“Đọc “Châu thổ”, chúng ta lại phải một lần đặt lại câu hỏi chung quanh vấn đề thơ: Thơ là gì? Thơ giả và thơ thứ thiệt? Thơ là ngôn ngữ hay xúc cảm, là rậm lời hay cô đúc, là gần gũi hay xa lạ…”
Nhà nhỏ, mười tám mét vuông, ngọn đèn không sáng và một chỗ ngồi. Con bé học mầm non nhà bên đang tập đọc, mẹ già nhà trước mặt cầu kinh sớm, mõ lốc cốc; và tôi, trong tầm mắt là 144 bài thơ trong Tuyển tập “Châu thổ” của Nguyễn Quang Thiều - NXB Hội Nhà Văn 2011.
Tháng sáu, cơn mưa đầu mùa của thành phố bỗng khua vang ầm ĩ kéo tôi trôi tuột vào cơn mê sảng những ý nghĩ. Không còn chỗ ngồi và nhà nhỏ, không có bập bẹ lời trẻ và lốc cốc mõ, đêm đã sang chưa hay ngày đã rạng…? Không biết, không biết… Tôi để tôi trôi theo những hồi tưởng, những khúc cảm mờ hoặc, nghi ngại với Bài ca những con chim đêm rồi nở thành Cây ánh sáng kì diệu:
…Chàng chỉ thấy tất cả là ánh sáng cả đất đai đau khổ và tăm tối của chàng, cả con đỉa khủng khiếp bám suốt đời trên bộ xương chàng
Chàng quỳ xuống và ngước lên Cây ánh Sáng vĩ đại nhất đang toả mãi tán lá ban mai khổng lồ
Miệng chàng mở những cánh đồng hoa rực rỡ và giọng nói chàng cất lên
Hoà cùng giọng nói của côn trùng, của sói, của đại bàng, của lạc đà… trong cùng ngôn ngữ…
“Châu thổ”, Nguyễn Quang Thiều hiện hữu ở đây, một giọng nói không lẫn vào ai, một thanh âm không nhòe nhoẹt, và anh đang dọn lên bàn tiệc thơ cơn mê sảng của những khoảnh khắc ý nghĩ của mình… Này là hồ nước này là con đường, này là đàn bò và những đám mây, này cơn đau đầu và một tấm thân trần truồng, này là một mẩu ký ức màu Cúc Quỳ và phong bì màu vàng nhạt; rồi búi tóc góa phụ, bầu vú, lũ chuột, đám gián, lũ mèo, bầy chó, sông Đáy và những con thuyền, hồn trà với xác trà, cả những linh hồn và những điều linh thị... Tất cả trộn lẫn vào nhau, chuyển động và chuyển dịch trong cái chiều dài bất tận của thời gian và khoảng không vô tận theo một trật tự khả thể và không hề hỗ lốn nhập nhằng. Hiện thực trong “Châu thổ”, do vậy, chưa bao giờ là bản sao của đời sống mà là hiện thực của thế giới thơ được phát hiện và tái tạo bằng những tri kiến, và trí tưởng tượng của thi sĩ. Ở đây là cố hương Làng Chùa nhưng không gói gọn với Làng Chùa; là tiếng nói trong đêm của bà tôi bại liệt nhưng cũng là tiếng gọi sâu thẳm của tâm linh, của khát vọng hiện hữu, là bầy chó tru đêm để gọi chính tên mình, gọi chính nỗi đau...
***
“Châu thổ”, trước hết và trên hết là hình bóng đất đai quê nhà, vùng sông Hồng mưa tràn nắng hạn đậm đậm Việt tính với cào cào châu chấu, bùn đất ngai ngái, con đường lồi lõm vệt chân trâu, ở đó có bóng mẹ bóng cha bóng bà… Tuy nhiên, đây chỉ là cái nền, cái nhìn đầu tiên, là cơn cớ ban đầu để vô thức bật dậy nghĩ suy, để liên tưởng, một trường liên tưởng hiện hình.
Câu kết trong Bài hát về cố hương chốt lại một ước mơ tưởng như hoang tưởng trần trụi: Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ / Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi. Và, giọt nước mắt cũng lã chã rơi trên chính cánh đồng rau khúc: Tôi khóc những mùa rau khúc, tôi đã thiếp đi trên miếng bánh của mình / Tôi khóc em của tôi mười mấy năm vẫn còn ngơ ngác / Trước câu hỏi vì sao tôi ra đi ngày rau khúc chưa tàn
(Tôi khóc những cánh đồng rau khúc)
(Tôi khóc những cánh đồng rau khúc)
Mười một khúc cảm viết trong buổi thanh xuân đã có những rụng rời, nỗi đau đáu: Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ / Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn
(Khúc I).
Bước đến khúc III, đường đi của nhà thơ đã chạm thanh âm một lời nguyền man rợ: Ta đi về cửa ngõ của chiều / Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn / Ta đi về thuở ta còn sóng sánh / Và ta chạm lời nguyền vĩ đại / Man rợ ngân lên từ phía tối mặt trời.
Bước qua khúc VIII là cảm giác có thật của vết thương răng chó cắn: Bụi không tung lên sau tiếng đổ trên giường / Một phía thời gian xước từng răng chó cắn và đến khúc X & XI thì toàn thân thương tật, trong tiếng cười dao sắc: Ta thương tật đi tìm ngoài ánh sáng.
Và nhà thơ lớn lên, trưởng thành lên cũng già cổi hơn lên khi bước chân giẫm lên ngập ngụa trong cái thế giới của bạo loạn, bệnh tâm thần, chiến tranh, hận thù nên thơ cứ dâng lên trời như một lời cầu kinh vì bất lực. Họ chạy trong thành phố: những ngõ sâu hốc hác, những lề đường ê chề, những công việc mắc bệnh... Thành phố không chốn an toàn cho họ giấu đủ một ngón tay / Ngoài kia, những cánh đồng đắng cay vì bệnh tật kéo dài. Hoàng hôn xấu xí / Ngũ cốc đang gập mình bởi cơn ho hóa chất sặc mùi / Họ chạy trốn không nguyền rửa, không tuyên bố, không hoảng hốt, chỉ đau đớn, chỉ có chuẩn bị.
(Lời cầu nguyện).
Vâng là bất lực khi phải ngắm những bầu vú góa phụ bị cắt rời khỏi thân thể đàn ông, nhìn hoài những đôi vai quang gánh của mẹ và con gái kiũ kịt gánh nước sông đêm, nhìn hoài những phận người bị nguyền rủa, bị hô hoán, bị buộc tội và rơi vào sắp đặt mới, nhìn hoài sự hoan lạc cơn viêm xoang khổng lồ /Ăn rỗng từng vòm đức hạnh…
Đã có một khoảng cách lớn từ Mười một khúc cảm đến Con bống đen đẻ trứng. Thơ ở đây như cơn buồn nôn, như phẫn nộ gào khan cấu xé, như là tuyệt vọng nhưng rất may đã có một con bống đen của dòng sông Đáy kịp thời Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng.
Đọc đến Bài ca những con chim đêm, Bữa tiệc, Hồi tưởng, Linh hồn những con bò…, chúng ta lại càng rợn ngợp hơn vì những ám ảnh ám thị. Nhưng không, những chi tiết hay thi ảnh trong “Châu thổ” không hề là phóng tưởng hay huyễn tưởng mà là những chứng nghiệm trong thế giới quan của người thơ Làng Chùa. Bẻ khóa được điểm mấu chốt này, chúng ta dễ dàng hiểu ra những ẩn số, những ví dụ tràn ngập trong thơ Nguyễn Quang Thiều (NQT). Từ bầy chó đến hoa hồng, từ ngọn lửa đến cổ họng khô khát, hay lũ kiến và những cái đầu những chú kiến đúng & sai, giọng nói của người bại liệt rồi hoa tiêu, cây ánh sáng… Tất cả là những biểu tượng, những minh họa cho một hiện thực thậm phồn và nhà thơ không hề xác quyết về mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, các hình ảnh, chỉ là gợi lên để người đọc cảm & nhận ra hiện thực theo cách thế của mình. Không, NQT chưa bao giờ là giáo điều và khuyến hạnh, cũng không cố tình nhằng nhịt rối rắm bằng thi ảnh hay các tổ hợp từ. Thế giới thơ của anh mạnh mẽ bạo liệt nhưng đầy yêu thương, hy vọng và cơn khát tự do.
Nhưng người thơ Làng Chùa, dù đã tuyên ngôn rất nhiều lần mình là người nông dân chân đất làm thơ, tâm thức của anh vẫn là tâm thức của người đương đại, được cụ thể hóa với nỗi phân vân, nghi hoặc, vực ngờ dày đặc như mây xám ngày bão rớt.
Nhà thơ hỏi mình, một bất chợt của lưỡng lự khi phải chọn hành trình: Ta sẽ bắt đầu điều gì khi bình minh thức dậy / Đi về phía biển khơi hay trở lại rừng; rồi lại hỏilũ chó mục đích nguyên cớ sủa: Bầy chó ơi, sủa vào đâu / Sủa vào trăng?/ Sủa vào ngọn đèn dầu?/ Hay sợ đêm mà sủa vào bóng tối / Hay sợ nhau mà sủa vào nhau… Câu hỏi không có đáp án mà nghe ra đã não nề và vì không lý giải được, nhà thơ đành sợ cả một con nhện giăng tơ: Nên tôi sợ và tôi nghi ngờ / Rằng ý nghĩa tôi sẽ mắc vào tơ nhện / Con nhện già lao ra từ một khe cửa sổ / Vồ lấy ý nghĩ của tôi. Đến đây, nỗi vực ngờ sợ hãi đã đậm đậm chua chát và đắng: sợ cả ý nghĩ của mình bị phát hiện!
Thế giới hỗn mang những phi lý, những sự thật tưởng chừng bất biến đã bị đổi ngôi, những thứ bậc đã bị đảo lộn, một số giá trị đã thành ảo hóa nên hoài nghi chồm lên như biển động. Một phép nghịch đảo, Với chiếc xe một bánh, Lúc ba giờ sáng, Về những đồ vật có trên bàn viết, Nhân chứng của một cái chết… và còn nhiều nhiều nữa. Rất hiếm những bài thơ tươi non ở đó niềm tin sừng sững mọc. Cái nhìn nghi hoặc đã làm biến đổi thế giới thơ của NQT để sống và chết, hủy diệt và dựng xây, ban mai và bóng tối… chỉ cách nhau một mili tóc nhưng đồng thời làm nẩy sinh những hình tượng lộng lẫy mấy phần dị kì nhưng huyền nhiệm. Này là đôi mắt chim non trong buổi Bình minh đang lên:
Những con chim cựa mình trong tổ đan bằng sợi mềm bóng tối
Và bay lên như mí mắt người chết sống lại đang từ từ mở ra
Này là hình mấy giọt máu và sự bí ẩn:
Máu đã thức dậy, liếm mặt như mèo già và rướn chạy / Trong tiếng hú tru của máu và nước bọt / Ta nhìn thấy cái đuôi của bí ẩn thò ra.
(Một phép nghịch đảo).
Hình tượng Cây ánh sáng chốt lại tập thơ là hình bóng của thiền sư trên nẻo về tâm linh. Động đã nhường chỗ cho tịnh lặng. Hiểu ra tâm thức của nhà thơ, chúng ta đồng thời hiểu ra trăm điều nhắn gửi đằng sau những hình tượng, hiểu cả khoảng trống giữa những câu thơ trong mối liên hệ với thực tại đời sống mỗi ngày.
***
Đọc “Châu thổ”, chúng ta lại phải một lần đặt lại câu hỏi chung quanh vấn đề thơ: Thơ là gì? Thơ giả và thơ thứ thiệt? Thơ là ngôn ngữ hay xúc cảm, là rậm lời hay cô đúc, là gần gũi hay xa lạ… Tôi tin ít nhiều NQT trả lời được cho chúng ta vì có thể lấy rất nhiều ví dụ trong “Châu Thổ” để khẳng định: thơ là những vụt hiện của ý nghĩ, của cơn mê sảng bất chợt. Nó là thật, cảm xúc thật, cái nhìn thật, sự sống thật đang mọc dậy trên từng vuông da thịt, trồi lên từ những lỗ chân lông của nhà thơ. Tôi không tin một ai đó đó có thể gù lưng trong đêm hay giữa ngày để nặn lên những hình tượng, những con chữ ám ảnh đến thế này. Nó chỉ có thể đến trong khoảnh khắc và chụp choàng lấy thi sĩ để rồi tràn ra cả màn hình vi tính những con âm:
Chúng ta gieo vào sự chối từ, gieo vào cơn dị ứng
Gieo vào những hốc chân răng gẫy, những lỗ chân tóc rụng
Gieo vào những lỗ tai điếc, những lỗ mũi ngạt, vào những hốc mắt mù
Gieo vào giường ngủ, vào chăn chiếu, vào giày và tất
Gieo xuống những hôn phối, những ly dị, gieo xuống những cắt rốn
Gieo xuống những ngạt thở, những nức nở, những quằn quại rên xiết
Gieo xuống những kinh hoàng, những chui rúc trốn chạy, những cơn dại
Gieo xuống những bệnh đao, những máu trắng
Gieo xuống những bại liệt, gieo xuống những tự vẫn
Gieo xuống những bóng tối mê man đang xiết bỏng cặp môi đen vào ánh sáng đầm đìa
(Chương VI- Nhịp điệu châu thổ mới)
Có thể phá đi vần điệu của bằng trắc theo nhịp hơi thở 1-2, có thể không cần viện dẫn đến ngôn từ đẹp đẽ mang hơi hướm Đường thi, cũng không cần phải cắt khúc nối hàng theo motip Tân Hình Thức, thơ vẫn là thơ như chính nó, là hình ảnh chảy tràn cuộc ngày với hy vọng và niềm tuyệt vọng, với thanh âm bi tráng hay niềm lạc quan, với ý nghĩ chưng cất, những giấc mơ đột hiện từ vô thức… NQT không chối bỏ hiện thực nhưng đồng thời không muốn làm kẻ thù của thơ nên hiện thực ở đây không giống với hiện thực cuộc sống mỗi ngày vì Nghệ thuật càng bắt chước bao nhiêu, nó lại càng trở thành phi nghệ thuật bấy nhiêu (W.B. Stanford)(1).
Nhưng phải chăng cái hiện thực thậm phồn của NQT đã gieo vào lòng chúng ta nỗi sợ hãi, kinh nghi bất định về thế giới này, hay nỗi buồn rầu về thân phận? Với tôi là không, vì đó đây vẫn là cái vẻ đẹp đến kinh ngạc của thiên nhiên cánh đồng dòng sông hoa cỏ, là cái nỗi lặng im để độc thoại nội tâm, là trong niềm đau bơi bời vẫn hé ra mầm hy vọng. Tiếng cười ngửa mặt của cha trong đêm tóc trắng là một ví dụ: Tiếng chó lại rộ lên từ đầu làng về ngõ nhà ta/ Tóc cha trắng một tiếng cười ngửa mặt (Tiếng cười). Tiếng cười đó NQT mang theo suốt cuộc hành trình của đời mình, vẫn Nấc lên, cười lên đẩy chiếc xe số phận một bánh lên đường (Với chiếc xe một bánh). Mặc kệ thế nào, anh vẫn đi và trên Con đường vô tận của bài ca ngũ cốc / Và Cậu Bé đi gọi tên linh hồn đất / Bằng những cách gieo âm tiết của riêng mình (Chương III - Nhịp điệu châu thổ mới). Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ viết tặng những đàn bà và đàn ông ở toà nhà số 4, Láng Hạ, thêm một lần khẳng định cái đẹp và sự cứu rỗi trong tinh thần của Dostoiseky(2). Nhưng lúc này một bóng người cúi xuống bên chúng ta phả ấm hơi lửa trong tiếng thì thầm:
- Còn một hạt giống là còn cánh đồng
- Còn một giọt nước là còn dòng sông
-Còn một người có đức tin là cả thế gian được cứu rỗi.
“Châu thổ” truyền tải cái đẹp thì có lẽ không cần bàn sâu về chất nhân bản vì nhân bản vốn là tự thân của cái đẹp, vĩnh cữu, bất biến. Thơ muôn đời quyến dụ vì trong chừng mực, thơ còn giá trị hơn cả sử học. Nếu sử học chỉ kể về những gì đã xảy ra, quan tâm đến những sự kiện riêng lẻ thì thơ nói về những điều có thể xảy ra và liên hệ đến những sự thật ngàn đời. NQT cũng đang nói với chúng ta về những dự cảm của mình, những dự báo cho mai sau.
***
Với tôi, “Châu Thổ” lạ lẫm còn NQT thì lạ lùng.
Cái lạ thứ nhất là ở nội dung truyền tải: một bầu khí hư thực thực hư, một không gian trùng trùng của bến bờ thế gian không có những cột mốc biên giới, một thời gian không có các thì hiện tại tương lai quá khứ, ngày và đêm xô vào nhau liên miên bất tuyệt, rồi những góa phụ, đàn ông, đàn bà phi lý lịch, lũ sinh vật có linh hồn và ý nghĩ, rồi thiện & ác, hy vọng và tuyệt vọng, tội lỗi và thánh thiện, vẻ đẹp và niềm kinh sợ, hoặc nghi và phẫn nộ, đau buồn và âu lo… cứ chen chúc nhau mà đi về những nẻo đường vô định… Từ Lễ tạ với hồ nước cũ những con đường đến Chuyển động với vệt bò những dòng sáng đặc lóng lánh của con ốc sên đã là một phân biệt, tiếp theo là Bài ca những con chim đêm, Hồi tưởng và Hoa Tiêu, Cây ánh sáng … NQT đã liên tục tự làm mới mình không ngừng nghỉ, đã vượt lên cái bóng của mình. Hơn ba mươi năm lao động cật lực trên sa mạc thơ, với 6 tập thơ đã xuất bản, NQT đã ”làm mới lại những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết” như chính anh tuyên ngôn (3).
Cái lạ thứ hai nằm chính trong thi pháp: cấu trúc câu, nhịp điệu, cấu tứ và cách kiến trúc các tổ hợp từ… Am hiểu và nghiên cứu về thi ca nước ngoài, NQT ít nhiều chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ phương Tây với rất nhiều câu thơ đảo vị trí chủ ngữ, đảo trật từ của từ, xen kẽ hô ngữ, tạo nên âm hưởng mới cho câu thơ tiếng Việt. Bay qua bầu trời, cơn mưa… Những kiểu câu thế này dày đặc trong “Châu Thổ”.
Nhịp điệu thơ của “Châu thổ” cũng là điều đáng nói. Ngoại trừ một số bài đầu tay, NQT cũng tạo ra cái nhịp thơ cho riêng mình. Đó là loại nhịp của một giọng nói đời thường khi điềm đạm, khi phẫn nộ nghĩa là lên xuống với xúc cảm của mình.
Nhịp điệu thơ của “Châu thổ” cũng là điều đáng nói. Ngoại trừ một số bài đầu tay, NQT cũng tạo ra cái nhịp thơ cho riêng mình. Đó là loại nhịp của một giọng nói đời thường khi điềm đạm, khi phẫn nộ nghĩa là lên xuống với xúc cảm của mình.
Giọng H : mai sẽ rời khỏi căn phòng này
Giọng H : ôi , chiếc giường…
Giọng H : phía xa kia…
Giọng H : một bộ phận sinh dục cô độc
Giọng H : đang hồi phục ký ức
(Giọng của H)
Loại thứ hai là nhịp của một suy nghĩ liền lạc, khi đọc không thể cắt rời vì như thế là sẽ phá hỏng câu thơ.
Gã chống lại những con chó đái ở góc phố
Gã chống lại những đồng tiền
Gã chống lại những chính trị gia
Gã chống lại một văn bản khác văn bản gã viết
Gã chống lại khu phố gã ở và uống bia suốt trưa
(Những chữ buổi trưa ngày 29/08)
Loại nhịp thứ ba là của giọng kể chuyện thì thầm từng mảng, từng cụm.
Một ô cửa rụt rè mở
Và một tiếng rạn vỡ đâu đấy
Trên da thịt không ướp lạnh của H
(10h13’)
Loại nhịp thứ tư là nhịp của miêu tả, cắt câu thơ bằng những dấu phẩy, dấu chấm phẩy, có thể đọc ung dung tự do nhanh chậm.
Cuối cùng ngươi cũng phải cất giọng, hỡi những lừa, lạc đà, những ngựa của con đường vô định
Những sư tử, những báo gấm, những hổ của rừng mang dáng vẻ kỳ vĩ đang mục ruỗng từ bên trong
Những dê, những chim ưng, những ong của mùa đông khan hiếm phấn hoa
Những chim non của tổ chim xác xơ vì gió, những bướm của những cái kén thẫm tối
(Công việc của tháng Mười Một)
Về cấu tứ, NQT có thế mạnh ở loại thơ văn xuôi và dài hơn. Những Khúc cảm, Hồi tưởng…đều đặc biệt ấn tượng. Nếu không có nội lực dồi dào, không có ngôn ngữ và cả nhiều nhiều liên tưởng, tưởng tượng mạnh mẽ, người viết sẽ đuối và thậm chí rối.
***
Có lẽ tôi không cần nhắc lại ở đây những tụng ca hay dè bĩu chung quanh tác giả “Châu thổ”, cũng không cần lưu tâm những hạt sạn nhỏ trong quá trình sáng tạo của anh và không lạm bàn đến ý thức cách tân của anh vì đơn giản là anh đã tự biện
Có lẽ tôi không ý thức rõ ràng sự cách tân mà chỉ muốn là chính tôi… Đó là giọng nói của chính tôi, là thế giới ngôn từ và hình ảnh của tôi, là tất cả những gì mà tôi muốn phơi bày và tưởng tượng. Khi nhà thơ không dựng lên được thế giới riêng biệt của anh ta hay không xác lập được chân dung thơ ca của anh ta thì nghĩa là anh ta đã chết(4). Tôi nghĩ, “Châu Thổ" chỉ là bước khởi động của thi sĩ. NQT sẽ còn mở ra những chân trời rộng lớn hơn nữa ở ngày mai…
TP. Hồ Chí Minh 18.6.2011
LÊ VŨ
vinhphuccr@gmail.com
________________________
1- Trích tác phẩm Những kẻ thù của thơ (Enemies of Poetry)
2- Cái đẹp cứu chuộc thế gian này.
3& 4- Trích bài nói chuyện với Phan Hoàng (Đương Thời)
4- Những chữ in nghiêng là trích thơ và là tên bài thơ trong tuyển tập của NQT.
________________________
Bài do tác giả gởi tặng Văn Nghệ Quảng Trị.
.
No comments:
Post a Comment