Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 25, 2011

Giới thiệu nhà thơ tiền chiến Phan Văn Dật


Phan Văn Dật (1907-1987), bút hiệu: Tiêu Lang, Thường Nga Phố; sinh ngày 17 tháng 8 năm 1907 [1] tại phủ An Thường công chúa ở xóm Xuân An, làng Phú Xuân (nay là phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế). Tuy nhiên, chánh quán của ông thì ở làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Thân phụ ông là Thị độc đại học sĩ Phan Văn Dư, cháu nội nhiều đời của Đô thông hậu quân Phan Văn Thúy (một bộ tướng của chúa Nguyễn Ánh) và An Thường công chúa (con vua Minh Mạng).

Xuất thân trong một gia đình có họ ngoại với hoàng tộc, có nhiều người làm quan võ, nhưng Phan Văn Dật lại yêu thích nghiệp văn, rất có thể vì ông chịu ảnh hưởng từ cha (Thị độc đại học sĩ) và hai cậu (nhà văn Trần Thanh Mại và nhà văn Trần Thanh Địch).

Thuở nhỏ, Phan Văn Dật theo học chữ Hán, lớn lên mới theo học chữ quốc ngữ tại Trường Quốc Học Huế.

Năm 1927, ông tốt nghiệp bằng Thành chung, vì gia cảnh phải thôi học vào làm thư ký tại Sở Trước bạ Đà Nẵng.

Năm 1939, ông về lại Huế làm ở Nha Ngân khố Trung Kỳ, rồi trải qua các sở: Sở Văn hóa, Nha Thông tin, Sở Ngân chánh Huế, đồng thời dạy học tại Trường Nữ học Đồng Khánh và Trường Quốc Học Huế.

Năm 1951, ông làm Chủ sự Phòng Trước bạ Huế. Tháng 11 năm này, ông được cử đi tu nghiệp ở Trường Trước bạ quốc gia Lyon, Pháp cho đến tháng 5năm 1952.

Năm 1959, ông được biệt phái sang Viện Đại học Huế, năm sau được cử làm Giảng viên Viện Hán học, sau kiêm cả chức vụ Giám học cho đến năm 1963.

 Năm 1964, ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục dạy giờ tại các trường Cao đẳng Mỹ thuật, Nông Lâm Súc, trường Bách khoa Bình dân và Trung học tư thục Đào Duy Từ.

Phan Văn Dật mất tại Huế vào ngày 11 tháng 2 năm 1987, hưởng thọ 80 tuổi, sau hơn mười năm rời bục giảng và cũng còn viết lách gì được nữa.

 Tác phẩm của Phan Văn Dật, gồm:
•Bâng Khuâng (thơ, 1935)
•Diễm Dương trang (tiểu thuyết, giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1935)
•Những ngày vàng lụa (thơ, chỉ đăng rải rác ở các báo, ở trong các sách hợp tuyển, chưa in).

Bên cạnh đó, ông còn nhiều bài viết đăng trên các báo: Nam Phong tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Thần Kinh tạp chí, Tràng An, tạp chí Khuyến học, Rạng Đông, Cười... Ngoài ra, ông còn để lại một số công trình nghiên cứu và dịch thuật khi Viện Đại học Huế mời ông giảng dạy và tham gia việc biên soạn sử liệu.

*
Phan Văn Dật là một người rất mê đọc sách báo, ngay từ 6 tuổi, ông đã biết để dành tiền mua chúng. Năm 1924, lúc 14 tuổi, ông bắt đầu sáng tác và có thơ văn đăng báo.

Tháng 12 năm 1935, Hoài Thanh và Hoài Chân có viết một bài về quyển thơ Bâng khuâng của ông trên báo Tràng An, sau được trích in lại trong quyển Thi nhân Việt Nam. Cùng năm này, tiểu thuyết Diễm Dương trang của ông được giải thưởng của Tự lực văn đoàn, và bài viết Nghệ thuật và nhân sinh của ông đăng trên tạp chí Khuyến học tại Hà Nội số ra ngày 15 tháng 12 năm 1935. Bài viết trên ngay sau đó đã bị báo chí thời bấy giờ lên tiếng phê phán và liệt ông vào phái “ nghệ thuật vị nghệ thuật” bên cạnh Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều...Và cũng chính vì theo khuynh hướng này, nên thơ ông thường đa sầu, hoài cổ và mộng mơ.

Nhận xét về tập thơ Bâng Khuâng, Hoài Thanh và Hoài Chân viết:
...Nguyễn Nhược Pháp với tập "Ngày xưa" đã nhìn vào cảnh vật xưa bằng con mắt một người thời nay, Phan Văn Dật với tập "Bâng khuâng" đã nhìn cảnh vật ngày nay sau bức màn một tâm hồn xưa...Giữa cuộc đời náo động, người ngoảnh mặt làm ngơ và tự tạo cho mình một thế giới riêng, một thế giới lặng lẽ đầy mơ mộng...

Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại.
Hững hờ, tôi thường để nó đi qua.
Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,
Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại.


...Nói cho đúng, thi nhân chẳng phải hoàn toàn sống trong cảnh xưa cảnh mộng và cái thế giới chung quanh tuyệt không có trong con mắt thi nhân. Người cũng biết say vì cảnh đẹp thoáng qua trước mắt. Có lúc bỗng sực nhớ mình là một trai trẻ đương tuổi yêu, nghệ sĩ nắn mấy vần thơ:

Ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp em,
Lời thơ réo rắt tôi săn tìm.
Cậy người mang tặng cho em đọc,
Em để vào ngăn em chẳng xem.


...Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ không réo rắt, không hùng tráng, không làm tha bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: nó là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh đô là nơi quê hương của thi nhân...[2]

Nhìn chung, thơ Phan Văn Dật ít tả cảnh mà thiên về tình, cái tình hoài niệm ấy lại thường gửi gắm qua một câu chuyện tự sự. Ở ông không có những cảm xúc cháy lên như Xuân Diệu, cũng không phải là một tiếng thơ gợi lại những gì mộc mạc, thôn dã kiểu Nguyễn Bính, mà là thứ tình cảm tiếc nuối, nhân hậu, hướng về những gì đã qua đi không trở lại... Phan Văn Dật sớm tiếp thu cổ văn Trung Quốc và văn học cổ điển Pháp, lại ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do dân chủ, nhưng ông vẫn neo chặt ngòi bút của mình vào khuôn phép đạo đức truyền thống, tuy không quá cổ hủ song cũng không dám buông thả...Điều đó, không chỉ thể hiện trong nội dung thơ, mà nó còn biểu hiện phần nào ở thi pháp nghệ thuật của ông. Đa phần thơ ông làm theo lối thất ngôn, ngũ ngôn của Đường luật, lục bát và song thất lục bát chứ chưa dám bước sang ranh giới của lối thơ phá thể, thơ tự do…

Xét về văn, Diễm Dương trang là tác phẩm văn duy nhất của Phan Văn Dật, được viết vào khoảng thời gian ông vào làm việc tại Sở Trước bạ Đà Nẵng, cho nên bối cảnh được tác giả đưa vào truyện chủ yếu tại bãi biển Mỹ Khê nằm cách Đà Nẵng không xa. Nội dung Diễm Dương trang kể về mối tình của anh thư ký Tòa sứ với các cô gái nhà khá giả như Dinh, Nga...

Đề cập đến tác phẩm này, Từ điển Văn học (bộ mới) viết:
Tuy kết cấu còn đơn giản, nhưng tác giả đã biết dẫn dắt cốt truyện theo một trình tự thời gian đảo ngược giữa hiện tại và quá khứ một cách khá hiện đại. Đặc biệt, văn chương hết sức óng chuốt, không thua bất cứ nột tác phẩm văn xuôi nào thời bấy giờ....Qua "Diễm Dương trang", chứng tỏ ngoài thơ, ông còn là một cây bút văn xuôi tinh tế, nhạy cảm, và không thiếu phần sắc sảo...[3]
Tiểu thuyết Diễm Dương trang đã được Tự lực văn đoàn xét tặng giải thưởng năm 1935.
               
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã tuyển giới thiệu ba bài thơ (đều ở trong tập Bâng khuâng, và đều được viết năm 1927) của ông, đó là: Tiễn đưa, Bi Xuân Nương và Nàng con gái học Dương.
Trong Thi nhân tiền chiến (quyển hạ) của Nguyễn Tấn Long, có cả thảy 18 bài thơ của ông. Ngoại trừ bài Chiều mưa trên mộ địa và Tình suông ở trong tập Bâng khuâng, số bài còn lại đều ở trong tập Những ngày vàng lụa, chưa xuất bản. Ở đây trích giới thiệu 4 bài đều ở trong tập thơ chưa in này:

Cho địa chỉ
Nhà anh có bến Đợi Chờ,
Có đình dựa nguyệt, có thơ nhớ Nàng.
Xuân về có gió đông sang,
Thu qua có cảnh lá vàng rụng bay.
Lâm tuyền có thú đổi thay,
Có đêm huyền hoặc, có ngày nhớ nhung.
Có giàn hoa lý bên song,
Có con đường sỏi đi vòng giếng thơi.
Món quê qua quả có thời,
Tháng giêng có hạnh, tháng mười có cam.
Có khi ngồi ngắm trên am,
Mây hồng dựng sớm, sương lam tỏa chiếu.
Hư thân có mãi cái nghèo,
Tùy lòng ai có muốn theo thì về.

