Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 25, 2011

TƯỜNG VI- NỖI NIỄM HOÀI CỐ HƯƠNG QUẢNG TRỊ TRONG THƠ LÊ THIÊN MINH KHOA


Lê Thiên Minh Khoa sinh năm 1954 tại Quảng Trị. Anh là hậu duệ đời thứ 13 của Lê Duy Cán, một hoàng  tử thời hậu Lê. Vị nầy lập nên làng Trung An nổi tiếng đất rộng trù phú, ruộng làm quanh năm, cây lưu niên bốn mùa xanh tốt. Và ở Quảng Trị có câu tục ngữ: “ Đất Trung An, gan Mai Xá, đá Hảo Sơn”, xuất phát từ đó. Đến đời ông nội anh là Lê Duy Kiều có công lao trong việc đắp đường, bắc cầu, xây chùa và lập một làng mới: phường Khe Me, đưa dân nghèo khổ ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị lên sống, cấp đất, cấp tiền, cấp lương thực và phương tiện canh tác…để lập nghiệp, nên được dân làng mới thờ là tiền khai khẩn. sắc . Có thể nói, đây là một gia đình, dòng họ có truyền thống làm việc nghĩa ở một vùng quê” ( NGƯỜI và VIỆC- Những người nổi tiếng, tập 1, NXB Hội Nhà Văn VN.2006, tr.70)


Thế nhưng, cuộc đời anh cũng “năm chìm, bảy nổi”, phải ly hương “hành phương Nam” từ nhỏ. Ba tuổi mẹ mất, mười lăm tuổi cha mất, đất đai mồ mã tổ tiên bị cày xới , vì cả làng cũ và làng mới của anh đều nằm trong vùng phi quân sự (DMZ). Tuổi hoa niên phải làm đủ việc để vừa kiếm sống, vừa có tiền đi học: Dạy kèm trẻ tại tư gia, bán báo, đạp xe xích lô, ba gác…Thời mới giải phóng, để có tiền học sư phạm, anh mua thuốc diệt chuột MYTOX  từ TP.HCM về phân thành gói nhỏ đem ra bán cho dân Động Đền, Hàm Tân, Bình Thuận (và có lần anh phải đi cấp cứu vì ngộ độc khi hít phải thuốc), rồi mua thu gom các loại thuốc lá “cao cấp”: Sài Gòn giải phóng, Capstan, Rubi…mà nhà nước bán phân phối cho các hộ dân nơi đây đem vào thành phố sang lại cho các đại lý để kiếm lời. Rồi cả buôn lậu nữa: mua các loại cá khô ở Hàm Tân vào bán ở chợ Cầu Muối, mua gạo từ miền Tây cho vào ba lô sinh viên lên bán ở Chợ Lớn. Con đường học vấn của anh cũng lắm gian nan. Sau phổ thông, học Cao đẳng, Đại học , anh có.hai văn bằng cử nhân: Tốt nghiệp khoa ngữ văn đại học Sư phạm TP.HCM, tốt nghiệp cử nhân báo chí- Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội. Nhờ thế, nhờ sống nhiều nơi, đi nhiều vùng, học nhiều trường, từ nhỏ anh có dịp “thâm nhập” nhiều miền đất quê hương, tiếp xúc với nhiều giới, nhiều người và có nhiều bạn bè thân thiết ở khắp nơi.

Anh làm thơ từ trước giải phóng, sau giải phóng vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng đến năm 1985 mới được khẳng định qua giải thưởng thơ “Kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam” của UBND tỉnh Đồng Nai với bài thơ “Cây đa ở một nông trường mới” viết về tâm tình của “người công-tra mấy chục năm xa xứ ¬_ đến nơi này mới được bóng đa che”. Bài thơ là tâm tình của người dân cao su, nguyên là dân công tra cũ nhưng cũng là tâm sự cuộc đời của chính nhà thơ: “một mình thôi mà không đơn độc _ rừng cao su bao bọc tứ bề.”Năm 2005, anh lại nhận được giả thưởng VH_NT tỉnh BR_VT lần thứ nhất (1992_2004) trao cho tập thơ “ Thị Trấn Tôi”

Về tác phẩm, ngoài 2 tập thơ “Thị trấn tôi”(NXB Thanh niên –2002) và “Giai điệu bốn câu” (NXB Trẻ – 2001 – in chung), thơ Lê Thiên Minh Khoa được đăng thường xuyên trên các báo trung ương, địa phương và đưa vào nhiều tuyển tập thơ như: “Khúc dạo đầu về một dòng sông” (NXB Đồng Nai – 1985), “ 300 thơ Bà Rịa- Vũng Tàu” (NXB Thanh Niên –2000), “15 năm thơ Đường luật Bà Rịa- Vũng Tàu” ( NXB Thanh Niên –2000), “10 năm thơ Bà Rịa- Vũng Tàu” ( Hội VHNT tỉnh BR-VT –2001), “Theo sóng Đồng Nai” (NXB Đồng Nai –2000), “Hồn biển” (Hội VHNT tỉnh BRVT –1992), “Đồng vọng” (NXB Thanh niên –2002) , “Thơ Bà Rịa- Vũng Tàu 1975_2005” (Hội VHNT tỉnh BR-VT –2005), v.v…

Mảng đề tài thứ nhất trong thơ LTMK viết về những vùng đất con người mà anh đã từng sống, từng tiếp xúc, trong đó có vùng đất Quảng Trị, nơi “chôn nhau, cắt rốn” của anh. Nhưng đậm nét nhất trong mảng thơ này là chất bản địa Bà Rịa Vũng tàu nói riêng và “vùng Miền Đông đất đỏ” nói rộng ra, nơi anh “mọc rễ” từ hơn ba mươi năm nay. (Kể ra đây giai thoại cho vui: Do tên tuổi anh gắn liền với VH địa phương như vậy, nên ở miền Đông này có câu: “Cọp Khánh Hoà- Khoa Bà Rịa”, rồi trong giới văn nghệ sỹ và cánh nhà báo ở TP.HCM và miền Đông Nam bộ lại có câu ca dao …vui: “Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa - Phần địch thì ít, phần ta thì nhiều.”)
 
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Vũ Xuân Hương gọi thơ anh là “tiếng thơ mang hương vị một vùng quê” (lời TỰA tập thơ “Thị trấn tôi”). Còn trên báo Giác Ngộ (số 115 – 14/04/2002) khi viết về thơ anh , đã rút “tít”: “Tiếng thơ của hồn quê”. Có tác giả cho rằng: “..Nói tới những người lam thơ ở Bà Rịa -Vũng Tàu, không thể không nhắc tới LT Minh Khoa. Giả biệt vùng quê Quảng Trị, Khoa về với những con dường nhỏ nhẻ dưới hàng me xanh của thị xả Bà Rịa –Nui Dinh từ ngày giải phong, dạy học viết bao, làm thơ về nó...
...Thơ anh dầy ắp những tình tiết hiện thực, sau lắng chất suy tưởng và bay bổng chất lãng mạn, do được thu vào ống kính tâm hồn tác giả trong những chuyến di...Anh nhập thân, hòa mình với cả cuộc sống rộng lớn của ND, lẫn với cảnh “khi ngọt khi chua” rất đời thường …Ấy thế, nhưng anh không lên giọng, chỉ thủ thỉ như lời bạn bè đang ngồi bên tách caphe quán nhỏ đon bình minh phía biển Vũng tau. Có lẽ, đó lad điều quý nhất ở thơ LT Minh Khoa
(Tài Hoa Tre –11/2002). Đây là mảng thơ làm cho anh “đứng được” trên văn đàn khu vực. Chính trong báo cáo tại lễ trao Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lần thứ nhất (1991 –2004) cũng đánh giá rằng: Cùng với một số nhà thơ khác, thơ anh “đi vào chiều sâu của hiện thực đời sống nhân dân.”(Văn Nghệ BR –VT, số 04/2005)...

Thế nhưng, dù đã hội nhâp được hoàn toàn với miền quê mới ấy (Bà Rịa – Vũng Tàu), trong đáy sâu tâm hồn nhà thơ vẫn luôn ray rứt một nỗi nhớ sâu sắc, tha thiết mà âm ỉ đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. “Nghe em hát đêm văn nghệ nông trường”, tác giả cảm nhận được:
“...Như lời yêu trao nhau
âm huởng miền Trung chân tình cái giọng”
trong tiếng hát cô gái diễn viên đồng hương và đồng cảm với “trong lời em  trầm bổng cuộc đời” những người dân tha hương.
 

Cho nên, bắt gặp “Cây đa ở một nông trường mới” (Giải thưởng thơ “Kỷ niệm 10 năm giải phóng Miền Nam” -1985) ở huyện Xuyên Mộc , nhà thơ không thể không hồi tưởng lại quê hương cũ:
"Nhìn cây đa nhớ lại mái đình xưa
Bến nước, con đò, câu ca muôn thuở
Người công-tra mấy chục năm xa xứ?
Đến nơi này mới được bóng đa che"
 

Và làng công nhân ở vùng đất mới nầy cũng có bóng dáng của ngôi làng nông nghiệp ở quê cũ, như tình yêu quê mới cũng bắt nguồn từ tình yêu quê xưa:
"Nông trường lớn dần lên
đất mới hoá quê nhà
Cây đa trẻ rồi cũng thành cổ thụ
Lúc đi xa tự nhiên lòng lại nhớ
Nông trường mình qua dáng một cây đa".
 

