Được
giới cầm bút và người đọc yêu thơ biết đến từ thời niên thiếu (1924),
và từ đó, suốt mười mấy năm dài, Phan Văn Dật (1907 - 1987) có thơ đăng
trên báo chí. Khi ông bước vào tuổi 28 (1935), “Bâng khuâng”, tập thơ đầu tay của ông, được xuất bản. Hoài Thanh viết bài thẩm định, ngợi khen trên báo (và dăm bảy năm về sau, đưa vào “Thi nhân Việt Nam”, cuốn sách tôn vinh chỉ khoảng bốn mươi nhà thơ thuộc trào lưu “Thơ mới”). Nhưng không chỉ thơ, ông còn viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tay của Phan Văn Dật, “Diễm Dương Trang”, cũng vào năm 1935, lại được khẳng định ngay bởi một giải thưởng danh giá lúc bấy giờ: giải thưởng Tự Lực văn đoàn.
Những thông tin ấy, tôi và bạn bè thuở học trò đều biết, nhưng thú thật, rất đáng trách, hầu như không ai tìm tập thơ “Bâng khuâng” và tiểu thuyết “Diễm Dương Trang” để đọc, mặc dù biết rằng chúng nằm đâu đó trong thư viện. Thời chúng tôi còn là sinh viên, thi sĩ Phan Văn Dật chỉ tồn tại trong “Thi nhân Việt Nam” với ba bài thơ trích từ tập “Bâng khuâng”; ông thường được gọi là nhà giáo, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu Hán văn và lịch sử. Ông là một vì sao thơ văn sớm tắt, một vì sao đổi ngôi, sáng lên ở góc trời nghiên cứu, giảng dạy. Còn “Diễm Dương Trang” hoàn toàn bị lãng quên!
Mãi cho đến những ngày gần đây, tôi quá đỗi vui mừng khi tìm gặp “Diễm Dương Trang”, với dòng ghi chú, “theo bản in trên báo Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1935”. Cuốn tiểu thuyết gần hai trăm trang ấy đã chiếm hết tâm trí tôi... Trước hết, tôi phải tự tìm cách giải đáp cho chính mình về sự quên lãng của người đọc, trong Nam cũng như ngoài Bắc, đối với “Diễm Dương Trang”.
1. Một tiểu thuyết có cốt truyện
Phan Văn Dật theo lối viết tiểu thuyết khá hiện đại của thời bấy giờ, nên chúng ta có thể thấy câu chuyện được diễn biến chủ yếu theo trình tự thời gian nhưng vẫn xen vào những chương đoạn hồi ức, nhằm làm sáng tỏ những góc khuất trong tâm trạng, bước ngoặt cuộc đời của nhân vật.
Câu
chuyện bắt đầu ở bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Trần Hoài Trang, một thanh
niên khoảng chừng 25, 26 tuổi, đang trong những ngày phục hồi, bồi dưỡng
sức khoẻ, sau những trận ốm sốt rét và bởi vết thương trong tâm hồn. Đi
cùng với Trang là cậu bé giúp việc tên Cồ, trước kia người ta hay gọi
là tiểu đồng. Trên bãi biển Mỹ Khê này, anh ta tình cờ gặp hai mẹ con,
người con là cô gái còn trẻ nhưng đang mang tâm bệnh. Tình cờ anh cũng
gặp được Oánh, bạn cũ. Oánh chính là con trai của người mẹ kia, anh trai
của cô gái nọ: bà Nghè Thuyên và cô Tư Nga. Câu chuyện lại quay về quá
khứ, cho người đọc biết: Trang vốn là một lưu học sinh trường trung đẳng
ở Hà Nội, vì cha đột ngột mất, nên phải về Huế, đành đoạn bỏ học dở
dang, nộp đơn xin đi làm, để có đồng lương giúp mẹ và hai em. Trang được
bổ đến Toà Công sứ tại một tỉnh cao nguyên, với vai trò nhân viên thư
kí. Nhưng khi gia đình đã tạm ổn với cửa hàng buôn bán nhỏ, Trang muốn
thôi việc, để sống cuộc đời một người hành nghề tự do. Chắc hẳn anh ta
không muốn bị ràng buộc vào guồng máy nhà nước thực dân. Và còn bởi một
lẽ khác, Trang đang nuôi mộng trở thành thi sĩ. Nhưng phải đến khi Trang
nhận được thư phụ tình của Dinh, cô bạn từ thuở bé và hiện là người yêu
của Trang, Trang đau đớn tột cùng, quyết tâm bỏ việc ở Toà Công sứ để
đi chung vốn làm lãnh hành (thầu khoán). Anh bị sốt rét ngã nước trong
những tháng ngày lãnh hành này. Và hiện tại, ở bãi biển Mỹ Khê, anh đang
tự chữa cả hai căn bệnh cùng một lúc: tâm bệnh và thể bệnh. Qua những
lần gặp gỡ trên bãi biển, Trang thầm yêu Nga. Qua cậu bé Cồ, Trang biết
Nga cũng đang đau khổ đến mức trở thành tâm bệnh, vì người yêu là Thạch,
sinh viên trường thuốc, vừa mới chết vì bệnh. Trong những ngày Oánh ở
đó, lại có thêm hai nhân vật xuất hiện: ông Cửu Bạch cùng viên tham tá
trẻ tên Hồng. Tham Hồng cũng bị goá vợ cách đây mấy năm. Tham Hồng chừng
như cũng muốn tục huyền với Nga. Trong tình huống đó, Trang xem ra lép
vế nhất, nhưng chính Nga lại tỏ ra có cảm tình với Trang nhiều hơn. Tuy
vậy, Nga vẫn đang ở trong giai đoạn khổ đau vì mất Thạch, lòng lạnh giá.