(Những ngày vàng lụa)

Tình quê
Đường lau khuất khuất quanh quanh,
So le hoa dại đôi cành thờ ơ.
Chiều hôm đứng lặng như mơ,
Có cô áo nhuộm đang chờ đợi ai?
Tay lần nếp áo chưa phai,
Thẹn điều vụng nghĩ ửng hai má hồng.
Mày say vẽ nét cong cong,
Tình xuân chớm dậy nghe lòng tỉ tê.

(Những ngày vàng lụa)

Kỷ niệm
Ai hay ghì được cái thời gian?
Gọi lại vài giây những mộng tàn?
Hay được vùi sâu ngày dĩ vãng,
Cùng bao phai rụng dưới tâm can.

Đời lặng lờ đem ta đến đâu?
Sông lòng diệu vợi nước nông sâu?
Phong trần áo ngả màu mưa nắng,
Lệ tủi tài hoa hoen má nâu!

Mây giạt về đâu bốn phía trời?
Còn đây hương ngụy buổi đôi mươi?
Phôi pha bến nguyệt thề nhung lụa,
Bướm trắng đà bay mộng thắm rời!

Tình gửi vào đây một chút thơ ,
Rồi đây giấy úa chữ lu mờ;
Khóc cười thành bại lòng ta cũng
Thêm với thời gian vết gió mưa.

(Những ngày vàng lụa)

Như đã nói trên, thơ ông thường là “thứ tình cảm tiếc nuối, nhân hậu, hướng về những gì đã qua đi không trở lại…”. Mặc dù vậy, cũng có đôi ba bài mang âm hưởng hào hùng theo phong cách thơ tráng ca buổi ấy, thí dụ như ở bài:

Tráng sĩ hành
Ra đi! Ghềnh suối hãy chờ ta!
Muôn dặm trùng san tái ngoại xa!
Gươm báu reo vang ngời máu giận,
Đất trời say ngất khí can qua!

Ra đi! Ngựa thét nhớ hơi ngàn,
Thác lũ sườn non trăng ải quan,
Cất gió khinh thường sa mạc vắng,
Quê nhà đem dọi quẩy lên an.

Cơm áo ra chi đời chật hẹp!
Trần ai mấy mặt dám xông pha!
Ra khi! Rượu nóng khà trăm chén,
Dập tắt sầu thương chỗ xó nhà.

Hào kiệt trắng cương vùi cát bụi,
Há mềm nước mắt khóe thu ba?
Ra đi! Còn đợi chờ chi nữa?
Tây lũng ba canh rộn tiếng gà.

Lòng gởi bốn phương chồn bước rảo,
Vui gì chăn gối uổng niên hoa!
Ra đi cho biết mùi sương gió,
Tắm gội mưa mai quái nắng tà.

Rượu tỉnh khôn xua sầu vạn cổ!
Anh hùng sao được mấy thân già?
Phi thường ai biết ai tri kỷ?
Mùi thế chau mày khổ hận đa!...

Một tiếng pháo ran bày thế trận,
Cờ bay phất phất tới lui qua.
Gươm thiêng vút mạnh đầu tuôn rụng,
Trống giục rền mây sát khí lòa.

Tràng tiến ba quân giành thủ cấp,
Biền mâu trùng điệp chớp kim sa.
Một hồi chiêng gióng khao quân sĩ,
Ngang chiếc Long Toàn khảng khái ca.

Quạnh quẽ đêm dài lùa gió lạnh,
Hồn ai than khóc bãi tha ma?
Tung hoành chi sá niềm khăn yếm,
Thề chốn sa trường tóc bạc pha!

Vó ngựa hề lên an,
Quay tít gươm hề rượt gió ngàn,
Ra đi hôm nay hề không ngoái lại,
Một sớm tranh hùng hề phá giặc tan!

(Những ngày vàng lụa)

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Long Xuyên, ngày 2 tháng 12 năm 2009.

Chú thích:
1.Chép theo Từ điển Văn học (bộ mới, tr. 1399). Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Tấn Long giải thích thêm: Thi nhân Việt Nam ghi ông Dật sinh ngày 17 tháng 8 năm 1909 là không chính xác. Là vì thuở nhỏ ông theo học Hán văn, đến khi vào trường Quốc học Huế thì hơi quá tuổi nên gia đình phải khai trụt xuống. (Thi nhân tiền chiến [quyển hạ]. Nxb Sống Mới, 1968, tr.113).
2.Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941). Nxb Văn học in lại 1988, tr. 312.
3.Lược theo Phạm Phú Phong, mục từ Phan Văn Dật in trong Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, tr. 1400-1401.
               
Nguồn: docx.vn

No comments: