Dân tộc Vân Kiều sống trên hai mái Trường Sơn, tập trung ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông ( Quảng Trị ), một ít ở huyện Alưới (Thừa Thiên- Huế) và một số ở Lào ( Tây Trường Sơn ). Người Vân Kiều có tiếng nói mà chưa có chữ viết, nên nói THƠ của người Vân Kiều là tôi muốn nói đến lời những câu hát dân ca của dân tộc này. Nhà văn Mai Văn Tấn (*) sinh thời là sĩ quan bộ đội biên phòng, hàng chục năm ăn ở cùng đồng bào Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa, nên ông rất am tường văn hóa của họ . Ông đã sưu tầm và biên soạn hai tập truyện cổ Vân Kiều rất hấp dẫn . Đặc biệt, đầu năm 1980, ở Huế, nhà văn tặng tôi tập Dân ca Vân Kiều do ông sưu tầm, phiên dịch và giới thiệu. Tôi đã đọc say mê và thích thú. Gần đây, trong dịp xếp lại mấy giá sách gia đình, tôi bắt gặp lại cuốn Dân ca Vân Kiều . Đọc lại Dân Ca Vân Kiều tôi nhận ra rất nhiều điều hay mà lúc trẻ mình chưa tường tỏ. Là người làm thơ, tôi nhận được ở trong kho tàng dân ca người Vân Kiều những bài học bổ ích vô giá về thơ, về cách sử dụng ngôn ngữ hình tượng, về thủ thuật cao cường trong liên tưởng, so sánh, ẩn dụ. Theo tôi , những câu dân ca này chính là thơ của người Vân Kiều. Một thứ thơ điêu luyện được hát lên...
Có một bài thơ tình yêu cô đọng đến mức phát lửa. Có thể gọi như các nhà thơ hay gọi: đây là "thơ mi-ni"- thứ thơ đọc lên nghe lạnh cả sống lưng, nghe như có nắng hè chói lóa vào mắt!
Bài thơ chỉ hai câu, sáu chữ :
Lửa gặp gươm
Chàng gặp nàng
Có thể mở ngoặc đơn thêm một chữ "như" sau câu đầu cho dễ đọc, dễ hát. Nhưng về thơ thì không cần chữ "như" ấy . Đây là câu ca dao Vân Kiều mà người sưu tầm, tuyển dịch xếp thứ tự số 32, mục "ca dao về kinh nghiệm xã hội, về kinh nghiệm xử thế". Có thể anh Mai Văn Tấn đúng vì anh rất rành ngôn ngữ và tập quán Vân Kiều. Nhưng tôi thì tôi thích xếp câu ca dao trên vào những bài thơ tình yêu đôi lứa. Xin đọc lại : Lửa gặp gươm - Chàng gặp nàng . Lưỡi gươm nói cái sắc, cái sáng chói của lửa, mô tả thật sinh động, tài tình "ánh chớp ái tình" khi chàng gặp nàng. Lửa và rơm bắt vào nhau là sự kết hợp không thể khuất phục được. Cũng như chàng với nàng, khi đã bén, đã yêu thì bùng cháy, chớp sáng, mãnh liệt. Sức mạnh như được lũy thừa lên, lộng lẫy hào quang sắc đẹp. Bài thơ ngắn mà có đối, có tỷ, có phú, chí cao, tình thâm, trọn vẹn và hiện đại ! Bài thơ diễn tả thật đắc địa, thần tình cái "chạm" ban đầu trong cõi yêu đương. Người Kinh có câu : “Thấy anh như thấy mặt trời / Chói chang khó ngó, trao lời khó trao” đã ghê lắm rồi. Nhưng "lửa gặp gươm - Chàng gặp nàng" có cái gì đó mạnh mẽ hơn về hình tượng thơ, cô đọng hơn về chữ nghĩa. Lối thơ hàm xúc này làm cho ta say cái rung cảm bồng bột và ám ảnh khó dứt như khi đọc thơ hai-ku của Nhật Bản hay thơ ngắn của đại thi hào Ta-Gor ( Ấn Độ) : Em thế nào cứ thế mà đến / Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần!
Lại chuyện tình yêu. Những chàng trai cô gái Vân Kiều đến tuổi yêu đương đã được dân tộc mình trang bị cho những câu hát " tán" thật có hiệu quả. Ví dụ chàng trai hát : Ngủ hay thức hỡi em ! Có nghe tiếng con voi lạc vào bãi bông của em đó / Ngủ hay thức hỡi em ! Có nghe tiếng chân con tê giác dẫm nát nương gai của em đó ? Và nếu cô gái còn "cố tình" thử thách bằng im lặng, tiếng hát lại cất lên nồng cháy, gần gụi hơn :
Khi cây ngô em đang có bắp non, có con sóc muốn xuống ăn hạt
Khi cây lúa em đang thời trĩu bông, có con đồi muốn đến gặm trắt
Và đây là "hồi âm" của cô gái :
Dòng nước anh đã trào đến, con nước anh đã dâng lên
Em muốn đưa tay nhận, em muốn dang tay đón
Thấy anh muốn so ngay ngón tay giữa
Thấy anh, em muốn đọ ngay ngón tay út, anh ơi !
Những hình ảnh "cây ngô", “cây lúa","con sóc","con đồi","con nước", ngón tay giữa", " ngón tay út", .v.v.. trong những câu hát trên là chi tiết thơ ( hay chất liệu thơ ) dùng để chuyển tải các trạng huống tình cảm. Người làm thơ giỏi, thơ hay là trên cơ sở những chất liệu hiện thực đời sống, tạo ra được nhiều hình ảnh thơ sinh động để tăng hiệu quả của liên tưởng, so sánh hoặc ẩn dụ.
Sau khi "bén" nhau rồi thì mong thì nhớ. Người Vân Kiều nhớ mong cũng khắc khỏai ghê gớm lắm . Xin bạn đọc chú ý cách sử dụng hình tượng thơ trong mấy câu sau đây :
Nhớ nhau lòng như con sóng chao
Thương nhau hơn dòng nước Khóng chảy xiết
Yêu nhau núi lở trong lòng...
Cái nhớ thương lay đọng, nghiêng ngả, cuồn cuộn, mài xiết vào tâm tưởng. Đọc câu "Yêu nhau núi lở trong lòng" ta như nghe được cả âm thanh của nối đau tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu có câu thơ " Yêu là chết trong lòng một ít" rất hay, rất thật. Nhưng theo thiển ý của tôi câu thơ Vân Kiều " Yêu nhau núi lở trong lòng" nói được cái thật hơn, dữ dội hơn, nên hay hơn ! Thế đấy. Còn biết bao nhiêu câu thơ tài hoa về tình yêu trên Nguồn Trường Sơn ấy !
Sách Dân ca Vân Kiều của nhà văn Mai Văn Tấn tuyển chọn và dịch đến 196 khúc ca. Ấy là 196 bài thơ, ý thơ đặc sắc của một dân tộc. Thơ người Vân Kiều có thân phận tựa như cây đàn Khlui ( Tiếng kèn tiếng vui, tiếng khlui tiếng buồn). Bài thơ về Thân phận kèn khlui chính là thân phận của người Vân Kiều, được kể với lối ví von hình ảnh, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc : Thương kèn khlui / Số phận dập vùi / Từ thuở măng tơ / Có người đến bẻ / Khi thành cây tre / Mưa dập gió dồi / Con voi đi ngang / Xéo lên cành lá / Con chim bay xa / Ngọn tre làm tổ / Chưa khổ hay sao ? / Ai kia ngồi đó / Lại đốn tre về / Dùi tre thành lỗ / Xương thịt quặn đau / Lòng săn rét gió / Ta cất tiếng kêu / Trong ngoài đều rõ...
Học ca dao, dân ca, chính là học cái tinh túy nhất của đời sống , để cho thơ càng gần hơn với đời, với người ,với cuộc sống mỗi ngày biến động...
------------------------
(*) Mai Văn Tấn ( 1931 - 1986) : Tên thật là Mai Văn Kế, người làng Quy Hâụ, xã Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam ( 1985). Đã xuất bản : Quả bầu tiên ( 1975-1976); Truyện cổ Vân Kiều ( Tập 1, Tập 2 1974- 1978) ; Aicum Ai Cloóc ( 1975); Giữa rừng Côpi ( Tập truyện, 1976); Dấu chân chiến sĩ biên phòng ( truyện ký, 1976); Dân ca Vân Kiều ( 1979) ; Đất Ấm ( truyện ký, 1983)
Nguồn: ngominh.vnweblogs.com
No comments:
Post a Comment