Tác giả Hoàng Đằng
QUÂN - SƯ - PHỤ... AI
TRỌNG HƠN AI?
Nhân ngày Nhà Giáo
Việt Nam 20/11/2016, tôi muốn cùng bạn đọc suy ngẫm về đề tài: “Quân
– Sư – Phụ. Ai trọng hơn ai?”. Mời các bạn đọc và góp ý.
Giữa 3 bậc trên, người xưa, kể cả những trí
thức lớn và những người giữ quyền cao chức trọng, vẫn còn mù mờ, lưỡng lự, chưa
biết ai trọng hơn ai.
Giai thoại kể rằng năm 1308, vua Trần Anh Tông
cử đại thần Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi (1280 – 1346) cầm đầu phái bộ Đại Việt
(Việt Nam) đi sứ sang Tàu, chúc mừng vua Nguyên Vũ Tông vừa lên ngôi. Trên
đường đi đến gặp vua Nguyên, Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi nghỉ lại nhiều trạm, tỏ
ra thông minh, nổi tiếng ứng đối giỏi. Trước khi về, Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi
được vua Nguyên thử tài lần cuối; vua ra chuyện đố:
- Có một chiếc thuyền trong đó chở 3 người: vua, thầy và
cha (quân, sư, phụ), ra giữa dòng sông; không may, thuyền bị lật chìm; ngươi là
người đứng trên bờ, thấy vậy, ngươi phải bơi ra để cứu, lẽ dĩ nhiên, mỗi lần
chỉ cứu được một người, thì ngươi cứu ai trước?
Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi trả lời ngay không
cần suy nghĩ:
- Thần bơi ra, thấy ai trước cứu trước, tuy nhiên, phải
gắng hết sức cho công việc nhanh để còn cơ hội lần lượt cứu hai người kia.
Vua Nguyên Vũ Tông phục tài, phong cho danh
hiệu “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” (Trạng Nguyên cả ở nước ta lẫn ở nước Tàu).
Cũng với tình huống đó, trong dân gian, lại có
câu đố:
“Quân – Sư – Phụ: tam cang giả,
Qua chuyến đò, đò ngã, cứu ai?”
Và câu trả lời là:
“Thầy – Cha thì khoác hai vai,
Lưng thời cõng Chúa. Bỏ ai cũng không đành!”.
Xin mở ngoặc chỗ này: Tam cang (tam cương) là
Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ - ba mối liên hệ quan trọng trong đời người, nhắc
nhở mọi người phải giữ tròn ba đạo: trung – hiếu – nghĩa, còn Quân – Sư – Phụ
chỉ là ba bậc mà mỗi người phải tôn trọng, yêu thương, quan tâm đến.
Giai thoại và câu đố trên cho thấy về mức tôn
trọng, yêu thương, quan tâm đến, ba bậc ngang nhau; tuy nhiên, Quân – Sư – Phụ
không thể nói cùng một lúc mà phải có từ trước từ sau.
Nhiều người hiểu rằng mức tôn trọng giảm dần
theo thứ tự sắp xếp xuôi của các từ, nghĩa là vua là bậc được tôn trọng, yêu
thương và quan tâm đến nhất, kế đến là thầy rồi cuối cùng mới đến cha. Hiểu như vậy cũng phải thôi!
Ngày xưa, vua là con trời phái xuống (thiên
tử) cai trị muôn dân; vua không còn là người trần tục mà là một đấng thiêng
liêng; vua lại nắm quyền sinh sát trong tay, “vua bảo tôi chết, tôi
không chết là không trung” (quân sử thần tử, thần bất tử bất trung); không
đặt vua lên vị trí cao nhất trong thế gian, không chừng mang tội “xem thường
vua” (khi quân) , có lúc phải bị mất mạng.
Thầy là bậc dạy dỗ ta nên người; có thể là
thầy dạy văn hoá, có thể là thầy dạy nghề nghiệp; “không thầy đố mày làm nên”,
quan trọng! Thầy không cùng huyết thống với ta, nhưng sẵn sàng truyền đạt cho
ta những gì cần trong cuộc sống. Ngày xưa, dạy văn hoá cũng như dạy nghề, nhất
là dạy văn hoá, thầy không thu học phí như bây giờ; phụ huynh học trò lo chỗ ở,
nơi ăn cho thầy, đến dịp lễ tết lo quà cáp lộ phí cho thầy về thăm nhà. Nghề đi
dạy giống như nghề đi truyền đạo – đạo đây là luân lý, đạo đức, phong tục, tập
quán, cách đối nhân xử thế. Nghề đi dạy dành cho các khoá sinh chờ thi cử, các
nho sĩ thất cơ lỡ vận và các hưu quan. Qua việc dạy học (ngôn giáo), qua cách
sống (thân giáo), họ góp phần thiết lập trật tự tôn ti trong xã hội bên cạnh
luật pháp do vua ban; thiên chức của họ là góp phần ổn định xã hội và nuôi
dưỡng lòng trung quân ái quốc nơi dân chúng. Thành thử, nhắc đến “quân” (vua)
xong là nhớ đến “sư” (thầy).
Còn phụ (cha) là người sinh, dưỡng, dạy dỗ -
dạy dỗ nhiều thứ: tập tành nghề nghiệp, đường ăn lối ở, trong nhiều trường hợp
còn dạy văn hoá; vì thế, cha ở nhiều vùng còn gọi là thầy. Tuy nhiên, công lao
của cha chỉ thu gọn trong phạm vi gia đình, cùng lắm là dòng tộc; vì vậy, phụ
(cha) được nhắc đến sau cùng; như thế, ngoài thứ tự sắp xếp xuôi theo từ, “quân
– sư – phụ” còn được sắp xếp từ phạm vi rộng đến hẹp: quốc gia – xã hội – gia
đình.
Tác giả bài này thì nghĩ khác, cho rằng “quân
– sư – phụ” phải được hiểu ngược lại mới sát thực tế.
Trong Hán văn, nhiều trường hợp được giải
nghĩa ngược với thứ tự các từ; thí dụ: “bạch mã” là ngựa trắng chứ không phải
“trắng ngựa”; “nhân tâm” là lòng người chứ không phải là “người lòng”; chúng ta
nói “nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, nhưng dịch ra Hán văn thì phải
là “Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Hoà Quốc”. Và tập viết, sách in bằng chữ Hán
ngày xưa phải được đọc từ sau ra trước.
Tương tự như vậy, 3 từ mà nhiều nhà treo là
“Phúc – Lộc – Thọ” để nói lên những ước nguyện trong đời cũng phải được hiểu
ngược với thứ tự sắp xếp từ mới hợp lý.
Xin tạm hiểu: “Phúc” là điều may mắn, tốt lành
không sờ nắm được, không thấy được tức thời mà chúng ta gặp, ví dụ: một gia
đình mà anh em con cháu hoà thuận, ấy là nhà có phúc. “Lộc” là chuyện may mắn,
tốt lành sờ nắm được, thấy được tức thời mà chúng ta có, ví dụ: một người nào
đó bỗng nhiên nhận được một món quà do bạn bè từ xa gởi đến - người ấy gặp lộc;
xong một lễ tế ở đình làng, dọn xôi thịt cúng xong mời dân làng ăn, ấy gọi là
dân hưởng “lộc” của thần linh. “Thọ” là sự kéo dài của đời sống. Theo quy định
hiện hành của xã hội ta, 60 tuổi trở lên mới được gọi là “hưởng thọ”. Con người
có sống lâu (thọ) mới biết mình có “lộc”, có “phúc”; chết sớm thì làm sao mà
hưởng được “lộc” và “phúc”, nghĩa là viết xuôi là “Phúc – Lộc – Thọ”, về tầm
quan trọng, vẫn phải được hiểu là: “Thọ - Lộc – Phúc”.
Trở lại ba bậc “quân – sư – phụ”; không có
“phụ” (cha) thì không ai sinh mình ra; như thế mình có đâu để đến học với “sư”
(thầy), rồi thành đạt, ra phụng sự “quân” (vua).
Còn xét về lòng tôn kính, thương yêu, quan tâm
đến, không ai bỏ cha mình mà ưu tiên cho thầy, chứ khoan nói ưu tiên cho vua;
“hiếu vi tiên” mà!. Lòng tôn kính, thương yêu, quan tâm đến cha thể hiện hàng
ngày, hàng giờ; lòng tôn kính, thương yêu, quan tâm đến thầy, nếu có, chỉ thể
hiện thỉnh thoảng; còn đối với vua thì “tôn kính nhưng xa xôi quá”(kính
nhi viễn chi).
Và muốn biết sự quan tâm đến ai hơn ai, xem ai
trọng hơn ai, cứ xem cách thọ tang ngày xưa thì rõ. Cha mất chịu đại tang (3
năm, trong thực tế, hiện nay chỉ còn 24 tháng tròn); thầy mất, nếu muốn, chỉ
chịu tang tình cảm (tang không quy định thời gian, tuỳ tấm lòng); vua băng hà,
cả nước chỉ chịu tang bằng cách treo cờ rủ một thời gian ngắn, trường hợp vua
Bhumibol Adulyadej của Thái Lan vừa mất (13/10/2016) là đặc biệt – chính phủ
Thái Lan quyết định 1 năm vì trong thời gian 70 năm trị vì, Ngài được xem như
trụ cột cho sự ổn định, thống nhất của đất nước.
Vậy nên dù về mặt sắp xếp các từ là “quân – sư
– phụ”,tác giả bài này hiểu, về mặt nghĩa, là “cha – thầy – vua”.
Dù được hiểu theo cách nào đi nữa – ai trọng
hơn ai, “thuyết chính danh” trong Nho giáo phải được áp dụng triệt để. Theo
“thuyết chính danh”, vua cho ra vua, thầy cho ra thầy, cha cho ra cha.
Vua phải hết lòng vì dân vì nước, biết lo trước
khi thiên hạ lo, còn sung sướng, phải hưởng sau thiên hạ (tiên ưu thiên
hạ ưu, hậu lạc thiên hạ lạc).
Thầy, trong dạy dỗ học trò, phải tận tuỵ;
người xưa quan niệm trong lúc dạy dỗ người thầy phải nghiêm túc, nếu không,
thầy không tròn trách nhiệm (giáo bất nghiêm sư chi đoạ - Tam Tự Kinh),
thầy phải truyền đạt kiến thức, đạo đức không chút tính toán thiệt hơn; thầy
không bao giờ giấu chữ, không bao giờ sợ học trò sau này giỏi hơn mình, thầy
luôn vui mừng theo bước tiến của học trò.
Cha, ngoài công sinh, phải nuôi nấng, dạy dỗ
con nên người, dựng vợ gả chồng, tạo lập gia thất.
Không phải vua nào, thầy nào, cha nào cũng
hoàn thành các thiên chức, nghĩa vụ vừa kể.
Trong lịch sử, không thiếu các ông vua chỉ lo
vun quén cho gia đình, gia tộc riêng của mình, sống truỵ lạc, ham chơi, tàn ác
với quần thần, với nhân dân.
Có nhiều người thầy dạy dỗ không nghiêm túc,
vòi vĩnh học trò, dụ dỗ đưa học trò vào con đường hư hỏng, thầy giáo hiệu
trưởng Sầm Đức Xương (1) ở tỉnh Hà Giang cách đây mấy năm là một ví dụ.
Cũng có nhiều người cha sinh con ra, không lo
nuôi dạy, ngày đêm rượu chè say sỉn, gái gú tùm lum, hành hạ vợ con ...
Người không may mới phải làm dân của vua như
thế, làm trò của thầy như thế, làm con của cha như thế.
Đối với “vua không ra vua”, Nho giáo dẫn lời
hỏi đáp giữa Tuyên Vương nước Tề - một chư hầu nhà Chu bên Tàu ngày xưa – với
Mạnh Tử (372 – 289 TCN), một lý thuyết gia Nho giáo. Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh
Tử:
- Làm tôi giết vua của mình, được không? (thần thí kỳ
quân, khả hồ?)
Mạnh Tử đáp:
- Tôi có nghe chuyện giết một thằng tên Trụ
(2), chứ chưa hề nghe chuyện giết vua. (Văn tru nhất phu Trụ hỷ, vị văn thí
quân dã)
Tuân Tử (313 – 283 TCN), cũng là một lý thuyết
gia Nho Giáo, nói: “Giết ông vua bạo ngược trong nước, cũng ví như giết
thằng độc ác” (tru bạo quốc chi quân nhược tru độc phu).
Đối với “thầy không ra thầy”, có lẽ trò chỉ đi
tìm thầy khác mà học, hoặc bỏ học ở nhà; chưa nghe ai dạy, sách nào dạy phải
hỗn láo với thầy, hành hung thầy.
Đối với “cha không ra cha”, sách Nho có dạy:
Cha làm điều trái, làm con phải can ngăn để cha khỏi lầm lỗi, chỉ có điều phải
giữ lễ phép khi can ngăn.
Như thế, chúng ta biết rằng chỉ có “vua không
ra vua” là bị khử. Vua không phải muốn làm gì thì làm; việc của vua luôn được
Trời giám sát; vua bất xứng, Trời sẽ cảnh cáo bằng cách gieo thiên tai (bão lũ,
hạn hán), nhân tai (dịch bệnh, hoả hoạn, giặc giã) đẩy nhân dân vào cảnh khốn
cùng khiến nhân dân nổi dậy lật đổ vua. Chừng đó chứng tỏ ngày xưa làm vua cũng
khó và nguy hiểm; Mạnh Tử lại còn nói: “Trong một nước, quý nhất là nhân
dân, quý nhì là đất đai, quý chót là vua” (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi
khinh)
Thế thì cách hiểu ý ngược với thứ tự sắp xếp
các từ “Quân – Sư – Phụ” theo tác giả bài này là cha – thầy - vua mới đúng,
phải không bạn đọc?
16/10/2016
(16/9/ Bính Thân)
Hoàng Đằng
------------------------------------------------------------
(1) Sầm Đức Xương, hiệu trưởng một trường phổ thông
trung học ở huyện Bắc Giang, tỉnh Hà Giang, từ tháng 7/2008 đến lúc bị bắt
(tháng 9/2009) đã dụ dỗ nhiều nữ học sinh vị thành niên để mua dâm và dùng dâm
đãi khách.
(2) Trụ là vị vua cuối cùng nhà Thương bên
Tàu, nổi tiếng dâm ô, bạo ngược
No comments:
Post a Comment