THÀNH
NGỮ KHOA TRƯƠNG TRONG TIẾNG VIỆT
TS. Nguyễn Ngọc Kiên
TS. Nguyễn Ngọc Kiên
1. Khái niệm
thành ngữ tục ngữ. Theo nhóm các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu,
Hoàng Trọng Phiến thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định,
hoàn chỉnh về cấu trúc và ý nghĩa. Nghĩa của chúng có tính hình tượng hoặc / và
gợi cảm.” [1, tr.157]
Theo “Từ điển giải thích ngôn ngữ học” thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.” [12, tr.237]
Phân biệt thành ngữ với tục ngữ tác, giả Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét của kinh nghiệm, một luân lý, một công lí, có khi là một sự phê phán. Còn thành ngữ là một phần câu có sẵn, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn đạt được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải một câu hoàn chỉnh; còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng đã là một câu hoàn chỉnh.”
[9, tr. 31]
Tuy nhiên, trong tiếng Việt có những câu thật khó phân biệt chúng là thành ngữ hay tục ngữ. Chẳng hạn, xét “trong ấm ngoài êm”; nếu nói: “anh ta sống trong cảnh trong ấm, ngoài êm”, tức hai vế là ngữ đẳng lập, thì rõ ràng đây là thành ngữ. Nhưng nếu nói: “Phải sống sao cho trong ấm thì ngoài êm”, tức là vế sau là hậu / kết quả của vế trước, thì đây là câu tục ngữ.
Như vậy, nghĩa của thành ngữ rất hàm súc và biểu cảm. Trong bài viết này
chúng tôi chỉ bàn đến thành ngữ khoa trương trong tiếng Việt. Trong văn học khi
nhà văn sử dụng thành ngữ khoa trương làm cho câu văn càng trở nên sinh động và
biểu cảm, có giá trị thẩm mĩ cao. Ví dụ :
(1) Khai được chuyện này ra, bao nhiêu chuyện khác sẽ gỡ ra được, chồng mụ
không phải bị buộc oan, không phải “ngàn cân treo sợi tóc” như bây
giờ.
(2) Phải năm chìm bảy nổi mới được như bây giờ! Nhỡ có mệnh hệ nào,công lao
đổ xuống sông xuống biển hết. Vì con mà mẹ phải lên thác xuống ghềnh, mẹ
đâu có quản ngại.
(3) Trong lúc cả làng sôi sục chạy đuổi “nhét cứt vào mồm con Xuyến”, làm
con bé xanh xám mặt mũi, cắt không còn hột máu, thằng Hiếu đứng ra
chặn mọi người ôm lấy vợ bảo: - Em cứ bình tĩnh, đừng sợ.
( Lê Lựu – Chuyện Làng Cuội)
Trong (1) (2) (3), nhà văn Lê Lựu sử dụng các thành ngữ ngàn cân
treo sợi tóc, lên thác xuống ghềnh, mặt cắt không còn hạt máu. Trong
tác phẩm tác giả còn dùng biến tấu các thành ngữ. Chẳng hạn, thành ngữ long
trời lở đất được tác giả biến thành rung chuyển cả trời đất:
(4) Khi bần cố đã vùng lên thì sức mạnh kinh hoàng khủng khiếp của nó sẽ
làm rung chuyển cả trời đất, không có gì có thể cản nổi.
Hoặc:
(5) Trơ như đá vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển ai
rung chẳng dời
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
2. Khái niệm về khoa trương
Trong tiếng Việt, khi cần nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất
của đối tượng, người ta cố tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có
thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần miêu tả. Lối nói này được
gọi là khoa trương. Khoa trương không phải là nói khoác hay
nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào Thản cho rằng, nó không làm cho
người ta tin vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu
được điều nói lên [9, tr.1].
Theo chúng tôi, khoa trương là cường điệu quy mô, tính
chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng
bản chất của sự vật, hiện tượng. Khoa trương luôn mang
đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn
ngữ.
Ví dụ: Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm tuyết nhường màu da.
