Tôi, Bình và Huyền là bạn thân nhau hồi tiểu học. Bình là
cậu học sinh cùng lớp cao hơn tôi gần nửa cái đầu, bởi tôi là thằng con trai có
vóc dáng thấp nhỏ và tôi đã mang cái mặc cảm thấp thỏi của mình suốt thời học
sinh. Đứng gần ai cao hơn bao giờ tôi cũng nhón gót chân lên một chút. Bởi vậy
tôi thường có ý tránh đứng gần những người cao hơn, nhất là đứng cạnh các bạn
gái. Đó là lí do khiến tôi dù rất thích
Huyền nhưng không bao giờ dám đến gần Huyền. Huyền là cô gái cũng có vóc dáng
nhỏ bé, học sau tôi và Bình một lớp, thế nhưng trông ra Huyền đã có vẻ cao bằng
tôi rồi. Huyền có bao giờ biết được trong lòng tôi hồi ấy nó khổ sở như thế nào
đâu, dù Huyền rất thân với tôi. Nhưng điều đó thì có ý nghĩa gì khi Huyền cũng
rất thân với Bình mà Bình lại là thằng con trai cao ráo trông phong độ hơn tôi
nhiều.
Nhà của ba đứa chúng tôi ở cùng một đường xóm. Từ đường cái
chính rẽ vào thì gặp nhà Huyền trước sau đó đến nhà Bình, cuối cùng mới đến nhà
tôi. Ngôi nhà của tôi ở tận dưới chân một
ngọn núi, có cái khe nước nhỏ bao quanh mọc đầy lau lách. Vào mùa đông căn nhà
chìm trong mầu trắng của bông lau. Mỗi khi có ngọn gió đông thổi quanh chân núi
làm run rẩy cả rừng lau thì đứng xa xa nhìn về căn nhà mình tôi có cảm giác như ngôi nhà của tôi
đang trôi bồng bềnh giữa đám mây trắng.Tôi thích Huyền từ lúc tôi mới học lớp
nhất (lớp năm) và Huyền học lớp nhì (lớp bốn) cùng trường tiểu học. Sau nầy tôi
và Huyền xa nhau, có lẽ cũng bắt nguồn từ cái mặc cảm trẻ con ấy, bởi chính nó
cứ gây trong lòng tôi một sự dỗi hờn âm thầm mỗi khi thấy Huyền và Bình gần
nhau. Nhất là Bình nó bao giờ cũng vui vẻ hồn nhiên khi đứng cạnh Huyền. Điều
đó càng làm tôi ghen tức. Rồi một sự việc xẩy ra đã đẩy tôi xa hẳn Huyền và làm
nên một nỗi đau trong tôi suốt đời không khuây khỏa được. Giờ nghĩ lại thật là
quá ngớ ngẩn. Ai dám bảo sự sai lầm của trẻ con là không nghiêm trọng!
Buổi chiều hôm đó tôi và Bình đi học về ngang qua trước nhà
Huyền thì bị hai con chó của nhà cô bé
lao ra rượt. Tôi nhác thấy Huyền cầm cây củi phóng theo chận con chó mực đang đuổi Bình, còn tôi thì cô ấy bỏ mặc cho
con chó vàng bám theo sát gót. Và nó đã táp vào gót chân tôi một miếng dù không
đau lắm. Sau sư việc đó tôi hiểu tình cảm của Huyền đã dành cho Bình. Tôi âm
thầm buồn và ít chơi với Huyền hơn. Còn với Bình tôi đã trút hết sự uất ức
trong lòng mình vào cậu ta. Những ván bi hơn thua thường là trò chơi trẻ con
nhưng với Bình thì tôi quyết hơn thua
với cậu ấy sau những giờ tan trường, có lẽ đó cũng xuất phát từ ý nghĩ muốn
chiến thắng cậu ta. Vì ngoài ra tôi không biết phải chiến thắng cậu ấy bằng
cách gì khác. Mà thật là bất công, cậu ấy cao hơn tôi, đẹp trai hơn tôi, đã
dành được tình cảm của Huyền nhiều hơn
tôi, đến việc đánh bi cậu ta cũng hay hơn tôi. Cậu ta có những ngón tay vàng.
Những ngón tay thuôn nhỏ và dài, mảnh mai như ngón tay con gái nhà khuê các.
Viên bi từ hai ngón tay Bình búng ra đánh xẹt một đường thẳng tắp, và sau cùng
phát ra một tiếng kêu “cắc” gọn gãy khi chạm vào viên bi của tôi. Mười lần như
một. Và hình như cậu ta có khả năng điều khiển được viên bi giống như bây giờ
người ta điều khiển loại tên lửa hành trình vậy. Chạy vòng vèo đâu mặc kệ nhưng
cuối cùng vẫn chạm vào đích. Có một lần viên bi của Bình phóng ra chạm phải một
viên sỏi, hòn bi bật tung lên rồi rơi xuống. Tôi chắc mẩm viên bi khi rơi xuống
sẽ dừng lại, không đủ sức lăn đến tận viên bi của tôi. Nhưng không đâu nhé,
viên bi mầu vàng của cậu ta sau khi bật lên rồi rơi xuống, vẫn tiếp tục lăn một cách chậm rãi khoan
thai. Mỗi bước lăn của nó làm tim tôi muốn nghẹn thở. Nó cứ chầm chậm bò đến
viên bi của tôi, đến nổi tôi hốt hoảng bất giác nhìn Bình. Vẻ mặt cậu ta vẫn
bình thản tự tin. Tôi cố giữ cho mình niềm tin rằng viên bi của Bình sẽ không
thể lăn đến để chạm vào viên bi của tôi,
trước vẻ lăn gần như kiệt sức của nó. Nhưng không, nó vẫn ngoan cường lăn, cho
đến lúc gần như bất lực thì chính giây phút đó nó chạm vào viên bi của tôi, trước tiếng cười
đắc thắng của Bình và trước sự thẩn thờ của tôi. Mãi sau nầy tôi nghĩ, đường bi của Bình bắn ra trong trò chơi từ
thời học trò nó như báo trước định mệnh về cuộc đời của cậu ấy. Bình đã anh
dũng hy sinh vào chính thời điểm mà trên tất cả các mặt trận, quân Giải phóng
đã làm chủ tình thế.
Ngồi trước ngôi mộ
của Bình tôi vẫn tiếp tục nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu của chúng tôi.
Thuờ nhỏ tôi mê chơi bi đến nổi bỏ cả học hành. Có một lần
tôi nhịn tiền ăn sáng để dành mua hai viên bi. Những viên bi bằng chai trong
veo, ở trong lòng có in hình một trái khế năm cạnh, có trái màu vàng có trái
màu tím trông đẹp mắt lắm. Tôi chọn mua hai viên, một màu đỏ, một màu xanh.
Bình biết tôi có bi mới sang gạ đánh bi với tôi. Mặc dù trong lòng đã mang sẵn
mối hận về chuyện Bình đã đoạt tình cảm của Huyền mà tôi chưa có ván bi nào để
trút hận, nhưng thấy mấy ngón tay của Bình tôi đã gờm rồi. Tôi từ chối. Bình
đòi xem hai viên bi của tôi. Tôi cho xem để khoe hai viên bi màu xanh và màu đỏ
của mình. Xem xong, biết không gạ được tôi, Bình lẳng lặng bỏ về. Nhưng lát sau
Bình trở lại và mang cho tôi xem viên bi mới toanh của cậu ta. Một viên bi khế
mầu vàng chói lóa làm tôi mê mẫn.
-Đánh không? Bình hỏi.
Thích viên bi của cậu ta thì ít nhưng thích chiến thắng cậu
ta thì nhiều, nhưng tôi không dám. Tôi lắc đầu.
Bình đề nghị:
-Thôi đánh ba ván, nếu cậu thắng mình một ván thì xem như
cậu ăn. Còn nếu cậu thua luôn cả ba thì mình ăn. Được chưa.
Nghe đề nghị nghe ngon quá, một đằng thì thấy viên bi mầu
vàng quá đẹp, một phần vì nghĩ chẳng lẽ ba ván mình chẳng ăn được ván nào sao.
Thỉnh thoảng tôi vẫn thắng cậu ấy kia mà.
-Được, chơi. Tôi trả lời.
Ba ván đầu tôi thua liên tiếp. Cầm hai viên bi xanh đỏ trong
tay, tôi tiếc quay, đắn đo không biết đưa cậu ta viên nào. Tôi chìa viên mầu
xanh cho Bình, chính viên bi đã đem lại thất bại cho tôi.
-Đánh nữa không?
-Đánh . Tôi trả lời không đắn đo, vì tôi đang nổi khùng. Tôi
tự nhủ, nếu trận nầy mà thua thì tôi
nhất định không gặp mặt Huyền nữa. Tôi sẽ về tìm trả lại cho cô bé cây bút E rơ
vơ mà cô ấy đã khắc hình một bông hoa
mầu trắng và đã cho tôi vào dịp nghỉ hè năm ngoái. Định bụng sau đó thì nhất
định tôi không chơi với cả hai người nữa.
Và trận nầy thì tôi đã phá sản hoàn toàn. Điều nầy cũng tất
nhiên thôi vì bàn tay tôi cứ run lên, mồ hôi ướt nhẹp, bắn đâu có chính xác
nữa. Thay vì đưa bi cho Bình, tôi ném viên
bi mầu đỏ xuống đất rồi lẳng lặng bỏ về không nói với Bình nửa tiếng. Đi
được mấy bước tôi bỏ chạy, nhất định về lấy cây bút E rơ vơ trả lại cho Huyền, ngay tức khắc. Mới chạy
được vài chục mét tôi nghe Bình gọi tên tôi. Tôi quay mặt lại, nhưng không hỏi.
Bình thọc tay vào túi rồi cầm ra cái gì đó. Bỗng nhiên Bình
dang tay ném mạnh về phía tôi. Tôi giật mình né tránh. Dưới ánh sáng mặt trời
gần trưa tôi thấy ba vệt ánh sáng lóe lên ba màu, xanh, vàng, đỏ phóng về phía
tôi rồi rơi ngay dưới chân. Tôi nhìn
xuống: Ba viên bi sáng chói nằm im dưới ánh nắng. Tôi nghe Bình nói:
-Cho cậu cả đó.
Những năm tháng
sau đó chiến tranh tràn về quê tôi. Vùng tôi ở đã biến thành vùng xôi đậu. Ban
ngày phía “Quốc gia” kiểm soát, ban đêm quân Cách mạng kiểm soát.Tôi lên tỉnh học Trụng
học. Thỉnh thoảng vài tháng về thăm nhà một lần. Ban ngày tôi ở lại trong nhà,
nhưng tối đến phải xuống một thị trấn cách nhà chừng vài ba cây số để ngủ lại.
Thị trấn nầy đang nằm trong vùng chiếm đóng của quân “Quốc gia”. Ngôi nhà của
tôi vẫn ở dưới chân núi, mùa đông vẫn phủ đầy bông lau trắng xóa. Trong thời
gian nầy tôi được biết Bình lên núi hoạt động Cách mạng còn Huyền thì bỏ quê
hương theo gia đình vào Nam .
Sao họ chia tay nhau nhỉ, tôi thắc mắc trong lòng. Năm tôi học lớp mười hai, có
một lần vê thăm nhà, tối đến tôi sửa
soạn bỏ xuống thị trấn. Mới bước ra khỏi ngõ thì gặp ngay một người mang quân
phục, chân đi dép cao su, đầu đội mũ có
bọc lưới ngụy trang, dáng người khong khỏng cao đứng chận ngay trước mặt.
Người lạ
chỉa súng vào tôi và quát, tiếng quát không lớn lắm nhưng tôi cũng giật
thót mình:
-Thanh! Cậu đã bị bắt.
Tôi bàng hoàng chưa biết phải xử trí sao. Bỏ chạy thì không còn kịp nữa. Tôi đứng
im trong hoảng sợ.
Người lạ một tay giữ súng một tay tháo mũ, xong nhìn tôi mỉm
cười hỏi:
-Cậu có nhận ra mình không?
Tôi đã lấy lại chút bình tĩnh, và không khó khăn gì để nhận
ra đấy là Bình. Dù cậu ta trông hơi gầy và đen đi nhiều so với thời chúng tôi
còn là bạn của nhau cách đây cũng đã sáu bảy năm. Tôi thốt lên:Bình, rồi im
lặng.
-Cậu sợ lắm sao. Bình hỏi rồi nói: Cậu đi học thì ai làm gì
cậu mà sợ, thôi vào nhà ngủ đi đừng trốn đi đâu cho mệt. Muốn bắt cậu thì mình
bắt từ lâu rồi. Lần trước cậu về thăm nhà, lúc bỏ di ngủ cậu đi ngang qua trước
mặt mình mà cậu không thấy. Định gọi cậu
nhưng lại thôi vì tối đó mình đang nhận công tác phải giữ bí mật.
Nói xong Bình vỗ vai tôi thân mật dặn:
-Nhớ học thành tài rồi về phục vụ cho nhân dân nhé. Mình
muốn có lúc được chơi với cậu một ván bi. Nhưng muốn có được ngày đó thì cậu
nhớ đừng làm việc cho địch đấy. Thôi vào nhà, đừng có bỏ đi nữa. Bình dặn lại
rồi nói: Đã gặp mình rồi mà cậu bỏ đi là rất nguy hiểm đấy. Không phải mình dọa
đâu. À nầy… chợt Bình hỏi:
-Lâu nay cậu vẫn liên lạc với Huyền chứ? Gặp cô ấy cho mình
gởi lời thăm nhé. Mong hòa bình sẽ gặp lại.
Tôi nói:
-Đáng lẽ mình hỏi cậu về Huyền mới phải chứ. Sao cậu lại hỏi
mình?
-Vậy ra cậu không gặp Huyền à. Hồi trước với hai đứa mình
thì Huyền chỉ có cảm tình với cậu thôi. Vậy mà không biết, cậu thật là ngớ
ngẩn. Thôi vào nhà ngủ đi. Mình đi đây, hẹn có ngày sẽ gặp lại để chơi bi với
cậu. Bình nhắc lại: Gặp Huyền thì cho mình gởi lời thăm nhé.
Tôi hiểu ý nghĩa câu
nói của Bình khi khuyên tôi không nên bỏ đi lúc đã gặp cậu ấy. Tôi lẳng lặng
trở lại nhà trước những đôi mắt kinh ngạc của những người trong gia đình.
Và sau lần đó tôi không trở về thăm nhà nữa.
Tốt nghiệp Đại học
Sư phạm tôi nhận công tác giảng dạy ở một trường thuộc thị xã vùng Cao nguyên. Tôi không biết tin
tức gì về Bình người bạn thuở ấu thơ đã trả lại cho tôi hai viên bi màu xanh màu
đỏ và cho tôi thêm một viên mầu vàng của cậu ta nữa. Tôi cũng không biết tin
tức gì về Huyền cô bạn gái năm xưa mà tôi đã trả lại cây bút hiệu E rơ vơ có
khắc hình một bông hồng màu trắng để tặng tôi. Tôi để tâm tìm kiếm tin tức của Huyền nhưng cô ấy vẫn
bặt vô âm tín.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi được chính quyền Cách mạng
tuyển dụng trở lại theo diện giáo viên lưu dung.
Hôm nay ngày giỗ cha,
lần đầu tiên tôi trở về quê sau lần gặp Bình hồi ấy. Chị tôi đã có gia
đình và có hai con, một trai một gái. Chồng chị làm ở Hợp tác xã. Gia đình
chị vẫn ở lại trong ngôi nhà của cha mẹ
chúng tôi nằm trong khóm lau lách năm xưa, nhưng bây giờ đã được phát quang
sáng sủa. Con đường xóm đi qua nhà Huyền và Bình năm nào đã được lát xi măng rộng rãi. Tất
nhiên Huyền và Bình đã không còn ở đó từ lâu rồi.
Chị tôi kể về Bình. Cậu ấy đã bị địch phục kích bắt, và bị
bọn chúng đem ra sát hại ở ngoài quận.
Khi bị địch bắt cậu ấy kiên cường lắm.
Tin nầy, lúc đi dạy xa tôi đã nghe, nhưng không cụ thể lắm.
Tôi hỏi:
-Đó là năm nào chị?
-Trước ngày hòa bình đâu hơn
một tháng chứ mấy. Chị không nhớ rõ ngày, nhưng nhớ đó là những ngày
cuối tháng ba năm bảy lăm.
-Còn Huyền chị có nghe tin tức gì về cô ấy không?
Như nhớ ra chị tôi kể:
-Huyền thì mới về thăm quê năm ngoái đây.
-Năm ngoái Huyền có về? Tôi sững sốt kêu lên.
Chị tôi gật đầu kể thêm:
- Lúc về Huyền có ghé lại nhà mình chơi. Huyền hỏi thăm cậu.
Tội ghê. Cô ấy nói sao cậu biết không?
-Huyền nói sao?
-Cô ấy bảo lúc trước cô ấy rất muốn được làm dâu nhà mình,
nhưng cô ấy không có duyên số với nhà mình.
-Cô ấy bảo vậy sao? Đúng thế không? Tôi hỏi chị tôi trong
tâm trạng bang hoàng xúc động.
-Ừ cô ấy nói vậy. Mà sao hồi trước chị thấy hai đứa bây chơi
thân nhau lắm, sau đó cô ấy không qua nhà mình chơi nữa, là sao vậy.
Tôi chẳng biết trả lời sao, tôi nói với chị:
-Chuyện trẻ con ấy mà, ai để ý. Bây giờ tình hình gia đình,
chồng con cô ấy ra sao? Cô ấy có để địa chỉ lại cho chị không?
-Cô ấy có chồng là sĩ quan chế độ cũ. Cải tạo xong về làm ăn
nghe nói cũng được, có một đứa con trai. Cô ấy có ghi số điện thoại lại cho chị
và bảo khi nào em về thăm thì gọi cho cô ấy.
Tôi mừng rỡ:
- Đâu chị đưa em.
-Chị ghi vào mảnh
giấy nhưng để lạc mất đâu rồi tìm không ra.
-Trời đất!
Tôi ra nghĩa
trang liệt sĩ thăm mộ Bình. Ngôi mộ gọn gàng xinh xắn nằm chen giữa những dãy
mộ xếp ngay hàng thẳng lối, sơn quét mầu vôi còn trắng tinh. Ai mới vừa thắp
nhang cho Bình xong. Trên bia mộ của Bình chỉ ghi họ tên ngày hy sinh của cậu
ấy mà không có ảnh. Tôi thắp nhang cho Bình, ngồi xuống bên mộ bạn. Mình vẫn
nhớ và đã làm theo đúng lời dặn của bạn,
nhưng ván bi như bạn hẹn thì ta không còn cơ hội để chơi với nhau được nữa.
Trong đầu tôi, một viên bi chai trong lòng có in hình trái
khế mầu vàng lóng lánh, chậm rãi lăn tới, lăn tới... Khi không đủ sức lăn tiếp nữa thì nó vừa chạm vào
viên bi mầu xanh, rồi ngừng hẳn. Cùng lúc, đâu đó âm vang tiếng cười chiến
thắng của Bình.
NGUYỄN BÁ TRÌNH
Sinh ngày: 03-9-1946.
Quê quán: Lương Điền, Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị.
Cử nhân toán ĐHSP Huế.
Giáo viên toán THPT.
Hiện nghỉ hưu.
Email: bichlien101046@yahoo.com.vn
Sinh ngày: 03-9-1946.
Quê quán: Lương Điền, Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị.
Cử nhân toán ĐHSP Huế.
Giáo viên toán THPT.
Hiện nghỉ hưu.
Email: bichlien101046@yahoo.com.vn
No comments:
Post a Comment