Đoàn Anh Kiệt là
con trai út của nhà thơ La Thuỵ Đoàn Minh Phú. Có lẽ cháu Kiệt cũng đang vương
mang hệ luỵ kiếp tằm với những giăng mắc "ngó ý tơ lòng" của
nghiệp bút như cha của mình. Ngoài truyện ngắn TRĂNG KHUYẾT đã đăng, VNQT giới thiệu một bài viết khác của cháu Đoàn Anh Kiệt.
Ảnh tác giả Đoàn Anh Kiệt
Ảnh tác giả Đoàn Anh Kiệt
Tới giờ mới viết về phim Cánh Đồng Bất Tận quả thật đúng
là … người lỗi thời: D! Nhưng mà tôi vốn là người xem phim cũ không chán, không
ngại và không sợ! Hehe.
Đọc nhiều bàn luận, chê khen trên mạng, có cả những người
bạn mình quen, rồi tất nhiên giống như những phim khác, trên mạng chắc chắn sẽ
có bản phim, tôi coi phần nhiều là vì tò mò, thứ nữa là tôi thích giọng văn của
chị Nguyễn Ngọc Tư, chất phác, mộc mạc mà không quê mùa!
Không bàn nhiều về hình ảnh và âm nhạc trong phim, thứ
nhất là vì tôi vốn thuộc dạng mù màu, mù nhạc, thứ hai là bản phim tôi xem là
bản “draft cut copy with sample music for screening purpose only”!
Phim mở đầu ấn tượng bằng một cuộc săn đuổi, và bằng một
sự tàn ác trần trụi! Có người bạn tôi bảo rằng coi Hải Yến đóng vai Sương nói
giọng Bắc kờ rất khó chịu, nhưng tôi lại thấy Yến đóng rất tốt, hơn nữa, vai
diễn cần sự trâng tráo tự nhiên thì giọng Bắc kờ diễn tả rõ là không chê vào
đâu được, ngay cả những trường đoạn nghẹn ngào chua xót, Yến diễn khá tự nhiên,
nỗi đau trào lên đôi mắt, gương mặt.
Ngay cả vai diễn của Điền, luôn chảy nước mắt sống, có cái
gì đó trên gương mặt em mà người ta nhìn vào đều cảm thấy đớn đau, nghẹn ngào
và uất hận. Cậu bé mới lớn, mới chớm biết yêu, lại mù mờ trước cô gái ăn sương
dày dạn. Hai mảnh đời vốn rạn vỡ sẵn, chợt gặp nhau, lại càng thêm đớn đau và
rạn vỡ.
Dustin Nguyễn cũng có một vai diễn rất hay, dáng vẻ trầm
buồn vắng lặng, hòa lẫn vẻ cục súc nôn nóng, và nét hiền hòa, đau đáu khiến cho
một Út Võ từ truyện bước lên phim rất thành công. Trường đoạn Út Võ nổi nóng
đập phá nhà, rồi sau đó đốt nhà bỏ đi, dáng người đàn ông mỏi mệt đứng trên ghe
nhìn căn nhà bừng cháy không khỏi khiến người xem nghẹn ngào. Khi đọc truyện,
tôi chẳng thể ghét được Út Võ, khi xem phim cũng thế, cái kiểu cục súc, gầm gừ
thô bạo của ông như đang che đậy trái tim mềm yếu của mình, như câu nói của
Sương nhận xét về ông: "Coi vậy chứ chẳng phải vậy đâu!”
Và, nếu như bầu cho diễn viên hay nhất phim này, tôi chọn
Lan Ngọc cho vai Nương. Nét trong sáng, tinh tế, và cả vẻ cam chịu khiến cho cô
gái có khuôn mặt, nụ cười thiên thần này lột tả được hết niềm đau đớn của thân
phận người trôi nổi giữa những dòng đục trong của người lớn. Em diễn tự nhiên
cứ như cuộc đời vốn thế, khắc khoải và chấp nhận, thỏa hiệp và thương yêu.
Vai diễn tệ nhất, theo tôi, chính là Tăng Thanh Hà trong
vai vợ Út Võ, nét diễn có gì đó cứng ngắc, điều duy nhất cô để lại ấn tượng cho
tôi là cảnh cô khoác mảnh vải lụa, và đứa nhỏ nói: "Mẹ con xa lạ sao lại mừng?”
Ấn tượng là vì câu nói của đứa nhỏ, chứ không vì gương mặt, thân hình hay nụ
cười của cô. Ước gì, trường đoạn cô bỏ đi đừng quá vội vã, chỉ cần một ánh mắt
vừa đau đớn vừa quyết liệt cho khung hình cô ôm Điền thì có lẽ cũng tròn vai.
Cảnh nóng nhất trong phim, cảnh ân ái giữa Sương và Út Võ,
nói thật, đây là lần đầu tiên tôi xem trong phim Việt mà không phản cảm! Cái
khát tình bản năng của Sương, của Út Võ được miêu tả đầy đủ theo từng cung bậc
và góc cạnh khuôn mặt. Đồng thời, ngay cả Sương, một cô gái điếm nghiện tình
dục, vẫn còn hoang hoải theo những cung bậc cảm xúc thật sự, cảnh quay cô tìm
đến bờ môi Út Võ, cảnh quay Út Võ gấp gáp đắm chìm trong cơn hoan lạc, thật sự,
ở mức độ nào đó, đã tạo cảm xúc cho người xem.
Bình luận về phim thì tôi vốn là dân ngoại đạo. Nhưng Cánh
Đồng Bất Tận dàn trải quá, khó tạo điểm nhấn, coi phim dễ … buồn ngủ! Hơn nữa
mạch văn trong truyện khác với trong phim! Truyện của chị Tư thì nhân vật trâng
tráo hơn, nhưng cũng dễ vỡ hơn, và lại càng biết cách che dấu cảm xúc, che dấu
con người hơn!
Phim diễn tả rất có hồn, rất hợp lý, tạo ra những cảnh xúc
động đến nghẹn ngào của Sương trong phim, của cái đau đớn kêu cứu đến lạc giọng
của Nương, khác xa với truyện, Sương trâng tráo trước sự xúc phạm của Út Võ,
Nương bình thản ngay cả đối mặt với nỗi đau lớn nhất của đời người, nhưng bằng
vào những cách ứng xử bình thản của nhân vật trên từng câu từng chữ, nỗi đau
của Cánh Đồng Bất Tận đã được chị Tư đẩy đến cái tận cùng, và chỉ dịu xuống nhờ
chút cung bậc yêu thương của Nương trong đoạn cuối.
Và, một điều cuối, kết phim tròn trịa quá, giống như kết
cục của những phim truyền thống! Tròn trịa chưa hẳn là không hay, nhưng nếu để
chơi vơi một chút thì cảm xúc của người xem sẽ khác hơn! Ly nước đã đầy là ly
nước không thể chứa thêm!
Truyện Cánh Đồng Bất Tận là ly nước còn vơi, còn phim thì
lại là một ly nước đã quá đầy!
P/S: Ghét nhất là phần phụ đề tiếng Anh, không
dưng lại dịch Cánh Đồng Bất Tận thành Floating Lives! Đọc cái tựa tiếng Anh, tôi
đoan chắc 100% sẽ dịch thành Những phận đời trôi nổi!
ĐOÀN ANH KIỆT
Tháng 4/2011
No comments:
Post a Comment