Tac giả Lưu Lãng Khách |
NHỚ MÃI THẦY ƠI
Tôi được sinh ra trong một gia đình mấy đời thanh bần, chẳng có gì đáng nói, ngoài cụ cố Nguyễn Phú nhà tôi văn võ song toàn, được tuyển chọn phục vụ trong cẩm thị vệ hoàng cung, suốt từ thời vua Tự Đức, cho tới khi vua Thành Thái gần thoái vị ( 1865- 1906). Đến đời cụ nội nhà tôi, là lý trưởng Nguyễn Vinh, gia sản đã đến hồi khánh kiệt. Khá khen thay, nội vẫn gắng nuôi chú bác tôi ăn học, trở thành những ông giáo. Bác Tám nhà tôi tên Nguyễn Đức Hòa (ông giáo Hòa), là một nhà giáo yêu nước, đã vào Nam tham gia kháng chiến từ thời 9 năm. Ông đã hoạt động bí mật, khắp các tỉnh quanh Sài Gòn, đã từng bị đày ra côn đảo, và đã hy sinh dưới hầm bí mật, cùng hai đồng chí của ông, nơi miền đất thép Củ Chi, vào cuối năm 1969. Thủ tướng Phan Văn Khải, từng là cấp dưới của ông. Nên sinh thời, thủ tướng nhớ ngày kỵ cơm bác tôi, thường về Củ Chi, thắp cây hương cho người thầy yêu kính của mình. Con trai của bác Tám, là anh Nguyễn Đức Thuận ( Trần Văn Thuận, Bảy Thuận), nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty thương mại TPHCM. Dù không nối gót cha giảng dạy, nhưng anh luôn tôn trọng, và biết ơn, những người làm nghề cao quý như cha mình. Thứ đến, là bác Chín của tôi tên Nguyễn Tuất, nguyên là hiệu trưởng trường tiểu học Hổ Thanh, suốt 20 năm, gần đến ngày giải phóng mới nghỉ hưu. Chú Út tôi là ông giáo Út, trước khi vào Nam lập nghiệp, cũng đã nhiều năm dạy học ở quê. Duy chỉ có ba tôi mạnh khỏe, năng nổ nhiệt tình, tự nguyện ở nhà, đứng ra gánh vác gia đình, khi nội mỗi ngày một yếu đi. Dân địa phương, mỗi khi nhắc đến những người con của nội tôi, đều tỏ lòng tôn kính và quý mến, dù ba tôi chẳng giống anh em mình. Bấy nhiêu ấy, về những chú bác trong gia đình, kể cũng đủ cho một đứa trẻ, từ độ tuổi mới lên mười, đã ấp ủ ước mơ, trở thành một nhà giáo tương lai.
Thuở ấy, bác Chín tôi làm hiệu trưởng, và chỉ dạy học trò lớp nhứt (lớp 5 bây giờ). Chẳng biết do thiếu giáo viên hay sao, mà năm lên lớp ba, bác dạy lớp tôi mấy tháng. Bác tôi viết vẽ rất đẹp, giảng dạy rất hay, đã trở thành thần tượng số một của tôi lúc ấy. Bác có hay chăng ngày ngày, thằng cháu ruột luôn bắt chước, từ cách cầm viên phấn, rồi viết theo từng nét, trên cái bảng con, hay luôn học đưa từng nét bút vào trang vở, sau khi đứng nhìn bác viết, còn luôn học nói, theo giọng giảng bài của bác, mới ghê chứ. Thật không ngờ, chỉ mấy tháng trôi qua, tôi đã tiến bộ vượt bậc, khiến người nhà và bè bạn, phải hết sức ngạc nhiên, khi thằng nhóc lớp ba, viết vẽ như bản sao của bác nó, dù non kém hơn nhiều. Bác Chín tôi là người thầy, luôn nhắc nhở câu khẩu hiệu TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN, cho lũ học trò, chỉ đứng sau nhất quỷ nhì ma. Cuối năm 1974, thầy trẻ Nguyễn Kỳ về làm hiệu trưởng, thay bác tôi đã già sắp nghỉ hưu. Thầy Kỳ là họa sĩ, chơi đàn guitar rất cừ, hát rất hay. Hình như thầy giỏi cả cầm kỳ thi họa. Thấy tôi có năng khiếu viết vẽ, thầy đã dạy cho tôi làm báo tường, và cho tôi xem, hầu như toàn bộ tranh ảnh thầy đã họa. Thầy bảo tôi hãy chăm đọc sách, để bồi bổ kiến thức. Và kỳ thi vào đệ thất (lên cấp 2, lớp 6 bây giờ), thầy báo tôi đã đậu nhì trường Hổ Thanh, chỉ sau bạn Phạm Văn Cổ. Rất tiếc, duyên thầy trò chỉ đến đó rồi thôi. Và từ khi lên lớp 6, thầy Đương chủ nhiệm, tôi đã được bầu làm trưởng ban bách báo. Cái chức vụ cỏn con bé tí dễ thương ấy, đã đi theo tôi đến hết lớp 12.
Tôi ở một thôn, có thể gọi là nghèo nhất xã, một xã có lẽ nghèo nhất huyện. Trường cấp hai tôi học thuở ấy vừa giải phóng, có tên gọi là trường Xuân Quang Nam. Trường chỉ có 5 phòng học, cùng văn phòng trường, dành cho ban giám hiệu, và một phòng cho thầy cô giáo thôi. Mà sáng chiều trường phải chứa, học sinh cả bốn xã trong khu vực. Đất thì thừa, mà kinh phí không có, nên nhà trường đã huy động, tất cả phụ huynh học sinh chung tay góp sức, dựng lên gần đó, một trường tranh vách đất 5 phòng, vào những năm khốn khó thiếu đủ thứ. Lũ chúng tôi học cấp 2, mà thậm chí có đứa, đi chân đất suốt mùa mưa, khi đường bùn lầy lội. Phần lớn học sinh không đồng phục, thiếu bảng tên, vì mẹ cha quá khổ quá nghèo.
Năm lên lớp 7, vào một sáng thứ 2, trước lúc chào cờ, học sinh tập trung dường đông đủ trên sân. Bỗng tất cả trố mắt nhìn, một người cao lớn có vầng trán thông minh, vận bộ đồng phục màu xanh của trường kỹ thuật, ngồi trên chiếc sprint, đang êm ái nhả làn khói trắng, từ ngoài cổng đến trước văn phòng. Học trò chúng tôi mấy trăm đứa, phần lớn thuộc con nhà bần nông, đi chiếc xe đạp cũng chẳng ra hồn, nói chi là đến xe máy. Tất cả đều trố mắt nhìn không chớp, cùng chờ đón nghe để biết, về nhân vật chính sáng hôm ấy, và thấy mình thật nhỏ bé thấp hèn, trong ý nghĩ trẻ thơ. Khi ngọn cờ được kéo lên tới đỉnh, bài quốc ca vừa kết thúc, thầy hiệu trưởng liền long trọng giới thiệu, trước toàn trường. Rằng, đó là thầy giáo mới Lê Trọng Dũng, sẽ dạy hai môn toán lý. Hơn nữa, thầy sẽ là giáo viên chủ nhiệm mới của lớp tôi, thay cho thầy Đương trước đó. Ban đầu tôi cứ nghĩ, thầy thuộc tầng lớp tiểu tư sản thành thị, chẳng muốn gần chi. Nhưng không, thầy đã đổ mồ hôi cùng học sinh, trong nhiều ngày lao động, không ngại góp của góp công, vào những việc có ích cho lớp cho trường. Thầy giảng bài rất cuốn hút. Là người bên Tự nhiên, thầy lại rất am hiểu về xã hội, và có năng khiếu văn thể mỹ. Cùng với Vũ sư Sơn cọ, thầy đã dạy cho học sinh múa hát. Thầy là người đệm đàn guitar, suốt những đêm văn nghệ của trường. Thầy cảm nhận thơ văn rất tốt, đã hướng dẫn và cung cấp chọn lọc bài ảnh, cho tôi làm báo lớp. Bấy nhiêu điều đã khiến tôi, dần rất mực quý yêu thầy. (Một sáng mùa thu, trong những ngày đầu niên học mới, khi chúng tôi đang đùa nghịch trên sân, thì thầy Trọng Dũng chở cô Thuận, lượn một vòng ngoạn mục quanh sân, trong tiếng reo hò của lũ học trò. Hình ảnh ấy ấn tượng đến nỗi, giờ đây đã quá lục tuần, chú nhóc trong tôi vẫn còn nhớ như in, cái hình ảnh sống động, của thời xa ngái ấy). Thầy Văn Dũng dạy văn người Bình Định, thầy Trương dạy sử, thầy Thảo thể dục rất dễ gần. Thầy Hiệp, thầy Mãn, thầy Ký, thầy Trân, thầy Nuôi, thầy Giao, thầy Hùng, thầy Cầu, cô Thuận, cô Nguyệt, cô Trâm, cô Kiều, cô Mai, cô Cúc, đều đáng kính đáng yêu. Nhưng có lẽ, lũ chúng tôi yêu quý nhất, là thầy Trọng Dũng của tôi thôi. Hình như năm ấy, tôi đã sáng tác bài thất ngôn tứ tuyệt Kẻo Thầy Chê, đăng lên tờ báo TIẾN THỦ do thầy chọn đề thì phải. Bốn câu thơ, của cậu học trò 13 tuổi ấy, chẳng những được thầy khen trước lớp trước trường, mà còn đọc cho các khóa đàn em nghe, được chúng kể lại với tôi. Sau bác của tôi, đến thầy Kỳ, và nhất là thầy Trọng Dũng, là người đã mớm nuôi ước mơ tôi ấp ủ, thành nhà giáo ngày một lớn dần theo năm tháng. Nhưng, tôi đã phụ lòng mình, phụ lòng thầy, khi học hành ngày một sa sút. Từ một học sinh giỏi từ cấp 1, tôi dần trụt xuống hạng trung bình. Chỉ vì, mới mười ba tuổi đầu, tôi phải trở thành lao động chính, khi chị tôi sang chiến trường K, ba tôi thì đau bịnh quanh năm.
Lên cấp 3, vào học trường trung học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi, tôi may mắn được thầy Phúc chủ nhiệm dạy văn, để ý đến thơ tôi. Thầy rất thích chuyện trò, cùng đàm luận văn chương, và cho tôi mượn sách đọc. Lên lớp 11 và 12, tôi lại được thầy Quang dạy văn chủ nhiệm, dạy cho tôi thuyết trình, và tổ chức những ngày lao động gây quỹ lớp rất vui. Và thơ tôi ít nhiều, đã có tiếng trong trường. Có lẽ, thầy Phúc, thầy Quang, thầy Mỹ, thầy Một, thầy Sử, thầy Dũng Tiến, thầy Châu, thầy Hồng Anh, thầy Hội, cô hiệp..., đều nghĩ, tôi sẽ trở thành một nhà giáo tương lai. Nhưng không! Ước mơ xưa tôi từng ấp ủ, đã vỡ vụn dưới chân tôi, từ trước tuổi trưởng thành, vì nhiều lẽ. Tôi đành ngậm ngùi chọn cho mình, một hướng đi, khó mà mong chí toại danh thành, hầu trả nợ áo cơm.
Với tôi, câu : “ NGHỀ GIÁO LÀ NGHỀ CAO QUÝ NHẤT TRONG NHỮNG NGHỀ CAO QUÝ”, với hàng chữ in hoa thật lớn, mãi chẳng phai mờ trong ký ức, mỗi khi nhớ về tuổi học. Vậy mà ước mơ trở thành nhà giáo, đành vỗ cánh bay đi! Nhưng, những hình dáng đứng đi, những nụ cười ánh mắt, của quý thầy cô giáo qua từng niên học, luôn sống mãi trong tôi, ấm áp tự thuở ấy đến giờ. Còn gì vui hơn, khi mấy năm trước, sau bao năm tôi trở về quê, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra trường TRẦN QUỐC TUẤN. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, khi nhận tin, quá nhiều thầy cô đã cưỡi hạc quy tiên. Mấy trăm cựu học sinh chúng tôi, chỉ còn được cung kính, vui cùng một số thầy cô ít ỏi. May thay trong số đó, vẫn còn thầy Dũng Tiến dạy văn, tôi đã dành nhiều thiện cảm và tôn kính, từ thuở ấy xa xưa. Vui thay, bấy giờ thầy trò chụp ảnh chung, hai mái đầu đều bạc trắng như nhau, và thật giống hai anh em. Niềm vui được nhân đôi, khi chiều ấy bất ngờ, cháu và em tôi đi họp lớp họp trường, nhân kỷ niệm 35 năm gọi về. Thật không ngờ, ở đầu bên kia là giọng thầy Lê Trọng Dũng. Thầy liền đọc một hơi, bài thơ tôi viết ngày nào :
Sáng đông gió bức lạnh lùng ghê
Trống giục trường xa vọng lướt về
Sách vở tay cầm chân rảo bước
Kịp giờ đến lớp kẻo thầy chê.
Mừng quá! Tôi liền mời thầy quá bước đến tệ xá, và hai thầy trò đã hạnh phúc bên nhau, ngồi cạn chén tương phùng, sau bốn mấy năm trời.
Phần lớn các thầy cô, giờ tuổi hạc đã cao như núi. Cầu ơn trên cho quý thầy cô, đã dạy dỗ hay chưa từng dạy dỗ tôi, được bình an mạnh giỏi, sống vui sống khỏe bên con cháu, trong những tháng năm còn lại của đời mình.
Nếu có thể ngược thời gian, quay về khoác áo thư sinh, được chọn hướng cho tương lai đời mình lần nữa, tôi sẽ xin chọn nghề giáo, để được làm người lái đò đưa lớp lớp qua sông, như những thầy cô quý kính của tôi. Thời gian không trở lại! Trong bóng xế đời mình, tôi vẫn luôn nhớ đến quý thầy cô giáo, nhất là những thầy cô, đã từng đứng trên bục giảng lớp mình. Tôi mong rằng, mình sẽ làm được điều gì đó khi có thể, để ít nhiều thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, thương kính quý yêu, những con người phải vượt qua bao lao khổ nhọc nhằn, tận tụy hy sinh, khi đã chọn cái nghề cao quý nhất.
Sài gòn cuối thu 2024
Lưu Lãng Khách
No comments:
Post a Comment