Ghi chép
Có một làng quê nhỏ, khiêm nhường nép mình sau lũy tre xanh ở cuối dòng sông Bến Hải, suốt bốn mùa trầm mình trong tiếng du dương nghìn đời của sóng biển cửa Tùng. Từ xưa đến nay, làng quê nhỏ ấy đã trải qua biết bao nhiêu biến cố cùng với chiều dài của lịch sử dân tộc, vậy mà chính trên mảnh đất ấy đã sinh ra, đã ấp iu nuôi dưỡng rất nhiều người con ưu tú...họ là những nghệ sỹ tài hoa lừng lẫy trên bầu trời nghệ thuật của nước nhà...
Sử cũ chép lại rằng: Ngôi làng nhỏ có tên là Tùng Luật xưa kia thuộc huyện Minh Linh, đã xuất hiện trên bản đồ nước Đại Việt từ năm 1069 (thời nhà Lý). Đây chính là cái nôi đã sinh ra điệu "chèo cạn làng Tùng". Một trong những nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo mà người đời đã bảo tồn và gìn giữ cho tới ngày nay. Đây cũng chính là quê hương của Hoàng Hậu Hiếu Văn hoàng đế Nguyễn Phúc Nguyên, tiền nhân của 13 đời vua triều Nguyễn, ngự trị hơn một trăm năm và đã để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc. Vương phi Mai Thị Vàng, người đàn bà tiết hạnh đã có một thiên tình sử đầy bi ai, trắc trở với Hoàng đế Duy Tân cũng được sinh ra ngay chính trên mảnh đất này.
Chiếu theo thuật phong thủy thì làng nằm trên thế đất "Phụng hàm thơ", có nghĩa là con chim Phụng Hoàng ngậm thơ trong miệng. Âu đó cũng là điềm lành dự báo đất sẽ sinh ra nhiều bậc anh hào, tài tử, giai nhân... giải thích nguồn gốc của điệu chèo cạn ở đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: xưa kia, đây là một cảng thị sầm uất, nằm ngay mé biển nên xác cá Voi, cá Ông chết ngoài biển thường trôi dạt vào bờ. Là những cư dân vùng biển, họ hết sức tôn thờ những loài vật này theo truyền thống tín ngưỡng vật linh luận. Mỗi khi thấy xác cá trôi dạt vào bờ, người dân ở đây thường thiết những mâm lễ rất trang trọng, để đưa tiễn linh hồn của các thần ngư về trời. Những lúc như thế, họ thường quy tụ những đội "hát đưa linh", mỗi đội thường là 15 người (còn gọi là đội chèo cạn). Các nghệ nhân người cầm chịch, người cầm chèo, người tát nước, người đứng mũi... rồi nhịp nhàng hát theo những bè cao, bè thấp...nhằm mô phỏng lại những chuyến đi biển của ngư dân, người cầm chịch trong các đội chèo cạn bắt buộc phải hát được các điệu hò mái nhì, hò nện... So với các miền biển khác, lễ hội chèo cạn làng Tùng Luật còn có những nét đặc trưng như: tay chèo của ba trạo (12 tay chèo) phải có ngoắc tay làm cho động tác chèo trở nên mạnh mẽ hơn nhằm tái hiện lại hình ảnh những người đi biển vượt qua sóng biển một cách chân thực nhất. Đồng thời chèo cạn ở đây còn kết hợp với hò lý ngư, hò mái đẩy để cho ba trạo lấy hơi. Ở chèo cạn làng Tùng, thuyền được hình thành bởi sự sắp xếp của các ba trạo và được diễn ra trên một phạm vi rộng là sân làng. Vậy nên, các buổi biểu diễn của đội chèo cạn làng Tùng bao giờ cũng sinh động.
Theo những nguồn tài liệu hiện có thì người được coi là ông tổ đã khơi thông cho mạch nguồn ca hát ở làng Tùng Luật (nay thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) chảy mãi đến muôn đời là ông Nguyễn Hữu Như Bá (1840). Khi đến tuổi trưởng thành, ông Bá học nghề bốc thuốc cứu người nên rất có điều kiện để vào ra Kinh đô Huế và các tình vùng Nam Trung bộ, đôi khi ông còn tìm nguồn gốc thuốc quý tận lục tỉnh Nam kỳ. Trên những hành trình phiêu lãng ấy, ông đã có dịp để xem nhiều gánh hát tuồng biểu diễn. Như tiền định, những làn điệu dân ca vùng Trung bộ như những loài tiên dược tháng ngày ăn sâu vào tâm khảm và máu huyết của ông. Để thỏa chí cầm ca, ông Bá đã dừng chân ở xứ dừa Bình Định để tìm thầy học hát Bội. sau đó, ông ra Huế theo thầy học nhuần nhuyễn thêm 5 loại nhạc cụ với nhiều làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên như điệu lý giao duyên, lý ngựa ô, lý đoản xuân, lý quỳnh tương, lý con sáo sang sông; điệu khách gồm kim tiền lưu thủy, phú lục chậm, phú lục nhanh, cổ bản thường, cổ bản dựng, tứ đại cảnh (nam ai, nam bằng, nam xuân...); điệu hò Quảng Trị như hò mái nhì, hò mái đẩy, hò hụi, hò mái xắp, hò đưa linh...Từ đó, ông đêm ngày khổ luyện để truyền thụ lại cho anh em, con cháu trong cùng dòng tộc. Sau một thời gian rất ngắn, một gánh hát do ông làm chủ đã được ra đời, gánh hát có 14 diễn viên gồm: con trai Nguyễn Như Gián, các con gái là Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hạnh (thân mẫu NSND Lệ Thi) và các ông Nguyễn Như Tính, Trần Duyến (sau 1954, ông Duyến là nhạc công ca Huế của Đài Tiếng nói Việt Nam), Lê Não, Võ Cháu (thân sinh của nhạc sĩ Võ Đình Hùng), Trần Nóng, Phùng Ngấn, Nguyễn Khê, Bùi Văn Mè (thân sinh NSND Châu Loan, Châu Phụng). Gánh hát này bắt đầu biểu diễn từ năm 1880. Việc xuất hiện gánh hát này là một "sự kiện trọng đại" trong sinh hoạt văn hóa ở Quảng Trị thời bấy giờ. Chính vì vậy mà những tích tuồng cổ như: "Thoại Khanh Châu Tuấn", "Lưu Bình Dương Lễ", "Giang tả cầu hôn", "Cô Cơ giả dại qua đèo", "Hồ Xuân Hương", "Tam xuân loạn trào" ... với những giọng ca mùi mẫn đã làm cho nhiều người trong vùng Trung bộ đắm say. Sau này, 12 dòng họ trong xã Vĩnh Giang đã thống nhất lập nên đội "Chèo cạn làng Tùng", trên cơ sở là gánh hát của ông Nguyễn Hữu Như Bá, tồn tại cho đến năm 1947, lúc mà giặc Pháp tấn công dữ dội vào Vĩnh Linh mới tạm ngưng.
Những thế hệ hậu duệ đã không phụ lòng ông, họ miệt mài rèn luyện để trở thành những nghệ sĩ tài danh được cả nước biết đến như: NSND Châu Loan, NSND Lệ Thi, NSƯT Kim Phú (vợ của NSƯT Sỹ Cừ), NSƯT Kim Quý (vợ của NSND Xuân Đàm), NSƯT Châu Dinh, Thu Sen, Ái Chủng, Trần Duyến, Thanh Thảo...
Cố NSND Châu Loan (tên thật là Bùi Thị Loan) sinh năm 1926, là con gái của nghệ sĩ Ba Mè. Được sinh thành, dưỡng dục trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc, từ năm 7 tuổi, Châu Loan đã được cha dạy cho đàn và hát dân ca. Trong môi trường ấy, tài năng của Châu Loan đã sớm nảy nở. Châu Loan có một chất giọng thiên phú và đặc biệt có tài ngâm thơ. Năm 1947, bà theo cha ra Hà Nội, cộng tác với đài phát thanh Pháp Á. Năm 1954, hòa bình lập lại, bà làm việc tại Tổ ca nhạc miền Trung, Ban âm nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, Châu Loan được chọn là diễn viên xuất sắc đi dự Hội nghị thanh niên thế giới lần thứ nhất ở Vác SaVa (Ba Lan). Trong những năm tháng chiến tranh, tiếng thơ của Châu Loan trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đêm đêm đã làm đắm say biết bao nhiêu triệu con tim của chiến sĩ và đồng bào trong cả nước. NSND Châu Loan nay không còn nữa (bà mất vì bệnh ung thư vào chiều Noel năm 1972), nhưng tên tuổi cùng với giọng ngâm thơ réo rắt đằm thắm của bà sẽ mãi còn ngân nga cùng với tuổi dài của đất nước. Bà được phong tặng danh hiệu NSND năm 1984 (đợt 1). Bà là mẹ của nhạc sỹ Quốc Trường.
NSND Lệ Thi (tên thật là Vũ Thị Lệ Thi) sinh năm 1925, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình có cha là tri phủ, mẹ là nghệ nhân Nguyễn Thị Hạnh, ông ngoại là cụ tổ Nguyễn Hữu Như Bá. Năm lên 15 tuổi, Lệ Thi đi theo đoàn tuồng "Ý Hiệp Ban" do vợ chồng ông Bang tá làm chủ gánh. Ở Đoàn tuồng này Lệ Thi đã rong ruổi khắp các miền đất ở vùng Trung bộ để biểu diễn và đã rất thành công với các vai diễn: Loan Dung (vỡ Lý Phụng Đình); Trại ba (vỡ Địch Thanh ly hôn); Đào Tam Xuân (vỡ Trảm trịnh ân); Nguyệt cô (vỡ Tiết Giao đoạt ngọc); Nguyệt Tiên (vỡ Đào phi phụng); Xuân Hương (vỡ Mã long mã phụng); Phượng Cơ (vỡ Tam Nữ đồ vương)... Năm 1942, Lệ Thi đã cùng mẹ và anh trai là Vũ Tư Trị lập nên một gánh hát do ông Tư Trị làm chủ. Cuộc đời ca hát đã làm cho Lệ Thi say đắm mà quên đi cuộc sống của một vương gia vọng tộc (cha của Lệ Thi là Vũ Thiếu Trinh, người quê Quảng Ngãi, làm tri phủ Vĩnh Linh). Sau năm 1954, Lệ Thi tập kết ra Bắc làm diễn viên của đoàn Văn công liên khu 5. sau khi Đoàn tách làm 2 đoàn là đoàn Tuồng và đoàn Dân ca kịch. Lệ Thi đã cùng với Ngô Quang Thắng, Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Kiểm, Đinh Thái Sơn tham dự đoàn dân ca kịch và được giao nhiệm vụ xây dựng kịch chủng mới là kịch hát bài chòi. Chính bà cũng là người đã có rất nhiều đóng góp trong việc cách tân, cải biên dân ca kịch liên khu 5. Các điệu lý như: Lý bắt bướm, Lý thiên thai, Lý hoa thơm, các điệu hò xe, hò đạp nước và đặc biệt là hò bài chòi đã được bà cách tân để đưa vào dân ca kịch một cách nhuần nhụy. Trong chiến tranh, bà là một nghệ sĩ luôn đem tiếng ca của mình đến những điểm chốt gian nguy để phục vụ cho đồng bào cùng chiến sĩ. Giọng ca điêu luyện, thấm đẫm ân tình của bà đã làm cho nhiều trái tim đắm say và yêu mến. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu NSND (đợt 1), bà là vợ của soạn giả, NSƯT Nguyễn Tường Nhẫn, Con trai bà là Kì Ngộ và con gái Tường Vân đều là diễn viên Đoàn ca kịch Thuận Hải, con trai Quang Tái là một nhạc công của đoàn, con gái Hạnh Nguyên là diễn viên Đoàn ca kịch Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
NSƯT Châu Dinh (tên thật là Nguyễn Thị Dinh), sinh năm 1942 ở quê mẹ là làng Tùng Luật. Năm 1960 Châu Dinh được tiếp nhận vào đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế khi đoàn đang đóng tại Ty Thông tin - Văn hóa Vĩnh Linh. Thời gian này Châu Dinh có dịp trau dồi, rèn luyện các kỹ năng ca, kỹ năng sân khấu. Bà Kim Thao, là người đã có công giúp Châu Dinh định hình tính cách, vai diễn về sau. Năm 1961, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam đang bắt đầu bước vào thế trận mới, Châu Dinh đã được Đài tiếng nói Việt Nam mời thể hiện nhiều bài ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên ngợi ca cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Thính giả trong cả nước cũng từ đây bắt đầu biết đến tên tuổi Châu Dinh.
Những năm 1970, trên miền đất XHCN, Châu Dinh đã có những tháng ngày tuyệt vời về sự ôn luyện học tập nghệ thuật ca kịch Huế. Từ phong cách biểu diễn đến kỹ thuật diễn ca Châu Dinh đều cố gắng thể hiện không để làm phụ lòng các bậc thầy như Kim Oanh, Mộng Điệp, Minh Tâm.
Từ năm 1966 đến năm 1969, Châu Dinh được theo đoàn vào tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh. Để biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ vùng giới tuyến. Với tài năng và bản lĩnh của mình, Châu Dinh được đoàn phân công và đảm nhận nhiều vai diễn quan trọng. Châu Dinh nhớ và ấn tượng nhất là vai diễn đầu tiên: Bà Lành trong vở diễn Con gà chân chì. Qua vai bà Lành, Châu Dinh đã thu hút được sự chú ý của khán giả, niềm tin cậy của khán giả dành cho Châu Dinh ngày càng được nhân lên.
Nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ca Huế tiếp tục được định hình theo thời gian. Lần lượt, Châu Dinh đảm nhận nhiều vai diễn mới như Kan Xiêm (vở Kan Lịch), Công chúa Sở, Tuấn mẫu (vở Thoại Khanh Châu Tuấn), Bà vợ trung tá quân đội Sài Gòn (vở Chiếc áo cưới màu xanh) của các soạn giả Xuân Lư - Lê Anh Phong; Bà mẹ sinh viên đấu tranh (vở Nước mắt và bạo lực), Nhũ mẫu (vở Quạ thần, pho tượng đá) chuyển thể từ kịch nói của soạn giả Lưu Quang Vũ...
Tài năng nghệ thuật của Châu Dinh được nhiều đài, báo trong nước ngợi ca. Chị xứng đáng với Huy chương Bạc (1985- vỡ Vòng oan nghiệt của soạn giả Lê bá Sinh), Huy chương Vàng (1990- vai Diệu Thúy trong vỡ Lời trăn trối của soạn giả Minh Hằng) cùng nhiều bằng khen khác qua các mùa hội diễn. Bên cạnh thành tích trên Châu Dinh đã được Bộ VHTT tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp VHNT và vinh dự nhất là được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1993.
Trên mảnh đất cỗi cằn Quảng Trị, vợ chồng NSƯT Sỹ Cừ-NSƯT Kim Phú đã cùng với các nghệ sĩ tâm huyết khác đêm ngày tôi luyện để đạt đến đỉnh cao trong biểu diễn đàn và hát dân ca. Cũng chính họ là những người luôn đau đáu một khát vọng bảo lưu và phát triển một cách vĩnh hằng những vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc. Khác với người chị ruột của mình, NSƯT Kim Quý đã thể hiện rất thành công khả năng biểu diễn của mình trên sân khấu kịch nói. Với tài đạo diễn sân khấu của chồng chị (NSND Xuân Đàm), với những kịch bản của các nhà văn là người Quảng Trị như: Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Cao Hạnh... NSƯT Kim Quý đã thực sự tỏa sáng qua từng vai diễn của mình trong các vở như: "Mùa hạ cay đắng", "Ám ảnh", "Đứa con nối dõi", "Chuyện đời thường vớ vẩn", "Huyền thoại mẹ"... đặc biệt ở NSƯT Kim Quý là vai độc diễn Lý Chiêu Hoàng. Liên tiếp trong nhiều năm, chị đã gặt hái về cho quê hương Quảng Trị, cho làng Tùng Luật của chị nhiều huy chương vàng của các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc. Chị kể: "Sau nhiều năm tháng đi xa, về lại nơi chôn nhau, cắt rốn chị nghẹn ngào trước cảnh quê nhà hoang tàn, đổ nát. Ngay từ những giây phút ấy, chị chợt hiểu rằng mình đã mắc nợ với quê hương, mắc nợ với những người đã khuất, món nợ mà đời chị chẳng dễ gì trả nổi. Từ đó, chị đã dồn hết tâm lực của mình vào các vai diễn về đề tài chiến tranh với khát khao trả món nợ tâm linh cho xứ sở. Các hình tượng nhân vật được chị thể hiện đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem khắp cả nước.
Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, người viết không thể nào kể hết những gương mặt nghệ sĩ tài hoa là con dân của làng quê Tùng Luật. Những con người tài hoa ấy đã chung tay vào với lịch sử nghệ thuật của nước nhà, họ miệt mài xây dựng ngôi nhà chung ấy để rồi họ không còn là của riêng cái làng ven biển Tùng Luật nữa, không là của cái tỉnh Quảng Trị khốn khó ấy nữa, mà họ là của chung đất nước này.
Ngày dần trôi, tôi đi trên con đường quê thẩm nắng, làng Tùng Luật vẫn yên bình trong tiếng gió lao xao và sóng biển từ phía khơi xa vẫn vọng về réo rắt. Những bờ tre quanh làng như thể xanh hơn với cánh đồng nom cũng thêm trù phú. Mọi cảnh đã khác nhiều so với một thời quá vãng cực nhọc, gian nan... Nhặt lên chiếc lá từ mảnh đất bazan đỏ thắm dưới chân mình, tôi như nghe thấy từng lời thì thầm của đất. Những người dân của làng Tùng Luật muôn đời vẫn thế, họ lặng lẽ chắt chiu cho đời những hạt phù sa nghệ thuật, để chăm bẳm cho vườn hoa chung ấy mãi mãi đẹp tươi.
P.B.B.T
No comments:
Post a Comment