Lại một tình huống nữa: Oánh mời cả nhà và Trang đi chợ đêm Đà Nẵng.
Nhưng Nga đang ngụp lặn trong trạng thái chợt vui chợt buồn của một
người sầu khổ, Nga không muốn đến những chỗ đông người. Ngờ đâu, khi
Trang vào chợ đêm ấy, lại gặp viên tham tá Hồng đang đi cùng gia đình
Nga, gia đình người tư sản Cửu Bạch, Hồng lại đi kề Nga nữa! Trang thật
sự rơi vào tuyệt vọng. Hoá ra, về sau, Trang mới biết, chính vì cô con
gái của Cửu Bạch, nữ sinh Đồng Khánh tên Trà, mời ép, đến mức Nga không
thể từ chối! Và chỉ vậy mà thôi. Thế rồi, gia đình Nga trở về Huế. Trang
cũng về nhà ở ngoài đó. Gia đình Trang lại muốn Trang lập gia đình,
quên hẳn Dinh đi. Trang tìm cách lên trang trại của gia đình Nga để thăm
viếng... Lên đến nơi, Trang càng biết rõ đó là cơ ngơi của ông Nghè
Thuyên, một người đã đỗ tiến sĩ, nhưng tính tình, theo nguyên văn trong
tiểu thuyết, là “phóng khoáng, quả hợp” (thích tự do, ít hợp ý với những kẻ tầm thường khác), vì “thời buổi khó khăn”
(dưới ách thực dân) nên không ra làm quan, mà tìm về một miền đất dưới
chân rừng núi để lập trang trại, có tên là Diễm Dương Trang. Trong gần
một tháng, Trang có nhiều lần từ quê nhà, ngoại ô phía đông kinh đô Huế,
đạp xe lên ngoại ô phía tây, thăm Diễm Dương Trang. Trái tim của Nga
hình như đã hồi sinh, ấm lại. Giữa Nga và Trang hình như đã nẩy sinh
tình cảm, nhưng cả hai đều im lặng. Trang chưa một lần dám ngỏ lời.
Trang rụt rè sợ thất bại, bởi vết thương phụ tình do Dinh gieo vào lòng
anh ta. Nga lại đang phân vân, giằng xé giữa sự chung tình với Thạch,
người đã khuất, và chút tình với Trang. Đó là chút tình mới âm thầm chớm
nở trong kìm nén, Nga giấu tận đáy sâu lòng mình. Thế rồi, ông Cửu Bạch
cùng vợ từ Đà Nẵng ra, có cả cô con gái tên Trà, nữ sinh Đồng Khánh, từ
Huế lên. Thì ra, ông Cửu Bạch ra thăm để ngỏ lời dạm hỏi Nga cho viên
tham tá Hồng, bạn nhờ vả vong niên của ông ta. Cũng do sự hiểu lầm của
Nga trước sự ngẫu nhiên xảy ra – bởi cành lá dâu bật lên, rơi bụi dằm
vào mắt Trà, lúc cô rủ Trang hái dâu –, và cách cư xử rất tân thời của
Trà trong tình huống ấy, Nga trốn, tránh mặt Trang. Trang không thể tìm
gặp Nga. Và Trang đinh ninh anh hoàn toàn thất thế, mất hẳn Nga. Anh về
nhà, quyết định trở vào tiếp tục làm thầu khoán như cũ, lao vào công
việc để quên đi nỗi đắng cay. Trước khi lên đường, anh vẫn còn đạp xe
lên lại Diễm Dương Trang để chào gia đình bà Nghè Thuyên, đặc biệt là
Nga. Anh bất ngờ khi biết Nga đã từ chối lời cầu hôn của Hồng, trước mặt
gia đình mình và gia đình ông Cửu Bạch. Và bấy giờ, ở tình huống anh
lên để chào từ giã, Oánh và bà Nghè Thuyên thì đã quá hiểu Trang, lại
thương anh rụt rè, nhút nhát, nên họ mớm lời cho Trang, để Trang đủ mạnh
dạn tìm gặp Nga, ngỏ lời. Trước sân nhà, dưới bóng trăng, thay vì với ý
nghĩa mừng đám cưới Nga – Hồng, là ý nghĩa giao ước giữa Nga – Trang,
Trang trao chiếc nhẫn vàng cho Nga. Trang nâng tay Nga, đeo hẳn chiếc
nhẫn ấy vào ngón tay Nga. Ngay lúc đó, Trang nói: Nga đau khổ, Trang
cũng đau khổ; hai người đau khổ có thể giúp nhau làm lành lại vết thương
trong tâm hồn nhau. Nga, bấy giờ, theo nguyên văn trong tiểu thuyết, “run rẩy, ái ngại: Ta liệu có gây nổi hạnh phúc cho nhau không?”. Và “dưới bóng trăng vằng vặc”, họ đã “tay cầm tay, nhìn nhau, yên lặng...”. Tiểu thuyết kết thúc với ba dấu chấm lửng.
2. Tiểu thuyết tâm lí: Quá trình sống lại của hai tâm hồn
Đây là cuốn tiểu thuyết thuộc trào lưu lãng mạn, xuất hiện vào những năm đầu giai đoạn cực thịnh của văn chương quốc ngữ theo hệ abc, 1930-1945. Phải một năm sau, 1936, mới bắt đầu cao trào dân chủ ở nước ta, bấy giờ còn là thuộc địa, do sự cầm quyền của Mặt trận Bình dân ở Pháp. Chính trong thời đoạn 1936-1939 ấy, mới có thể nở rộ trào lưu hiện thực phê phán, trên văn đàn công khai (tuy công khai trong cao trào dân chủ, nhưng chiếc kéo kiểm duyệt sắc nhọn, khổng lồ thường xuyên treo lơ lửng trên đầu mỗi nhà văn chương).
“Diễm Dương Trang”, vì thế, qua cốt truyện, chúng ta có thể nói, chủ yếu chỉ là một chuyện tình yêu đương. Tuy nhiên, so với tác phẩm văn xuôi của các nhà văn cùng thời đoạn, như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam..., “Diễm Dương Trang” vẫn có nét độc đáo ở khía cạnh chủ đề, bên cạnh bối cảnh là bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng và ngoại ô kinh đô Huế. Mặc dù Nhất Linh, Thạch Lam đều là người gốc Quảng Nam, nhưng bối cảnh tiểu thuyết, truyện ngắn của hai tác giả nổi bật này vẫn là Bắc Bộ. Khái Hưng thì đã đành là rặt Bắc Bộ rồi! Mặt khác, tình yêu đương nam nữ trong văn xuôi của các tác giả ấy được đào sâu, thể hiện ở khía cạnh khác với Phan Văn Dật. Nói cách khác, “Diễm Dương Trang” có cùng đề tài là tình yêu đương nhưng lại khác hẳn về khía cạnh chủ đề, so với “Hồn bướm mơ tiên”, “Đoạn tuyệt”...
Thi sĩ đồng thời là nhà tiểu thuyết Phan Văn Dật đã khai thác đề tài yêu đương ở tình huống đặc biệt, để tác phẩm thật sự có nét độc đáo. Hai nhân vật chính đều đang ở trong trạng thái trầm kha về bệnh tâm lí, cần đi an dưỡng, và họ đã gặp nhau ở bãi biển Mỹ Khê. Tuy thế, căn bệnh tâm lí của hai người vẫn khác nhau. Ở Trang, đó là nỗi đau cùng cực của một kẻ bị phụ tình. Dinh, người yêu của Trang, đã phũ phàng dứt tình với anh ta để đi đến hôn nhân với một người danh giá hơn Trang về bằng cấp học vấn và địa vị xã hội. Trong sự tổn thương vì bị phụ tình của tâm hồn Trang, còn có nỗi tự ái bị xúc phạm. Ở Nga, cô gái ấy không khổ đau vì bị phụ tình, mà khổ đau vì người yêu sớm qua đời. Người nữ Việt Nam ngày xa xưa và ngay thuở bấy giờ, trong trường hợp đó, thường là họ tự chít khăn tang lên trái tim mình, tự biến trái tim mình mãi mãi thành bàn thờ với hình ảnh người đã khuất. Nhưng, dẫu chỉ xét trên mẫu số chung của con người, không phân biệt bản sắc văn hoá dân tộc, thì cũng có ai lại không khổ đau trong tình cảnh đó!
Nếu cho rằng di chứng bệnh sốt rét ở Trang không đáng kể, thì Trang và Nga đều chỉ là hai bệnh nhân tâm lí. Họ không hẹn nhau, nhưng cùng tìm cách chữa bệnh cho chính mình, theo kiến thức y học phổ thông thuở bấy giờ, bằng cách thoát ra khỏi khung cảnh cũ, không gian sống thường ngày, để tìm đến với thiên nhiên, sóng biển và không khí trong lành. Với tâm cảnh của mỗi người, hẳn mọi cảm xúc đều héo úa. Ở họ, tình yêu khó đâm chồi, nẩy lộc. Trong trường hợp như Trang, có người vĩnh viễn căm thù phụ nữ. Đối với Trang, bệnh trạng nhẹ hơn, anh ta chỉ sợ hãi tình yêu đương, sợ hãi thất bại, cự tuyệt. Trang lâm bệnh mặc cảm tự ti, không những tự ti khi nghĩ đến địa vị người chồng của Dinh, mà tự ti với cả Thạch, người sắp là ông “đốc-tờ”, nhưng sớm mất. Thạch của Nga đã chết, nhưng chừng như vẫn còn đó. Trang đến sau Thạch, lại kém sút Thạch quá nhiều! Trang chỉ là viên thư kí quèn, là viên thầu khoán tập tành, phải chung vốn với người nhiều vốn hơn. Còn giấc mộng thi sĩ của Trang cũng bị cả viên tham tá Hồng chế giễu!... Tác giả không gọi hẳn ra căn bệnh của Trang còn là mặc cảm tự ti, nhưng sự rụt rè, nhút nhát thái quá ở Trang, đến mức ta thấy Trang thật tội nghiệp, mặc dù vẫn trân trọng anh... Và cảm thấy thương Trang nữa, như Oánh cùng bà Nghè Thuyên đã phải mớm lời cho Trang, để Trang đủ mạnh dạn ngỏ lời với Nga!... Nhưng dẫu sao, Trang không bị chút áp lực xã hội nào khi anh ta dấn bước vào cuộc tình mới. Trang đâu phải là người phụ tình, ruồng rẫy Dinh! Trang có quyền tìm kiếm tình duyên mới. Còn ở Nga? Dĩ nhiên Nga cũng chẳng tội tình gì. Nhưng văn hoá Việt Nam thuở bấy giờ vẫn rất ngưỡng mộ những người con gái, trong trường hợp như Nga, biết để tang người yêu mới khuất. Như đã nói, con người dân tộc nào cũng thế, thời nào cũng thế, nhưng trong không gian văn hoá Việt thuở đó, lòng thuỷ chung vốn rất được đề cao. Chính sự đề cao ấy mặc nhiên đã trở thành một ràng buộc, áp lực có tính chất đạo đức, và người ta cảm thấy vinh dự khi giữ được lòng thuỷ chung cao quý như vậy.
Có thể nói, ở cả Trang lẫn Nga, tâm hồn họ đều đã héo hon, đều đã chết, bởi hai vết thương tình duyên khác nhau. Và suốt cả cuốn tiểu thuyết là cả một quá trình sống lại của tâm hồn hai người. Người đọc nếu đặt mình vào không gian và thời gian văn hoá thuở bấy giờ, mới có thể thấu hiểu được họ.
Tiểu thuyết “Diễm Dương Trang”, với sự triển khai dần cốt truyện của tác giả, đã cho người đọc thấy rõ quá trình ấy, với những ngộ nhận ngẫu nhiên gây ra không ít khổ đau, có lúc tưởng chừng hoàn toàn tan vỡ, nhất là sự xuất hiện của người thứ ba – viên tham tá Hồng –, kẻ có thể một lần nữa giết chết tâm hồn của cả hai người. Thi sĩ Phan Văn Dật, ở lĩnh vực tiểu thuyết, tỏ ra ông còn là một nhà văn tinh tế, sâu sắc về tâm lí, cụ thể là các diễn biến tâm lí, và ông để cho nhân vật thể hiện các trạng thái tâm lí của mỗi người trong những cử chỉ, dáng vẻ, lời nói ở nhiều tình huống khác nhau.
Cùng với dấu chấm lửng cuối cùng, câu áp cuối của tiểu thuyết “Ta liệu có gây nổi hạnh phúc cho nhau không?” là một câu kết nhưng lại mở ra các hướng khác nhau: một gia đình đầm ấm, sáng tươi hay lạnh băng, tăm tối?
Tôi
nghĩ rằng, chính nhờ biết khám phá, khai thác khía cạnh này trong đề tài
lớn là tình yêu đương, nên giải thưởng danh giá Tự Lực văn đoàn đã được
trao cho Phan Văn Dật.
2. Bối cảnh tiểu thuyết: Nền nếp xưa và sự hãnh tiến của lối sống tân thời
Phan Văn Dật là thi sĩ, nhà văn xuôi thuộc khuynh hướng lãng mạn, tuy có ý thức vươn tới những giá trị mới, đương thời, nhưng ông cũng đồng thời thể hiện sự luyến tiếc, giữ gìn, trân trọng những nền nếp văn hoá nghìn đời của dân tộc. Ở bà Thị Tốn, mẹ của Trang, cũng như ở bà Nghè Thuyên, mẹ của Oánh và Nga, hình ảnh người mẹ Việt Nam được thể hiện rõ. Họ là tiêu biểu cho bản sắc nghìn xưa, nhưng không hề cổ hũ. Bà Thị Tốn cũng chỉ thuộc tầng lớp trung lưu, từng suýt lao đao ở bờ vực của nghèo khổ, đã bản lĩnh vượt lên. Bà Nghè Thuyên dù có trang trại, nhưng cũng chưa được gọi là điền chủ. Sự sung túc hiện tại là nhờ Oánh làm nghề thầu khoán. Ở Nga cũng thể hiện nền nếp gia phong đáng quý, đặc biệt trong quan hệ với Trang. Và hầu như Phan Văn Dật, về phương diện này, không gần gũi với những tác giả hiện thực phê phán cùng thời, đặc biệt là trong thời đoạn 1936-1939... (nói như vậy, cũng cần thấy Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao phê phán những địa chủ đáng phê phán, chứ không phải như bà Nghè Thuyên). Tuy thế, mặt khác, Phạm Văn Dật lại gần gũi với khuynh hướng văn học hiện thực phê phán ấy, khi hướng ngòi bút của mình vào đối tượng viên chức hãnh tiến của guồng máy thực dân hay người tư sản hãnh tiến. Tác giả không phê phán cả thành phần, mà chỉ khu biệt những cá nhân hãnh tiến mà thôi.
Phan Văn Dật khắc hoạ nhân vật bằng đối thoại, nét mặt:
“... - Kìa anh Trang, hồn thơ gởi đâu mà ăn lơ lửng thế?
Oánh làm bộ rầy chàng, rồi lại muốn khoe bạn cùng quý khách:
- Anh Trang tôi đây ngoài các công việc kinh dinh ra lại còn là một nhà thi sĩ.
Hồng, ông khách tuổi trẻ, trừng mắt một cái rất nhanh, ra dáng hoài nghi, nhưng chẳng để ý gì đến Trang, sẽ đạo mạo nói:
- Nếu thật xứng với cái danh hiệu ấy thì còn gì hay bằng!
Lại sợ chưa bày tỏ đủ ý kiến mình, liền nói tiếp, giọng mỉa mai, dằn từng đoạn một:
-
Phải, cũng có thi sĩ và thi sĩ... Nếu chỉ thuộc đôi chút lề lối, biết
qua một mớ niêm luật, xin chớ vội tưởng mình là thi sĩ. Phải có thiên
tài, cái đó là lẽ cố nhiên; tình cảm phải cho dồi dào, nhưng cũng chưa
đủ; còn cần phải học, học cho có hàm súc, cho có nhiều công phu mới mong
viết một lời nghe được. ‘Muốn thì được’, chỉ là một câu nói để khuyến
miễn người đời, không thể dùng về trường hợp nầy...”.
Khi Oánh chân tình giới thiệu về bạn mình là Trang với niềm tự hào, viên tham tá Hồng ngay lập tức phơi bày bản chất kém lịch sự, thiếu văn hoá của y. Y không những bộc lộ sự ganh ghét nhỏ mọn bằng “đòn đánh phủ đầu”, ngạo mạn “lên lớp, dạy dỗ” Trang, một người mới gặp lần đầu, mà còn cả sự thiếu tôn trọng Oánh. Tham tá Hồng quả thực là một tên hãnh tiến, quên bẵng mình là nô lệ của thực dân!
Còn đây là một đoạn hoạt hình biếm hoạ về nhân vật Cửu Bạch:
“... Ông Cửu Đùm nãy giờ nghe bạn tri kỉ của mình nói, vừa hiểu được mấy câu sau, liền vội ngắt lời Hồng:
-
Ngài Tham nói quả là chí lí! Tôi tuy quê mùa, học vấn còn kém cỏi lắm,
nhưng cũng phải biểu đồng tình về sự đó. Hồi tôi mới ra đời, lăn lộn
mười năm, đủ từ Nam chí Bắc, từ Lào sang Mên, chẳng nơi nào là không
đến, chẳng nghề gì là không làm, mà trắng tay vẫn hoàn tay trắng. Mãi
sau về đây buôn bán vụn vặt, cho thuê xe, cho vay tiền góp sơ sài mà mới
gây dựng ra cái gia thế ngày nay. Ai dè bôn tẩu không nhằm chi, về nằm
co lại tự dưng có của cải, mới biết lời tục không nhầm, có an cư mới lạc
nghiệp!
Ông
Cửu nói đến đó, liền buông một chuỗi cười dài, xoè cả cây quạt rộng
bằng nửa cái nia, vung phành phạch. Ông cất cốc rượu, ngả người ra, nốc
một hơi rồi mới ngó tất cả mọi người thử có chịu mình là một bậc lão
thành lịch lãm.
Thấy Hồng cứ gật đầu, ông Cửu Đùm thích chí vểnh bộ râu tôm, ngất ngưởng kết luận rằng:
-
Phải, trong mười mấy năm trời tôi phong trần đã lắm. Những mùi đắng cay
mặn lạt ở đời tôi đều nếm qua, nên phàm việc gì cũng gọi là lịch thiệp.
Bây giờ nhờ ơn trên đã được dư ăn dư để, nhưng vâng lời ngài Tham tôi
còn muốn đem những chỗ biết hẹp hòi của mình ra gánh vác việc đời cho
khỏi phụ lòng anh em mong đợi.
Nói
dứt lời, ông Cửu đưa tay nắn lại cái vành khăn, chỉnh nét mặt, có ý làm
ra vẻ nghiêm trang cho xứng với cái trọng trách mình sắp ra đảm
nhận...”.
Phan Văn Dật tiếp tục phê phán người tư sản hãnh tiến này:
“...
Nên mỗi khi ông xét đoán, phê bình về một người nào, tất ông lại lấy tư
bản ông làm mực thước. Ai giàu hơn ông là người ấy giỏi mà ai kém ông
là người ấy còn vừa, chí như những hạng nghèo kiết, thì dẫu ông không
dám nói ra, trong bụng chỉ coi là đồ ương gàn, không đủ mà đếm xỉa.
Nhưng người hơn ông đâu có nhiều, ra đường chỉ rặt là kẻ ăn làm đầu tắt
mặt tối, thành thử ông hay có cái bộ khinh khỉnh, coi người bằng nửa con
mắt. Tuy vậy ông Cửu không phải chỉ giao du với các nhà tư bản thôi, vì
ông đã giàu rồi lại muốn sang, nên hễ gặp ông tai to mặt lớn nào là ông
bắt quàng làm thân ngay. Sau hai bận đi Huế, người ta đã thấy trước
ngực ông lủng lẳng chiếc bài ngà hàn lâm viện đãi chiếu. Về việc đó ông
cứ phàn nàn mãi: "Nhà nước quá yêu mà ân tứ cho thế nầy, chớ thật tôi
nhờ trời đủ bát ăn, có dám màng đâu danh vọng ". Ông dẫu nói vậy, vả lại
vừa làm lễ tam sanh ăn ngũ tuần, nhưng vạn bất đắc dĩ phải chìu lòng
anh em trong xóm mạc, ăn khao hết ba bò tám heo, rước đám hát đằng đẵng
nửa tháng trời. Lắm người đã khen là ông tính việc gì cũng chu đáo lắm.
Nhưng ông Cửu lại tiếc mình có tài năng nên ông còn muốn ra làm hội đồng
thành phố. Muốn cho có vây cánh, ông bèn chơi thân với ông tham Hồng là
người có thể giúp cho ông nhiều về việc ấy. Sắp đặt đã xong đâu đấy,
ông chỉ còn phiền cái tên ông nó không có giọng quý phái chút nào, ông
bèn nghĩ đổi ngay nó ra là Bạch. Nhưng dẫu danh thiếp ông gởi đi khắp
thành phố, nhan nhản đề cái tên Cửu Bạch, thiên hạ cũng cứ quen mồm gọi
ông là ông Cửu Đùm vậy. Ông biết thế, không vui lòng chút nào...”.
Bên
cạnh một Nga thuỳ mị, dịu dàng, chung tình nhưng cũng biết vượt lên sự
bất hạnh trong mối tình đầu để sống, xây dựng hạnh phúc một cách chính
đáng, là hình tượng cô gái tân thời, nữ sinh Đồng Khánh tên Trà, con gái
ông Cửu Bạch. Thật ra, Trà cũng không có gì đáng ghét. Cử chỉ giao
thiệp của cô khá bình đẳng, tự nhiên, nhưng chưa đến mức lố lăng. Cách
ăn mặc, trang sức ở Trà cũng kín đáo, trang nhã.
3. Sự phản đối khéo léo chế độ thực dân: Chút lầm lạc hiển ngôn và sự phản biện ẩn ngôn xuyên suốt
“Diễm Dương Trang” rõ ràng là tiểu thuyết về tình yêu đương và hôn nhân. Tuy nhiên, nếu chưa kịp hiểu ẩn ý của tác giả, người đọc hẳn sẽ cảm thấy bất bình thật sự, thậm chí muốn ném cả cuốn sách gần hai trăm trang này vào lửa, thiêu huỷ nó đi, khi đọc phải một đoạn ngắn khoảng dăm bảy câu văn:
“Trang
còn đương loay hoay nghĩ thế thì đã đến nơi nghĩa địa của mấy người
lính thủy Tây Ban Nha. Đứng trước các ngôi mộ ấy, chàng bỗng hồi tưởng
lại cái khí tượng hào hùng của những kẻ xông pha trên mặt bể hiểm nghèo,
những kẻ đó có lẽ coi nhẹ cảnh gia đình êm ấm. Cách sinh hoạt éo le của
hạng người ấy, trên sóng, đầu gió, có một cái khí vị ngây ngất, phi
thường... Trang bấy giờ nhận thấy cái ái tình nó nhỏ nhen quá. Ở đời còn
thiếu chi sự nghiệp lừng lẫy đủ kích thích chàng? Hồi nhỏ đi học, chàng
có nghĩ rằng đến lúc trưởng thành sẽ để tiêu trầm nghị lực trong chốn
tình trường chăng?”.
Trang
tỏ ra lầm lạc, trong khi anh ta thừa vốn liếng tiếng Pháp để có thể
đọc, hiểu được đó chính là nghĩa trang của những tên thực dân Tây Ban
Nha và Pháp, trong cuộc đánh chiếm mở đầu quá trình xâm lược thực sự của
chúng trên đất nước ta, vào các năm 1858-1860, tại Đà Nẵng. Tại sao
Trang lại ca ngợi chúng với những tính từ kêu vang đến thế? Thậm chí,
chúng ta có thể kinh ngạc tự hỏi, tại sao thi sĩ Phan Văn Dật lại đặt ý
nghĩ lầm lạc đến mức như thế vào chuỗi suy tư, tâm trạng trăn trở chân
thành, thầm kín của nhân vật mà ông không giấu lòng yêu mến?
Tôi
đã đọc, với sự sửng sốt, khi gặp phải những dòng chữ ấy, và cũng toan
ném hoặc xé cuốn sách đi. Thế rồi, tự nhủ phải nhẫn nại, xem sao. Cuối
cùng, tôi bình tĩnh đọc tiếp, và thấy rằng, đoạn văn trên quả là quá lạc
lõng trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết, như thể ai đó ác ý thêm thắt vào.
Ai
cũng biết, tuy dưới ách thực dân Pháp cai trị và thế lực giáo quyền của
các cố đạo Tây Ban Nha còn bao trùm, nhất là ở thời điểm tiểu thuyết “Diễm Dương Trang” ra đời, các thông tin về lịch sử xâm lược, thống trị nước ta đã dần dà hé mở. Ai cũng biết, từ năm 1921, cuốn “Việt Nam sử lược”
của Trần Trọng Kim đã được ấn hành. Thế nhưng, nhân vật Trang của thi
sĩ, nhà văn Phan Văn Dật lại lầm lạc đến mức không thể nào chấp nhận
được!
Và,
thật ra, ai cũng biết tác giả có quyền để cho nhân vật của mình ngu ngơ,
mù mờ về kiến thức lịch sử, trong một thoáng ý nghĩ thôi, để rồi tác
giả phản biện lại chút lầm lạc ấy bằng cả cuốn tiểu thuyết. Sự phản biện
ấy lại nằm ở tầm sâu của bản chất nhân vật. Trang không thích, không
muốn ở trong guồng máy nhà nước thực dân Pháp. Anh ta cực chẳng đã phải
chịu làm việc tại Toà Công sứ Pháp ở một tỉnh trên cao nguyên để cứu lấy
gia đình trước bờ vực nghèo đói, thất học, và nhanh chóng xin thôi
việc, lao vào công việc lãnh hành (thầu khoán), một nghề tự do bên ngoài
guồng máy của Pháp. Trong thâm sâu của bản chất Trang, đâu phải chỉ vì
bị phụ tình hay chút tự do của người ôm mộng làm thi sĩ, mà anh đi đến
quyết định ấy. Và chúng ta còn thấy, Trang rất mực yêu quý, kính trọng
gia đình của cụ Nghè Thuyên, một nhà nho đỗ đại khoa, không muốn bị vấy
bẩn cốt cách mình, tuy cũng chỉ là một người yêu nước thầm kín, bất khả
kháng, ngậm ngùi xuôi tay, lánh đục về trong, trước thời cuộc: “Trang
bấy giờ mới biết rằng ông Nghè Thuyên xưa, dù là một nhà tấn sĩ xuất
thân, nhưng vì tánh tình phóng khoáng, quả hợp, lại gặp thời buổi khó
khăn, sợ liên lụy đến mình, nên chẳng chịu ra làm quan; lại nhờ nhà có
tiền của nên mới trưng sở đất ấy mà lập nghiệp. Trước, chỗ ở còn là cái
nhà rường, ông Nghè đặt tên cho nó là "Diễm Dương Trang". Đến sau ông
qua đời rồi, Oánh làm ăn mỗi ngày mỗi phát đạt thêm lên, mới bỏ cái nhà
ấy đi mà cất lại sở lầu mới bây giờ, nhưng cũng vẫn dùng cái tên cũ”. Con trai ông, Oánh, cũng thế: “Oánh tuy là dòng dõi nhà nho, nhưng chẳng chịu dấn thân vào đường sĩ hoạn”.
Nếu
chúng ta đồng ý với nhau rằng, chính tính khuynh hướng của toàn bộ cuốn
tiểu thuyết mới thể hiện đúng tư tưởng của tác giả, như F. Engels đã
nói, thì rõ ràng cả cuốn sách gần hai trăm trang có tên là “Diễm Dương Trang”
này có sứ mệnh chính là mang chứa thông điệp bất hợp tác với chế độ
thực dân Pháp, thể hiện thái độ, khát vọng lánh đục về trong của chính
thi sĩ, nhà văn Phan Văn Dật.
Nói
cho rốt ráo, riêng ở nhân vật Trang, có thể anh ta thực sự sai sót về
nhận thức lịch sử, cụ thể về nghĩa trang Tây Ban Nha – Pháp ở Sơn Trà,
nhưng bản chất anh ta lại đúng đắn đến mức đáng quý trọng. Nhân vật
Trang, thậm chí, nếu quá khắt khe, ta cũng có thể quy anh ta vào loại người mang tâm lí, nhận thức lưỡng phân.
Đó là loại tâm lí, nhận thức của những người sống dưới chế độ thực dân
Pháp cai trị, mặc dù nhận thức có lệch lạc, mù mờ ở điểm nào đó, nhưng
trên bình diện tổng thể, vẫn nhận thức được thực trạng mất nước của dân
tộc mình, và trong thâm tâm, tận chiều sâu bản chất vẫn không bao giờ
chấp nhận làm tay sai, nô lệ cho chúng.
Đó cũng chính là sự khôn khéo kín đáo của Phan Văn Dật trên văn đàn công khai.
Tôi
cũng muốn nhấn mạnh một lần nữa: Đó là chút lầm lạc hiển ngôn (trên văn
bản tiểu thuyết, đặt trong chuỗi suy nghĩ của nhân vật), nhưng cả cuốn
tiểu thuyết là sự phản biện ẩn ngôn xuyên suốt (tính khuynh hướng của
trọn vẹn tác phẩm), thể hiện thái độ, khát vọng bất hợp tác, lánh đục về
trong của nhân vật và cũng của tác giả, cho dù ở dưới guồng máy cai trị
của thực dân Pháp.
Và
có lẽ để hiểu thêm, cảm thông thêm với nhân vật như Oánh, Trang và cả
tác giả Phan Văn Dật, thiết tưởng cũng cần bàn thêm: Nếu đất nước độc
lập, ý muốn tiến thủ trên quan trường, để tích cực góp phần xây dựng,
bảo vệ đất nước, không phải là không chính đáng. Vấn đề ở tiểu thuyết
này là thực trạng đất nước còn trong vòng nô lệ, dưới ách thực dân.
Trong bối cảnh bất khả kháng, thái độ, khát vọng bất hợp tác, lánh đục
về trong mà “Diễm Dương Trang” chuyển tải, vẫn rất đáng trân trọng.
Nhìn chung, “Diễm Dương Trang”
tuy là cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là duy nhất của nhà thơ Phan
Văn Dật, nhưng về kết cấu, cốt truyện và các chi tiết được sử dụng đã
khá già dặn. Những tình huống được xếp đặt khéo léo, tự nhiên như thể
tất yếu phải xảy ra như thế. Qua đó, nội tâm nhân vật, đặc biệt là các
diễn biến tâm lí, được bộc lộ rõ nét. Về tính cách nhân vật, ông đã chú
trọng khắc hoạ để các nhân vật nổi rõ như những con người thật, có cá
tính, không chung chung, mờ nhạt.
Trong tiểu thuyết “Diễm Dương Trang”,tác
giả có chủ ý sử dụng một số phương ngữ Huế - Quảng Trị (chưa kể một ít
từ cổ, bấy giờ còn thông dụng...). Điều đó khiến cho tác phẩm có thể hơi
vướng chỗ này, chỗ nọ, đối với một số người đọc chưa quen với những từ
địa phương vùng đất này. Tuy vậy, chính những từ ngữ mang màu sắc địa
phương khiến tiểu thuyết “Diễm Dương Trang” tạo được ấn tượng
nhất thể giữa bối cảnh địa lí, khung cảnh xã hội địa phương và ngôn từ
mang bản sắc địa phương ấy. Đó không phải là tiểu thuyết viết về những
người Bắc Bộ hay Nam Bộ sống ở Huế, mặc dù Huế vốn là kinh đô (vẫn còn
là kinh đô ở thời điểm đó), nên đất Huế không thiếu người từ khắp toàn
quốc đến sống, làm việc và chọn Huế làm quê hương! Dĩ nhiên, như bất kì
tác giả sinh trưởng ở bất cứ vùng đất nào trên đất nước, Phan Văn Dật
cũng đã tiết chế, giảm đến mức vừa đủ liều lượng từ ngữ địa phương, để
vừa giữ màu sắc địa phương, vừa hoà nhập vào ngôn ngữ phổ thông với tính
nhất thống toàn quốc.
Vượt
lên kĩ thuật, nghệ thuật vẫn là sự độc đáo, khá sâu sắc khi khai thác
một khía cạnh đặc biệt trong tình cảm yêu đương và thông điệp của tiểu
thuyết “Diễm Dương Trang”.
Với bài viết này, tôi đã mạnh dạn đề xuất một cách cảm thụ tiểu thuyết “Diễm Dương Trang”,
với hi vọng nó sẽ được tái bản, không tiếp tục bị chìm vào quên lãng.
Ít ra, trong những tiết học về văn học địa phương, các buổi sinh hoạt
ngoại khoá tại quê nhà Quảng Trị, tiểu thuyết của thi sĩ Phan Văn Dật,
từng chói sáng trên văn đàn cả nước cách đây 76 năm (1935), sẽ được các
nhà giáo bình giảng, học sinh thuyết trình, thảo luận (*). Trong những
lúc đó, xin đừng quên rằng Phan Văn Dật đã dành một quãng đời khá dài để
nghiên cứu Hán văn và lịch sử, đạt được một mức độ uy tín nhất định
trong giới học giả...
_________________________
(*) Cụ thể hơn, ở tiểu thuyết “Diễm Dương Trang”,
có thể đoạn lầm lạc trong suy nghĩ của nhân vật Trang sẽ phải được ghi
chú cải chính, theo yêu cầu khoa học, để bảo đảm thông tin đã được cải
chính, đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản – tư liệu.
Thông tin về bản gốc và sách tham khảo:
1) Phan Văn Dật, “Diễm Dương Trang”, Trung Bắc tân văn, Hà Nội – 1935. Bản gốc có ở Thư viện quốc gia tại Hà Nội (xem trang thông tin điện tử).
2) Nhiều tác giả, “Từ điển văn học”, bộ mới, Nxb. Thế Giới, 2004, tr. 1399-1401 (mục từ “Phan Văn Dật” do Phạm Phú Phong viết).
Nguồn: Văn Hóa Nghệ An (vanhoanghean.com.vn)
Nguồn: Văn Hóa Nghệ An (vanhoanghean.com.vn)
MỜI ĐỌC
Truyện dài DIỄM DƯƠNG TRANG của PHAN VĂN DẬT
No comments:
Post a Comment