Ấn tượng về miền đất và con người quê cũ lắng sâu trong tiềm thức tác giả nên có lẽ hình ảnh một bà mẹ miền Trung trong mùa lũ năm Canh Thìn (1999) có nguyên mẫu là bà mẹ Triệu Hải quê mình:
"Mẹ bới tìm duới túp lều
sau cơn lũ dữ
Còn gì đâu,
mẹ ơi!
lũ cuốn
trắng
sạch rồi
Mẹ chỉ nhận một phần hàng cứu trợ :
“ Còn dành cho những nhà đông con”
 

Trong chùm thơ viết về đề tài Quảng Trị, có nhiều bài mà nếu như giấu đi địa danh vẫn không thể nhầm với vùng đất khác được. Dân địa phương và cả những khách từng đến thăm Quảng Trị dễ dàng cảm nhận nỗi đau của nhà thơ khi quê hương bị chiến tranh tàn phá do bài thơ “Ngôi nhà ở Cổ Thành Quảng Trị” gợi lên là cảm xúc khi đứng trước một di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng nơi đây:

"Trên đường Trần Hưng Đạo
ngoài chân thành xưa
sót lại một ngôi nhà

Ôi! Dấu ấn của một thời khói lửa
thân tường vôi loang lở vết thương
chân cầu thang cong queo, còn lại khung xương
thịt bê tông rơi dần, lả tả
mắt cửa ô lỗ đáo đen bầm…

Cả ngôi thành xưa
sót lại một một ngôi nhà!..."
 
Thạch Hãn- 1976.
 

Rồi tâm trạng “ xót xa” khi đứng trước một làng cát chỉ có thể gặp ở miền đông Gio Linh được biểu hiện bằng ngôn ngữ bình dị rất Quảng Trị:
 "Trắng xoá cát trước mắt
Chi lạ lòng xót xa
Cỏ mộ sao lướt thướt
Chim rặc rặc tìm chi?"
 
(Bãi Cát Phước Sa)
 
Hay các chất liệu “gió Lào, cát trắng, giếng đá cổ”, đặc sản chính hiệu của quê hương anh trong bài “Gửi Quảng Trị” sau đây thì không thể lẫn với bất cứ vùng đất nào:
Gửi Quảng Trị
(Tặng Lê Đức Dục)

1. Bão theo ngọn gió Đông
Bạt gió Lào về xứ
Quay lưng về phía bể
Cát trắng chạy lên rừng . . .

2. Đà Lạt mưa và sương
Quê miềng hạn và khát
Mạ ơi, giếng đá cổ
Nước có còn rỉ không ?!
 
(Thanh Niên Chủ nhật – số 299 – 26.10.2003)
 

Còn tôi thích bài thơ sau anh viết khi về thăm Quảng Trị, vì nó vừa cổ điển, vừa "tân thời", chỉ bãng lãng tả cảnh núi rừng miền Tây Quảng Trị, không tả bóng dáng con người,mà hình ảnh người lính "thức giữa rừng" hiện ra rất rõ, rất đẹp":
"ĐÊM BIÊN GIỚI
Gió lạnh mưa soi lướt trăng gương
Cây nổi bềnh bồng trên mặt sương
Biên giới im lìm trong giấc ngủ
Một nhánh phong lan thức giữa rừng"
( Đồn biên phòng Lao Bảo, 1977_ Văn Nghệ Đồng Nai, só 12/1980)
 
“Sinh ra từ xứ gió Lào, cát trắng Quảng Trị, lại gắn bó nhiều kỷ niệm với Huế” (Thanh Niên – tháng 3.2002), anh có nhiều bài thơ rất hay về xứ cố đô, trong đó “Về Huế” là một bài thơ được nhiều người yêu Huế và yêu thơ thuộc lòng vì thích bài thơ và vì nó… rất ngắn:
 
Về Huế
 
Sáng nắng thiêu núi Ngự
Chiều mưa tràn sông Hương
Tối trăng lên Vĩ Dạ
Khuya tìm em mù sương"
(NS Đại Đoàn Kết – số 3/2001)

Thơ Lê Thiên Minh Khoa có “những cái tứ rất mới và đặc biệt thật chắc, thật chặt. Chính chúng đã nâng những câu văn xuôi bãng lảng bay bồng lên thành thơ đích thực và tạo thêm chất trí tuệ cho thơ” (Tuổi Học Trò – số 2 – tháng 4.2002). Rồi cái giọng thơ nhỏ nhẻ, “hiền hoà, giản dị, đằm thắm”(NS Đại Đoàn kết - 3/2001) “luôn ẩn chứa những trăn trở đời thường” (Vũng Tàu Chủ Nhật - 20/11/2001) cả khi nhà thơ thể hiện “cái tôi” trữ tình công dân:
  "Trang giáo án cũng từ trang giấy trắng
Có dáng thân thương nho nhỏ ngọn đèn dầu"  
( Ngọn đèn dầu)
 
Chỉ là trang giáo án hay là cả những trang thơ của LTMK?…
Mảng đề tài thứ hai góp phần đa dạng hóa sáng tác của anh khi nhấn mạnh hơn tới “niềm riêng”, tuy nhiên, tác giả cũng tỏ ra có cân nhắc nên những câu thơ về tình bạn, tình yêu, những cảm nghĩ về thân phận con người có được độ lắng và thấm thía :
"Phải chi phẳng lặng cuộc đời
Niềm riêng đừng viết nên lời thì hơn"...
 

Ở mảng thơ này, Lê Thiên Minh Khoa “có nhiều tìm tòi, thể nghiệm, từ việc áp dụng những lối thơ truyền thống như lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn… tới những lối thơ hiện đại, thơ nước ngoài như thơ haiku, thơ siêu thực, thơ văn xuôi, lối thơ “đời thường” của Jacques Prévert…” (Giác Ngộ – số 115 – ngày 14.04.2002). Trở lại với “Lối xưa” để cảm nhận “Đất rì rầm chuyện cũ - Mây chiều xưa nổi trôi” viết lên những vần thơ ước lệ mà đẹp trong “Nhói lặng một góc trời”:
Nhìn ngọn Chứa Chan chan chứa nhớ
Trông dòng Thương Bạc bạc thương đau" 
(Cảm hoài)
 

Trở lại với “lối xưa” cũng là dịp trở lại với chính mình một thuở, từ việc nhớ lại em với “ Những bức tường rêu phủ màu rêu phủ” mà thấy mình nay “Chữ câu đi luống cuống đời người”…
 

LTMK đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều nhưng đều nơi đất khách, vì hơn 2/3 đời người anh sống tha hương, mà nỗi niềm hoài cố hương Quảng Trị vẫn luôn đau đáu trong thơ anh, trong tâm hồn anh.Đó là cài đáng quí nữa ở LTMK. Chính điều nầy- tình yêu quê cũ thiêng liêng, hồn nhiên- như là số vốn ban đầu giúp anh và thơ anh hòa nhập, yêu thương và "đứng được" trên miên quê mới. "Có đi, có nghe, có thấy, đồng cảm với “những phận đời bên hình khối đơn sơ”, tác giả mới viết được những câu thơ đẹp và giàu sức sống:
"Giữa xanh mát sắc trời sắc lá
Aùo trẻ con trắng nõn buổi tan trường
Trắng nguyên sơ mủ đầy thùng sóng sánh
Hắt hạt nắng hồng run rẩy môi thơm".
(Ký họa một nông trường)
 

"Bốn câu thơ không hề nói tới màu đỏ, song nó được viết trên cái nền son của vùng cao su đất đỏ ” – và chỉ khi đặt trên cái nền son thực tế ấy, những màu sắc được dùng trong bài thơ (sắc trời sắc lá, sắc áo học trò, sắc mủ cao su và sắc nắng…) mới nổi lên đẹp đến thế nào! Bài thơ không dùng tới thính giác nhưng náo nức thanh âm, và cái “run rẩy “ kia cũng chính là cái run rẩy xúc động của tâm hồn tác giả trước sự trưởng thành của cuộc sống mới"…(Người và Việc_ Những người nổi tiếng, NXB Hội Nhà Văn,2006)

Xin mượn lời một nhà nghiên cứu viết về anh trong cuốn sách "Cánh buồm ngược gió- Người và việc"( NXB Văn Hóa Sài Gòn ,2008, tr. 292) để tạm kết luận về thơ anh: "Cái tôi trữ tình công dân” và “cái tôi trữ tình nghệ sỹ” hòa nhập với nhau: viết về con người mới, cuộc sống mới của nhân dân, nhưng lại thể hiện được nỗi niềm riêng tư của thân phận con người".


*Ảnh : Lê Thiên Minh Khoa và người em là Lê Hữu Đức tại quê nhà.

TP Hồ Chí Minh, mùa bão lụt Miền Trung.
Tường Vi.
  

Nguồn:Trường Nguyễn Hoàng- Chân dung & Kỷ niệm - Tập 7 (Nhà xuất bản Thuận Hóa- 2010; p.527-536)

Đăng lại trên Yahoo Blog của Lê Thiên Minh Khoa (http://vn.360plus.yahoo.com/lethienminhkhoa/)

No comments: