Sao không là cỏ hoa
Để mãi trong im lặng
Sao không là hai giọt nắng
Rớt xuống đời xa lạ vu vơ
Bốn câu thơ dễ
thương không rõ tựa đề và tác giả trong trang Mực Tím thuở nảo nao mà tôi
thường lẩm nhẩm mỗi khi tâm trạng vui vẻ, chẳng hiểu sao tôi lại thuộc và nhớ
mãi. Đôi khi người ta chẳng lý giải được vì sao họ cảm mến người này mà ơ hờ
với kẻ khác, vì sao họ không thể nào quên được một kỷ niệm nho nhỏ và dễ dàng
thả vào quá khứ điều mình đã từng gắn kết và quen thuộc cả một khoảng thời gian
dài.
Mấy năm trở lại
đây, tôi thích đọc thơ của nhiều người khác nhau và Mùa Xuân Cuối Trường của nhà
thơ Võ Văn Hoa là một bài hiếm hoi trong số rừng thơ ấy khiến tôi thuộc lòng
ngay từ lần đầu tiên xem trên Văn Nghệ Quảng Trị, như bài thơ ngày xưa trên Mực
Tím đã in vào trí nhớ.
Hôm ấy, tôi tìm
một trang vở học sinh và nắn nót chép lại Mùa Xuân Cuối Trường bằng bút bơm
mực, phải viết đến lần thứ ba mới cảm thấy hài lòng. Có cảm tưởng như mình là
cô học trò nhỏ hiền lành với những dòng chữ đang ráo mực, ngồi bâng khuâng cuối
hiên trường dõi mắt xa xăm với dòng ý nghĩ bộn bề, nét ưu tư điểm lên đôi chân
mày nhíu lại một tí.
Bài thơ lớn hơn
tôi hai tuổi và tác giả viết bài ấy khi bước sang tuổi hai mươi.
Tuổi hai mươi,
của ưu tư và lo toan khi bước vào ngưỡng cửa cuộc sống. Tuổi hai mươi luôn tự
hỏi liệu có quá muộn để thay đổi một quyết định, một hướng đi mới. Tuổi hai
mươi băn khoăn liệu mình đã thực sự chín chắn chưa, ước mơ đặt ra có thực hiện
nổi không và thế nào là lý tưởng sống cao đẹp. Tuổi hai mươi vạm vỡ và tràn đầy
nhựa sống, ngoài mong ước sớm ra trường để tìm một công việc tốt, còn là niềm
tin được dang rộng vòng tay bảo vệ, che chắn và bao bọc người thân. Tuổi hai
mươi còn là điểm khởi đầu để bắt đầu suy nghĩ về tình yêu và định hướng cho một
mái ấm gia đình.
Bây giờ còn gì để nói
Khi bên ngoài úp cánh mùa xuân
Ta tưởng người đi không bến đợi
Nên chẳng cần chi như mọi lần.
Đối với tôi mà
nói, tuổi hai mươi của mình trôi qua khá nhạt nhẽo, là công thức chung được đúc
khuôn bằng ngọn nến sinh nhật lấp lánh, bằng những ngày đi bộ đến trường đại
học, chăm chỉ ghi điểm và thích được ngắm những đôi bạn hạnh phúc tay trong tay
đến giảng đường và góp gạo thổi cơm ở cùng nhà trọ (về sau này hiếm lắm mới có
một đôi thành vợ thành chồng).
Tuổi hai mươi của
tác giả xem chừng chất chứa suy tư khi trải rộng lòng mình trên trang
giấy,nhưng dù có nhiều điều để thổ lộ đến đâu, khi mùa xuân đến, khi những đoá
hoa thơm ngát rực rỡ điểm sắc tô son cho những khu vườn, vỉa hè, công viên,
chàng trai trẻ chợt thấy mình muốn được bước những bước chậm rãi, khoan thai
dừng lại để cảm nhận hương xuân tràn ngập đất trời.
Ta cũng gặp cô em bé nhỏ
Hai năm hoài bướm trắng cũng thành xanh
“Mây” buồn nhớ xuôi chân về đỉnh núi
Gió còn thương nên vấn víu cây cành!
Mùa xuân trong
đôi mắt chàng trai có bóng dáng của một cô em bé nhỏ đang từng bước trưởng
thành, một hình ảnh thoáng gặp rồi xa xăm vời vợi, để cho cái nhớ nhung cứ lẩn
quẩn và kéo dài da diết, để trong từng bước chân thong dong chiêm ngưỡng chiếc
lá xuân thi thoảng vướng víu chút hoài niệm yêu thương lãng đãng mơ hồ.
Còn gì không em, khi mùa xuân đến
Ta âm thầm đếm bước mãi đi xa
Buồn lắm lúc khi trường đời hiển hiện
Cuộc đời này sao chỉ khúc cuồng ca!
Nếu bạn đã từng đi
qua tuổi hai mươi tươi đẹp, chắc chắn rằng bạn cũng có những trở trăn như thế
này, cuồn cuộn cảm xúc thế này với những triết lý sâu xa, tưởng chừng như đã
thấu hiểu gần như mọi chuyện, qua bao gió biển sóng gào như thể đã bước qua một
phần lớn nấc thang cuộc đời. Hơn lúc nào hết, những cuộc chia tay tạm biệt gần
như đem lại quá nhiều muộn phiền dẫu biết rằng mỗi một người đều có ước mơ
riêng chân trời riêng để theo đuổi.
Bây giờ còn gì để nói
Khi em còn hoài bão cao xa
Ta thầm nói: Ừ, thôi kiếp mới
Kiếp vừa rồi đường có nở thêm hoa!
Để rồi sau cùng
chàng trai trẻ cũng chấp nhận sự thật của hiện tại dẫu còn nhiều nuối tiếc,
rằng có hội ngộ thì có tạm biệt, rằng cuộc sống còn thênh thang và ở tuổi hai
mươi cũng chỉ mới là điểm khởi đầu. Và đúng như vậy, gần ba mươi bảy năm trôi
qua còn gì, ba mươi bảy năm để những vần thơ không chỉ dừng lại ở niềm yêu
thương nuối tiếc của một mùa xuân cuối trường, ba mươi bảy mùa xuân đơm bông
kết nên hàng trăm bài thơ hay về đủ mọi đề tài của Võ Văn Hoa hiện thời, của
một Võ Văn Hoa có mặt trên từng con đường làng quê và phố xá và trong lòng của
bạn đọc.
Đôi khi thì
thầm lời bài thơ, tôi tự hỏi không biết tác giả nghĩ ngợi gì khi tình cờ đọc
lại và có ai trong số độc giả cũng thuộc lòng Mùa Xuân Cuối Trường như tôi
không. Và nếu một lần bạn tình cờ nhìn thấy một chàng trai trẻ đang ngồi tư lự
trên ghế đá trường Đại Học với dáng dấp vô cùng thân quen khiến bạn cứ ngờ ngợ
và chăm chú nhìn mãi. Chàng trai đeo kính với đôi mắt một mí và khuôn mặt thông
minh ấy là qúy tử của nhà thơ Mùa Xuân Cuối Trường chứ không phải chính tác giả
đâu nhé.
VÕ THỊ NHƯ MAI
(Tây Úc )
Võ Văn Hoa gởi đăng
No comments:
Post a Comment