Tác giả Lê Hứa Huyền Trân, Hội viên Hội VHNT Bình Định |
Lê Hứa Huyền Trân
TẾT CỦA NHÀ TÔI
Truyện ngắn
Cứ
mỗi bận xuân về, nhà nhà bắt đầu nô nức sửa soạn đón Tết thì ba tôi lại nặng
thêm đôi quang gánh trên vai. Nai lưng ra làm mỗi độ cuối năm khiến đôi tay ba
thêm chai sần thô ráp và những giọt mồ hôi rơi đầy mặn chát làm thâm thêm những
chiếc áo ba mặc vất vả mỗi ngày. Từ bé, mỗi khi Tết đến tôi đã thôi cái huyễn
hoặc được vận chiếc áo mới, nhà thêm cành đào, cành mai hay đơn giản có những
mâm cao cỗ đầy ngày tết mà lúc nào cũng chuẩn bị những sớm tinh mơ lẫm chẫm
theo mẹ đi làm cho kịp đương buổi chợ. Thế giới của tôi là thế giới trong những
chiếc thúng con con mà bao giờ mẹ cũng để một bên là tôi với một nắm xôi nhỏ
cho tôi ăn mỗi sáng, còn bên kia là những món hàng xén mẹ bán. Khi mặt đất còn
phủ hơi sương, mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ, tôi lơ mơ thức dậy cuộn tròn trong
chiếc thúng, ba hì hục đẩy xe ba gác đầy những rau, cả nhà cùng nhau đi làm,
chưa bao giờ ngớt ngơi những giọt mồ hôi, cũng chưa bao giờ vơi đi những tiếng
cười hạnh phúc.
Khi tôi lên tám, tết ở nhà tôi là những ngày ba mẹ tất tả
sớm hôm, dẫu người người đã cuộn tròn trong những chiếc chăn ấm vì những đợt
mưa xuân hay bắt đầu nô nức cùng cả nhà đi trẩy hội. Có đứa bé ngồi trên bậu
cửa suốt ngày đợi ba mẹ về, nó đã thôi cái khát khao thèm muốn có thể cùng mẹ
nắm tay đi chợ mua sắm cho Tết, cũng thôi vòi vĩnh đòi mẹ đứa này đứa kia mọi
thứ đủ đầy và tốt hơn mình. Nhưng dẫu có biết hoàn cảnh gia đình đến đâu thì nó
vẫn chỉ là một đứa trẻ, và khi là một đứa trẻ, nó không tránh khỏi những phút
xao lòng làm ba mẹ tổn thương. Dù thiếu thốn nhưng vào những ngày đầu năm mẹ
tôi cũng ráng gò lưng ra làm để kiếm tiền mua cho tôi nồi thịt kho tàu. Nghe mẹ
dắt tay ra chợ bảo sẽ nấu cho tôi nồi thịt vào ngày Tết khỏi phải nói tôi vui
đến độ nào. Ngày đầu năm, khi bát cơm trắng nghi ngút khói được dọn lên và phau
phau thơm phức mẹ múc ra một bát thịt. Thay cho những quả trứng gà trứng vịt to
tướng là những quả trứng cút nhỏ xíu con con, có cái đã mất lòng đỏ vì hòa tan
vào thịt. Thay cho những miếng thịt to cắt thành từng miếng vuông vuông có thể
ăn hết một bát cơm đầy là những miếng thịt mỡ như những thứ còn thừa sau buổi
chợ. Thay cho một nồi thịt cao vun chỉ là một cái chảo nhỏ độ chừng ăn một bữa
là hết, Tôi buông đũa quăng khóc nằm vạ:
- Mẹ bảo thịt kho
tàu cơ mà… Đây mà là thịt ư?
-Con ngoan. Đây
cũng là thịt kho tàu mà con. Trứng này, thịt này,…- Mẹ loay hoay quay qua quay
lại rồi chợt trở nên lúng túng- Mẹ chan nước thịt đều cho con là ngon cả con ạ.
-Con không muốn ăn, cả năm cả tháng con đã phải ăn cơm chẳng có thịt cá gì rồi mà đến Tết mẹ còn bắt con ăn thứ đồ thừa này ư?
Tiếng
ba đặt chén mạnh đến nỗi nghe cái xoảng. Bóng mẹ tóc tai rối bời ngồi chống gối
ngỡ ngàng đến ngẩn ngơ. Bữa cơm xuân bỗng thành
dang dở. Tôi chạy vào phòng nằm khóc tu tu. Nhìn qua khe cửa, thấy mẹ lúi húi
dọn, gắp những miếng thịt nạc ít ỏi bỏ vào trong chén tôi cất vô trong chạn đậy
lại. Buổi tối, nghĩ tôi vẫn dỗi không chịu ăn mẹ lại cất cơm xuống bếp, vừa cất
mẹ vừa khóc, mái tóc rối bời ôm lấy gương mặt trơ xương. Tôi chạy lon ton xuống
dọn cơm lên nhà giúp mẹ, mẹ hơi ngỡ ngàng, ba bật cười, tôi gắp mẹ miếng thịt
mẹ giành phần tôi chan nước thịt ngồi ăn ngon lành. Bữa cơm nửa chừng xuân dẫu
giản đơn nhưng bỗng trở nên mặn mà hạnh phúc.
Từ bấy đến giờ tôi vẫn luôn nhớ những giọt nước mắt mẹ
rơi ngày Tết, những cảm xúc và những tị nạnh nhỏ nhen nhất thời của tôi đã giúp
tôi trưởng thành hơn trong nhận thức và thấm thía nỗi lòng của mẹ. Tết khi tôi
vào cấp hai bắt đầu khang khác. Ba “ trúng hàng”, kiếm được tiền mở cho mẹ được
một sạp tạp hóa nhỏ, không lớn lắm nhưng ít ra cũng có đồng ra đồng vào, lại đỡ
phải sớm hôm vất vả ngược xuôi. Ba đi theo những chuyến tàu ra khơi may rủi
nhưng niềm vui đầy ắp cá tôm đỡ dần những nỗi nhớ nhà. Mỗi bận Tết về, người
đàn ông trên người hãy còn mùi cá luôn ôm chặt tôi trong vòng tay mặn chát mùi
nước biển. Trước Tết vài tuần thể nào ba cũng theo tàu ra khơi, chỉ còn hai mẹ
con quây quần bên nhau sắm sửa ngày Tết. Mẹ hay bảo tôi:
-Nay nhà mình có chút, thì phải sắm sửa cho con gái chứ. Tết này may bộ đồ mới cho con nhé?
Tôi
lúc lắc đầu, mắt dõi về khơi xa, với tôi, hạnh phúc nhất chẳng phải là những
thứ phù du mà chỉ là gia đình
sum họp. Mẹ dắt tôi ra chợ,
như truyền thống mọi năm cũng có nồi thịt kho tàu gọi là. Nay tôi đã lớn, đã
biết phụ mẹ om dưa, kho cá, lại biết chuẩn bị những mâm cỗ cúng ông bà. Mẹ hay
cho tôi mấy miếng mứt lúc mẹ chuẩn bị khay:
- Ăn đi con, lấy
thảo. Tết này mua được ít thịt, dăm quả trứng gà, được cả nồi đấy nhé?
Những
lúc ấy tôi rưng rưng muốn khóc, dường như nỗi buồn năm nào dù mẹ không muốn nhớ
nhưng nó vẫn
in hằn, tôi thấy cả hoàng hôn
rơi vào mắt tôi lúc đó. Có tiền, mẹ dành dụm mua cho tôi cánh áo mới, lại sắm
một chậu tắc nhỏ, ngày nào hai mẹ con cũng chăm tắc, cũng trang hoàng nhà và
cũng nhìn về khơi xa. Cho đến khi thấy bóng dáng của một người đàn ông từ biển
về, nước mắt của độ xuân mặn nhưng hạnh phúc.
Thế rồi gia đình tôi đủ đầy chẳng bao lâu thì gặp biến.
Tôi chuẩn bị bước vào đại học thì ba bị người ta hại nợ nần chồng chất. Vì quá
thương người nên đứng tên nợ nần giùm người ta rồi người ta trốn đâu mất để ba
ôm nợ. Sạp tạp hóa nhỏ bị đem đi cầm, cả nhà tôi bắt đầu sống dựa vào những
luống rau của mẹ và đan lưới những lúc rảnh rỗi của ba. Tuổi đã cao những ba
vẫn đi thầu để kiếm tiền, tôi cũng vừa học vừa làm mồ hôi rơi cùng nước mắt. Rồi
ba vì nghĩ suy nhiều với tuổi cao trở nên yếu hẳn, chân đau nhức mỗi khi trở
trời, ăn uống cũng ít dần đi. Tôi đương vào đại học ghi tên học đại học gần nhà
để đỡ đần mẹ, để tiện chăm ba. Khi chòm xóm bắt đầu giương những câu đối đỏ
khắp ngõ thì mẹ tôi gánh rau đi, khi các nhà bắt đầu cụng nhau những ly rượu
xuân thì ba tôi trở mình đan lưới. Tết năm đó cũng giống mọi năm chỉ khác chăng
nhà tôi có biến.
Cô Kim đứng gọi từ đầu ngõ:
- Ba cái Mi ơi, ra
cho ít thịt này.
Ba
tôi lật đật chạy ra, cô Kim trên tay là tô thịt hãy còn đầy ắp. Chú Quang đứng
đó khép nép trên tay còn
nguyên khay trái cây không
biết đưa ba tôi như thế nào.
- Em biếu anh… sợ
anh không nhận. Anh như thế này, em thương, anh nhận cho em vui.
Ba
tôi cười. Má tôi cũng cười. Chỉ có tôi không hiểu gì. Má đứng bên bậu cửa vuốt
tóc tôi:
- Sống tốt thì
người ta thương. Mình gặp khốn thì người ta đỡ. Tết này mình đã “ đủ” rồi đó
con.
Tôi
gật đầu cười nhẹ. Bao mùa tết trôi qua tôi cũng tốt nghiệp, gia đình tôi trải
qua nhiều biến cố, từ những lúc
nghèo khổ đến những khi đủ
đầy và cả những lúc sa cơ, tất cả đều là những cung bậc cuộc sống mà tôi trải
qua để rút ra những kinh nghiệm để đời. Mãi cho tới sau này chưa bao giờ tôi
đặt ra những câu hỏi như :” Tại sao gia đình tôi lại nghèo?”,” Tại sao người ta
hại ba tôi?” hay những câu hỏi liên quan tới những khó khăn đã trải qua, vì tất
cả đều là số phận của mỗi người mà quan trọng là ta có đủ sức vượt qua số phận
đó hay không mà thôi.
Nay tôi đã ra trường, được nhận vào một công ty lớn, Tết
trở nên sung túc. Cành đào trang trí, quà cáp tấp nập ra vào nhưng chưa bao giờ
tôi quên cái Tết khốn khó mà mình đã trải qua ngày xưa. Nhìn ba mẹ tóc đã đổi
màu theo thời gian, mâm cơm gia đình ấm nóng, tôi nắm chặt tay họ, gắp họ từng
miếng, bỗng, chẳng hiểu vì lẽ gì, tôi bảo mẹ:
- Mẹ à, con muốn ăn
nồi thịt kho tàu toàn trứng cút như xưa, mẹ làm cho con nhé?
Mẹ
bỗng bật cười, nơi khóe mi giọt nước mắt nghẹn ngào đầy hồi ức.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội Viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
No comments:
Post a Comment