Tản văn
GỬI BÁC GIỮ XE Ở TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ
Bùi Hoàng Linh
Có thể trong suốt quãng đời đi học, chắc ai cũng có những ký ức thật riêng thật đặc biệt dành cho ngôi trường của mình, và mình cũng không ngoại lệ. Nhưng cái đáng nhớ cũng không xa lạ, gần gũi lắm mà đôi khi dễ hờ hững vô tâm. Và nỗi nhớ về bác bảo vệ già ở cổng sau của trường Quốc Học có khi là sự chọn lựa của cái duyên vì là đứa học trò đi trễ quanh năm và luôn không dự tiết chào cờ để từ đó trong thâm tâm lại thân cận với người "giữ cửa" không biết tự bao giờ.
Làm sao quên được vào thời đó nếu đi trễ là phải gửi xe ở ngoài trường. Còn mình thì thường trực đi trễ nên bác bảo vệ đã quen mặt. Và điều làm mình nhớ mãi là những lần bác ra mở cửa, thực tình là bác mở lén cho vào vì mình đi trễ, và còn luôn để dành cho một chỗ lấy xe cho dễ, để chiều về có tiết học thêm bên thầy Nghệ môn Hoá hay thầy Tiến Anh môn Lý thì dễ về sớm mà tranh thủ ăn chút gì đó để tiếp tục cái nghiệp nấu sử sôi kinh. Có lẽ hai bác cháu chưa từng biết tên nhau, nhưng những lần dắt xe vào hay tan trường cũng nhìn bác cười như thể nói rằng con chào bác. Mình cũng chưa từng nói lời cám ơn, bác cũng không hề nhắc nhở là lần sau đi sớm hơn hay gì cả. Có lẽ có một sự thông cảm của bác rằng nếu mình đóng cửa thì cậu nhóc này còn đi gửi xe và sẽ trễ thêm nhiều nữa.
Và đến sau này khi lớn lên mới hiểu cái bao dung ấm áp của một người lớn dành cho một người vừa nhỏ bé vừa dại khờ. Và cũng thấy vui khi một người trẻ nào đó trân trọng mình, thấy ở họ cái khiêm tốn thì mình tin họ sẽ luôn học hỏi và không ngừng tự sửa mình. Và những tháng năm về sau mình thấy trân trọng những tháng ngày lặng lẽ bảo vệ sự an toàn cho nhà trường và học sinh của bác. Rồi thì không ai nhớ mặt nhớ tên, nhưng có những người họ vẫn cần mẫn với phận mình, với nghiệp đã chọn mà tận tâm với công việc gắn với đời mình.
Những ngày mùa đông của Huế, cái rét căm như đóng băng cả đời sống thì mình còn nhớ chiếc áo len cổ tim đã sờn phai, và chiếc quần tây màu nâu xăn lên 1, 2 lai của bác, vẫn lặng lẽ đội mưa xếp xe đạp từng hàng gọn gàng và đóng mở cổng cho đứa học trò luôn đến trường bằng "chuyến xe" tới muộn trễ tràng. Những năm sau khi tốt nghiệp đại học, mình có về trường tìm bác nhưng đã không còn gặp nữa. Có lẽ thời gian đã đem bác đặt ở một nơi chốn khác, một cuộc rong chơi khác có khi. Còn mình thì ngẩn ngơ nhớ về ngày cũ đã từng có những ký ức để mà thương mà nhớ đến nhói lòng.
Mỗi lần nhớ kỷ niệm về bác bảo vệ thì mình lại tự dưng nhớ bài hát "Dòng sông ai đã đặt tên". Vì cũng giống như sông Hương không ai biết dòng sông được ai đặt tên nhưng đã lặng lẽ phận mình chảy ngang qua thành phố đôi khi như một dòng thơ trôi qua giữa những trăn trở bâng khuâng của hồn phố đời người.
Cũng như với bác bảo vệ mình cũng không hề biết tên, nhưng chắc chắn có một điều sẽ giống nhau, là khi đi xa rồi sẽ nhớ lắm con sông phẳng lặng cũng như gương mặt bác bình thản hiền khô. Cái mặt hiền khô của người Huế cũng như dòng sông không gợn sóng mà đáy sâu chỉ giữ lại cho riêng mình những gì riêng nhất...
Tình Huế có cái chi đó thâm trầm, khiêm cung, lặng lẽ, chìm khuất. Để khi xa rồi, tưởng sẽ quên dần theo thời gian mà có đâu ngờ nỗi nhớ theo tháng theo năm đã hóa thành trầm tích, lắng đọng lại cái tình lắm khi như cái roi tre của tình cảm vừa đủ ngậm ngùi rưng rức, để rồi có người giữa phố thị không có "ngõ sau" vẫn luôn ngoái về quê mẹ.
Saigon, ngày 15/7/2022
Bùi Hoàng Linh
No comments:
Post a Comment