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
3. Khoa trương trong thành ngữ tiếng Việt
Người Việt rất thích nói khoa trương, điều này có thể được chứng minh qua
kho tàng thành ngữ tiếng Việt. Khoa trương trong thành ngữ tiếng Việt hết sức
đa dạng và phong phú; căn cứ vào các tiêu chí về ngữ nghĩa, hình thức, thời
gian… có thể chia thành các loại như sau:
3.1. Phân loại khoa trương theo ngữ nghĩa
Căn cứ vào nghĩa có ba loại: khoa trương phóng to và khoa trương thu nhỏ,
khoa trương thời gian.
3.1.1. Khoa trương phóng to
Là
cố ý làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc
trưng của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví dụ: tức
bầm gan tím ruột; tức lộn tiết; giận sôi máu; tiếc đứt ruột; gan cùng mình; nộ
khí xung thiên; nở từng khúc ruột;
3.1.2. Khoa trương thu nhỏ
Là cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng,
mức độ của sự vật làm cho nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại, yếu đi.
Ví dụ: Bé bằng mắt muỗi; nhẹ tựa lông
hồng; gầy gió thổi bay; lấy chỉbuộc chân voi; chẻ sợi tóc làm tư.
3.1.3. Khoa trương thời gian
Là đem sự viếc xuất hiện sau nói thành sự việc xuất hiện trước hoặc cả hai
cùng xuất hiện. Chẳng hạn: Chưa ăn đã hết
- Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.
- Chưa đến chợ đã hết tiền.
3.2. Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có mấy loại sau:
3.2.1. Khoa trương trực tiếp
Là khoa trương mà không sử dụng bất cứ hình thức tu
từ nào, còn gọi là khoa trương “thuần túy”. Ví dụ: chuyện động trời; tin sét đánh ngang tai; quỷ tha ma bắt; đất bằng dậy
sóng; lấy vải thưa che mắt thánh; vắt cổ chày ra nước; rán sành ra mỡ; ruột
để ngoài da; chân cứng đá mềm;
3.2.2. Khoa trương gián tiếp
Là khoa trương có sử dụng các thủ pháp tu từ khác, chẳng hạn so sánh, ẩn dụ,
nhân cách hóa, vật cách hóa v.v. . . ; còn được gọi là khoa trương “dung hợp”.
Chẳng hạn, sử dụng so sánh tu từ để khoa trương: rách như tổ đỉa; cứng
như thép, vững như đồng; trắng như trứng gà bóc; đẹp như tiên giáng trần; xấu
như ma mút; vững như bàn thạch.
Sử dụng nhân cách hóa để khoa trương: chim sa cá lặn ; hoa nhường
nguyệt thẹn; thần hồn nát thần tính.
Căn
cứ vào mức độ, có thể chia khoa trương thành mấy loại sau:
3.3.1.Khoa tương ở mức độ thấp
Khoa
trương ở mức độ thấp là cách nói quá đi so với cái có thật trong thực tế; tuy
có thể nhân lên tới hàng trăm hàng nghìn lần, thậm chí hàng vạn lần, nhưng vẫn
chưa đến mức phi lí, vẫn có thể chấp nhận được. Sở dĩ như vậy là vì nghe mãi
thành quen tai, cả người nói và người nghe chẳng ai nghĩ mình đang khoa trương.
Chẳng hạn, các cụm từ sau thường được sử dụng trong khẩu ngữ: trăm công
nghìn việc, phục sát đất, một mất mười ngờ, một chữ bẻ đôi cũng không biết,
Khoa trương ở mức độ cao là nói quá sự thật một
cách quá đáng, đến độ phi lí không thể tin được. Trong giao tiếp người Việt hay
sử dụng các thành ngữ khoa trương: không cánh mà bay, một bước lên giời,
ngàn cân treo sợi tóc, trăm đắng ngàn cay ; nghiêng nước nghiêng thành.
4. Một số cách biểu thị khoa trương trong thành ngữ, tục ngữ
Cách biểu đạt khoa trương trong ca dao của người Việt rất phong phú. Trong
bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số cách phổ biến sau :
4.1. Sử dụng số từ
Mỗi
con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt và những nghĩa xấu. Trong khi số
học phương Tây (hay còn được gọi là hệ thống Pytago) kết nối những con số với
tính chất cốt rễ của nó thì số học phương Đông lại dựa trên âm thanh của con số
(theo tiếng Trung Quốc) khi ta phát âm. Nếu một con số phát âm giống một từ được
cho là tiêu cực hay thiếu may mắn, con số đó cũng được xem là tiêu cực hay thiếu
may mắn. Tuy nhiên, may mắn lại là một khái niệm không đóng vai trò gì trong số
học phương Tây. Thay vào đó, mỗi con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt
và những nghĩa xấu. Tùy với mỗi người mà năng lượng mạnh nhất của con số sẽ được
phát huy.
Nói ngoa bằng cách dùng những con số lớn
hơn hay ít hơn nhiều lần để nói lên sự hơn kém về sự việc hiện tượng. Những
con số này chỉ là ước lệ, có tính chất ngụ ý. Chẳng hạn: ba chân bốn cẳng; ba chìm bảy nổi; năm thê bảy thiếp; ba đầu sáu tay; ba cọc ba đồng; ba chân bốn
cẳng; ba chìm bảy nổi chín lênh đênh; ba máu sáu cơn ; trăm tay không bằng tay
quen; ăn nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào;; biết rõ mười mươi; năm cha ba mẹ;
gấp trăm nghìn lần; trăm người bán vạn người mua; gấp năm gấp mười ;
một vốn bốn lời; uốn ba tấc lưỡi; trăm voi không được bát xáo ; trăm sông
nghìn núi;bách chiến bách thắng; bách phát bách
trúng; mồm năm miệng mười;cơ hội ngàn năm có
một; muôn hình vạn trạng; muôn hồng ngàn tía…
4.2. Sử dụng động từ khoa trương
Ví
dụ: Bới lông tìm vết; ăn tươi nuốt sống; bán mặt cho đất, bán lưng cho
trời; băng ngàn vượt bể; được voi đòi tiên; lên thác xuống ghềnh; phun châu nhả
ngọc; ruột để ngoài da; vắt cổ chày ra nước; vượt suối băng ngàn; xẻ
núi lấp sông; xoay trời chuyển đất…
Trong
tiếng Việt, động từ biểu thị khoa trương cũng tuân thủ theo nguyên tắc: động từ
kết hợp với tân ngữ.
Ngoài ra, có một số cụm động từ có kết cấu tương tự như nghĩ nát óc,cười
vỡ bụng. Tác giả tác giả Huỳnh Ái Nguyên cho rằng, chúng “là những
quán ngữ đa dạng về mặt ý nghĩa, chúng có thể mang tính nhấn mạnh về mặt thông
tin mệnh đề, thông tin tình thái, mang màu sắc biểu cảm, mang tính phóng đại hoặc
là sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên”.
Chẳng hạn: no vỡ bụng; lo sốt vó; rụng rời chân tay; nghĩ bể đầu; nói
đến gãy lưỡi; ruột thắt gan bào; vắt tim óc; cười bể bụng; làm mửa mật;
đổ mồ hôi hột; tiếc đứt ruột; tức nổ mắt…
Qua các ví dụ trên có thể thấy, động từ biểu thị khoa trương có thể đem lại
những giá trị thẩm mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực
hiện khoa trương, mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng
động từ là điều kiện để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa
trương ngoại tại. Nó không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà
còn thông qua sự phối hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo
nên sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm lí độc giả. Tuy nhiên, đối với một số động từ nội
động, nó phải được đặt trong ngữ cảnh, hoặc trong những điều kiện sự việc không
thể xảy ra, thì mới có thể thực hiện khoa trương.
Chẳng
hạn: Chó ăn đá gà ăn sỏi; vật đổi sao dời ; nước chảy đá
mòn; xương tan thịt nát; trời rung đất lở; trời tru đất diệt; tiếc
cay tiếc đắng; nếm mật nằm gai; sống dở chết dở; vùi liễu dập hoa; vượt suối
băng ngàn; xẻ núi lấp sông; xoay trời chuyển đất; đội đá vá trời; rán sành ra mỡ;
tầm ngầm đấm chết voi; thèm chảy nước miếng; trời đánh không chết; trứng chọi với
đá.
4.2. Sử dụng tính từ biểu thị khoa trương
Có hai loại chính:
- Tính từ + bổ
ngữ = tính từ + (cụm) danh từ
Trong loại này, thực tế chúng là các tính ngữ biểu thị khoa trương. Chẳng hạn: gan
cóc tía; gan liền tướng quân; mát mặt; ngứa mắt; ngứa mồm; ngứa tai; tối mắt; tối
mặt; bở hơi tai; cứng cổ; cứng họng; mềm lòng; trơ mắt ếch; trơ thổ địa;
sạch nước cản; mát tay; thẳng ruột ngựa ; thừa sống thiếu chết; trên trời dưới
bể; to gan lớn mật; trên đe dưới búa; trong ngọc trắng ngà; nghiêng nước
nghiêng thành; ngang cành bứa; mênh mông bể Sở;
- Tính từ + bổ
ngữ = tính từ + (cụm) động từ hoặc tính từ + cụm
chủ vị
Trong loại này, chúng cũng là các tính ngữ biểu thị khoa trương . Ví dụ: giầu
nứt đố đổ vách; nghèo rớt mồng tơi; đẹp chim sa cá lặn.
Chúng còn có thể là những tính từ bổ nghĩa cho danh từ trung tâm tạo thành
đoản ngữ danh từ biểu thị khoa trương.
Ngữ danh từ = danh từ + tính từ
Chẳng hạn: đất rộng trời cao; mẹ tròn con vuông; sông cạn đá
mòn; lá ngọc cành vàng; trời cao đất dày; rừng thiêng nước độc; nghĩa
nặng tình sâu.
Nhất là, những tính từ có xuất xứ từ tiếng Hán.
Chẳng hạn: non xanh nước biếc [ sơn thanh thủy tú];
sơn cùng thủy tận [sơn cùng thủy tận]; trời cao đất dày [thiên
cao địa hậu]; thâm sơn cùng cốc [thâm sơn cùng cốc]….
4.3. Sử dụng danh từ để biểu thị khoa trương
Ta có mô hình: đoản ngữ : danh từ + danh từ
Loại này chủ yếu gồm hai tiểu loại:
- Thành ngữ ẩn dụ đối xứng. Chẳng hạn:
chân cò tay vượn; mình đồng da sắt; khẩu phật tâm xà; miệng hùm gan sứa; gạo
châu củi quế; góc bể chân trời; thiên la địa võng; nem công chả phượng;
sơn hào hải vị; tiền rừng bạc bể; quyền rơm vạ đá; cá bể chim ngàn;màn trời chiếu đất .
- Thành ngữ ẩn dụ phi
đối xứng:
Miệng nam mô bụng bồ dao găm; nước mắt cá sấu; màu mỡ riêu cua; lưới trời lồng
lộng….
4.4. Sử dụng so sánh tu từ biểu thị khoa trương
Theo các tác giả Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú thì: “So sánh tu từ là
sự đối chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một
dấu hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc
biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một
sự so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét
tương đồng nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí”. (Dẫn theo[7, tr. 84])
Tác giả Hoàng Kim Ngọc [7, tr. 84] lại cho rằng, cả hai quan niệm trên về
cơ bản là đúng nhưng chưa đủ vì chưa chỉ ra được cơ sở của sự so sánh và những
hệ quả của sự so sánh ấy.
Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Hoàng Kim Ngọc.
Cách nói khoa trương hay còn gọi nói ngoa tiện nhất là so sánh, lấy điều gì
đã biết để dẫn dụ cho dễ hiểu. Cách so sánh là gây ấn tượng mạnh cho người nghe
và người đọc. Nói cách khác, đó là những thành ngữ so sánh có từ so sánh.
Loại này bao gồm những thành ngữ có cấu trúc là một cấu trúc so sánh. Ví dụ: Lạnh
như tiền; rách như tổ đỉa.
Mô
hình tổng quát của thành ngữ so sánh giống như cấu trúc so sánh thông thường
khác:
- A ss B: Ở
đây A là vế được so sánh, B là vế đưa ra để
so sánh, cònss là từ so sánh: như, bằng, tựa, hệt,...
Tuy
vậy, sự hiện diện của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt khá đa dạng, không phải
lúc nào ba thành phần trong cấu trúc cũng đầy đủ. Chúng có thể có các kiểu: tội
tày đình; gan tày liếp; phúc như Đông Hải, thọ tựa Nam Sơn .
A ss B: Đây là dạng đầy đủ của thành ngữ so
sánh.
Chẳng hạn: đắt như tôm tươi; nhẹ tựa lông hồng; lạnh như tiền; nổ
như sấm;nhanh như gió / chớp /; ngủ như chết; ngáy như sấm; ngáy
như kéo gỗ; chạy như ma đuổi; đẹp như tiên giáng trần; nhanh như
máy; đoán như thần; nhẹ như bấc; nặng như chì; ngủ như chó con say sữa; dai
như đỉa đói
- (A) ss B: Ở kiểu này, thành phần A của
thành ngữ không nhất thiết phải có mặt. Nó thể xuất hiện hoặc không, nhưng người
ta vẫn lĩnh hội ý nghĩa của thành ngữ ở dạng toàn vẹn. Ví dụ: (rẻ) như
bèo; (chắc) như đinh đóng cột; (vui) như mở cờ trong bụng; (to) như bồ tuột
cạp; (khinh) như rác; (khinh) như mẻ; (chậm) như rùa / sên...
- ss B: Trường
hợp này, thành phần A không phải của thành ngữ. Khi đi vào hoạt
động trong câu nói, thành ngữ kiểu này sẽ được nối thêm với A một
cách tuỳ nghi, nhưng nhất thiết phải có. A là của câu nói và nằm
ngoài thành ngữ. Ví dụ:
Ăn ở với nhau
Xử sự với nhau Giữ ý giữ tứ với nhau ... |
như chó với mèo
|
Có
thể kể ra một số thành ngữ kiểu này như: như tằm ăn rỗi; như vịt nghe sấm;
như con chó ba tiền; như gà mắc tóc; như đỉa phải vôi; như ngậm hột thị.
Đối
với thành ngữ so sánh tiếng Việt nói chung và thành ngữ so sánh khoa trương nói
riêng, có thể nêu một vài nhận xét về cấu trúc của chúng như sau:
·
Vế A (vế được so sánh) không phải bao giờ cũng
buộc phải hiện diện trên cấu trúc hình thức, nhưng nội dung của nó thì vẫn luôn
luôn là cái được "nhận ra". A thường là những từ ngữ
biểu thị thuộc tính, đặc trưng hoặc trạng thái hành động,... nào đó. Rất ít khi
chúng ta gặp những khả năng khác.
·
Từ so sánh trong thành ngữ so sánh tiếng Việt phổ biến là từ như;
còn những từ so sánh khác, chẳng hạn như tựa, tựa như, như thể, bằng,
tày,... Chẳng hạn: gương tày liếp, tội tày đình, cưới không bằng lại
mặt, thọ tựa Thái Sơn chỉ xuất hiện hết sức ít ỏi.
·
Vế B (vế để so sánh) luôn luôn hiện diện, một mặt
để thuyết minh, làm rõ cho A, mặt khác, nhiều khi nó lại chỉ bộ lộ
ý nghĩa của mình trong khi kết hợp với A, thông qua A.
Ví dụ: Ý nghĩa "lạnh" của tiền chỉ bộ lộ trong lạnh như tiền mà
thôi. Các thành ngữ nợ như chúa Chổm, rách như tổ đỉa, say như điếu đổ,
say khướt cò bợ,... cũng tương tự như vậy.
Mặt khác, các sự vật, hiện tượng, trạng thái,... được nêu ở B phản ánh khá rõ nét những dấu ấn về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc Việt. Đối chiếu với thành ngữ so sánh của các ngôn ngữ khác, ta dễ thấy sắc thái dân tộc của mỗi ngôn ngữ được thể hiện một phần ở đó.
Mặt khác, các sự vật, hiện tượng, trạng thái,... được nêu ở B phản ánh khá rõ nét những dấu ấn về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc Việt. Đối chiếu với thành ngữ so sánh của các ngôn ngữ khác, ta dễ thấy sắc thái dân tộc của mỗi ngôn ngữ được thể hiện một phần ở đó.
·
Như trên đã nói, vế B có cấu trúc không thuần
nhất:
·
B có thể là một từ. Ví dụ: lạnh như tiền, rách như tổ
đỉa, nợ như chúa Chổm; đắng như bồ hòn; rẻ như bèo; khinh như mẻ,...
·
B có thể là một kết cấu chủ-vị (một mệnh đề). Ví dụ: như
đỉa phải vôi, như chó nhai giẻ rách, lừ đừ như ông từ vào đền, như thầy bói xem
voi, như xẩm sờ vợ,...
4.4.1. So sánh với những
từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể con người
Chúng ta dùng những tên
bộ phận cơ thể người để ngoa ngữ, trên thực tế không có
như vậy:
Chẳng hạn: bầm gan
tím ruột ; tức lộn ruột/ tiết ; tức ứa máu ; tiếc đứt ruột;
gan cùng mình; Ruột thắt gan bào; vắt tim óc;cười bể bụng;làm mửa mật; đổ mồ
hôi hột; no vỡ bụng; lo sốt vó; rụng rời chân tay; nghĩ nát óc; nghĩ bể đầu;
cứng họng; nói đến gãy/ đứt lưỡi; coi người bằng nửa con mắt....
Nhưng những cách
diễn đạt sau đây đúng với tình trạng sinh lý của người bệnh: mệt mờ
mắt ; mệt bở hơi tai; lạnh nổi da gà; run bắn người; mồ hôi vã ra như tắm; trái
tim sắt đá; còn da bọc xương; uống máu người không tanh...
4.4.2.So sánh với những
từ ngữ chỉ động vật
Chẳng hạn: run
như cầy sấy; khỏe như voi; chân như chân voi; ranh như cáo; nhanh như sóc; giết
người như ngóe; ăn như heo; lẩn như chạch; ăn như rồng cuốn, nói như rồng
leo; ghét nhau như chó với mèo; chân to như chân voi; dai như đỉa đói.
4.5. Sử dụng ẩn dụ biểu
thị khoa trương
Theo tác giả Hữu Đạt
[3, tr.302] thì “Ẩn dụ là kiểu so sánh
không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn dụ phải
dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với
các sự vật hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của phép ẩn dụ
chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy
và ngôn ngữ dân tộc ”
Như vậy theo chúng tôi,
ẩn dụ là so sánh mà không có từ so sánh.
Chẳng hạn: chỉ
mành treo chuông; ngàn cân treo sợi tóc. Ở đây ta phải hiểu là (như
) chỉ mành treo chuông;( như) ngàn cân treo sợi tóc.
Theo các tác giả Mai Ngọc
Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, chúng là những ngữ cố định định danh.
Chúng tôi vẫn xếp chúng vào mục thành ngữ, vì tính cố định vì nghĩa biểu
trưng của chúng.
Chẳng hạn: mắt ốc
nhồi; mắt bồ câu; mắt lươn; mắt phượng, mày ngài, mũi sư tử; mũi diều hâu; răng
bàn cuốc; răng cải mả; nhẩy chân sáo; khăn mỏ quạ; miệng cá ngão; mặt lưỡi cày;
ngón tay chuối mắn; ngón tay búp măng; chân voi; chân cột đình....
4.6. Sử dụng thủ pháp nhân cách hóa, vật cách hóa biểu thị khoa
trương
Nhân cách hóa là một biện pháp tu từ lấy vật bao gồm vật thể, động vật, tư
tưởng hoặc khái niệm trừu tượng làm cho chúng có diện mạo, cá tính, tính cách,
hoặc tình cảm.
Nhân cách hóa là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy
những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu
thị thuộc tính, dấu hiệu không phải con người, nhằm làm cho đối
tượng được miêu tả trở nên gần gũi dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho
người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư thái độ của mình. Có
mấy loại sau:
- Nhân
cách hóa động vật
Ví
dụ: Chim sa cá lặn; ma chê quỷ hờn ; chó chê mèo lắm lông; khỉ ho
cò gáy; ai mà biết được ma ăn cỗ ; chim ca vượn hát; rồng
đến nhà tôm; lươn ngắn chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
-Nhân
cách hóa thực vật
Ví
dụ: Hoa nhường nguyệt thẹn ; hoa cười ngọc thốt; lòng vả cũng như
lòng sung ; quýt làm cam chịu ; cây ngay không chịu chết đứng; say
hoa đắm nguyệt.
- Nhân cách hóa sự vật và các hiện tượng tự nhiên
Ví dụ: Mưa thảm gió sầu; thiên sầu địa thảm; hồn xiêu phách lạc ;
trời không dung đất không tha; bụng làm dạ chịu; bụng bảo dạ; thần hồn nát thần
tính.
5. Sử dụng hiện tượng thiên nhiên, trời phật, thần thánh để khoa trương
Trong văn hóa của người Việt, trong các thành ngữ, người ta rất hay sử dụng
các hình tượng Trời, Phật, và các hiện tượng thiên nhiên để biểu thị khoa
trương.
Trong cuộc sống, người ta thường hay nói đến các hiện tượng thiên nhiên, thần
thánh. Tín ngưỡng Viêt Nam có thờ hiện tượng thiên nhiên, như núi đá, sấm
chớp, cây cao, thờ trời thờ đất, thần thánh, ma quái. Cho nên đề cập đến những
gì to lớn, vĩ đại, sự việc gây ngạc nhiên, chúng ta thường đưa ra để so
sánh ví von, khoa trương.
Chẳng hạn : chuyện tày trời,
tin sét đánh ngang tai ; nổ như sấm; quỷ tha ma bắt; lấy vải thưa
che mắt thánh; khác nhau một trời một vực; công ơn trời biển; đòn trời giáng;
trời đánh thánh vật; trời đánh không chết; dìm xuống đất đen; đến thánh
cũng bó tay; ngồi như bụt mọc; ngây như phỗng đá; ngáy như sấm.
Kết luận
Thành ngữ là tập hợp
từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một
cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Nó được hình thành và phát triển
nhờ quá trình tích lũy lâu dài trong cuộc sống của người Việt. Người Việt rất
thích khoa trương. Điều đó có thể thấy trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt.
Không thể tìm hiểu văn hóa Việt Nam
mà không nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt. Không thể nghiên cứu tiếng Việt mà bỏ
qua kho tàng thành ngữ – một vốn quý trong kho tàng tiếng Việt.
TS. Nguyễn Ngọc Kiên
............................
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Ngọc
Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở Ngôn ngữ học và tiếng
Việt, NXB Gíao Dục
2. Chu Xuân Diên, Đinh
Gia Khánh (1972), Văn học dân gian, NXB Đại học và Trung học chuyên
nghiệp.
3.Hữu Đạt (2001), Phong
cách học tiếng Việt hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia HN.
4.
Hoàng Văn Hành (2001), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học
Xã hội.
5. Đinh Trọng Lạc (2005), 99 phương tiện và biện
pháp tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
6. Đinh Trọn g Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong
cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục.
7.
Hoàng Kim Ngọc (2009), So sánh & ẩn dụ trong ca dao trữ tình,
NXB Khoa học.
8.
Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ ca dao dân ca, NXB Văn học.
9.
Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí
Ngôn ngữ.
10. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc
điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
11.Viện
Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
12.
Nguyễn Như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, NXB
Gi áo dục.
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
1. Vũ Ngọc Phan
(2003), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn học.
2. Đào Thản (2005), Ca dao
hài hước, NXB Đà Nẵng.
No comments:
Post a Comment