Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 7, 2016

NHÂN NGÀY 20-11 NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY - Vĩnh Hoàng


          
               Tác giả Vĩnh Hoàng


     NHÂN NGÀY 20-11 NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI THẦY

  Dân tộc chúng ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Xem việc học là tối cần thiết của mỗi con người, phải học khi còn rất trẻ “ Ấu bất học lão hà vi, “ ai dang dỡ việc học ắt tương lai sẽ khổ. Muốn học thì phải có thầy. "Không thầy, đố mầy làm nên"
Nên người thầy dù dạy ít nhiều vẫn là thầy của đời mình "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Gương người thầy tối quan trọng, ngoài việc truyền thụ kiến thức văn hoá chữ nghĩa, người thầy phải thể hiện nhân cách, đạo đức mẫu mực để người trò noi theo
Có rất nhiều thầy ta phải chịu ơn và tôn kính suốt đời như cha mẹ ta vậy. Quân, Sư, Phụ "- Người thầy tôi muốn nói, đó là thầy Lê văn Phục" thầy của tôi
 Con đường học vấn của tôi có nhiều trắc trở vì gặp buổi giao thời
Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê hiền hoà bên bờ nam sông Hiếu nơi đó cha tôi một lần ra đi không trở lại, người đã vì nước hy sinh vào năm 1949 trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi mồ côi cha khi chưa đầy tám tuổi, nhà có hai anh em khi đất nước chia đôi nội tôi cũng chia đứa Nam đứa Bắc
  Năm đó 1954 tôi mới học hết lớp hai. Hai năm chờ đợi hiệp thương vùng tôi ở không có trường học, tôi phải đi chăn bò giúp mẹ. Làng tôi chỉ cách huyện lỵ Cam Lộ non 3km nhưng lại ngăn cách bởi con suối Khe Mây không có cầu qua lại
Khi chính quyền miền Nam ổn định chiếc cầu tre lắt lẻo bắc qua gọi tên cầu Trầm Trụ nối làng tôi với chợ phiên Cam Lộ đó là năm 1956
   Tôi còn nhớ như in vào khoảng tháng 10 khi tiếng trống khai trường đã vang lên hơn một tháng trước đó, tôi cùng 5 anh em trong làng rủ nhau lên trường Cam Lộ xin học. Chúng tôi đến thì trường đã hết chỗ ngồi không xin vào học được
   Vì lớn tuổi đã ý thức việc học cần thiết, nên đứng quanh quẫn ngoài hiên không chịu về. Có lẽ các thầy cũng động lòng nên thầy Lê văn Phục bàn với thầy hiệu trưởng đồng ý cho chúng tôi tự mang bàn kê cuối lớp, cho học ngoại sổ, bởi chúng tôi không có một giấy tờ gì. Học được 2 tháng thầy mới dẫn chúng tôi ra huyện Cam Lộ lập thế vì khai sinh để hợp lệ hồ sơ vào học chính thức. Hồi đó tôi là đứa nhỏ nhất mà đã 15 tuổi, nên tôi phải sụt xuống 5 tuổi mới hợp lệ
     Bây giờ nghĩ lại những nguời thầy đáng kính ấy mình mới thấm thía câu thầy trò là đạo nghĩa cha con. Giá như hồi đó các thầy ngoảnh mặt làm ngơ, thì chúng tôi là những đứa chăn bò có đâu được năm ba chữ để viết lên cảm nghĩ hôm nay
   Khi tôi viết bài này, các thầy cũng đã ra người thiên cổ vì  6 đứa trò dạo ấy chỉ sót lại mình tôi. Tuy thế tôi phải nhớ đến hết đời mình đó là tấm gương tôi mang theo cuộc sống  - Trong tập thơ  “ Tiếng Lòng “ của tôi có bài :

 NHỚ ƠN THẦY
“Sáu đứa mang bàn  học ghé theo “
Thầy thương tuổi lớn tận quê nghèo
Áo cơm mẹ kiếm no hai bửa
Chữ nghĩa thầy cho sáng ánh đèn
Nay dẫu đời con không thành đạt
Nhưng mà ơn ấy dễ nào quên
Gương thầy sáng mãi  soi vằng vặc 
Để lại cho đời những đoá sen ./.
                         Vĩnh Hoàng 
              
     NGƯỜI THẦY CỦA EM TÔI: THẦY HOÀNG ĐẰNG

   Vĩnh Hoàng thăm thầy Hoàng Đằng      

 Thầy Hoàng Đằng với tôi là bạn, là ân nhân của em tôi, thầy cùng học trường Bán Công Đông Hà hơn tôi một lớp, thời gian thầy vào Quốc Học khi ra trường thầy là giáo sư trường Nguyễn Hoàng Quảng trị  - Dạo đó tôi cũng đã khoác chiến y
 Một cơ duyên tôi lại gặp thầy sau mùa hè đỏ lửa
   Vào khoảng nửa tháng 3/72 chiến dịch bắt đầu khai hoả - lúc đó tôi đóng quân gần “Tân Sở” Cam Lộ nơi vua Hàm Nghi lập căn cứ chống Pháp  - Khi căn cứ Ca Rôn bắc đường 9 thất thủ, tôi cũng phải băng đường rừng về Ái Tử lúc đó đạn pháo với tần suất càng nhiều - Quê tôi vùng Cam Lộ quân gp đã tràn vào, làng tôi máy bay đã dội bom, dân chạy tán loạn, người về thị xã Quảng trị, kẻ vẫn bám trụ ở làng. Gia đình tôi chỉ chạy được ông chú và 3 đứa em con bà cô, còn mẹ tôi bà nội, thím và cô dượng đều kẹt lại - Đầu tháng 5/72 Quảng Trị rút quân dân dồn về các trại tạm cư Hoà Khánh, Non Nước Đà Nẳng - Vắng nhà vì bận nơi chiến trường Quảng Tri sau thời gian tôi trở về trại tam cư Hoà Kanh thì biết được đứa em con cô tôi buồn vì mất cha mẹ đã bỏ học  - Tôi đau lòng nghĩ đến việc mình thất học trước đây và liên tưởng đến tương lai em tôi, bây giờ nó còn nhỏ chưa hiểu được, tôi cố gắng an ủi và khuyên nó đi học lại, nó chần chừ và bảo, bỏ học lâu xin thầy không cho
  Sáng hôm sau tôi dẫn nó đến phòng học tại khu F trại tam cư Hoà Khánh, tôi gõ cửa xin gặp thầy - Người thầy ra chào tôi đó là thầy Hoàng Đằng. Tôi mừng quá vì gặp bạn quen nhưng lúc đó thầy Đằng không biết có nhớ tôi không vì đã 10 năm không gặp – Sau lời chào hỏi tôi trình bày hoàn cảnh của em tôi và ngỏ ý xin cho nó đi học lại, thầy vui vẻ nhận lời - Cuối năm 1973 gia đình tôi di dân vào Bình Tuy, em tôi được học trường Thanh Linh (Động đền). Sau năm 1975 nó trở về đoàn tụ gia đình và trở thành người thầy chế độ mới, đó là trò Hoàng Minh Bé của thầy Đằng
Năm 1978 sau khi ra trại cải tạo tôi vào lập nghiệp ở Đồng Nai ,nay là  Bà rịa Vũng tàu
Cũng nhờ duyên văn thơ tôi gặp thầy Đằng trong “Nguyễn Hoàng Chân Dung & Kỷ Niệm” trong "Hương Quê Nhà" và trong trang “VNQT”. Tôi có hoạ thơ thầy - Ơn thì vẫn nhớ nhưng chưa gặp nhau đã 44 năm vì mỗi lần về quê đều vội vã.
Tháng tư năm nay có dịp mẹ tôi ốm, tôi về Đông hà, và đã ghé thăm thầy, bạn Hoàng Thanh Phước cùng lớp thoả lòng ước nguyện - Tuy thời gian gắp nhau quá ngắn nên chỉ trao đổi văn thơ
Trở về Sài gòn thầy gửi email cho tôi và giới thiệu trang nhà “truongdongha.com”, tôi nhận lời và gởi được 2 bài rồi bặt tin gần 2 tháng  vì mẹ ốm ra lại quê không có phương tiện gởi bài
Ngày mẹ tôi mất thầy và bạn Phước có đến viếng chia buồn với gia đình chúng tôi, thầy còn báo BBT đăng lời phân ưu chia buồn trang trọng, thật là tình nghĩa
Thầy Hoàng Đằng là người thầy mẫu mực đầy lòng nhân ái vị tha - với ngòi bút của thầy bây giờ rất cần, vì xã hội nhiễu nhương, đạo đức suy đồi, con người đã mất hết nhân tính, xem nhẹ nhân nghĩa chỉ biết lợi ích cá nhân, cho đồng tiền là trên hết
   Mặc dầu tuổi đã già, đã nghỉ hưu nhưng trách nhiệm với đời còn nặng thầy không thể buông xuôi được - Trong bài hoạ mừng thọ thầy tôi đã viết:
    “ Nhân nghĩa chuyển giao chưa chạm đáy –Văn chương khoáng đạt, vẫn còn mơ”
     "Một đời vất vả vì nhân ái" là thế…
Nhân ngày hiến chương nhà giáo 20/11, chúc thầy dồi dào sức khoẻ để có những bài viết đầy tính nhân văn góp phần cống hiến cho xã hội trong phong trào chấn hưng đạo đức, nâng cao dân trí hiện nay
 ./.
                                                                Sài gòn, ngày 7-11- 2016
                                                                            Vĩnh Hoàng

No comments: