(Vị ngọt của thơ ca)
Tôi thích chè
chè ngọt
bởi có đường
đường ít
chè không đủ ngọt, không ngon
đường nhiều
ngọt lợ, ăn gắt cổ
Nấu chè ngon do đó,
cũng cần có tài
ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,
các thứ khoai
(thứ nào nấu với thứ nào
liều lượng bao nhiêu thì hợp)
còn phải biết
nêm đường cho vừa ngọt
Chè
có món có thể nêm đường kha khá
có món ít đường một chút cũng không sao
nhưng đã là chè thì phải có đường
nấu chè nếu không nêm đường
thì chè sẽ không còn là chè nữa
mà thành món khác.
Vần và (hoặc) nhịp điệu tạo nên vị ngọt của thơ ca. Nó là
những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của
tác giả và - qua bài thơ - trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình
ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn đọc giả một cách dễ dàng hơn. Trong những bài
thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy,
chảy trong tâm hồn người đọc. Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ
bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời
gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải
mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.
Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ít quá thì không đủ
ngọt, nhiều quá thì ngọt lợ, ăn gắt cổ. Ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử
dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải cũng là một tài
năng của tác giả.
Phạm Đức Nhì
No comments:
Post a Comment