Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 2, 2013

CHUYỆN THẦY TRÒ QUA ĐƯỜNG GẶP NHAU - Truyện ngắn Hoàng Đằng

                                        (Truyện ngắn của LÃO GÀN)


Thầy Hoàng Đằng, cựu giáo sư trường Trung Học Đông Hà và Nguiyễn Hoàng, Quảng Trị trước 1975.
Ảnh từ trang Hội ái hữu Công Lập Đông  Hà



Hôm ấy, Thắng đi Đà Nẵng dự đám cưới đứa cháu gọi Thắng bằng cậu. Thắng diện bộ trang phục oách nhất: quần dài đen sẫm ống phủ lên đôi giày đen bóng, veston đen sẫm khoác lên áo sơ-mi trắng tinh, điểm thêm trước ngực chiếc cà-vạt đỏ tươi.

Đường xa gần 200 cây số. Gió thổi lồng lộng qua cửa xe mở hé, đầu tóc Thắng rối xù. Đến nơi, mới bước xuống xe, Thắng rút từ túi veston chiếc lược nhựa màu nâu. Nhìn vào kính chiếu hậu của chiếc xe vừa đậu, Thắng ngắm nghía mặt mày, nghiêng đầu qua về, chãi lại tóc.  

Bất chợt, trong kính, Thắng thấy một người đàn ông già đang cỡi chiếc xe đạp đèo hai giỏ than hầm hai bên porte-bagages – loại than thường dùng trong các thành phố để nấu nướng vào thời nhiên liệu khan hiếm.  

Người đàn ông có khuôn mặt giống ông thầy của Thắng hơn hai chục năm về trước. Chiếc xe đạp cũ mèm, nước sơn trốc từng mảng loang lổ, vừa lăn bánh vừa phát ra  tiếng kêu cộc kệch liên hồi.

Sau bao năm xa cách và đời sống thay đổi 180 độ sau biến cố 1975, hình ảnh thầy trong ký ức của Thắng không còn nguyên vẹn. Dù bán tín bán nghi, Thắng chạy theo xe đạp, vượt lên trước, chận xe lại, rối rít:

- Thưa thầy, thầy ở đây à, thầy đi mô về ri?

Người đàn ông có tuổi xuống xe một cách khó khăn; hai tay run run giữ ghi-đông, cái chân đưa cao khỏi khung xe, cái đít nhấc khỏi yên xe luống cuống. Ông nhìn Thắng, hình như đang lục tìm trong bộ nhớ, rồi lên tiếng thủng thẳng:

- À, chào, xin lỗi, anh là ai, tôi quên mất rồi, thời gian lâu với công việc bề bộn khiến trí nhớ tôi không còn nguyên vẹn.

Nghe cái giọng Quảng Trị đặc sệt, Thắng chắc chắn đây đúng là thầy mình rồi, Thắng mạnh dạn và hãnh diện tự giới thiệu:

- Em là Thắng, học trò thầy tại trường trung học Đông Hà. Ngày ấy, em học khá, kỳ thi lục các nguyệt nào cũng được thầy khen và giao cộng điểm,  tổng kết xếp vị thứ lớp.

Ông thầy à to một tiếng, mừng rỡ:

- À, thầy nhớ rồi, em là Thắng đây a.

Quần áo thầy vấy vết than đen, người thầy gầy đét. Khác hẳn với ngày xưa. Thời ấy, nước da thầy trắng hồng, vóc thầy mảnh khảnh; thầy đến trường trên chiếc honda 67 – loại xe máy lúc bấy giờ thuộc loại khá sang. Thầy thường bận áo sơ mi trắng dài tay gài măng-sét bằng những chiếc nút óng ánh như kim cương, cổ luôn thắt cà-vạt thay đổi màu sắc từng ngày vào lúc ấm trời, còn nếu trời se lạnh, thầy  diện đủ bộ côm – lê khi thì màu xám, khi thì màu đen. Thầy oai phong lắm. Đám nam sinh ước mơ sau này lớn lên sẽ được như thầy, còn trong đám nữ sinh, những o lớn tuổi cứ mong được thầy để ý. Hôm nay, Thắng thấy thầy thế này, tự nhiên trong lòng Thắng, trỗi dậy sự thương xót.

Thắng mời thầy vào một quán nước ven đường. Thắng muốn có thời giờ nhiều và địa điểm tiện để thầy trò tâm sự cho bõ nhớ do xa cách lâu ngày. Thầy cẩn thận dựng chiếc xe đạp vào trụ điện, dùng tay lắc lui lắc tới xe xem thế dựng đã vững chưa, rồi thầy đi theo Thắng vào quán. Hai thầy trò chọn cái bàn trong góc, nơi bên trên có gắn quạt máy. Thắng giật dây cho quạt chạy, lên tiếng gọi chủ quán:

- Cho một két bia Heineken loon.

Thắng có ý định gọi thêm dĩa tôm hùm hay tôm sú làm mồi để hai thầy trò nhậu một bữa cho “đã”. Thầy nghiêng người vào tai Thắng, nói nhỏ:

- Thầy không uống bia đươc. Em gọi bia thì em cứ tự nhiên uống một mình đi nghe.

Thắng nghĩ: trong hoàn cảnh này, chỉ uống bia cao cấp cộng đồ mồi hải sản quý, tiêu tốn nhiều tiền  mới là cách biểu tỏ phần nào lòng tôn kính thầy. Khi nghe thầy nói vậy, Thắng cụt hứng, đưa tay xoa đầu, rồi nhìn thẳng vào mặt thầy, ân cần hỏi:

- Thưa thầy, thế em có thể mời thầy uống gì?

Vẫn giọng se sẹ, thầy đáp:

- Thật ra thầy không khát. Em mời chẳng lẽ thầy không đi. Thôi ... để đáp ứng tấm lòng của em, thầy uống một ly nước chanh.

Thắng chiều thầy, xoay mặt về bà chủ quán đang ngồi, gọi:

- Chị cho hai ly nước chanh.

Bên ly nước giải khát, Thắng chưa kịp nói gì, thầy kể cho Thắng nghe:

- Lúc thầy đi dạy, bên nhà vợ thầy, việc buôn bán thịnh lắm, còn riêng thầy cũng có máu kinh doanh, “phi thương bất phú” mà em! Thầy mua sắm nông cơ: máy cày, máy xay ..., đưa về dưới quê, mướn người làm; thầy còn đặt địa điểm phân phối phân hóa học khắp nơi. Đến vụ, đến mùa, tiền vô như nước.  Rủi là chiến cuộc năm 1972 xẩy ra, thầy và gia đình phải bỏ của, chạy lấy người. Tính về tài sản, thầy mất mát nhiều lắm; thầy chỉ đem theo được 200 lượng vàng. Hiện tại, như em biết, vàng có giá lắm. Một chỉ vàng giá tương đương hơn tấn thóc, một ngôi nhà ở được nơi thành phố chỉ giá có vài ba lượng vàng. Thầy có thể ngồi chơi cũng không đến nỗi nào! Nhưng không lao động chân tay, không bôi đen mình mẩy, người chung quanh so bì,  dòm ngó, sống cũng khó. Cô đang mở quán bún, hàng ngày, sáng sớm thầy đi lấy giò, lấy bún,  thầy giúp cô bưng bún tới cho khách, thu tô không về chậu rửa, thỉnh thoảng, thầy đi lấy than, ra chợ mua thêm rau sống. Thầy cô cộng tác với nhau, thầy thấy đỡ chán và cũng tăng thêm hạnh phúc.

Nghe thầy kể, Thắng mừng lắm. Thầy biết chịu khó, tùy thời mà sống. Những tưởng qua dâu bể cuộc đời, thầy đang lâm cảnh khó khăn. Té ra không. Thầy khoác bề ngoài cực khổ để lừa mắt thiên hạ.

Ly nước giải khát mới cạn một nửa, thầy đứng dậy, nhìn tìm bà chủ quán,  giành trả tiền. Thắng không chịu.

Bắt tay tạm biệt Thắng, thầy đu mình, cỡi lên xe, gập mình đạp. Thắng nói vói theo:

- Em vào đây, bận việc quá, không tranh thủ được thời gian đến thăm thầy tại nhà, mong thầy thông cảm. Thôi ... em chào thầy nghe, chúc thầy luôn khỏe!

Không nghe tiếng thầy đáp lại, Thắng nghĩ có thể thầy lảng tai.

Tiếng lộc cộc xe đạp xa dần. Sau giây phút vui mừng gặp được thầy cũ, Thắng bắt đầu hối hận. Chắc thầy không muốn gặp bất cứ người quen cũ nào trong hoàn cảnh như ngày hôm ấy./.
                                                                                           17/11/2013
 (15/10/Quý Tỵ)



No comments: