NGỌC HÀ, NỮ SINH KHÔNG MẶC ÁO DÀI
Lâu lắm không gặp lại Ngọc Hà. Tự
nhiên nhớ câu hát cải lương ngày xưa mỗi lần tụi mình gặp Hà đi học.
" ...Ngọc Hà ơi, thôi từ đây gió
đưa cành mây...". Hi hi, lúc nào Mừng và Trị nhắc đến Hà là như nhắc đến
cái thời trẻ thơ. Còn Hà thì bảo nhớ Trị là không quên được ấn tượng đầu đời,
một anh chàng ngỗ ngáo nhiều lần làm Hà phát khóc.
Hôm ra Quảng Trị dự đại hội CHSNH,
nghỉ ở Khách sạn Thành Cổ, có cả vợ chồng Bích Hường, Thu Vàng. Nghe người ta
bảo khuôn viên khách sạn ngay địa điểm Quảng Tường ngày xưa. Không biết đúng
không mà đêm đó mơ thấy nhiều nữ sinh Nguyễn Hoàng mặc áo dài đi học, lẫn trong
đó có cả Ngọc Hà mặc váy trắng nữa. Ui chao, thức dậy là nhớ quay quắt, không
ngủ được nữa, ngồi chờ trời sáng. Chuyện như cổ tích, mà đời người có khi cũng cổ
tích lắm chứ, như kỷ niệm của lứa tụi mình.
Trên đây là thư tôi viết cho Hà.
Hôm thầy Trần Ngọc Cư từ Mỹ về có
tổ chức buổi họp mặt ở quán Rất Huế, tôi là chủ nhân. Lớp C chúng tôi tháng nào
chẳng họp, nhưng hôm nay có Thầy nên đứa nào cũng lo đến đúng giờ hẹn. Người
đầu tiên tôi đón là một "khách lạ".
Khách nhìn tôi hỏi nhớ không. Thiệt tình tôi không nhớ nên lưỡng lự,
"xin lỗi chị…" , “Ngọc Hà Quảng Tường đây, quên thiệt rồi hả?"
Tôi xúc động lắm, vì Ngọc Hà ngày xưa học Nguyễn Hoàng có thể biết tôi cũng như
tôi chỉ biết Hà học lớp ban A. Thỉnh thoảng có chạm mặt ở cổng trường hay những
buổi sáng chào cờ cũng chẳng bao giờ… cười với nhau. Vậy mà hôm nay Hà ghé, còn
gọi ngay tên mình, lại còn có quà riêng cho tôi nữa ai mà không xúc động.
Giọng Hà rặt Quảng Trị dù gốc Hoa,
lại xa Quảng Trị trên ba mươi năm rồi. Một lần Hà kể, hồi mới qua Mỹ nhiều khi nhớ quê quá, trời
mưa một mình lái xe lên đồi cao, cho mưa ướt và lạnh run để nhớ về Quảng Trị.
Nhiều khi các con Hà không hiểu mẹ, tưởng mẹ bị thần kinh tới nơi. Nhưng Hà
biết, ngọn gió rét cắt da mang theo mưa bụi kia sẽ nhòe với nước mắt làm một,
nước mắt nhớ nhà, nhớ bạn ngày thơ. Những ngày đi học các bạn mặc áo dài ướt
ống quần, còn Hà thì không bởi Hà mặc jupe. Tôi hỏi tại sao hồi đó ai cũng phải
mặc áo dài còn Hà được mặc jupe cho tới năm đệ nhị cấp. Hà bảo có lần Thầy Thái Mộng Hùng nói Hà là
người Hoa cho nên được như thế. Hà nhớ cái mưa dầm gió rét đến như thấm vào máu
thịt ở cái thành phố nhỏ như bàn tay, nơi Hà lớn lên trong nhung lụa. Dân Quảng
Trị ai không biết đại gia đình Quảng Tường, Mỹ Phát. Thế mà Hà bảo đi đâu, nơi
nào dù xa hoa lộng lẫy đến mấy cũng không bằng thị xã của mình. Ngày về quê,
bước xuống sân bay là khóc òa, người thân không hiểu nỗi lòng Hà đâu, thương
lắm cái xứ sở nghèo nàn của mình. Tôi
lại hát với Hà với bạn bè câu hát đùa mà nghe cay khóe mắt: …”Ngọc Hà ơi thôi
từ đây gió đưa cành mây đến phương trời xa gót chân quan hà”. Câu hát như vận
vào tụi mình Hà nhỉ. Đêm đó tôi hát nhiều lắm, hát say sưa với bạn bè. Cao Thị
Yến, Quang Tuyết , Chi Lan ai cũng hát.
Thầy Cư cùng đám học trò ngồi nghe nhau hát, tóc thầy tóc trò đều bạc mà
sao những tiếng hát của các “nàng” vẫn xuân xanh.
Có nhiều người xứ khác thắc mắc tại
sao dân Nguyễn Hoàng đi đâu cũng nhắc quê mình, trường mình, nhắc hoài không
chán. Lại có Thầy bảo dạy nhiều trường
nhiều nơi nhưng chưa có đâu học trò quý thầy như người Quảng Trị. Có lẽ ngoài phong hóa tốt lành của quê mình
còn một điều không nơi nào có là: Thành
phố mình không còn, tên trường đã mất. Chúng ta nương náu nhau, nhớ về nhau vì
chúng ta không còn trường để về, không còn phố để làm thơ, những vần thơ học
trò vụng về thao thiết:
Guốc ai khua rộn phố phường
Tình xao xuyến gió về vương áo
dài
Sân trường lóng lánh sương mai
Những đôi mắt biếc chớp hoài
không thôi.
(Nguyễn Đặng Mừng, 1971)
Tôi có hứa sẽ viết một tản văn về Hà. Hôm qua Hà lại
nhắc. Trị vừa gửi cho tôi một tản văn
của Ngọc Hà, xin giới thiệu với quý thầy cô, anh chị và bạn bè những dòng viết
của chính Ngọc Hà, Cô nữ sinh Nguyễn Hoàng gốc Hoa tóc ngắn, mắt to chuyên mặc
jupe.
Mơ một ngày về
Mỗi khi nghe ai nhắc về Quảng Trị, tự trái tim mình
như có giòng suối mát chảy qua, êm đềm như cánh diều chao lượn với gió nồm trên
đồng lúa chín. Ấu thơ hiện về hiền hòa bên giòng Thạch Hãn, có con đò lặng lẽ
trên sông.
Rồi tuổi dậy thì áo lụa trắng đến trường, tưởng tượng ai đó nhìn theo thầm lặng đón đưa. Chúng tôi vô
tư vui đùa líu lo như những con chim vành khuyên ngậm trái sim chín tuổi thơ
ngọt ngào diệu vợi.
Rồi một ngày tôi cùng gia đình bỏ
thị xã thân yêu ra đi theo mệnh nước mệnh trời. Xa rồi thành phố nhỏ như đôi mắt đa tình, từ đó tôi nhìn qua Nhan Biều xanh xanh bãi bắp, mượt mà như câu ca dao nhỏ bạn hò cho tôi
nghe:
Chèo đò bẻ bắp bên sông
Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về.
Chúng tôi chưa thành trái, chúng
tôi là hoa, hoa bắp, ai hái mặc ai, chúng tôi có biết chi mô.
Mùa hè, mùa hè năm 72.
Bạn bè xao xác chia tay. Tôi bỏ lại
ngôi nhà mang tên Quảng Tường của gia đình tôi, bỏ lại những mùa xuân ngai ngái
hương sầu đâu trên những con đường nhỏ xíu, mỗi sáng đến trường hoa đậu trên
vai. Bỏ lại những ngày mưa dài lê thê,
mùa đông ngồi trong lớp học ấm cúng nhìn
xuống hàng phượng chơ vơ buồn bã. Bỏ lại những mơ mộng đầu đời hoang mang một
tình yêu ai đó.
Tôi lại đi xa, xa lắm tới bên tê bờ
đại dương. Nước Mỹ cho tôi nhiều vật chất, nước Trung Hoa cho tôi có gốc gác,
nhưng từ sâu thẳm lòng tôi lại luôn nhớ về Quảng Trị.
Nước Mỹ cho tôi nhiều cơ hội, nhà
cửa tiền bạc và công việc, nhưng cái họ không có để cho tôi là tiếng nói nằng
nặng tình quê của bạn bè một thời yêu dấu, một góc phố đã in đậm tuổi thơ với
gia đình bè bạn.
Một thời gian dài tôi không về quê
hương được vì phải lo toan bao điều với cha mẹ, con cháu. Bây giờ trách nhiệm
đã xong, lòng tôi thanh thản yên bình, tôi lại mơ một ngày về Quảng Trị.
Thạch Hãn ơi ngày về xa lắm
Mơ một lần tắm gội bến sông
xưa
Để nói nhỏ với hàng cây thơ
ấu
Ta với người thương nhớ đong đưa.
Tôi tên Ngọc Hà, một nữ sinh gốc
Hoa người Quảng Trị, học Nguyễn Hoàng.
Phan Ngọc Hà
No comments:
Post a Comment