ANH VẪN Ở BÊN HỒ TÂY
Thơ Phạm Ngọc Thái
Tình để lại vết thương không lành được
Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian
Em hiền dịu trái tim từng tha thiết
Người con gái anh yêu nay hóa khói sương tan.
Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt
Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
Nông nỗi đời người để đâu cho hết
Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây…
Nhớ buổi đón em cổng trường sư phạm
Đôi mắt từ xa đã nhận ra người
Tình yêu có cái nhìn trong linh cảm
Giờ ở đâu, người con gái xa xôi?
Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại
Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...
Đêm
2012
Lời bình: Châu Thạch
Tôi có đến Hà Nội một vài lần và có dịp dạo bước bên Hồ Tây.
Đọc bài thơ “Anh vẫn ở bên Hồ Tây” của nhà thơ Phạm Ngọc Thái, tôi có cảm tưởng nó như một làn gió từ mặt nước Hồ tây thổi lên,
nhưng gió Hồ Tây thì làm mát da thịt còn thơ Phạm Ngọc Thái thì làm mát tâm
hồn.
Cái đầu đề của bài thơ là “Anh vẫn ở bên Hồ
Tây” nhưng chủ đề của bài thơ lại nằm cả
trong câu mở đầu:
Tình
để lại vết thương không lành được
Đó là chủ đề bình thường mà thơ văn xưa nay không thiếu, có
khác chăng là khác ở chổ cái vết thương không lành đó đã:
Soi
mặt hồ in mãi bóng thời gian
Câu thơ là một sự khẳng định rõ ràng: Tình có vết thương không lành soi trên mặt hồ, và mặt
hồ thì in mãi bóng thời gian. Cả hai hình ảnh đều vô lý vì tình không phải là
hữu thể để soi mình được trên mặt hồ, và thời gian cũng vô hình thì làm sao in
bóng. Nhưng, đọc cái vô lý của câu thơ
thì người ta hình dung gần như cụ thể được
“tình” và niềm đau vĩnh viễn của “tình” . Cái gì sẽ soi trên mặt nước Hồ
Tây nếu không phải là trăng sao, là mây, là phong cảnh quanh hồ. Bóng gì sẽ in
trên mắt nước Hồ Tây nếu không phải là bóng của vạn vật trên hồ theo năm tháng.
Vậy câu thơ nói được tình và thời gian đã hòa nhập cùng vạn vật Hồ Tây, nên
tình ở trong thời gian và thời gian ở trong trăng sao, ở trong mây, ở trong
toàn bộ phong cảnh in bóng mình trên mặt nước Hồ Tây. Chỉ một câu thơ “Soi mặt
hồ in mãi bóng thời gian” mà tác giả đã dùng khung cảnh nên thơ của Hồ Tây qua
tháng năm để gói trọn cuộc tình tan vỡ và vết thương mãi miết không lành.
Em
hiền dịu trái tim từng tha thiết
Người con gái anh yêu nay hóa khói sương
tan…
Lại một lần nữa tác giả khẳng định tình yêu hay linh hồn của
nó nhập vào phong cảnh Hồ Tây. “Khói sương tan” là cảnh Hồ Tây những sớm mai
và những chiều tàn. “Người con gái anh yêu nay đã hóa khói sương tan” cũng có
thể là linh hồn nàng, cũng có thể chỉ là hình ảnh năm xưa của nàng bàn bạc
trong trời nước Hồ tây.
Câu thơ vừa tả cảnh
đẹp của Hồ Tây vừa phổ vào đó hết cả
tình yêu tha thiết của một cuộc tình mà nhân ảnh nhập vào trong vạn vật.
Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau
buốt
Hạnh
phúc qua như một cánh chim bay
Nông
nỗi đời người để đâu cho hết
Tình
thơ ngây! Tình sao mãi thơ ngây!
Tình thơ ngây thì không bao giờ da diết đến nỗi “vết thương còn đau buốt” suốt cả
cuộc đời. Vậy mà thứ “tình thơ ngây” nầy
đã làm cho “Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt”. Đó là thứ tình
lớn, thứ tình si, thứ tình của những con người biết yêu đặc biệt mà văn chương
và lịch sữ ca tụng đời đời.
Nhớ
buổi đón em cổng trường sư phạm
Đôi
mắt từ xa đã nhận ra người...
Tình
yêu có cái nhìn trong linh cảm
Giờ
ở đâu, người con gái xa xôi?
Đoạn thơ nầy chỉ ôn lại kỷ niệm lúc ban đầu của tiếng sét ái
tình như bao mối tình thời trai trẻ, và “Giờ ở đâu, người con gái xa xôi” cũng
chỉ là một tiếng than, một tiếng thở dài rất nhẹ. Tuy thế cái nhẹ nhàng nầy rất
phù hợp với phong cảnh “soi mặt hồ in mãi bóng” và “khói sương tan…” mà tác
giả miêu tả ở trên. Bởi vì toàn bộ bài thơ là bức tranh tịch mịch mà nếu, có âm
thanh nào vang động, nặng nề thì sẽ làm vở vụn không gian hay nói chính xác sẽ
làm vỡ vụn cả bài thơ thanh thoát mà tác giả nhẹ nhàng trân trọng đặt linh hồn
của tình yêu vào đó.
Vế chót của bài thơ cũng như vế trên, là những lời âu yếm trong đau thương, là tiếng kêu thất tình bằng lời vuốt ve êm ái như
không muốn đánh động không gian, như không muốn lay thời gian, như sợ vết
thương làm cho bật máu trong tim:
Thế đó,
em ơi! Tình qua không trở lại
Xế
chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
Em có
nghe gió Tây Hồ đang thổi
Anh ở
đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...
Tôi đã bình thơ Phạm Ngọc Thái một lần, lúc đó tôi không biết tác giả là ai. Bây giờ tôi biết nhiều
người nói anh là nhà thơ lớn và nhà thơ tự do. Thú thật, tôi là cây bút vườn và
con ếch đồng quê nên rất ngại những nhà thơ lớn bây giờ, nhưng tôi lại rất yêu
những nhà thơ tự do vì họ cũng đơn sơ như bút vườn và ếch. Rất mong tác giả “Anh vẫn ở bên Hồ Tây” lấy cái tự do của mình mà bỏ lỗi cho nhưng lời văn cỏ rác
của tôi ./.
Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com
truongvantran@hotmail.com
No comments:
Post a Comment