Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, September 13, 2014

ĐỌC “TÂY NINH QUÊ HƯƠNG TÔI”, THƠ ĐAN THUỴ - Châu Thạch



ĐỌC “TÂY NINH QUÊ HƯƠNG TÔI”- THƠ ĐAN THUỴ


TÂY NINH QUÊ HƯƠNG TÔI 

Tôi yêu Phố Núi hai mùa mưa - nắng 
Dầu Tiếng mông mênh xanh thắm ruộng đồng
Vàm Cỏ Đông ghi chiến công chói rạng 
Ngọt phù xa thơm hương lúa xuôi dòng 

Long Hoa chan đầy lòng ai nỗi nhớ! 
Tình Trăm Năm thơm giọt đắng môi hoa 
Toà Thánh uy nghi đêm rằm trẩy hội 
Soi bóng Cộ Tiên lộng lẫy trăng ngà 

Đường 30-4 rụng tràn hoa nắng 
Tấp nập người xe nhịp sống dâng đời
Cầu Quan duyên dáng bóng chiều rơi 
Thành phố đêm, hoa đèn giăng rực rỡ 

Long Điền Sơn xôn xao chiều thanh lịch! 
Hồ reo vui cùng  hoa lá khúc thương ca
Bóng nước long lanh đan thành vũ điệu 
Vang tiếng ai cười, khóm liễu lay hoa  

Về Biên Trấn nghe lời rừng ru nắng 
Lá trút theo mùa sợi gió mong manh 
Cao su bạt ngàn đẹp dòng nhựa trắng 
Xanh thắm mưa về đan ước mơ xanh  

Mời anh về thăm Tây Ninh yêu thương! 
Miền quê trung dũng mảnh đất thành đồng 
Xưa hiên ngang chung lòng giữ nước 
Nay vững vàng cùng xây dựng quê hương. 

                          Đan Thuỵ 


Lời Bình: Châu Thạch

Không biết bài thơ Đan Thuỵ viết về Tây Ninh hay, hay là vì Tây Ninh ở trong lòng tôi nên tôi thấy bài thơ hay. Tôi chỉ đến Tây Ninh một lần và dạo phố lướt qua một bận nhưng tôi cũng rất yêu Tây Ninh dầu yêu thua Đan Thuỵ. Ở đó là nơi tôi đã trồng cây bút hòa mình vào vườn văn chương Đất Đứng và với tôi, nó đã đơm hoa kết trái. Ở đó tôi được giao lưu với những con người mà tôi thấy tâm hồn họ chẳng khác chi bầu trời Tây Ninh được diễn tả trong thơ Đan Thuỵ. Câu đầu của bài thơ làm cho tôi ngạc nhiên: “Tôi yêu Phố Núi hai mùa mưa-nắng”. Tìm trên mạng thấy có mấy câu thơ nầy:
“Tây Ninh phố núi chờ bạn nhé,
Về với quê hương bánh tráng mè
Mời bạn một lần ăn sản phẩm,
Trọn đời thương mãi vị chua cay”

Và một đoạn văn như sau:
“Một chuyến đi về Tây Ninh là dịp để chinh phục núi Bà Đen, Quý khách sẽ được khám phá phong cảnh núi non hùng vĩ, tận hưởng không khí vô cùng thoáng đãng. Núi Bà Đen với nhiều quần thể di tích như Điện Bà, động Thanh, động Huyền Không, Hang Gió,… và truyền thuyết về Lý Thị Thiên Hương ( Bà Đen) chắc chắn sẽ mang lại cho Quý khách những phút giây trải nghiệm vô cùng thú vị. Quý khách cũng có thể thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh núi Bà Đen và trung tâm thị xã Tây Ninh bằng hệ thống cáp treo hay thử sức với hệ thống máng trượt cảm giác mạnh chạy suốt từ đỉnh xuống chân núi”
Hoá ra “Phố Núi” không chỉ là các thành phố ở cao nguyên mà Tây Ninh cũng có tên là Phố Núi vì thành phố nầy rất gần với danh lam thắng cảnh núi Bà Đen. Tôi nhớ đoạn  thơ trong bài “Leo Núi Bà Đen” của Nguyễn thị Kim Liên:
“Tìm lắng sâu từ bàn chân bước vội
Phơi mình trong trời đất mênh mang
Mỗi nhịp thở là mỗi lần hồi hộp
Trút hêt yêu thương dốc núi cứ thi gan”

Câu thơ thứ hai “Dầu Tiếng mông mênh xanh thắm ruộng đồng” cũng làm tôi tìm hiểu biết thêm về nó:
“Hồ Dầu Tiếng là một kỳ quan sông nước, với khoảng không gian rộng lớn, sơn thủy hoà quyện, các ốc đảo tự nhiên lạ mắt, không khí trong lành, thoáng mát sẽ tạo cho du khách cảm giác thoải mái trong một chuyến du lịch. Ðến nơi đây, quý khách còn được thưởng thức các món ăn thủy sản của đia phương.
Và câu thơ “Vàm cỏ Đông ghi chiến công chói rạng” vì có sự tích như sau:
Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn tư vùng đồi núi bên lãnh thổ Campuchia chảy vào Việt Nam tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, Tây Ninh, rồi qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (đều thuộc Tây Ninh).Và đi vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện Đức Hòa,Đức Huệ,Bến Lức,Cần Đước và kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ và đi ra biển Đông. Đây là nơi xảy ra nhiều trận đánh ác liệt trong các cuộc chiến tranh. Trong cuộc chiến chống Pháp, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy trận đánh đốt tàu Hy Vọng của thực dân Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Trong chiến tranh Việt Nam, đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt.
Rồi thì tôi lần lược tìm hiểu các địa danh, các tên lạ có trong thơ:
“ Chợ Long Hoa là ngôi chợ lớn nhất tỉnh Tây Ninh. Chợ Long Hoa có nhà lồng hình chữ thập trên một lô đất hình vuông, chung quanh có 8 cửa, hướng ra 8 con đường, với ý nghĩa là: Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, biến Bát Quái. Từ trên phi cơ nhìn xuống khu chợ Long Hoa, chúng ta sẽ thấy giống như một cái Bát Quái Đồ. Theo tư tưởng của đạo Cao Đài thì các chơn hồn trước khi về cõi Thần tiên phải chung qua Lầu Bát Quái để trừ đi những oan trái,trượt khí và dự Đại hội Long Hoa để xét xem công đức mà phong phẩm Thần tiên.”
Câu thơ “Tình Trăm Năm thơm giọt nắng môi hoa” làm cho tôi ngạc nhiên nhất. Chữ Trăm năm sao lại viết hoa?. Hoá ra “Tình Trăm Năm” gần gũi với tôi nhất. Đó là quán cà-phê một lần ghi dấu kỷ niệm thân thương trong đời tôi, nơi tôi và nhiều cọng tác viên Đất Đứng được đón tiếp ân cần, thân ái trong chuyến về thăm Ban Quản Trị cuối mùa thu năm trước. Lúc đó Đan Thuỵ phát biểu “Những kỷ niệm hôm nay phải nói là suốt đời, suốt đời mang theo…” nên nay tác giả đưa “Tình Trăm Năm’ vào cả trong thơ.
“Toà thánh Tây Ninh uy nghi” :
“Tòa Thánh Tây Ninh là một cụm công trình gồm nhiều kiến trúc tôn giáo của đạo Cao Đài, nằm trên địa phận Thị trấn Hòa Thành, xã Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành) và một phần Thành Phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 4 km về phía đông nam. Đây cũng là vùng Thánh địa thiêng liêng và nơi đặt các cơ quan trung ương điều hành nền Đạo của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh. Là Thánh địa lớn nhất của tôn giáo Cao Đài, hàng năm Tòa Thánh Tây Ninh thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan và các tín đồ hành hương. Kiến trúc độc đáo, phối hợp giữa quan điểm triết học Đông - Tây, Tòa Thánh Tây Ninh thể hiện một sự tổng hợp của nhiều yếu tố tâm linh một cách dung hòa. Quy hoạch Thánh địa được tổ chức chặt chẽ, khoa học, kiến hợp giữa kiến trúc nhân tạo cũng như cảnh quan tự nhiên, tạo nên nét thoáng đãng, thích hợp cho những ai tìm kiếm sự bình thản tâm hồn.”
Câu Thơ “…đêm rằm trẩy hội/Soi bóng Cộ Tiên lộng lẫy trăng ngà” thì chữ “Cộ Tiên” bí hiểm lắm thay. Tìm hiểu tôi được biết như sau:
Lễ hội rằm tháng 8 tại Tòa Thánh Tây Ninh
“Hội Yến Diêu Trì Cung là ngày lễ đặc biệt và quan trọng trong Đạo Cao Đài. Lễ được tổ chức hàng năm vào chiều tối ngày Rằm tháng tám âm lịch, tại Đền thờ Phật Mẫu Tây Ninh. Lễ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày Rằm tháng 8 Ất Sửu (1925), tại tư gia của Đức Cao Thượng Phẩm ở đường Bourdais (Sài Gòn)
Hội Yến Diêu Trì là một yến tiệc nơi Cung Diêu Trì để mừng đón những Chơn hồn mới vừa đoạt Ðạo trở về hội hiệp cùng Bà Mẹ Thiêng Liêng là Ðức Phật Mẫu và nhập vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Từ khi khai mở Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn cho Ðức Phật Mẫu đến lập Hội Yến Diêu Trì ngay tại mặt thế nầy nhằm đem cơ giải thoát đến tận độ cả con cái Người.
Lễ hội Yến Diêu Trì Cung bao gồm hai phần: Phần lễ và phần hội, nhưng phần lễ được chú trọng hơn nên lễ hội được gọi là đại lễ. Trong phần đại lễ có hai đặc điểm vô cùng đặc biệt, đó là hội thi chưng trái cây và đám rước cộ tiên mô phỏng theo đám rước của dân gian.
Các gian triển lãm, hội thi trái cây – được tổ chức xung quanh Điện thờ Phật mẫu (Báo Ân Từ). Từ những vật liệu chủ yếu là trái cây và hoa, những nghệ nhân đã tạo thành những tác phẩm vô cùng đẹp mắt, khéo léo và sống động, đó là những tác phẩm theo chủ đề long, lân, quy, phụng, Phật Mẫu... Hội thi và cuộc triển lãm này mang một giá trị thẩm mỹ rất cao, đặc sắc.
Lễ rước Cộ Tiên cũng giống như Diễu hành mừng Đại lễ vía Đức Chí Tôn. Nghĩa là cũng có cờ xí, lộng, tàng, lễ bộ kim khí, múa tứ linh... nhưng đặc biệt hơn, trong đám rước Cộ Tiên có cả hương án và Cộ Tiên. Lễ rước Cộ Tiên là một chiếc xe hoa trên đó có hình Phật Mẫu và chín Cô Tiên, bốn tiên đồng nữ nhạc. Phần đầu đám rước rực rỡ với hương khói nghi ngút và tiếng nhạc lễ hùng tráng...”
Đường 30-4 chắc chắn là con đường có nhiều cây xanh
và buôn bán sầm uất nhất Tây Ninh vì nó được diễn tả “có
nhiều hoa nắng” cũng như “Tấp nập người xe nhịp sống
dâng đời”.
“ Cầu Quan là một chiếc cầu trong thành Phố tây Ninh, 90 năm soi bóng xuống dòng sông và in dấu trong lòng người Tây Ninh. Đây là cây cầu bêtông có tuổi thọ cao nhất của tỉnh. Bao năm qua, Cầu Quan đã hoàn thành sứ mệnh của mình và nó không chỉ là một cây cầu nối liền hai bờ với chức năng giao thông mà đã trở thành một biểu trưng của Thị xã.  Cũng với ngần ấy thời gian, cầu Quan đã gắn bó với bao thăng trầm của Tỉnh nhà, đã chứng kiến những thời khắc không thể nào quên của quân dân Tây Ninh
“Long Điền Sơn tọa lạc tại ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, cách thị xã Tây Ninh khoảng 5 km. Khu du lịch đã được nhiều người biết đến và đã xuất hiện trong nhiều chương trình các tour đến Tây Ninh. Hai bên lối vào khu du lịch Long Điền Sơn là tượng 12 con giáp. Trên dãy phân cách lối đi, có đặt 2 con rồng nằm phun nước tạo ra không gian dịu mát giữa cái nắng của vùng đất cao này. Long Điền Sơn hứa hẹn là điểm du lịch độc đáo của vùng biên Tây Ninh. Long Điền Sơn còn là một điểm đến hài hòa trong chuỗi tour du lịch Địa đạo-Củ Chi, siêu thị miễn thuế Mộc Bài, Tòa Thánh Cao Đài, núi Bà Đen, Khu di tích Trung ương cục Miền Nam…”
“Biên Trấn” trong thơ phải chăng là thị trấn Tân Biên:
“Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nằm trên địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Đây là khu vực có hệ động thực vật khá phong phú, đa dạng. Hiện nay, hệ thực vật tại VQG Lò Gò – Xa Mát có 696 loài, hệ động vật có 42 loài, trong đó có nhiều loài thú quan trọng, có giá trị cao. Tại các khu vực trảng, bưng, các vùng đất ngập nước du khách có thể ngắm nhiều loài cây, động vật quý hiếm như: cây nắp ấm (mới phát hiện lại trong tự nhiên sau hơn 100 năm), lan hoàng thảo, thủy nữ Campuchia, chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, hồng hoàng, gà lôi hồng tía, cò nhạn… Cùng với đó là các con suối chạy xuyên rừng, các vùng nước ngập, đặc biệt là dòng sông Vàm Cỏ Đông chạy dọc phía Tây của rừng, thuận lợi cho du lịch đường sông, tạo không khí sông nước.” Tôi đoán nơi đây còn có những rừng cao su nối nhau dài ngun ngút cho nên Đan Thuỵ đã vẽ nên sự xanh thắm của ước mơ người trong xanh thắm của rừng cây:” Cao su bạt ngàn đẹp dòng nhựa trắng/ Xanh thắm mưa về đan ước mơ xanh” .
Tôi hình dung bài thơ của Đan Thuỵ như chiếc áo Ba Ba của các cô gái miền tây nam bộ. Chiếc áo không làm chợt mát nắng Sài Gòn như “Áo lụa Hà Đông”, không “mộng trắng trong” như tà áo dài của cô gái Huế mà duyên dáng đậm đà, nét đẹp tự nhiên đi vào lòng người êm ái lắm thay ./.

                                                        Châu Thạch


No comments: