Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 29, 2017

"ÔNG CÒN CÓ CON" *Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


"ÔNG CÒN CÓ CON"
*Truyện ngắn
*Lê Hứa Huyền Trân

Lão ngậm ngùi nhìn vườn tắc tan hoang, cả trăm cây giờ chỉ còn trơ gốc, ngập nước, úng, tróc rễ, có vài ba chục cái chậu vẫn còn bươn chải đứng hiên ngang như nuối tiếc thân cây mà bấy lâu mình bảo vệ.

-Thế là tất cả ra đi cả rồi, chúng mày thực sự đi cả rồi!

Lão cố ép cho hai hàng nước mắt chảy ra trên gò má nhăn nheo, nom sáu mươi mà trông lão như già đi thêm chục tuổi. Cái Tết gần kề, cái Tết đầy mơ ước của lão bỗng chốc trở thành giấc mơ như trong những câu chuyện kể. Lão nhớ bận lão chăm cả đàn vịt mấy trăm con, coi chúng như con cháu trong nhà, chăm còn hơn chính mình, vậy mà cái dịch H5N1 quái ác nào đó tràn tới, người ta bắt lão đi tiêu hủy, lão còn có người để mà oán giận. Dù là vô lí nhưng lão còn có ai đó để trút giận, để mà thương tiếc, còn bây giờ, lũ về cuốn phăng cả khu vườn lão tất tưởi chăm, thì lão biết trách ai, biết tìm ai để mà trút giận bây giờ? Lão chỉ có thể kêu than, trách cứ ông trời, trách cứ mẹ thiên nhiên, nhưng lão cũng nhận ra tai liền miệng đấy, có chửi thì cũng chỉ mình lão nghe mà thôi, lão lại im bặt. Cái đau đớn của lão nó thấu trời, đến mức lão ngồi lì tại chỗ suốt mấy ngày liền, chẳng buồn ăn uống. Mà thật là từ khi lão chui vô cái chốn chẳng mấy ai lui tới này, chẳng ai thèm quan tâm đến lão, chẳng ai thèm quan tâm đến kẻ dở người bỏ vợ con để đi chăm lo cây cảnh như lão cả.

Năm năm trước lão từ vợ con gom hết vốn liếng mua một mảnh đất màu mỡ tít sâu gần chân núi để trồng tắc. Ban đầu, lão chỉ tính mua mảnh đất ấy để sống cho hết cuộc đời  này, sau, tuổi già chán chường, nhất là sau bận phải tự tay tiêu hủy đàn vịt, lão không muốn nuôi con gì nữa, ấy thế mà buồn nên lão chuyển sang nghề vui thú với cây cối cho bớt hiu quạnh tuổi già. Trong năm lão thích nhất là Tết, với lão thời gian này là thời gian hoan hỉ nhất trong năm, nên lão bắt đầu trồng vài cây cảnh chơi tết. Ai đâu cho lão mấy cành tắc chiết, lão đem về chiết chơi, ai ngờ lên cây, thế là lão ưng, nhớ năm đầu tiên lão trồng được vài chậu, cho vài người quen mà lão hay mua đồ ăn dưới trấn, ai cũng khen lão ngọt tay, có điều trái hơi nhỏ và còn xanh nhưng có cây chơi thì cũng thuận. Thế là lão thú, ai chê lão ném vào lòng cho kì hết, tìm tòi trồng tắc. Lão học được tắc mà từ khi chiết cành cho đến khi đem bán thường tốn khoảng ba năm, có nhiều nơi trồng tắc một năm để Tết đem bán là được rồi, nhưng kì công là phải từng ấy năm, lão không thiết tha chuyện bán buôn, chỉ là muốn làm cái gì thì làm cho tròn việc, thế là lão bán đi một phần đất để mua một lượng lớn tắc chiết.

Con trai lão thi thoảng ghé thăm, thấy lão vò võ chỉ biết tặc lưỡi:

-Con khuyên ba về ở với má, với con không chịu. Về đây chi cho khổ vậy trời. Về rồi còn đống giấy tờ đất đai cần ba phải kí, con cứ phải lên đây rồi lại xuống mất công quá trời.

Lão không nói gì chỉ im lặng chiết mớ cây. Lão không muốn nói, lão thừa biết con lão lên đây làm gì, chăm chỉ cả đời lão cũng để dành được chút vốn liếng, lão mua mảnh đất dưới phố nào ngờ mảnh đất ấy giải tỏa, lão trúng đậm, lãi mẹ đẻ lãi con, lão mua liền mấy mảnh đất khác, của vô hời hời. Nhưng khi lão giàu lên, bắt đầu người quen họ hàng ở đâu mọc lên như nấm, kẻ nọ mách kẻ kia tới xin tiền lão, lão không ác, lão vẫn cho, nhưng nhiều quá khiến lão bực mình vì nhận ra mình không phải một nhà từ thiện. Thế là lão đóng cửa, họ hàng nói lão phất lên rồi khinh người. Bên ngoài là thế, vợ con lão bắt đầu vòi tiền lão, gia đình lão thì lão nuôi, lão nề hà gì, nhưng bà vợ lão bắt đầu sanh tánh hay mua sắm, đồ dư thừa cứ chất đống trong nhà, thằng con trai độc nhất của lão xe lại … hư liên tục, vòi lão mua xe mới, có bận lão còn thấy nó cạy tủ lấy giấy tờ đất đem bán. Có thế lão mới nhận ra, giàu lên cũng là một cái tội và gia đình không còn là chỗ dựa cho lão nữa nên lão bỏ nhà đi. Lão đuổi thằng con ra khỏi căn nhà nhỏ của lão rồi lầm bầm:

-Mày lấy hết đất rồi, giờ còn đất này của tao, đừng mơ lấy nữa.

Lão nhìn trời, tiết trời đang vào xuân, thời gian này chiết cây khá hợp, tắc thường được chiết vào tháng 12 âm lịch hàng năm để kịp trồng khi xuân đến vì khi ấy tắc sẽ phát triển tốt hơn các mùa khác, bởi rễ sẽ phát hơn sau khi chiết nhiều. Lão hì hục khiêng mấy chục chậu sứ lụi cụi, đến khổ, cũng sáu mươi rồi, một hai chậu đã ê a cái lưng. Biết vậy, nãy lão nọc thằng con ra khiêng rồi đuổi nó về cũng được.

-Để con!

Lão quay lại, là thằng nhóc Rô, “hàng xóm” duy  nhất của lão. Nó năm nay lên mười, nhà nó là căn chòi sát cạnh nhà lão, ba mẹ nó mất năm ngoái trong một tai nạn, nên nó trở thành trẻ mồ côi. Nó thất học nhưng siêng, ngày ngày đi lượm nhôm nhựa kiếm kế sinh nhai, khi rảnh rỗi lại hay tạt sang nhà lão để giúp đỡ.

-Vậy giờ con bỏ mỗi chậu một cây hả ông?

Đúng rồi, với múc đất vô. Nhìn cho kĩ sau này nhớ, đất phải là đất tơi xốp, nhớ bón phân vô, giai đoạn đầu là phải chăm kĩ, dễ yểu.

Thằng nhóc nghe chiều liến thoắng, nhưng có nó lão bớt buồn, lão nói gì nó cũng nghe. Lão huyên thuyên thế nào nó cũng kiên nhẫn hùa theo, có mỗi nó hiểu được lão nhọc công thế nào và tâm huyết ra sao. Lão thương đám tắc như con, ngày nắng thì chăm che, chỉ hở chút nắng để cây con đón nắng, ngày mưa thì che bạt để không bị xói chậu. Mỗi bận mùa mưa về, căn nhà dột trên dột dưới của lão còn chưa kịp che chắn thì đã thấy lão bận vội cái áo mưa tiện lợi phi ra giăng bạt cho lũ tắc con. Thằng Rô nằm ngủ ở chòi bên thấy lão lao ra cũng phi vội tay đùm tay nắm giúp lão, giăng hết cả mảnh đất hai người ngồi thở phì phò nhưng cười nắc nẻ.

Năm thứ hai, cây quất dần dần lớn lên thành hình, ai đi qua cũng khen, nhưng lão vẫn chờ thêm nữa cho đến độ chín. Mỗi năm là phải lo sửa tán tới ba bốn lần để cây mọc lên theo hình chóp nón mới có kiểu đẹp. Lão chăm tắc hơn chăm con, công việc từ năm này qua năm khác của lão chỉ là lao ra vườn, có sâu thì bắt, có cỏ thì nhổ, che nắng che mưa, sửa tán rồi tỉa cành. Thi thoảng, thằng Rô còn bắt gặp lão đang nói chuyện với mấy cái cây:

-Mấy đứa mau lớn, mau đẹp rồi tao đem bán hết. Bán không phải bỏ bê chúng mày mà để người ta biết chúng mày đẹp như thế nào.

Ai có thể cười lão vì cho rằng lão dị quá nhưng thằng Rô thì hiểu lão hơn ai hết. Từ một gia đình hạnh phúc lão mất tất cả chỉ vì đồng tiền. Yêu thương chăm bẵm đàn vịt thì mất hết chỉ vì một đại dịch, giờ lão chẳng có gì tựa vào, chỉ có lũ tắc, lão xem như con âu cũng là vì cô đơn quá nên lấy môt vật vô tri làm chỗ dựa. Những khi bão về, khi thằng Rô còn co ro trong chòi, đã thấy lão chạy như bay ra mang từng chậu vào nhà, khệ nệ, trong cơn gió to ngày ấy, cái thân thể gầy còm của lão thậm chí chốc chốc như không đứng vững, tưởng chừng có thể bay lên bất cứ lúc nào.

Đến năm thứ ba, xuân về, nhiệt độ bắt đầu lên cao, lũ tắc thì nhau trĩu hoa đâm quả, lão lại tỉa bớt đi. Thằng Rô tiếc rẻ:

-Cây nhiều trái mới đẹp, mới lộc, ông đem tỉa hết.

Lão mắng:

-Mày khờ, lúc này chưa được. Tắc này đem chơi tết, chưa tới kì, phải tỉa bớt để tập trung chất dinh dưỡng cho cây, đến kì phù hợp, bón phân nhiều để cây sai trái lại, thân lại tràn đầy dinh dưỡng sẽ đậu quả hơn, nói cứ như hệt người nhà nông thứ thiệt, kì thực cũng vì dồn hết tâm sức vào. Những ngày đông về cũng là cuối năm, ba năm trôi qua nhanh như gió, Tết năm nay lão cũng “ mồi chài” được với vài tụ điểm. Ai cũng thi nhau canh me vườn tắc của lão, vườn tắc được trồng những ba năm trời. Thế rồi lũ về, lũ lớn hơn mợi năm nhiều, đồng bào miền Trung tang thương do lũ, cơn lũ đi qua căn nhà của lão ào nhanh như một cơn mưa rào nhưng quét sạch chẳng còn thứ gì. Người ta được lệnh di tản, lão một mực ở lại giữ nhà, giữ vườn, người ta phải bắt lão đi, lão vừa tới nơi an toàn thì tất cả chỉ còn mênh mông biển nước. Đợi nước rút lão lại về, căn chòi thằng Rô chì còn vài mảnh bạt vất vưởng, căn nhà lão chỉ còn trơ nóc, còn vườn tắc tuyệt nhiên không còn một thứ gì, lũ quét sạch mọi thứ. Lão gào khóc thấu trời. Người ta đi qua nghĩ lão tiếc vì cả một vườn tắc biết bao nhiều là tiền nếu bán bộn, nhưng thằng Rô biết lão khóc vì lão mất một “đàn con”, và lão chỉ khóc vì thế. Lão bỏ ăn, lão ngồi im, thằng Rô không biết làm gì vì cả nó cũng chẳng còn gì cả. Móc túi sao được dăm đồng bạc lẻ, nó suy nghĩ một hồi rồi xuống phố mua vài thứ. Về, nó đưa cho lão, lão mở, là một cành chiết từ cây tắc và một ổ bánh mì.

Cành chiết hai chục, bánh mì mười ngàn, ăn bánh mì rồi ông có sức bắt đầu lại từ đầu. “Đàn” tắc mất hết nhưng ông còn có con mà, con sẽ giúp ông bắt đầu lại. Ông không ăn rồi bênh rồi đi luôn thì con không còn ai cả luôn đấy.

Nói rồi nó òa khóc nức nở, lão nhìn thân thể ốm nhom gầy đét của nó, nhìn ổ bánh mì mà nó dắt túi móc ra mua , nhìn ba năm qua nó cứ quấn quýt quanh lão, và hiểu nó cũng đau xót khi thấy vườn tắc như thế này ra sao nhưng nó lo cho lão hơn. Lão chợt đưa ổ bánh mì dai nhách cắn ngang:

-Mày nói đúng, tao còn có mày mà. Chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu.

Đúng rồi, sau cơn mưa trời lại sáng, mọi thứ sẽ lại bắt đầu, ngoài kia mùa xuân đang đến rồi, vẫn còn những bàn tay. vẫn còn sức, và nhất là còn thằng Rô, người cuối cùng mà lão nghĩ quan tâm lão còn ở lại, lão vẫn còn tất cả.

Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.

No comments: