati city, nơi được xem là khu trung tâm của toàn thành phố Manila.

Và đúng, Makati rất phồn vinh và hiện đại chẳng kém gì Singapore hay Hương Cảng. Xe cộ, đường sá cứ như luồn qua những dãy cao ốc ken sít vào nhau không khoảng hở. Công dân city này rất trẻ trung và năng động, nhộn nhịp túa ra trên phố một cách khỏe khoắn trong các bộ trang phục thể thao của những thương hiệu toàn cầu.

Người Philippines tham gia giao thông rất trật tự và luôn có ý nhường đường cho nhau dù là đi lại bằng bất cứ phương tiện gì. Như lái xe ô tô chẳng hạn, cứ thấy người đi bộ qua đường thì luôn vẫy tay ra hiệu cho phép đi qua trước đầu xe mình một cách lịch sự. Trong một quan bia kiểu vỉa hè thấy người ta ngồi ăn uống và chuyện trò điềm đạm, hoàn toàn không nghe tiếng cụng ly "1, 2, 3 zô!" lặp đi lặp lại một cách khiên cưỡng như bàn nhậu bên mình. Nhân viên bảo vệ có mặt mọi nơi với những súng ống, roi điện và còng số 8 được vũ trang chẳng kém gì những viên cảnh sát chuyên nghiệp. Tuy vậy, họ luôn thực niềm nở đón chào hay đưa khách ra cửa với những câu từ lịch sự như "hi sir", "goodluck sir" rất thịnh tình.

Biển hiệu một quán bar sơn đỏ nổi bật mang tên Moulin Rouge khiến tôi bật nhớ bộ phim âm nhạc kinh điển "Cối xay gió đỏ" mê say thuở nào. Quán bar này cũng như đa phần các hàng quán khác đều treo biển bằng tiếng Anh chứ không thấy dùng chữ Philippines mấy, và hầu hết cư dân ở đây tôi gặp đều nói tiếng Anh một cách trôi chảy, chứ không lóng ngóng như mình. Người Mỹ chỉ có mặt ở đây trong khoảng một trăm năm mà đã biến cải ngôn ngữ lẫn văn hóa ở đây hơn những gì Tây Ban Nha áp đặt trong gần năm thế kỷ!

Chợt thấy một nhà hàng ghi tiếng Việt tên là "Củ Chi" nhưng còn đang dọn dẹp nên thôi không vào, thì ra tiếng Việt cũng đã có mặt ở thủ đô Manila rồi. Qua một con phố khác gặp một anh chàng huơ huơ mấy đôi giày thể thao kêu lớn "Vietnam, Vietnam", tôi nghĩ là tài giỏi thật, chỉ nhìn không thôi mà biết hai cha con chúng tôi là người Việt rồi! Tới gần hơn thì cu cậu dúi ngay một đôi giày vào tay mời mua và luôn mồm nói "Vietnam, Vietnam, no China, no China!". À, thì ra đây là tay bán giày fake của Tàu đóng mác Made in Vietnam! Tức là, hàng Vietnam thì đúng hàng thật, còn China là đồ dỏm. Ở cái xứ mà cộng đồng Hoa kiều là những ông chủ về kinh tế và chính trị thì xuất xứ Việt Nam vẫn có uy tín hơn đồ Tàu, đấy!

Ở lại Makati một tối, qua ngày hôm sau xuống khu Paxay bắt xe bus về Pampanga, một tỉnh phía bắc cách Manilla bảy lăm cây số. Xe đi trên cao tốc 6 làn với tốc độ 100km/h cho xe hơi và 90km/h cho các loại xe khác nên chỉ mất một tiếng đồng hồ là tới nơi. Trên đường đi nhìn qua kính xe thấy ruộng đồng xanh tươi bát ngát. Lại thấy dưới một đám ruộng bên đường có mấy bó mạ nằm chỏng chơ đương chờ cấy, thì biết cách làm lúa nước ở đây cũng giống bên quê nhà. Xem chữ số của đồng tiền piso thấy các vần san (1), dalawa (2), lima (5) có âm vị gần nhất với số đếm của người Ê Đê hơn cả tiếng Chàm, Mã Lai hay Indo cùng ngữ hệ Nam Đảo. Như vùng Manila có một khu gọi là Cubao city có thể trùng tên với địa danh Cư Bao trên Đắc Lắc, nơi có nhiều đồng bào Ê Đê sinh sống. Họ vẫn thường kể cho nhau nghe về tổ tiên lâu đời của mình đến từ những hòn đảo xinh đẹp ngoài biển khơi.

Xe bus chỉ dừng ở Mabalacat city nên phải bắt một chiếc Satda Strike lui về lại Angeles, thủ phủ của vùng Pampanga. Bác tài với chiếc áo thun xỏ lửng vào hai ống tay, một kiểu phong cách của những người hành nghề lái xe ba bánh đòi 200 piso- tương đương một trăm ngàn tiền Việt - cho chặng đường cỡ 8 cây số, trả 150 piso thì gật đầu đi ngay tắp lự.

Đường phố Angeles hiện ra đầy màu sắc và sinh động như những hoạt cảnh trong mấy bộ phim cowboy bên miền Viễn Tây nước Mỹ. Từng đoàn Jeepnee kéo dài gầm rú liên hồi chen chúc trên đường với các loại xe Satda strike và mô tô phân khối lớn. Những cuống nắng vàng ươm cuối chiều thả xiên lên những bức tường xanh đỏ, hoặc rải ngang qua dòng lau trắng dưới con sông Pasig mùa cạn như tô vẽ thêm cho thành phố này thêm bắt mắt làm sao. Về đến khách sạn cất hành lý rồi quay ra lại ngã tư ngay chợ trung tâm thành phố, vào một shop hàng ngồi uống nước để tiếp tục thưởng thức không khí sôi động ở đây và cứ mong trời đừng tắt nắng, chỉ thế thôi mà sao thấy thú vị vô cùng.

26/11/2017
Chế Cẩm Đình




















No comments: